Những người lính trọn đời vì cuộc sống bình yên

Thứ Sáu, 19/08/2022, 20:39

"GIÓ XƯỚC", "HIÊN CHỜ", "QUÀ SINH NHẬT MUỘN" là chùm truyện ngắn đạt giải cao nhất - Giải B (không có giải A) trong cuộc thi Giải Cây bút Vàng lần thứ Tư (2018-2021) của Chi hội Nhà văn Công an và Nhà Xuất bản CAND trao tặng. Đó là chùm truyện ngắn xinh xắn, nhỏ gọn với trung tâm xuyên suốt là hình tượng người chiến sĩ Công an trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ Quốc và giữ gìn sự bình yên của cuộc sống.

Với những hướng tiếp cận khác nhau: Từ Thiệt - một Trung úy An ninh trong "Gió Xước" của Nguyễn Hiệp đến Nắng - một Cảnh sát giao thông trẻ tuổi trong "Hiên chờ" của Tống Phước Bảo và Tân - một Cảnh sát cơ động trong "Quà sinh nhật muộn" của Nguyễn Lâm, ngòi bút của các tác giả đã tập trung khai thác những phẩm chất khác nhau của các nhân vật xuất hiện trong những tình huống và hoàn cảnh khác nhau với số phận khác nhau.

Những người lính trọn đời vì cuộc sống bình yên -0
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tướng Mai Văn Hà - Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an trao giải B cho các tác giả đoạt giải ở thể loại truyện ngắn trong Cuộc thi viết Cây bút vàng lần thứ 4 (2018-2021) do NXB Công an nhân dân phối hợp với Chi hội Nhà văn Công an tổ chức. (Ảnh chụp tháng 12-2021)

Đó là Thiệt, một Trung úy trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Công an, thông minh, mưu lược, rất giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ và có tài "tri tâm thuật". Trong thời gian được biệt phái ra đảo công tác, nhiều tội phạm đã bị Thiệt và cộng sự bắt gọn, kịp thời ngăn chặn tội ác, đem lại sự ổn định, bình yên cho cả ba xã trên đảo.

Khác với Thiệt, Nắng lại có một lý lịch xuất thân khá đặc biệt. Thừa hưởng truyền thống của một gia đình với ba thế hệ liên tiếp phục vụ và cống hiến trong lực lượng Công an, điểm nổi bật ở Nắng là một tấm lòng giàu tình yêu thương, một trái tim nhạy cảm. Anh chạnh lòng xót xa khi chứng kiến cảnh đời lam lũ nhọc nhằn của ông già lớn tuổi chạy xe ôm lấy tiền nuôi bà già đang bị bệnh tim. Với lương tâm và trách nhiệm, anh nghĩ luật gì cũng do con người tạo nên. Nhưng luật nào thì cũng đâu qua được lương tâm của mình.

Phải là người có tấm lòng nhân hậu ấm áp, có tình yêu thương con người cực kỳ lớn lao mới có thể biến những công việc tưởng như khô khan, những hành động cứng rắn thành thiện tâm được.

Trong khi đó Tân lại vào trận trong một tình huống và hoàn cảnh rất đặc biệt. Anh và đồng đội phải đối đầu căng thẳng với một cuộc bạo loạn lớn nhất từ trước tới lúc đó. Khi cuộc chiến đã lùi xa nhưng Tân nằm trong số hơn mười Cảnh sát cơ động đã bị hy sinh. Mặc dù chỉ kể về một khoảnh khắc, một "lát cắt" trong cuộc đời của nhân vật nhưng Nguyễn Lâm đã khắc họa khá đậm nét bản chất tâm hồn của người chiến sĩ Công an. Một con người hết lòng thương yêu vợ con nhưng cũng là người sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ. Câu chuyện đã kết thúc, dù rằng có hy sinh mất mát nhưng người đọc không có cảm giác bi thương bi lụy mà vẫn lấp lánh niềm lạc quan vào tương lai về một cuộc sống yên ả thanh bình như màn đối thoại trong độc thoại nội tâm giữa vợ Tân và bé Linh.

Vượt qua sự kể lể dài dòng, cả ba truyện đều được dồn nén lại trong một dung lượng nhỏ gọn, hạn chế về tất cả. Các nhân vật chính hiện diện với số lượng ít; không gian, thời gian cũng hạn hẹp. "Gió xước" chỉ diễn ra trong căn nhà của mẹ con Phửng và thời gian cũng chỉ mấy tiếng đồng hồ trong đêm ba mươi Tết. "Quà sinh nhật muộn" chỉ diễn ra trong phòng ăn của gia đình Tân và thời gian cũng chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ buổi tối đến mười hai giờ đêm. "Hiên chờ" chủ yếu diễn ra trong không gian mái hiên nhà của Nắng (tất nhiên gắn với không gian tâm tưởng của nội).

Các tác giả đều có ý thức xây dựng nhân vật theo lối lược thuật chấm phá hết sức ngắn gọn nhưng chân dung hình hài thể chất cũng như đời sống tinh thần của các nhân vật đều hiện lên khá đậm nét.

Dù ở mức độ đậm nhạt khác nhau, cả ba truyện đều đạt được những thành công rất đáng ghi nhận về bút pháp nghệ thuật. Điểm nổi trội trong "Gió xước" là nghệ thuật miêu tả. Tác giả đã sử dụng biện pháp trữ tình gián tiếp: mượn người, mượn cảnh để nhân vật bộc lộ tình cảm một cách kín đáo. "Gió xước" là một ẩn dụ nghệ thuật đa nghĩa, hàm chứa ẩn ý, tạo nên những chiều sâu chưa nói hết. Đoạn văn tả bông từ bi rất giàu chất thơ, chất tạo hình, biểu cảm, gợi trí tưởng tượng và làm rung động lòng người.

Khác với "Gió xước", "Hiên chờ" lại rất thành công trong nghệ thuật trần thuật. Đó là thủ pháp nghệ thuật đồng hiện: quá khứ với hiện tại tạo thành nhiều lớp thời gian khác nhau. Thời gian quá khứ như một hướng mở để tác giả có cơ hội đi sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật với những ký ức, hồi tưởng, hoài niệm,... nhằm giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn cuộc sống trong dòng chảy liên tục của lịch sử.

Tác giả đã lựa chọn được những chi tiết rất đắt để khắc họa đậm nét trái tim nhạy cảm mẫn cảm đặc biệt của nhân vật: "...gương mặt thảng thốt lo âu của anh chàng cảnh sát trẻ nơi cổng bệnh viện khi hối thúc y tá đẩy băng ca cấp cứu, anh chàng thẫn thờ nhắm mắt cầu nguyện điều gì đó rồi đưa tay lau cặp mắt đỏ hoe".

Những người lính trọn đời vì cuộc sống bình yên -0
Bìa cuốn sách "Truyện ngắn chọn lọc Giải Cây bút vàng lần thứ 4 (2018-2021)".

Ngôn ngữ trong "Hiên chờ" mang đậm tính chất triết lý. Ngay mở đầu tác phẩm, câu nói chí lý của nhân vật bà nội là kết tinh của biết bao nhiêu vui buồn, cay đắng của cuộc đời nội. Đó là những bình luận triết lý ngắn gọn, giản dị nhưng mang tầm khái quát cao.

Có những đoạn văn rất giàu tính triết lý nhân sinh: "Nghiệt heng con. Bên này, bên kia cũng là chung một dòng máu. Bàn tay lật qua lật lại cũng là thịt của mình (...). Thắng hay thua, sống hay chết thì mọi cuộc chiến đều in hằn những vết xước cả". Lời thoại của nhân vật chính là những nghiệm sinh sâu sắc về cuộc đời, về nhân tình thế thái. Câu cuối cùng rất hàm súc, ngắn gọn mà nói lên được cả một tâm trạng của nhân vật: "Vài hôm nữa mới Tết, mà lòng nội thì xuân sang tự bao giờ".

Mỗi người mỗi vẻ, "Quà sinh nhật muộn" lại ở nghệ thuật xây dựng cốt truyện độc đáo. Một người phụ nữ trò chuyện với chồng vội vàng, gấp gáp, chớp nhoáng, nhiều lúc bị gián đoạn trên một chiếc điện thoại giữa lúc cuộc chiến đấu của chồng đang diễn ra căng thẳng, quyết liệt. Tác giả đã khai thác được một tình huống rất giàu kịch tính.

Cuộc bạo loạn khốc liệt này lại xảy ra ngay trong buổi tối sinh nhật của bé Linh. Rốt cuộc Tân đã mãi mãi không về và quà sinh nhật cho con gái mãi mãi sẽ là quà sinh nhật muộn. Nhân vật chị (vợ của Tân) là một con người nhiều trải nghiệm, nội tâm chứa đầy những trăn trở, bi kịch, ít thiên về hành động bên ngoài.

Ngòi bút của Nguyễn Lâm đã lột tả khá chính xác nhịp điệu tâm lý, sắc thái tâm lý, những cung bậc cảm xúc của nhân vật. Sự hấp dẫn của câu chuyện chính là ở độ căng của những tấn kịch nội tâm, độ căng của những thao thức dằn vặt trong bề sâu nội tâm của nhân vật. Tiến trình sự kiện xoay quanh cuộc bạo loạn bị giãn cách bởi những yếu tố phân tích, giải thích trong dòng đối thoại nội tâm của nhân vật.

Giọng văn hướng nội đã phát huy tối đa hiệu quả trong việc khám phá thế giới nội tâm của con người bằng thủ pháp nghệ thuật độc thoại nội tâm. Đối thoại nội tâm đã mở rộng dung lượng của sự phân tích tâm lý biểu hiện những chuyển động sâu xa bên trong tâm hồn nhân vật. Đó là những nỗi niềm suy tư trăn trở, thấp thỏm âu lo cho sự an nguy của chồng trước lằn ranh sinh tử.

Trong một chừng mực nhất định có thể nói "Quà sinh nhật muộn" là một truyện ngắn rất giàu chất tiểu thuyết. Nhân vật đã được tác giả đặt trong một tình huống đầy thách thức, vật lộn với hoàn cảnh. Nhân vật không chỉ nếm trải khi chứng kiến diễn biến cuộc bạo loạn ở bên ngoài mà còn nếm trải ngay trong nội tâm của mình.

Từ khi mở đầu cho đến khi kết thúc câu chuyện, nhân vật hầu như không được mấy giây phút bình yên, thanh thản mà triền miên trong những thao thức, trăn trở với những trạng thái cảm xúc khác nhau: Khi thì trách móc, nguyền rủa chồng; khi thì van xin nài nỉ chồng; khi thì phấp phỏng, lo lắng; khi thì sám hối, ân hận. Quả thực vợ Tân là một nhân vật đầy những nếm trải nội tâm.

Đây là chùm truyện ngắn khá hấp dẫn, hay về ý tưởng hay về cách viết "so bó đũa chọn cột cờ". Quả thực Ban Giám khảo đã rất có lý khi trao "Vương miện hoa hậu" cho ba truyện ngắn này.

Nguyễn Việt Hoàng
.
.