Phim truyền hình Việt: lên ngôi, tại sao không?

Thứ Sáu, 02/12/2022, 09:46

Dăm năm trở lại đây, phim truyền hình Việt có cú nhảy vượt thoát ngoạn mục, thời lượng giờ vàng của các kênh truyền hình có lượng phim Việt luôn đạt ratinh cao. Khán giả cả nước háo hức đón chờ nhiều phim truyền hình dài tập, bàn tán bình luận rôm rả.

Cũng từ đây, nhiều câu thoại "hit" được nhắc đi nhắc lại trên các diễn đàn mạng. Những nhân vật điển hình, dàn diễn viên hùng hậu, từng câu chuyện kịch bản thu hút, và kĩ xảo truyền hình hấp dẫn, cả một ê kíp vô cùng chuyên nghiệp đã tạo nên làn sóng yêu phim Việt.  

cảnh trong phim _về nhà đi con_ bộ phim ăn khách của truyền hình việt.jpeg -0
Cảnh trong phim “Về nhà đi con”, bộ phim ăn khách của truyền hình Việt.

Vào những năm giữa của thập niên 90 của thế kỉ trước, phim truyền hình "Những mảnh đời của Huệ", "13A và 4H", "Của để dành", "Xin hãy tin em", "Cầu thang tối", "Người Hà Nội",  "Những người sống quanh tôi"… tạo nên sự tin yêu của công chúng đối với phim truyền hình Việt Nam. Lúc đấy từ những phim truyền hình này hàng loạt những ngôi sao phim truyền hình ra đời như Trọng Chinh, Trần Lực, Bùi Bài Bình, Lan Hương (em bé Hà Nội), Nguyệt Hằng, Anh Tú, Minh Hằng, Minh Hoà, Hoàng Dũng…

Nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, chất lượng phim truyền hình Việt yếu đi cộng theo đấy là sự kết nối toàn cầu và du nhập văn hóa, người Việt gần như bỏ quên thói quen xem phim Việt mà chỉ thích phim Hàn Quốc. Nhà đài cũng muốn nhập phim Hàn về chiếu giờ vàng, kinh phí ít mà lợi nhuận cao. Sản xuất phim Việt khá tốn kém chưa chắc đã hút được người xem.

Hàng loạt câu chuyện ngôn tình của Hàn Quốc đã nằm lòng trong khán giả Việt thuở đó, mô típ quen thuộc trong những câu chuyện thường là mối tình tay ba. Chàng trai con nhà gia thế khủng, giữa hai cô gái, một cô được sinh ra trong gia tộc giàu có, một cô sinh trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chàng trai nhà tài phiệt bỏ qua cô gái con nhà giàu để tìm đến với cô gái nghèo… Hoặc tình yêu trắc trở, éo le, đến khi yêu được nhau thì một trong hai người phải ra đi vì mắc bệnh ung thư máu. Đã có lần khán giả Việt thốt lên, 10 phim Hàn thì 7 phim nhân vật chính chết vì mắc căn bệnh ung thư. Tình yêu lâm li, ướt át, đẫm nước mắt đấy cùng với ê kíp vô cùng chuyên nghiệp từ make up, phục trang, hình ảnh quay, bối cảnh đẹp… là gia vị để thêm hút khách.

Đã có thời gian, nói đến phim Việt người ta ngao ngán lắc đầu, không còn những kịch bản hay, thiếu đi những kĩ xảo phim trường chuyên nghiệp (họ vẫn có thói quen bao cấp, nửa làm nửa chơi), máy móc về phần hậu kì thô sơ, lạc hậu. Phim Việt ngày đó liên tục mắc lỗi lời thoại nhạt nhẽo, diễn viên phim lên truyền hình cứ như diễn kịch, câu chuyện giả giả, chắp nối vụn vặt. Những cốt truyện thiếu tính sáng tạo là điểm trừ rất lớn cho phim Việt.

Và rồi, những năm trở lại đây, truyền hình Việt có bước chuyển mình, đột phá ngoạn mục. Lối lội ngược dòng này đã đem lại ánh sáng thắp lên hi vọng cho phim Việt từ những bộ phim gần gũi với khán giả. "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Hướng dương ngược nắng", "Mùa hoa tìm lại", "Hương vị tình thân", "11 tháng 5 ngày", "Phố trong làng", "Thương ngày nắng về", "Về nhà đi con"… Đáng nói là ở thể loại đề tài nào, phim truyền hình Việt vẫn câu kéo và hút khách từ phim hình sự, cho đến đề tài gia đình.

Trước tiên phải nói rằng việc đặt ra mục tiêu hàng đầu là kịch bản hấp dẫn, đã có một số phim truyền hình mượn lại kịch bản của Hàn nhưng chỉnh sửa lời thoại cho phù hợp với người Việt. Cùng lối làm phim hiện đại, sản xuất phim ngay tại phim trường. Trước đây một kịch bản phim chỉ một người viết, nhưng bây giờ có cả một đội ngũ cùng tham gia viết một kịch bản phim. Cách làm phim những năm trước nếu làm xong trọn bộ 30 tập, 40 tập mới bắt đầu chiếu, thì ngày nay cách làm phim hiện đại làm 1/3 phim là đã chiếu trên truyền hình. Vừa chiếu vừa thăm dò trên các mạng xã hội, nhà đài cũng chịu khó tương tác với khán giả, xem họ thích gì. Việc 'chiều chuộng" khách hàng, coi công chúng là "thượng đế" đem đến lượng người xem đông bất ngờ.

Phim truyền hình Việt: lên ngôi, tại sao không? -0
Cảnh trong phim “Thương ngày nắng về”.

Việc chọn đề tài hay, kịch bản hấp dẫn, lối diễn xuất tự nhiên, cùng với đằng sau là cả ê kíp hùng hậu chuyên nghiệp như âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật, giám đốc hình ảnh, phục trang, dựng phim, chỉnh màu, âm nhạc… Phải công nhận, việc đầu tư trang thiết bị về máy móc kỹ thuật đã ngốn một khoản tiền vô cùng khủng nhưng lại mang lại hiệu quả tốt. Từ những máy quay xưa cũ ọp ẹp nay được thay bằng dàn máy mới hiện đại. Nhờ dàn máy quay đời mới chất lượng cao cho hình ảnh sống động, sắc nét, và điều kì diệu hơn có thể biến người phụ nữ trung niên thành một thanh nữ 30 tuổi, đẹp không tì vết, ngay cả khi quay xa hay quay cận cảnh.

Nền công nghệ phát triển kéo theo nền điện ảnh phát triển, người ta gọi là kỹ xảo điện ảnh. Một số phim truyền hình bây giờ cũng sử dụng công nghệ kỹ xảo điện ảnh mang đến sự hấp dẫn. Còn nhớ khi phim "Tuổi thanh xuân" là phim Việt Nam đầu tiên kết hợp với Hàn Quốc vào năm 2016 sau phần quay phải mang sang Hàn để dựng và chỉnh màu thì chỉ vài năm sau đó, truyền hình Việt Nam đã tự tay lên khuôn những đứa con tinh thần của mình.

NSND Nguyễn Hữu Phần, đạo diễn bộ phim truyền hình "Mảnh đất lắm người nhiều ma" phải thốt lên: "Giới trẻ ngày nay làm phim chất thật. Cho tôi ra hiện trường mới có kịch bản, mới quay thì có lẽ tôi không làm được đâu. Người trẻ ngày nay sáng tạo kịch bản ngay tại bối cảnh quay, còn thế hệ chúng tôi khi xưa là kịch bản phải có từ lâu, đọc chỉnh sửa mãi rồi mới ra hiện trường".

NSND Trọng Trinh cũng thừa nhận là một người gắn bó với phim trường từ rất lâu, ông thấy rằng khán giả cả nước nhiều năm trở lại đây rất hào hứng chờ đón phim truyền hình Việt, đây là một tín hiệu rất mừng cho phim truyền hình Việt nói chung và anh em nghệ sĩ nói riêng. Lý giải cho hàng loạt phim truyền hình tâm lý Việt hút khách, đạo diễn NSND Khải Hưng cho biết: "Đề tài gia đình luôn là nguồn cảm hứng sản xuất ở các bộ phim. Từ trí thức văn phòng, người doanh nhân tự do, anh công nhân, bác nông dân đều cảm thấy thích thú với những bộ phim phản ánh những vấn đề trong cuộc sống gia đình và xã hội. Bên cạnh nhiều đề tài giải trí thì đề tài gia đình vẫn có sự hấp dẫn lôi cuốn đặc biệt.

Một là sống, hai là chết, nếu phim truyền hình Việt không hay, ít người xem điều đó đồng nghĩa với việc nhà đài không có được những hợp đồng quảng cáo. Những doanh nghiệp muốn quảng cáo họ sẽ tìm đến những bộ phim có chất lượng tốt và đông người truy cập. Nhiều năm nay VFC (Trung tâm phim truyền hình Việt Nam) đã xây dựng đội ngũ biên kịch hùng hậu đáp ứng nhu cầu mong đợi của khán giả, yếu tố hấp dẫn luôn đặt lên hàng đầu. Đẹp về hình ảnh, hấp dẫn về lời thoại… Người "bán hàng" nghệ thuật luôn biết khán giả cần gì để cho ra thức ăn vừa miệng. Không còn cảnh cô con nhà giàu cả tập 45 phút chỉ mặc độc một bộ váy áo như thời phim trước đây, hoặc diễn viên đến trước lúc diễn phải cuống quýt tự lo đi ủi đồ.

Mà ngày nay các hàng thời trang đã tự tìm đến xin tài trợ, (một hình thức quảng cáo luôn cho các hãng thời trang). Tất nhiên nhà đài cũng không từ chối. Lợi nhất là diễn viên, ăn mặc những moden mới nhất, cộng với make up xinh xắn, kĩ thuật quay tinh xảo nên nhan sắc lên hương rất nhiều đem lại sự mát nhãn cho khán giả. Phim truyền hình nhiều năm nay có thêm một đạo diễn hình ảnh để cho khuôn phim lên làm sao cho bắt mắt nhất, cộng với việc chỉnh tông màu bằng những loại máy móc thời thượng càng làm cho chất lượng khuôn hình thêm lung linh. Tất cả các khâu sản xuất phim chuyên nghiệp, làm việc hiệu quả đem đến chất lượng cao và thu hút lượng khán giả tăng vọt. Hi vọng trong tương lai không xa phim truyền hình Việt có thể xuất khẩu sang thị trường các nước khác…

Trần Mỹ Hiền
.
.