Nơi gặp gỡ của những người yêu chèo

Thứ Năm, 21/07/2022, 14:28

Trong không khí cởi mở, chân tình, ấm áp, gần gũi, giao lưu “Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc” lần thứ VII- năm 2022 tổ chức tại Cung Văn hóa lao động Việt Nhật (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vừa khép lại. Thế nhưng những hình ảnh ấn tượng, những tiết mục múa hát hay... thì vẫn đọng lại trong lòng người yêu chèo trên khắp cả nước.

Tăng cả về số lượng và chất lượng

Giao lưu “Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc” lần thứ VII- năm 2022 diễn ra từ ngày 8-10/7. Đây là hoạt động vô cùng có ý nghĩa để khơi dậy tình yêu, niềm đam mê dân ca và chèo trong mỗi khán, thính giả. Đặc biệt, giao lưu lần này như một lời chào mừng, một sự tri ân, lan tỏa tinh thần sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào cuối năm ngoái. Giao lưu đã bước sang mùa thứ 7, là “sân chơi” dành cho những người yêu chèo nghiệp dư nhưng lại được tổ chức chuyên nghiệp, quy củ, bài bản.

giao lưu chèo 2.jpg -0
Một tiết mục trong giao lưu “Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc” lần thứ VII.

Nếu như mùa thứ 6 có 90 tiết mục thì lần này có 117 tiết mục với sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 50 đoàn trên cả nước. Theo đánh giá của Ban tổ chức chất lượng các tiết mục tham gia cũng cao hơn, sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng lớn hơn. Năm nay xuất hiện nhiều giọng hát mới, lạ, đặc biệt có hàng chục cháu thiếu nhi tham gia múa, hát. Khác với những mùa trước chủ yếu là những tiết mục song ca, đơn ca thì mùa này có non nửa số tiết mục là hát tốp ca. Nhiều địa phương vốn không có thế mạnh về chèo cũng tham gia nhiệt tình, như: Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…. 2 Câu lạc bộ tham gia giao lưu với số lượng diễn viên đông đảo nhất là Câu lạc bộ chèo Yên Đức (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) với 40 người, trong đó có 6 em học sinh và Câu lạc bộ chèo xã Liên Mạc (huyện Mê Linh, Hà Nội) với 48 người tham gia.

Tình yêu chèo cháy bỏng

Yêu, say mê chèo từ những lời ru của mẹ ngày thơ bé, anh Trần Hữu Tân (53 tuổi, Thái Nguyên) gây ấn tượng với hình ảnh cõng mẹ 87 tuổi là bà Trần Thị Phúc đến với giao lưu. Bản thân anh Tân đã tham gia viết khoảng 30 bài chèo ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước và tình cảm mẹ cha, đặc biệt năm ngoái anh đã viết tặng mẹ bài “Biển trời tình mẹ” theo điệu chinh phụ.

“Mẹ tôi đi lại khó khăn nhưng nhất quyết đòi đi đến với giao lưu. Được đến với giao lưu, mẹ tôi vui lắm, trên đường mẹ còn hát cho cả đoàn nghe. Trên đường về mẹ đã hỏi sang năm giao lưu diễn ra ở đâu để cho mẹ đi và nếu được sẽ xin được lên sân khấu hát “Ước gì” theo điệu đào liễu của soạn giả Nguyễn Đình Vinh. Từ hình ảnh cõng mẹ, tôi có làm mấy vần thơ: “Ngày xưa mẹ bế mẹ bồng/ Nay con cõng mẹ đi trông hội chèo/ Đường trường quân tử vãn theo/ Câu chèo mẹ hát hôm nào ru con/ Mãi yêu mẹ tấm lòng con/ Tình cao hơn núi nghĩa tròn biển xa/ Tình mẹ đẹp tựa bài ca/ Thoi đưa năm tháng mẹ già tuổi cao/ Mong sao mẹ sống được lâu/ Những lần chèo mở hội sau lại về”, anh Tân bộc bạch.

Cũng ấm áp tình mẹ gây xúc động với nhiều người có tiết mục của 4 chị em gái ruột, trong đó chị cả là bà Tạ Thị Quế (70 tuổi, Bắc Ninh) hát bài “Mùa xuân tình mẹ” của soạn giả Mai Văn Lạng để dâng lên người mẹ 91 tuổi. Bản thân bà Quế là nghệ nhân quan họ nhưng cũng rất yêu chèo và hát được vài chục bài chèo. Trong gia đình bà, ai cũng yêu chèo và có thể nói chèo đã kết nối họ lại gần nhau hơn. Nếu như mọi năm, mẹ của bà Quế có thể đến với giao lưu thì lần này sức khỏe không cho phép. Chính vì thế tiết mục của 4 chị gái như một món quà tri ân đầy ý nghĩa, dạt dào, nặng sâu tình mẫu tử.

Vốn là bác sĩ chuyên khoa I từng công tác tại cơ quan Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, Thượng tá Nguyễn Toàn (58 tuổi, Hà Nội) đã miệt mài học trong suốt 6 tháng để có thể vào vai phù thủy trong vở “Súy Vân” một cách xuất sắc. Đây là vai diễn rất khó bởi không chỉ biết diễn ra thần thái của phù thủy mà còn phải biết chơi trống chèo. Để hoàn thành tốt vai diễn này, anh Toàn đã được NSND Đoàn Thanh Bình, NSƯT Vũ Ngọc và NSƯT Minh Chí giảng dạy tỉ mỉ, sát sao. Vai diễn hài hước, mang tính châm biếm đã làm nên tiếng cười vui nhộn trên sân khấu. Màn biểu diễn của anh Toàn đã thể hiện tinh thần dám vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu vì tình yêu chèo cháy bỏng.

giao lưu chèo 3.jpg -0
Soạn giả Mai Văn Lạng (thứ 5 từ phải sang) với những người yêu chèo tại giao lưu “Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc” lần thứ VII.

Cũng cảm động không kém là trường hợp của bà Nguyễn Sao Thủy (74 tuổi, Hà Nội) khi vừa đi cấp cứu về đã mang máy quay đến giao lưu để ghi hình cho các đoàn biểu diễn. Có những buổi bà đã phải nhịn cơm để quay hình, cắt dựng. Hiện nay bà đang hằng giờ cắt từng tiết mục (có 120 tiết mục) gửi cho các đoàn và dự tính còn nhiều ngày miệt mài nữa bà mới gửi được hết cho các đoàn. Bà Thủy mê chèo, tuồng, cải lương từ những thời thơ bé và nhiều năm nay bà là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam do nhạc sĩ Dân Huyền làm Chủ nhiệm. Đến với giao lưu lần này, bà Thủy mong muốn được góp công sức nhỏ bé của mình để đem lại niềm vui cho các đoàn.

Người yêu chèo còn rất lớn

Trò chuyện với nhiều người tham gia giao lưu “Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc” lần thứ VII, tôi thấy tình yêu chèo trong họ là rất lớn. Không yêu, không đam mê thì sao có những đoàn bỏ hàng chục triệu đồng để tập tiết mục, để bồi dưỡng thầy và chưa kể còn bỏ công, bỏ việc để tham gia tập rồi đến với giao lưu. Hơn nữa, 3 ngày xuống Hạ Long giao lưu cũng tốn nhiều chi phí cho xe cộ, ăn uống, ngủ nghỉ.

Tình yêu tha thiết dành cho chèo còn thể hiện ở những vần thơ mà các thành viên về dự tặng cho nhau. Như bài thơ “Em có về chèo 7 với anh không?” của tác giả An Chinh Chiến có đoạn: “Em có về Chèo 7 với anh không?/ Ngân câu Sắp cho tưng bừng đất mỏ/ Câu hát cách cho dặt dìu lối ngõ/ Phố vịnh thăng trầm yêu cho thỏa đợi mong”. Hay bài thơ “Hội chèo đến hẹn lại lên” của tác giả Dương Phượng Toại có đoạn: “Hội chèo bên vịnh Hạ Long/ Mùa hè hội ngộ thong dong ta về/ Yến oanh nô nức đường quê/ Lời ca điệu múa dãi dề cùng nhau/ Mớ ba mớ bảy khoe màu/ Mắt em vừa liếc dao cau... nghiêng trời/ Đôi tay múa... mắt lả lơi/ Thị Mầu chợt hiện... rối bời lòng ta”.

Làm tất cả để lan tỏa chèo

Theo người sáng lập, tổ chức và thực hiện giao lưu - soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam thì để tập hợp được số lượng lớn người yêu chèo đến từ các vùng miền đòi hỏi những người làm tổ chức phải thực sự đam mê, phải có tâm sáng, lòng trong, đặc biệt làm đúng trách nhiệm là chưa đủ mà phải quăng mình vào, phải hy sinh rất lớn. Ngoài ra cộng đồng người yêu chèo đến với giao lưu cũng cần phải có sự đoàn kết, thống nhất vì mục tiêu chung tất cả vì sự nghiệp gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo.

Soạn giả Mai Văn Lạng cũng chia sẻ thêm: “Mỗi lần tổ chức giao lưu chèo xong mệt đến đứt hơi. Mấy tháng trời mất ăn mất ngủ. Cứ bảo thôi, sang năm không làm nữa. Mệt. Nhưng nhìn những ánh mắt, nụ cười, nghe những giọng hát chèo ngọt ngào tha thiết, những tình cảm trìu mến của hàng trăm người yêu chèo; có những lúc Lạng được mời chụp ảnh với 10 đoàn, hàng chục người, lại không nỡ từ chối, không nỡ bỏ. Yêu thương, trân trọng bà con cô bác lắm lắm. Mệt rồi nhưng lại gượng dậy động viên Ban tổ chức cố gắng làm. Làm vì mọi người, không vì một vài cá nhân mà bỏ cuộc chơi…”.

Ngô Khiêm
.
.