NSƯT Mỹ Châu: Nữ hoàng và dây đàn mang tên mình
Nhắc đến NSƯT Mỹ Châu giới mộ điệu nhắc ngay đến dây đàn trứ danh mà chỉ duy nhất bà được đặt tên: “Dây Mỹ Châu”. Sân khấu cải lương từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ. Thế nhưng với chất giọng thổ, trầm, càng xuống thấp càng nghe rõ và buồn đó khiến Mỹ Châu vụt sáng tạo nên một tài danh trăm năm có một của làng cải lương.
Bà cũng được dân nghiền cải lương đặt cho biệt danh “Nữ hoàng kiếm hiệp” bởi dấu ấn của mình tạo dựng thông qua rất nhiều vở cải lương kiếm hiệp thời đó. Đã 20 năm rời xa ánh sáng sân khấu nhưng cái tên Mỹ Châu luôn được người hâm mộ yêu quý.
“Dây Mỹ Châu” và cô đào thiên tư
NSƯT Mỹ Châu cùng thế hệ vàng của làng sân khấu cải lương như NSND Lệ Thủy, NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương… nhưng bà lại tạo một sự đặc biệt mà chỉ có thể lý giải là do tổ ban. Vốn dĩ có mẹ là một người say mê cải lương, năm 8 tuổi Mỹ Châu đã được mẹ dắt đến thọ nghề cùng nhạc sĩ Bảy Vân. 3 năm sau, khi đã nằm lòng các bài bản và thể điệu của đờn ca tài tử, bà lại được mẹ cho nghỉ học để theo nghiệp diễn. 11 tuổi, Mỹ Châu bắt đầu về đoàn Tiếng chuông của ông bầu Cang. Năm 1965, khi chỉ mới 15 tuổi, Mỹ Châu đã vang danh với vai diễn Thùy Dương trong vở “Hai lần thu hẹn”. Tiếng tăm khi đó đã là mối duyên để bà về đoàn Kim Chung, dưới sự dẫn dắt của Nghệ sĩ Minh Cảnh.
Với thanh sắc hòa quyện độc đáo mà như NSND Bạch Tuyết từng chia sẻ về đàn chị của mình thì đó là thiên tư trâm anh, khuê các trong nét mặt, cách diễn. Cùng giọng hát trầm buồn mê mị, Mỹ Châu vụt sáng chói lọi trong đoàn Kim Chung. Liên tiếp gây ấn tượng với giới mộ điệu bằng các vai diễn trong những tuồng như: “Trinh nữ lầu xanh”, “Khách sạn hào hoa”, “Tìm lại cuộc đời”, “Tâm sự Ngọc Hân”, “Hoa mộc lan”…
Năm 17 tuổi, Mỹ Châu xuất sắc đoạt giải Thanh Tâm, một giải thưởng uy tín lẫy lừng của sân khấu cải lương thời đó. Giải thưởng này như một tấm vé bảo chứng về tài năng của một nghệ sĩ cải lương. Các hãng đĩa hát lúc bấy giờ chen nhau ký hợp đồng với Mỹ Châu. Hầu như các bầu gánh hát từ tỉnh lẻ đến sân khấu lớn đều đặt vấn đề mời bà về diễn, bởi chỉ cần cái tên bà là đủ để bầu gánh sắm vàng miếng. Sự yêu thích Mỹ Châu thời đó được lý giải bởi giữa nhiều tài tử, giai nhân của sân khấu cải lương, Mỹ Châu như một viên ngọc độc đáo, một mình một lối ca, nét diễn, không thể kiếm được người thứ hai.
Ngày đó, Mỹ Châu kết hợp với “Ông hoàng đĩa nhựa” Tấn Tài tạo nên rất nhiều tuyệt phẩm khiến công chúng săn lùng ráo riết trên các kệ băng đĩa. Còn trên các sàn diễn, bà kết hợp cùng “Hoàng tử sân khấu” Minh Phụng khiến biết bao khán giả mê đắm. Mỹ Châu cứ thế băng băng về đích của con đường danh vọng. May mắn trong bước đường làm nghề, bà luôn có mẹ ủng hộ và chăm sóc để yên tâm cống hiến cho nghiệp diễn. Mỹ Châu từng tâm sự, ước mơ ngày nhỏ là được đi học để trở thành bác sĩ nhưng sân khấu càng dấn thân lại càng đam mê. Bà bắt đầu yêu nghề và trân trọng những gì “tổ đãi”. Quả thật, con đường làm nghề của bà cứ như trải hoa hồng với những thành công tiếp nối.
Một điều đặc biệt nhất khi nhắc đến bà, lớp trẻ ngày nay trên sân khấu vẫn phải thầm cảm ơn bởi từ chất giọng hiếm có của bà, mà cải lương có thêm “Dây Mỹ Châu”. Giọng của Mỹ Châu nằm ở cao độ “lỡ ba lỡ tư”, nghĩa là cao độ không lên tới “dây hò tư” còn gọi là “dây chánh đào”. Giọng của bà rơi vào nốt Đô của tân nhạc, và chữ Oan của cổ nhạc. Chất giọng cực lạ của Mỹ Châu và cả kỹ thuật ca ngâm cũng khác so với nhiều nghệ sĩ tài danh thời đó khiến các thầy đờn cảm thấy khó khăn khi hòa âm cùng giọng của Mỹ Châu, bởi thời ấy guitar chưa hiện đại, tính năng không rộng như bây giờ.
Để chơi guitar ở “dây hò tư”, các nhạc công chỉ cần thêm một cây chặn là được, nhưng giọng của Mỹ Châu “lỡ ba, lỡ tư”, thật chẳng biết đờn thế nào cho phải. Và nhạc sĩ Hoàng Thành đã nghiền ngẫm và chế ra “dây Mỹ Châu” ở giọng hò tư nhưng lại nằm ở tông Đô. Thông thường người có làn hơi mạnh, khỏe khoắn để hỗ trợ âm giọng tròn, tạo thẩm âm cao khi phát âm. NSƯT Mỹ Châu thì ngược lại, giọng bà tròn, rõ, thẩm âm cao nhưng làn hơi của bà thì không quá mạnh, chỉ trung bình, nên ít khi ca chồng hoặc ca cấn như nhiều nghệ sĩ khác. Vì thế, với “Dây Mỹ Châu” được “đo ni đóng giày” cho riêng giọng hát của bà, lập tức tạo nên một sự hòa quyện, bắt âm mùi mẫn và lay động mạnh mẽ đến phần nghe của khán giả. Từ đó giọng hát của Mỹ Châu như được chắp thêm đôi cánh bánh xa, vang mãi. Cho đến bây giờ giọng hát ấy vẫn in hằn trong tâm trí của rất nhiều khán giả.
Cuộc sống thanh thản của “Nữ hoàng kiếm hiệp”
Năm 1993, Mỹ Châu được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 1999, bà vinh dự được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam. Có thể nói cho đến bây giờ danh xưng “Nữ hoàng kiếm hiệp” của bà vẫn chưa ai thay thế được. Mỹ Châu không phải là người diễn nét mặt linh hoạt hay ra bộ liên tục. Trên sân khấu chuyển động và biểu cảm của bà rất ít, nhưng mỗi lần bà diễn bằng cơ mặt hay tay chân đó đều là những khoảnh khắc đắt giá và sáng nhất của vai diễn.
Ngày ấy với nét diễn bằng cặp mắt biểu thị cảm xúc điêu luyện, Mỹ Châu đã đóng đinh tên tuổi của mình vào vai diễn Ngọc Hân công chúa trong vở “Tâm sự Ngọc Hân”. Lớp diễn bằng ánh mắt liếc hờ che giấu đi niềm hy vọng khi nghe nhũ mẫu kể về Nguyễn Huệ của quân Tây Sơn, đến khi chạm mặt lại là ánh mắt ấy chuyển sang trạng thái mừng tủi. Mừng vì từ nay giang sơn sẽ đổi khác. Tủi hờn vì bấy lâu nay bản thân bị giam cầm trong lầu son gác tía. Vai diễn đã thể hiện một tư chất tinh anh của nữ nghệ sĩ. Biết lúc nào nhấn nhá nét diễn để thu hút trọn vẹn cảm xúc của khán giả.
Tiếp nối thành công của các vở diễn nhuốm màu kiếm hiệp, Mỹ Châu liên tục làm đào chính trong các vở “Kiếm sĩ dơi”, “Băng Tuyền nữ chúa”, “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”, “Tiêu Anh Phụng”, “Bóng hồng sa mạc”… Hầu như vai diễn nào cũng khiến khán giả đắm đuối theo lời ca nét diễn của bà. Những thập niên 60, 70 thế kỷ trước hầu hết các vở cải lương kiếm hiệp nổi tiếng trên các sân khấu đều do bà đóng chính. Chỉ cần tên Mỹ Châu dán trên băng rôn là chắc chắn xuất diễn ấy đông nghìn nghịt người. Danh xưng “Nữ hoàng kiếm hiệp” cũng được người ái mộ trao cho bà từ đó.
Năm 2003 bà bắt đầu rời xa sân khấu và ngưng xuất hiện trước công chúng. Sự rút lui của Mỹ Châu ngày đó được nhiều người khuyên ngăn nhưng như bà đã quyết là làm. Khán giả ngỡ ngàng, đồng nghiệp tiếc nuối. Bởi với giới mộ điệu tin chắc trăm năm cải lương chỉ có một Mỹ Châu mà thôi. Một nghệ sĩ luôn tận hiến với nghệ thuật và tỏa sáng bằng tài năng. Trong suốt hành trình làm nghề của bà, chưa bao giờ người ta nghe bất cứ điều tiếng gì về Mỹ Châu. Bởi khi cánh màn nhung khép lại, Mỹ Châu chọn lối sống an nhàn, thậm chí không muốn nói là bí ẩn. Bà ít tụ tập quán xá sau giờ diễn. Bà cũng không dính dáng đến các câu chuyện tình yêu rối ren. Càng không nghe những câu chuyện tranh giành phía sau hậu trường của bà. Với bà gia đình là chốn đi về quan trọng và duy nhất sau mỗi vai diễn.
Sau biến cố mẹ bà mất đột ngột và chồng bà là nghệ sĩ Đức Minh cũng nhanh chóng ra đi, Mỹ Châu càng sống trầm lặng hơn. Bây giờ đã 74 tuổi đời và 20 năm vắng bóng sân khấu, Mỹ Châu thanh thản với những chuyến đi chơi đây đó thăm thú bạn bè nghệ sĩ hoặc ở ẩn đọc sách, nghe kinh kệ. Bà bỏ lại phía sau ánh hào quang và những tiếc nuối của khán giả về một “nữ hoàng”, cùng dây đàn mang tên chính mình để sống trọn vẹn thú điền viên.
Trăm năm cải lương, khi “Dây Mỹ Châu” còn ngân vang, thì giới mộ điệu chẳng thể quên được cái tên bà.