Phố Hà Nội trong “HOME -2023” của họa sĩ Hoàng Định
“Nhân sinh thất thập cổ lai hy” có nghĩa là “người bảy mươi tuổi xưa nay hiếm” - nhà thơ Đỗ Phủ đã viết vậy. Nhưng ở thế kỉ XXI này, 70 tuổi nay đã không còn là hiếm, nhiều người vẫn đang không ngừng sáng tạo và lao động nghệ thuật, làm đẹp và cống hiến cho cuộc đời. Có thể thấy điều này ở tất cả các ngành nghệ thuật như văn chương, âm nhạc, sân khấu, thơ ca... Riêng ngành mỹ thuật, người 70 tuổi vẫn lao động nghệ thuật lại khá phổ biến.
Tháng 3 này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có một cuộc trưng bày tranh với cái tên “HOME - 2023”. Chủ nhân của cuộc triển lãm là họa sĩ Hoàng Định. Ông tổ chức triển lãm nhân ngày sinh thứ 70 của mình. Họa sĩ Hoàng Định sinh năm 1953, tại Đồ Sơn - Hải Phòng, nổi tiếng bởi những sáng tạo được thiết kế ứng dụng trong đời sống. Ông từng triển lãm nhiều lần ở trong nước và ngoài nước. Năm 2018, ông cùng họa sĩ Hà Lan - Somsak Chaituch trưng bày triển lãm chung có tên “Vũ điệu sắc màu” - một triển lãm khá thành công.
Sơn dầu là chất liệu yêu thích của Hoàng Định. Tranh sơn dầu của ông chứa đầy tinh thần lạc quan và ngẫu hứng. Ông sở hữu một phong cách pha trộn ảnh hưởng của trường phái ấn tượng và biểu hiện. Là người ham tìm tòi, trước đây Hoàng Định thường khéo léo giấu đi sự mạch lạc vốn thường thấy trong tranh ông vào một không gian tổng hòa. Hoàng Định đã đưa cảm xúc của mình lan tỏa cùng cảm xúc của màu sắc. Ông thường sử dụng các nét vẽ ngẫu hứng, linh hoạt để bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ. Những tín hiệu màu sắc chồng lấn gợi tả những không gian ước định trong thiên nhiên và chính nó tạo nên sự cuốn hút đối với các tác phẩm của ông.
Nhưng nay, ở triển lãm đánh dấu tuổi 70 của mình, ông chuyển sang một hướng biểu hiện mới. Trong tác phẩm, ông thực hiện cùng một thử nghiệm với những hình ảnh trong mơ của mình trên nền tảng trừu tượng. Các yếu tố được cắt ra và ghép chúng lại với nhau một cách ngẫu nhiên theo các nhóm, theo tỷ lệ và vị trí mới và mã hóa chúng. Dường như ông muốn những hình ảnh của hiện tượng này với cảm nhận nghệ thuật được mô tả bất chấp lời giải thích và lý do.
Những gì đọng lại trong tác phẩm nghệ thuật được hình thành chung là phẩm chất tổng hòa của cái phi khách quan và những hình ảnh mơ màng vô thức, cái mà ông muốn gắn kết. Có nghĩa là trừu tượng dựa trên hình ảnh mơ màng của giác quan mà không có tham chiếu cụ thể đến các hình dạng tự nhiên, phần lớn phụ thuộc vào các hình thức do vô thức tạo ra để dẫn giải một vấn đề mà tác phẩm đề cập đến. Ông gọi cách vẽ này bằng cái tên: Trừu tượng siêu thực “Abstract Surrealism”. Nghe qua những gì ông nói, ta có thể cảm nhận rằng, hình như ông đang quay về với bản năng thị giác trẻ thơ trong các tác phẩm mới của mình…
Họa sĩ Hoàng Định có bằng M.A về Nghệ thuật & Thiết kế tại Hà Lan, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, thành viên của ICAF - Liên đoàn Văn hóa & Nghệ thuật Quốc tế - Hàn Quốc, thành viên của nhóm nghệ thuật quốc tế tại Roma, Ủy viên Ban Điều hành Hiệp hội Bao bì Việt Nam. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, ông đã có nhiều cuộc triển lãm thành công như: Triển lãm Thiết kế đồ họa năm 2000; Triển lãm hội họa cá nhân, tranh sơn dầu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2013 và 2017; tham gia Triển lãm Tranh lụa toàn quốc lần thứ nhất. Lần đầu tiên ông trình bày tranh lụa vẽ có không gian và lụa không bồi lên đế - tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2017… Ông cũng đã tham gia Triển lãm nghệ thuật nhóm tại Bảo tàng Quốc tế Hàn Quốc năm 2017, tại châu Âu năm 2018, tại Mỹ năm 2019. Liên tục từ năm 2000 đến 2019 ông tham gia nhiều triển lãm nhóm mỹ thuật tại Hà Nội.

Họa sĩ Hoàng Định đã được nhận nhiều giải thưởng nghệ thuật hội họa nước ngoài và Việt Nam. Có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại Mỹ, Canada, Hà Lan, Áo, Singapore và Việt Nam. Ông quan niệm: “Nghệ thuật không dừng lại ở mô phỏng hiện tượng ngoại vật, mà còn tạo ra một thực thể tồn tại có khả năng đối thoại với cảm thức của người xem, truyền tải tư duy ứng xử chủ động của người nghệ sĩ với xã hội, với thời đại. Các họa sĩ “thuần khiết” Kandinsky, Frank Kupka, Piet Mondrian và Malevich từng tuyên bố rằng bức tranh của họ không phải là âm nhạc đơn thuần, cũng không phải là họ đang vẽ (mô tả) âm nhạc. Còn cảm xúc, những rung động năng lượng trực tiếp bên trong của linh hồn, có thể coi giống như một nhạc cụ đang chơi các bài hát của cuộc sống, cho phép các nghệ sĩ luôn có một cái nhìn mới về phương tiện khi sáng tác các tác phẩm của mình. Do đó, tác phẩm được tạo ra là tác phẩm thuần khiết, không có trung gian và không xâm nhập từ thế giới của tư tưởng bên ngoài, thể hiện khả năng sử dụng màu sắc và gợi mở các cung bậc âm thanh của cá nhân người nghệ sĩ, chạm tới các cảm giác thuần khiết trong lòng người xem”.
Ông cho rằng: “Các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra không phải là ghi chép lại một thế giới, mà tạo ra một thế giới hiển hiện, kết nối mạnh mẽ với bên ngoài, có thiên nhiên, có nghệ sĩ và có cả người xem, với đầy đủ các rung động từ những giai điệu du dương đến những âm thanh dữ dội. Có thể thấy, Hà Nội phố trong Triển lãm HOME - 2023 của tôi, từ tác phẩm “Bình minh trên phố” đến “Phố lên đèn”, từ “Phố bình yên” đến “Phố xanh”. Tất cả đều chuyển động tạo ra những khoảng trầm bổng nhịp nhàng, tác động vào người xem, đối thoại với họ, và đưa họ vào một mối quan hệ thực sự tương tác với nhau.
Nhịp điệu chính là bản chất của nghệ thuật, bởi vậy, mỗi bức tranh trừu tượng - siêu thực luôn truyền tải các năng lượng của nhịp điệu chạm vào cảm xúc trực tiếp của người đang thưởng thức tác phẩm. Sẽ không còn đơn thuần là miêu tả những mảnh của thực tại; giống hệt như âm nhạc, một bức tranh trừu tượng - siêu thực tồn tại độc lập với thế giới vật thể, trở nên phi thường. Nó phản ánh chính bản thân nó, trực tiếp và thuần khiết; không còn gián tiếp thông qua thực tại, hay bắt chước thế giới hiện tượng”.
Triển lãm lần này, họa sĩ Hoàng Định còn có được hạnh phúc trọn vẹn hơn, bởi ông có 4 người con cùng đóng góp mỗi người 5 tác phẩm sơn dầu để tham gia triển lãm “HOME - 2023”. Minh Thùy (sinh năm 1983) là con gái lớn của ông, đã tốt nghiệp Đại học Ngoại giao tại Việt Nam và Đại học Luật quốc tế và chưa từng học vẽ. Chúc Anh (sinh năm 1991) học ngành thời trang tại Emily Carr University of Art and Design - Vancouver Canada. Con gái thứ 3 của ông là Khánh Linh (sinh năm 1998, là thạc sĩ maketing tại Mỹ) góp 5 tác phẩm sơn dầu. Và, cậu con trai út Khánh Nguyên (sinh năm 2002) học đại học tại Mỹ. 4 người con - 4 trí thức trẻ, với những cách nhìn độc lập nhưng đều có chung một tình yêu thương gửi tới người cha, thể hiện qua những bức tranh.
Họa sĩ Hoàng Định vẽ với một phong cách pha trộn giữa trường phái trừu tượng và siêu thực. Ông chơi với nghệ thuật, sử dụng các nét vẽ linh hoạt để bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ của bản thân. Tuy thế, Hoàng Định vẫn chú ý đến sức mạnh cảm xúc của màu sắc qua nhiều thể loại chất liệu: Sơn dầu, lụa, sơn mài, các loại màu trên giấy, khắc gỗ, chất liệu tổng hợp.
Ở triển lãm “HOME - 2023”, người xem hãy coi những tác phẩm được trưng bày ở đó như là một bữa tiệc mừng sinh nhật của họa sĩ Hoàng Định. Ở “Ngôi nhà” của mình, họa sĩ Hoàng Định đã một lần nữa bắt đầu cuộc chơi mới. Chưa biết cuộc chơi này sẽ kéo dài bao lâu… nhưng chúng ta hãy tới dự triển lãm và hãy chúc ông luôn vui vẻ, hạnh phúc, thành công với triển lãm "HOME - 2023" này.