Họa sĩ Lê Tiến Vượng, lãng tử hồn quê

Thứ Sáu, 03/03/2023, 15:27

Lê Tiến Vượng không giống một họa sĩ truyền thống lắm. Vẻ bề ngoài như lãng tử nhưng anh lao động chuẩn chỉ như lập trình. Dấn thân thị trường nhưng anh lại làm thơ như một sự dưỡng tâm. Nghề vẽ của Vượng trải rộng từ hội họa tới đồ họa và còn làm người truyền cảm hứng.

Anh sáng lập và là chủ nhiệm câu lạc bộ "ARTSTAR" giúp "xóa mù" nghệ thuật cho thiếu niên, chủ nhiệm CLB thiện nguyện "Trái tim hồng" đi xây điểm trường vùng cao. Tư duy của Vượng chia ngăn gọn ghẽ, có các nút bật cho các chế độ như nút họa, nút thơ, nút thiện nguyện. Giờ việc nào thì bật sáng nút đó.

Vượng mát tay sáng tác logo. Hàng chục tác phẩm của anh giành giải nhất logo của tỉnh huyện, ngành, cơ quan, tập đoàn doanh nghiệp lớn. Các logo của các đơn vị vừa và nhỏ thì hàng trăm, nhiều quá khỏi đếm. Anh luôn giải mã, rút tỉa được cái đặc trưng của vùng đất, con người, truyền thống và ngành nghề... rồi cô đọng thành logo qua duyên vẽ của mình. Thiết kế logo cần lý trí nhưng Vượng lại coi logo như một bài thơ.

hoa si le tien vuong va tap tho luc bat the thoi.jpg -0

Logo như một bài thơ
hoạ sĩ thao thức trong mơ mà thành

Đồ họa chiếm nhiều thời gian của Vượng nên mảng hội họa giá vẽ không được liền mạch. Gần đây, anh thực sự quay trở lại với hội họa và miệt mài trong xưởng vẽ của mình. Trong tháng 3 năm 2023, triển lãm "Sắc màu phố quê" của anh mở cửa như đánh dấu sự trở lại hứa hẹn nhiều thú vị.

Hơn 40 năm trước, có một chú bộ đội Lê Tiến Vượng say mê vẽ đề tài người lính và phong cảnh rừng cọ, đồi chè Thái Nguyên. Vượng vẽ chủ yếu bằng bột màu trên giấy báo. Vừa là tận dụng báo cũ vừa có cái hay là mảng chữ in báo ẩn hiện sau lớp màu có hiệu ứng "xốp" chứ không nhẵn lì như giấy. Thời bao cấp, sơn dầu khan hiếm. Vượng tự chế sơn dầu bằng bột màu nghiền với dầu thông, pha bằng dầu lanh. Toan thì tận dụng các bìa giấy ép đã qua sử dụng. Đây là giai đoạn hội họa có những bước đi đầu tiên.

Không phải cái gì Vượng cũng tài. Riêng về chăn nuôi thì năng lực của anh được xếp loại "đội sổ đơn vị". Bộ đội có trách nhiệm nhận lợn của đơn vị để nuôi cho tăng cân. Lợn tăng bao nhiêu cân thì đơn vị sẽ mua lại và người nuôi được hưởng chênh lệch. Vượng chẳng từ nan nhưng tăng trọng tưởng không khó mà khó không tưởng. Anh chỉ tư duy được là vào rừng chặt cây chuối về băm, trộn với cơm cho lợn ăn.

Mỗi suất ăn sáng được 1 bát cơm với nước muối làm màu bằng cơm cháy đen thui, các bữa trưa và tối thì được 3 bát, rau cũng thiếu, còn thịt thì thỉnh thoảng được vài miếng mỏng tang. Mỗi bữa Vượng mang về cho lợn 1 bát. Đồng đội tương trợ thì được 2 bát về cho trư bát giới ăn. Sau vài tháng thì lợn khoe xương sườn chân dài tới nách như siêu mẫu, nhẹ như thú cưng. Có lẽ Vượng là chú bộ đội xứng đáng danh hiệu nuôi lợn cắp nách.

Bù lại, tài vẽ ở đơn vị thì anh đúng là oai. Sư đoàn sử dụng anh trong các công tác tuyên huấn, các hoạt động văn nghệ từ trung đoàn tới sư đoàn. Vượng chơi guitar, viết thơ, diễn kịch câm, sáng tác ca khúc, biên đạo múa và múa solo do anh có lợi thế chân dài.

Mỗi đợt tuyên truyền như diễn tập, đón nhận anh hùng cần tranh cổ động là Vượng lại thả sức sáng tác những bức vẽ khổng lồ. Tiếng lành loang xa. Mỏ than Phấn Mễ tới sư đoàn mời Vượng vẽ giúp tranh cổ động cho các chiến dịch khai thác than. Thế là suốt những năm quân ngũ, chú bộ đội Lê Tiến Vượng toàn bắc thang, cầm bút như vác chổi, vẽ tranh to như tòa nhà. Nhờ vậy, Vượng được đơn vị đánh giá cao về nỗ lực kết nối tình quân dân. Rồi số phận của anh lại gắn với mỏ. Cô Yến, người vợ tảo tần bây giờ của Vượng chính là con gái người giám đốc mỏ năm xưa.

Thơ tôi lấm láp chân mây
Em đi ra phố chở đầy âu lo

(Thơ tôi)

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp, tay nghề đồ họa của Lê Tiến Vượng gắn liền với báo Thiếu niên Tiền Phong suốt mấy chục năm. Cùng thời gian này, Vượng vẽ hàng nghìn minh họa, rất nhiều truyện tranh cho các nhà xuất bản. Riêng với Chuyên đề Văn nghệ Công an của Báo Công an nhân dân, Lê Tiến Vượng tham gia minh họa đã hơn 20 năm nay.

Mảng hội họa gần đây của Lê Tiến Vượng có những tìm tòi ở chất liệu. Anh thích vẽ đồng hiện ở nhiều tầng không gian khác nhau. Vượng không quan tâm tới trường phái tân kỳ nhiều lý sự. Với anh, tranh phải để thưởng thức. Tranh của Vượng không "hack não" người xem, cứ hồn nhiên như nước chảy hoa trôi.

Thơ của Vượng cũng thuần khiết như vậy. Thấm thoắt, 6 tập thơ đã được xuất bản. Mở đầu là "Khách muộn mùa thu". Tiếp theo là những tập thuần lục bát như "Lục bát bên đời", "Lục bát khóc cười", "Lục bát phố", "Lục bát đùa chơi", "Lục bát thế thời"…

Vượng chỉ dùng lục bát chứ không "bắn phá" lạ tai. Nói vậy chứ chọn lục bát mới thực sự là chông gai. Con đường lục bát trùng điệp "núi cao" sừng sững như Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ… Nhưng đã yêu thơ thì phải bước đi theo cách của mình thôi. Lê Tiến Vượng là lãng tử phố mà hồn quê. Mỗi câu lục bát cả khóc lẫn cười. Hồn của Vượng giống như hình ảnh mẹ anh:

Cả đời gian khổ mịt mùng
Bây giờ khấm khá vẫn không thay lòng
Mẹ mình như giếng nước trong
Như câu chuyện cổ, bão giông một thời

(Thôi đừng trách mẹ nữa em)

chan trau - acrylic - le tien vuong.jpg -0
Tác phẩm “Chăn trâu” - Acrylic - Lê Tiến Vượng.

Mảng thơ thực sự là một khoảng trời yên lành riêng Vượng có thể trở về với thuở ấu thơ của mình:

Tuổi thơ ngỡ cánh thiên di
Phiêu du năm tháng tưởng đi… lại về…

(Tuổi thơ 3)

Có lục bát vui và cả lục bát buồn:
Tuổi thơ là khúc đồng dao
Có khi chẳng thuộc vẫn gào rõ to

...

Tuổi thơ trắng chiếc khăn tang
Bom rơi, nhà cháy cả làng đưa ma

(Tuổi thơ)

Lục bát cũng là để đong đưa:
Em cài lá sắn làm duyên
Quấn khăn làm váy... như tiên còn gì?

(Tuổi thơ 3)

Hay là:

Em đừng cái dáng cong cong
Tôi đâu phải thánh để không bồi hồi
Em đừng đánh mắt sang tôi
Diêm tôi dễ cháy em ơi đừng đùa

(Em đừng)

Vốn không biết hút thuốc lào nhưng Vượng cũng thích mượn thú vui dân dã này để đong đưa:

Cho anh xin một que diêm
Xin em nửa nụ cười duyên làm mồi…
… Mắt môi ngọng líu cả rồi
Một que diêm cũng một đời thành than

(Thuốc lào)

Thơ của anh đôi khi mở không gian liên tưởng bất ngờ:
Trả người cả khúc sông sâu
Bao nhiêu xương trắng bắc cầu ta qua
Say rồi ta chẳng phải ta
Ngàn năm phía trước hay là phía sau?

(Ước)

Thơ Lê Tiến Vượng không đứng ngoài dòng chảy xã hội, không bàng quan với những cơn bão đô thị hóa làng quê mà quê anh đang "ngấm đòn". Trong "Lục bát thế thời" có một Lê Tiến Vượng đơn thương độc mã chống cự với những xô bồ xâm thực từ vật chất đến tâm hồn.

Khi đời sống riêng vững vàng, Vượng lại cùng CLB "Trái Tim hồng" do anh làm chủ nhiệm đi lên những vùng núi khó khăn để xây các điểm trường. Anh là niềm tin của các nhà hảo tâm. Triển lãm "Sắc màu phố quê" là 2 trong 1. Lê Tiến Vượng sẽ dành 20% kinh phí bán tranh cho CLB "Trái tim hồng" hỗ trợ vùng cao. Triển lãm đồng thời ra mắt và tọa đàm về 2 tập thơ mới là "Lục bát đùa chơi" và "Lục bát thế thời". Thi họa song hành, không phân biệt. Điều thú vị là tập thơ nào của anh thì việc vẽ bìa, thiết kế ruột cũng tự tay làm chứ không cần thuê mướn.

Từ ngày Vượng gánh trách nhiệm làm Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa (Hội Mỹ thuật Việt Nam) thì các triển lãm minh họa, bìa sách, logo được ra mắt đều đặn. Những họa sĩ âm thầm cống hiến cho đồ họa và in ấn được giới chuyên môn đánh giá cao, được công chúng nhận diện và trân trọng.

Triển lãm "Sắc màu phố quê" có cái mới là sự trở lại của một Lê Tiến Vượng hội họa, sự tham gia của bạn bè cả âm nhạc và thi ca. Cái quen thuộc là khách tới sẽ không lãng phí tiền mua hoa tặng mà sẽ mua tranh, sách ủng hộ trẻ em vùng cao. Lê Tiến Vượng là vậy, cái riêng cũng là cái chung. Niềm vui của anh là nụ cười của những đứa trẻ khó khăn. Lãng tử thế nào thì vẫn trở về với hồn quê thôi.

Lê Tâm
.
.