Nghệ sĩ Hồng Nga: Trăm năm cải lương còn thương nhớ mãi

Chủ Nhật, 09/06/2024, 15:34

Có thể nói trong làng cải lương, Hồng Nga là trường hợp hiếm, bởi bà tung hoành ngang dọc khắp các sân khấu từ Bắc chí Nam, nhưng gần 80 tuổi đời, sự vinh danh của bà lại nằm ở hai giải thưởng của hài kịch. Đó là giải Mai vàng năm 1997 của Báo Người lao động, và giải Cù nèo vàng năm 2007 của Báo Tuổi trẻ.

Từ những vai diễn đầy nước mắt

Nghệ sĩ Hồng Nga sinh năm 1945, cha người Hà Nội, mẹ người Quảng Ninh, bà theo nghiệp diễn như một ngã rẽ của số phận. Từ cô nhỏ gánh nước mướn của một xóm nghèo quận 4, chút năng khiếu bẩm sinh, bà được một người hớt tóc biết đờn ca tập cho hát đúng nhịp. Rồi nhận thấy chất giọng của bà đặc biệt, ông thầy đầu đời lại dẫn bà đến thọ giáo nhạc sĩ Tám Đen ở Cầu Dừa.

ns-hong-nga-3.jpg -0

Bà được nhận làm con nuôi và truyền thụ đủ “3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 Bài” cùng ngũ cung “Hò, Xự, Xang, Xê, Cống” đã như một nền móng vững chắc đưa Hồng Nga đến với đỉnh vinh quang của nghệ thuật cải lương. Giọng hát như nhào nặn đủ đầy những cung bậc hỉ, nộ, ái, ố của quãng đời cơ cầu nơi xóm nghèo, bà chinh phục khán giả từ những lần đầu lên sân khấu, dẫu những bước tập tễnh chạm ngõ với cải lương của Hồng Nga chỉ là quán hát Lệ Liễu nằm trong khu giải trí trường Thị Nghè.

Bây giờ đã ở ngưỡng 80 tuổi đời, và hơn 60 năm tuổi nghề, Hồng Nga nhớ nhớ quên quên, nhưng giọng hát ấy vẫn đủ rền vang sang sảng và đổ hột như nhựa đường bám lấy tâm khảm của khán giả cải lương. Bà vẫn hay trổ tài ca diễn mỗi lần có các nghệ sĩ hay khán giả hâm mộ ghé thăm. Thậm chí chỉ cần mớm lời câu ca hay vai diễn bà sẽ hát ngay. Có khi giữa những câu dài bà quên lời nhưng vẫn không khó để nhận ra giọng bà còn khỏe, hơi bà còn mượt, chỉ là tuổi tác cùng những căn bệnh xương khớp và trí nhớ sụt giảm đã khiến Hồng Nga chẳng thể đứng trên sân khấu như một vài năm trước nữa.

Nhắc đến Hồng Nga, có lẽ người ta luôn nhớ đến những vai diễn đầy nước mắt của bà. Trên sân khấu bà khóc, dưới hàng ghế khán giả cũng khóc. Bà “quái kiệt” ở chỗ có thể tích tắc trong giây phút cười đó và khóc ngay. Khán giả luôn bị cuốn theo cảm xúc của bà. Có khi rổn rảng với những mảng miếng hài hước, có khi nghẹn ngào với bi thương, lắm lúc tức tối với sự thâm độc, nhưng cũng sẽ dễ dàng rơi nước mắt khi bà xuống xề bằng chất giọng “rải nhựa” đó. Ngay như trong chính bà, giọng hát và ánh mắt luôn ngấn nước.

Khán giả không thể quên vai diễn bà mẹ chồng trong vở cải lương “Duyên kiếp” của soạn giả Hoàng Song Việt mà bà thủ diễn. Đoạn bà mẹ chồng đánh nhân vật Thu khiến khán giả đau đớn, tức tối và bật khóc qua nét diễn bằng ánh mắt thâm ác, qua giọng nói rợn người và qua cảm xúc tận cùng của bi kịch. Bà đã làm cho vai diễn mình sống động và chân thực đến mức rời sân khấu, khi ra đường vẫn bị khán giả ghét. Hồng Nga luôn biết cách để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Chỉ cần treo cái tên của Hồng Nga lên băng rôn, là đủ bảo chứng cho chất lượng vở diễn. Khán giả ùn ùn mua vé dù rạp hát nằm ngay nội ô hay ven đô Sài Gòn khi đó. Thậm chí những chuyến lưu diễn của bà tận nước ngoài cũng khiến công chúng yêu mến cải lương nô nức đi coi Hồng Nga đóng vai ác, hay Hồng Nga khóc.

Như trong vở cải lương đóng dấu cho một Hồng Nga lẫy lừng sân khấu năm xưa đó chính là vai diễn cô giáo Lan trong vở “Tuyệt tình ca” của soạn giả Hoa Phượng. Khi nhận vai, Hồng Nga vừa sinh đứa con gái đầu lòng 17 ngày. Chính soạn giả Hoa Phượng đã nói với bà khi giao vai rằng đây sẽ là vai diễn theo suốt cuộc đời Hồng Nga. Quả thật, thăng trầm phận đời của cô giáo Lan như vận vào chính Hồng Nga sau này. Gieo neo dâu bể đến tận cùng của cuộc người, Hồng Nga vẫn bình thản xem như duyên tổ cho mình trổ hoa thơm ngát trên sân khấu, còn đời thực lại long đong lận đận, gian truân thác ghềnh. Hồng Nga vẫn nhẹ tênh bởi chưa một lần mặc áo cưới, nên chẳng thể mặc áo tang chồng, dẫu bây giờ bà vẫn có những đứa con phụng hiếu tuổi già.

Đến “quái kiệt” của sân khấu

Hồng Nga còn là một nghệ sĩ được rất nhiều công chúng trẻ hâm mộ. Trong đêm diễn “Tài danh đất Việt - Đêm tôn vinh” chủ đề “Kiếp cầm ca” dành riêng cho bà, từ khi mở bán đã cháy vé ngay, phần lớn chính là những khán giả trẻ mua. Đêm đó, dưới ánh đèn một Hồng Nga đầy “lửa nghề” khiến công chúng khóc cười và tán thưởng bằng những tràng pháo tay liên tục. Một mình bà cân cả 3 vai diễn với 3 tính cách khác nhau: bà mẹ độc ác Sáu dao lam trong trích đoạn “Ánh sáng phù du”; mẹ Cám hài hước duyên dáng trong trích đoạn "Tấm Cám"; bà mẹ cô The đầy thương tưởng trong trích đoạn của vở cải lương kinh điển “Nửa đời hương phấn”.

Những bà mẹ của Hồng Nga luôn là những bà mẹ khiến khán giả không thể nào quên được. Riêng về vai mẹ, vai diễn bà mẹ của Diệu trong vở “Lá sầu riêng” của NSND Bảy Nam từ trước đến nay duy nhất chỉ có Hồng Nga diễn lại, bởi với NSND Kim Cương, đó là vai diễn không ai dám thay thế. Chỉ khi dựng lại vở diễn này cho chương trình “Những cánh chim không mỏi”, NSND Kim Cương đã đích thân mời Hồng Nga vào vai này. Sau 5 xuất diễn, Hồng Nga lấy trọn tình cảm của khán giả.

Chẳng những cải lương, với tân nhạc Hồng Nga cũng chinh phục được rất nhiều khán giả qua các ca khúc như: “60 năm cuộc đời”, “Nếu có yêu tôi”… Và chính từ bài nhạc “Kiếp cầm ca” mà bà trình diễn, soạn giả - NSND Viễn Châu đã lặn lội từ Sài Gòn tìm đến nhà bà trên Bình Dương để trao tay bà bài ca cổ viết đo ni đóng giày cho Hồng Nga. Lời bài hát như gói ghém cả quãng đời của bà vào trong đó. Có vinh thăng lẫn đoạn trường. Mỗi lần đi diễn bất cứ sân khấu nào, khán giả đều yêu cầu bà hát bài này. Mỗi lần hát là mỗi lần Hồng Nga khóc. Nước mắt hòa vào câu hát. Khán giả như thấu cảm hơn cho đời người nghệ sĩ.

ns-hong-nga-trong-chuong-trình-ký-%3fc-vui-v%3f.jpg -1
Nghệ sĩ Hồng Nga trong “Chương trình Ký ức vui vẻ”.

Nhưng nhắc đến Hồng Nga thì phải nhắc đến một NSND mà đã cùng bà làm nên cặp tấu hài vang danh khắp các tụ điểm sân khấu, các đại nhạc hội thuở xưa, đó chính là Ngọc Giàu. Cặp đôi lên sân khấu là khuấy đảo khán giả bằng những mảng miếng hài cực kỳ duyên dáng và chân thực. Cái hài của Hồng Nga - Ngọc Giàu không đến từ hình thể, không đến từ diễn xuất cường điệu, càng không la lối náo động. Chỉ cần duyên dáng bước ra, quăng miếng nhẹ nhàng, và nói cười rổn rảng hồn nhiên hệt như tính cách bà đã khiến khán giả ngả nghiêng cười.

Nét hài của bà được phát ra từ bên trong mình, duyên hài ngầm đó đã cho bà hai giải thưởng từ khán giả bình chọn là Mai vàng và Cù nèo vàng. Hai giải thưởng duy nhất sau hơn 60 bà đứng trên sân khấu. Khi lớp nghệ sĩ cùng thời của mình đã là những NSND, lớp đàn em đàn cháu cũng đã NSƯT thì Hồng Nga vẫn chỉ là “quái kiệt” trong lòng khán giả. Với bà, hạnh phúc từ danh xưng “quái kiệt” ấy mới chính là thứ hạnh phúc lớn lao nhất của đời nghệ sĩ.

Có lẽ chất “quái” của Hồng Nga nằm ở ngay trong tính cách của bà. Lãnh tiền giải thưởng Mai vàng hôm trước, hôm sau bà đến ngay bệnh viện trao tặng lại hết cho một bệnh nhân khó khăn đang điều trị ung bướu. Đi lưu diễn bà kêu gọi kiều bào ủng hộ từ thiện cho các hoàn cảnh khó khăn trong nước. Có lần vận động được 8.000 USD sau một bài hát. Hay như những năm tháng về sau này, bà miệt mài làm các chương trình cá nhân để bán vé gây quỹ từ thiện, mang đi giúp đời. Chẳng màng phần lợi cho riêng mình.

Hồng Nga giờ câu ca đã không còn vẹn nguyên, sân khấu đã không còn khoác xiêm y lộng lẫy nhưng trăm năm cải lương, giới mộ điệu vẫn sẽ luôn nhắc một “quái kiệt” Hồng Nga như một ngôi sao lung linh một mình một cõi. Mãi mãi chẳng lu mờ.

Tống Phước Bảo
.
.