Đọc tập thơ “Vọng thiên hà” và “Cát” của nhà thơ Hoa Mai

Nhìn nắng ấm thiên hà

Thứ Sáu, 26/04/2024, 09:23

Sau tập thơ đầu tay, "Người đàn bà cưới nỗi buồn", NXB Hội Nhà văn, 2020, nhà thơ Hoa Mai liên tục xuất bản nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi, văn học thiếu nhi. Và nay, chị gửi đến bạn đọc hai thi phẩm mới: "Vọng thiên hà" và "Cát".

Với "Vọng thiên hà", không khó nhận ra một Hoa Mai có phần bình thản, nhìn cuộc sống và tình yêu bằng đôi mắt khoan dung, bằng cả cái cười ý nhị. Hành thiền, ngẫm thiền, Hoa Mai biết rằng "đi như sông trôi/ đá ném sóng cười sau đục là trong". Cũng tự nhận "vì người nửa đêm bật khóc", "gọt vui buồn làm hoa cài trên tóc", nhưng Hoa Mai xốc lại tinh thần, dặn mình lạc quan mà sống "việc của hạt muối là mặn mà thôi/ việc của Hoa Mai đón xuân rồi cười" (Quà tặng Hoa Mai).

Nhìn nắng ấm thiên hà -1
Nhà thơ Hoa Mai.

Ngay từ mở đầu tập thơ, Hoa Mai đã khẳng định tâm thế trước cuộc đời, sẽ không nhạt nhẽo, dẫu trái tim tổn thương thì tâm hồn vẫn xanh, dẫu hoa nở chật mùa mà trái lép mãi trêu ngươi thì vẫn tự tin mà sống. "Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày/ tâm hồn xanh dẫu trái tim chi chít sẹo/ hoa nở chật mùa mà trái lép mãi trêu ngươi" (Vọng thiên hà).

Từ những tập thơ đầu tiên góp mặt trên thi đàn, Hoa Mai đã là một người đàn bà thơ đầy cá tính. Sau những đổ vỡ, người thơ gượng dậy trong đời, trái tim lại xốn xang những cung bậc mới; lại đối diện bóng mình trong những đêm dài đầy những ngổn ngang, giằng xé. Âu lo những câu thơ sẽ lạc mất linh hồn, mong tình yêu sẽ quay trở lại, câu thơ thầm ước chữa lành vết đau: "Em viết thơ tình vá vết rạn trong tim/ cố thử những điều dại khờ nông nổi/ viết những lời em không dám nói/ khi đối diện trụi trần khắc nghiệt trước áo cơm" (Bào chữa). Những câu thơ, dẫu buồn, vẫn là ngọn lửa để sưởi ấm trái tim mỗi đêm chực chờ lạnh giá bởi sự cô đơn.

Bắt đầu những ngày lập đông, bắt đầu mùa hạnh phúc lứa đôi, thoáng chút chạnh lòng khi vẫn chờ đợi một tin nhắn, một tình riêng chưa ngỏ. Rất mạnh mẽ, người đàn bà thơ nói sự khao khát tình cảm yêu đương cũng là lẽ thường tình, có gì để xấu hổ khi đất trời cũng muốn gần nhau: "Trời lạnh rồi cần lắm ở phía nhau/ hình như lạnh chen vào từng khóm lá/ thèm yêu à, có gì là lạ/ đến đất trời cũng muốn nép bên nhau" (Tháng mười một - Sài Gòn lập đông).

Thực ra, điều người đời dễ thấy ở những người đàn bà yêu, những người đàn bà thơ là sự mẫn cảm và dễ mềm lòng. Cho dù tự nhận là mạnh mẽ, tự nhủ vững vàng mà bước, không tiếp tục yếu lòng trước những dỗ dành, song khi đã yêu với tất cả chân tình thì người đàn bà trở nên khờ dại, yêu đến quên mình. Trời cho may nhờ rủi chịu. Gặp được người hết lòng yêu thương thì mãi mang theo suốt cả đường đời. Những kỷ niệm cũng có thể là vốn liếng để sống, nghĩ về nhau cũng để tình yêu mãi còn: "Em không phải là người có trái tim mạnh mẽ như thép/ coi tình yêu chỉ là một đám mây/ hay dễ dàng buông tay/ cũng không phải người xem tình yêu là cứu cánh/ em chỉ là em sống bằng cách nào đó/ nghĩ về anh để níu giữ tình yêu/ anh đã đến khi em hoạn nạn nhất, cô đơn nhất/ kỷ niệm tình yêu sẽ đưa em về nhà" (Ký ức tình yêu).

Yêu người, yêu thơ, tình yêu nào cũng hết lòng, dâng hiến. Cuối năm, người đời hoặc tổ chức tiệc tất niên hoặc ngẫm lại đời mình, vui với những việc đã làm được trong năm; xót xa, tiếc nuối với những thua thiệt, mất mát. Hoa Mai chọn một việc ít ai làm, một tứ thơ thật độc đáo, nàng đem giặt áo cho thơ, giặt rồi phơi, rồi đếm những tần ngần: "Từng giọt nóng chảy vào trong/ câu thơ ngậm ngùi đắng chát/ lửa hắt hiu vờn bếp tắt/ tự khóc vón nỗi nhọc nhằn/ cỏ cây vươn ra ánh sáng/ sao thơ vương mãi giọt trầm/ nhưng thật, điều không giả dối/ chạm biên giới của lòng đời" (Giặt áo cho thơ).

Qua tập thơ này, tôi và nhiều người yêu thơ Hoa Mai càng thấy rõ thơ tình Hoa Mai luôn mang chất riêng: một chút đào hoa, một chút tình tứ, đắm say đó rồi lại buồn tênh; niềm hạnh phúc đan xen nỗi cô quạnh… Thơ Hoa Mai có sự kiêu kỳ, đỏng đảnh của nhan sắc lại có sự yếu đuối của yếm thế phận đàn bà; thơ không phô diễn hình thức mà đi vào nội tâm, cứ da diết xoáy xoay như những cánh hoa rơi rụng trong chiều, như cánh chim mải miết trên hành trình vạn dặm.

Nên đừng ngạc nhiên khi Hoa Mai vẫn đầy những loay hoay giữa phi lý và thuận lý, mà hãy đồng cảm và thương người thơ với những rối lòng, dao động, băn khoăn. Những câu hỏi cứ xoắn mãi, khẩn cầu, tha thiết: "Không muốn cũng phải đi hết một con đường/ để hiểu một điều giản đơn mà khó thế/ tiền mua được tất cả trừ thời gian và tuổi trẻ/ anh ở đâu khi em ngã bên cầu?/ có vài vết thương sâu/ đau đến mức tưởng như không còn đau nữa/ có gương mặt cố quên từ lâu/ sao đêm đêm cứ hồi sinh như cỏ?" (Làm sao).

Nhìn nắng ấm thiên hà -0
Các tác phẩm mới của tác giả Hoa Mai.

Đã tận cùng nỗi đau, đã mê man như không còn biết đau nữa, thì sự tuyệt vọng có cất lời cũng bằng không. Biết vậy, đành vậy mà ký ức vẫn réo gọi để trở về những mùa yêu đã xa, những lửa hương thần thánh. Nhưng khi cây lãng quên trổ hoa bên đường thì lời tình đã thôi âm vọng: "Em nghĩ về một mùa xuân đã xa/ hương mùa, hương nhau bùa chú/ cây lãng quên trổ hoa ngậm ngùi/ trên chuyến xe thổ mộ/ lắc lư một lời tình/ vô âm" (Xuân lãng).

Lắm lúc tỏ ra mình trải đời, khôn ngoan, mạnh mẽ, rồi cũng đến lúc người đàn bà thơ chấp nhận nỗi đau. Nghe xót xa mà đau chứ, cái xuẩn ngốc để được tin, được yêu đó dù sao vẫn đẹp hơn sự tinh khôn, tính toán thiệt hơn trong ma trận cõi tình: "Em chả tìm cơ hội trở mình đâu/ chấp nhận nỗi đau trên thánh giá/ ôm vết thương rồi ngày mai lại mặc cả/ lại ngốc để được tin người" (Tại em ngốc).

Trong thi tập này, tôi chọn bài thơ hay nhất của Hoa Mai là "Người sen hát khúc sen hồng". Mùa đến, mùa qua, hoa tàn, hoa nở. Hương sẽ tan, sắc sẽ nhạt, ai nắm níu được hương, được mùa? Người đẹp cũng như sen, sắc hương rực rỡ rồi cũng dần phai. Nhưng đặt ở trong tim để lòng nhân ái tỏa hương là một tứ thơ thật đẹp của Hoa Mai. Một đời biết vẫn còn khờ khạo song sự hiến dâng vào hoang dại lại là chỉ dấu của sự ngộ, nẻo về thơm tâm ý:

"Sen trong hồ sẽ tàn/ sen trên tay sẽ héo/ ai khóc cho hương thơm/ tan dần không người níu? người đẹp cũng như sen/ có bao mùa lộng lẫy/ nhưng sẽ có một ngày/ sắc hương phai run rẩy/ đặt sen vào trong tâm/ hương thơm từ nhân ái/ chỉ một chữ yêu thương/ học cả đời còn dại/ người và sen đổi chỗ/ bão cuộc đời quá nhiều/ giấu sen trong tim nhỏ/ thơm vào hoang dại chiều".

Tập thơ cũng có nhiều bài với những câu thơ hay:

"Hương tình trong dĩ vãng/ Thơm tràn vào gió đông" (Người xưa ơi).

"Chiều hoang quá chỉ thấy lòng trơ trọi/ vườn xưa ơi xin nở đóa hoa hồng/ ta lặng lẽ gom nỗi buồn đọng lại/ cho hương thầm tỏa hết tới mênh mông" (Chiều hoang).

"Ta sợ biển chắc bắt nguồn từ gió/ đã đa tình làm dậy sóng không nguôi" (Hờn gió).

"Thôi ghé vào với cỏ/ tìm hoa vàng như nhiên/ học giọt sương cách vỡ/ trên lối về bình yên" (Đi tìm bình yên).

Tiếng thơ Hoa Mai luôn ấm áp, chân thành. Những lúc với bóng mình, lúc trở về thiên nhiên, cũng là thấu cảm hơn thân phận con người. Triết gia, nhà thơ Lebanon Khalil Gibran từng viết: "Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai". Hoa Mai học giọt sương cách vỡ để tìm bình yên trên lối về. Và cũng từ đó, những vọng tưởng thênh thênh, người thơ tự ru mình trong uyên nguyên, nhìn về miền nắng ấm với nụ cười thanh thản trên môi:

"Ta học câu tập nắm tập buông/ làm cơn gió trôi về miền thanh nhã/ giấc Mai Hoa tự ru rằng  viên mãn/ kìa bình minh/ kìa nắng ấm ở thiên hà" (Vọng thiên hà).

Bùi Phan Thảo
.
.