Đặng Văn Chương - lặng lẽ những mạch chiều

Chủ Nhật, 31/03/2024, 12:40

Đặng Văn Chương sinh ra từ làng Phù Lưu của miền Lộc Hà, Hà Tĩnh, của xứ miền Trung "mỏng và sắc như cật nứa" (Chữ của Hoàng Trần Cương). Lớn lên từ nơi đến sỏi đá cũng bị thổi bạc đi bởi gió Lào, rồi trở thành một cán bộ cao cấp của quân đội, chạm tuổi xế chiều, bỗng xoay ra đánh vật với ngôn ngữ của miền thơ. Đến nay, sau gần hai mươi năm miệt mài và lặng lẽ dan díu cùng câu chữ, anh đã có cho mình 5 tập thơ đầy đặn.

1.

Trong cõi văn chương thì mạch thơ là thứ khó nắm bắt nhất, có thể đùng một cái nó ám vào rồi phát lộ, chả kể lứa tuổi nào, chả kể ấy là ai! Nhưng, hình như có một quy luật ấy là thơ thường tìm về đậu trong cõi lặng của miền đứng tuổi! Thì cứ thử điểm mặt tất cả các tổ chức thơ mà xem, đến nơi ấy, phần đa là những mái đầu đã điểm bạc! Bởi vậy nên nhiều lúc tôi hay đùa với các bác làm thơ, rằng nàng thơ cứ bảo đẹp, ấy thế mà nàng lại chuyên phải lòng lớp người cao tuổi, còn những phơi phới thanh tân, thì họa hoằn lắm mới thấy một người! Lạ thế!

Thì như nhà thơ Đặng Văn Chương đây, thơ lộ ra khi anh đã xong những cuộc đánh đông dẹp bắc, đã cầm sổ hưu mà tung tăng với phố phường. Lúc ấy, cái đam mê mới trỗi về mà biến ông đại tá về hưu thành thi sĩ Đặng Văn Chương! Ơn giời, nhờ có cái thiên tư thơ trời cho muộn, nên thơ anh viết ra câu nào là có ý có tứ trong ấy, in báo bài nào là chín bài ấy! May thế!

vvvv.jpg -1

Đặng Văn Chương sinh ra từ làng Phù Lưu của miền Lộc Hà, Hà Tĩnh, của xứ miền Trung "mỏng và sắc như cật nứa" (Chữ của Hoàng Trần Cương). Lớn lên từ nơi đến sỏi đá cũng bị thổi bạc đi bởi gió Lào, rồi trở thành một cán bộ cao cấp của quân đội, chạm tuổi xế chiều, bỗng xoay ra đánh vật với ngôn ngữ của miền thơ. Đến nay, sau gần hai mươi năm miệt mài và lặng lẽ dan díu cùng câu chữ, anh đã có cho mình 5 tập thơ đầy đặn.

Từ cái lộc thơ muộn trời cho, từ sự lặng lẽ bòn đêm đãi chữ, mà thơ anh cứ tự sáng dần lên bởi cái tư tưởng chứ không phải chỉ ở cái cảm xúc hay sự trau chuốt của ngôn từ! Thơ của Đặng Văn Chương là sản phẩm từ những nguồn mạch ngầm chảy trong cõi quê, cõi yêu và cõi thế!

2.

Đọc thơ Đặng Văn Chương từ "Những người gánh trăng", (NXB Hội Nhà văn, 2008), qua "Mùa trăng cổ tích" (NXB Hội Nhà văn, 2011), đến "Phía sau giấc mơ" và "Xoay tròn mặt nắng" mới xuất bản mấy năm gần đây, thấy lộng một cõi quê bên dòng sông Nghèn của miền Trung nắng lửa, thấy một cõi yêu ngùn ngụt đang tự lắng mình vào ruột chữ, thấy từ cõi thế những sắc màu đa diện ánh lên trong những khối chữ hàm ngôn!

Phàm trong cõi thơ, để có được nét đặc trưng phát triển thành hệ tư duy sáng tác qua từng tác phẩm như thế không hề dễ. Có lẽ đấy chính là cái khác biệt giữa sự ngẫu hứng của cảm xúc và sự tư duy có hệ thống của thi ca. Đấy có thể coi là những cái vân chữ để nhận diện ra mỗi người thơ qua từng tác phẩm của họ!

Trong tập "Mùa trăng cổ tích" của anh, đọc thấy nỗi niềm của hạt muối nhỏ vào phận những diêm dân tần tảo cùng cái chát mặn của biển xanh: "Chia từng vuông nắng mặt trời/ Phận người làm muối mồ hôi nhọc nhằn/ Nỗi buồn muốt trắng trăm năm/ Niềm vui chát mặn âm thầm mà xanh…/…/…Trót sinh ở biển mất rồi/ Đời cho đãi nắng mặt trời mưu sinh!" (Nỗi buồn muối trắng).

Thơ anh thấm vào những tần tảo, những yêu thương của cõi nhân sinh bằng sự pha trộn tinh tế giữa cảm xúc và tư duy: "Tin em nhắn bảo rằng em nhớ/ Mong cho ngày ấy lại quay về/ Để em được đón anh ngoài ngõ/ Cùng được ngồi đưa võng dưới trời quê…/ Thôi em ạ, một dòng tin ấm nóng / Cũng cho ta qua suốt một đông này" (Kỷ niệm quê nhà).

dvc.jpg -0
Một số tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Đặng Văn Chương.

Là một người thơ, tự biết mình biết người, anh đặt mình trong sự khắc nghiệt của thi ca bằng cái hồn thơ, tình thơ nồng ấm. Thơ anh, không nhiều sự lạ hóa của ngôn ngữ, cũng chẳng phải lập trình nên bởi sự bố cục hay kết cấu đa chiều, đa diện, nhưng đọc lên là thấy ăm ắp cái tình:

Quá nửa đời mũ áo xênh xang/ Tóc bạc trắng mới biết mình có lỗi/ Về quê chẳng còn gì để nói/ Con đường làng quên cả lối đi xưa/ Còn những gì ấp ủ một vùng quê/ Mẹ cha mất vườn xưa, ngõ vắng/ Mạng nhện giăng đầy nhà tơ trắng/ Bờ tre xạc xào nghiêng xuống chiều hoang (Mái nhà xưa).

Mạch quê, tình quê làm nên một cõi quê khá đặc trưng trong thơ Đặng Văn Chương. Bởi trong cái mạch quê ngỡ như tự sự, giãi dề ấy là lồng lộng bóng người mẹ nhập vào bóng quê tần tảo: "Quê thay đổi nhưng gió Lào vẫn thế/ Xao xác với người trong cõi mưu sinh…/…/ Bụi mù trời lối vào phố Huyện/ Đường mấp mô khuya sớm lên Nghèn/ Ai gánh nửa vầng trăng đi buôn chuyến/ Bao đêm buồn con nước không lên" (Con lại về xứ Nghệ).

Thơ anh có thể không mang nhiều nét mới, nhưng cái ý tứ, lay gợi và sự thúc mở thì ở bài nào cũng thấy câu chữ! Trong nghề thơ, để có được những câu thơ giản dị mà lay gợi được người đọc, ấy là điều không dễ, và đấy là điểm khác biệt nhất của "sự chuyên nghiệp" trong thơ: "Chợ Cầu nhiều khế ế chanh/ Nhặt câu ví dặm để dành tặng nhau/ Đất quê/ Mưa nắng bạc màu/ Hồn quê/ Nghĩa nặng ơn sâu với mình" (Hồn quê).

Ngôn ngữ thơ Đặng Văn Chương, trải suốt những tập thơ của anh là cái nết chữ dung dị nhưng cô đọng và hàm ngôn. Mạch chữ ấy đã góp phần tạo nên sự nhất quán, nó định hình nên tư tưởng thơ anh: "Trưa Phù Lưu ta ngồi uống nắng/ Gắp gió Lào bát đẫm mồ hôi/ …/… Dành mấy chén cho đứa còn lưu lạc/ Ra đi từ độ ấy chưa về/ Rừng Trường Sơn, Đồng Xoài, Ấp Bắc/ Hồn đã hóa thành tiếng hát lời quê…/…/ Trưa Phù Lưu bờ tre vít xuống/…/… Nắng táp da, mạ mới gieo mầm/ Suốt bốn mùa chưa thôi xào xạc/ Đất bạc màu, người bạc mặt nhìn nhau…" ("Trưa Phù Lư"u- Rút từ tập "Phía sau giấc mơ"). Những vần thơ như thế, đã dựng thành một cõi quê thiêng liêng trong thơ Đặng Văn Chương. Lối viết ấy, cách lập tứ thơ có chủ đích bằng mạch ngôn ngữ dung dị ấy, đã tạo nên những điểm ấn tượng riêng với những câu thơ của nhà thơ họ Đặng này.

"Mưa rơi lệch đất nghiêng trời/ Một em mắt ướt/ Một tôi ngập ngừng/ Lối về thơm mái ô chung/ Ta như bong bóng/ Rối từng bước đi…" (Mưa). Trong cõi tình của thơ anh, đọc thấy nhiều câu như thế, câu chữ thơ như thể được ướp ủ trong cái bể tình mặn mòi trăm nỗi, chỉ thấy những ngậm ngùi hóa thân, những mất mát bay lên dâng mùa ngũ sắc. Cái đau, cái mất mát của cõi tình đã hóa thân và phục sinh thành bảo vật của thi sĩ: "Bỏ neo lại/ Nụ cười ải nắng/ Bước lên bờ/ Vấp bóng hoàng hôn…/…/… Tan bọt nước/ Còn gì để nói/ Tôi cầm năm tháng ném thia lia" (Ném thia lia).

Trong bể phù sinh, thơ tình lúc nào cũng thiếu, bởi nó là sự kết tinh cao nhất ở cõi yêu. Càng phải đọc những thứ na ná thơ tình đang được vãi gieo ở khắp nơi, từ cõi ảo cho đến cõi thực, người ta càng thèm những bài thơ tình đích thực để thấy mình, thấy đời, thấy cái tinh túy của cuộc yêu khảm đọng vào trong ấy: "Hai mặt đời trên lá/ Mùa cứ thổi sang mùa/ Chạp gió nào xa lạ/ Chiều thành em gái mưa/ Có gì đâu mà lạnh/ Sưởi nhau mấy đông già/ Mắt chiều thêm lóng lánh/ Ta vẫn còn trong ta" (Có một chiều tháng Chạp).

Bởi vậy, đọc thơ tình của Đặng Văn Chương, người ta luôn thấy những dư ba ầng ậng lắng vào trong mắt, thấy câu chữ cồn cào trong cung lặng của cõi tình: "Tôi nợ em năm mười tám tuổi/ Chiều gió rơi bối rối sau nhà/ Mùi hương chín lan tà nắng mỏng/ Hạ dùng dằng ai thắp lửa chờ ta/…/…/ Em hỏi ta sao Kỳ Cùng chảy ngược/ Ánh mắt ngây thơ rơi bến Pọc Pùa/ Đường Bình Độ mà thăm thẳm dốc/ Lối Lũng Vài trơn trượt giấc xưa…" (Khuyết một vầng tôi).

Đọc những câu thơ mà người viết đã trích dẫn từ những tập thơ của Đặng Văn Chương trên đây, thì chúng ta thấy rằng, thơ ấy, phải là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, là những sản phẩm văn chương đích thực mà cuộc đời này luôn mong muốn nhận được.

Đọc thơ Đặng Văn Chương trong những năm gần đây, nhận thấy anh đang tìm cách mở rộng biên độ và thể tài cho thơ của mình. Những trang thơ của anh đang tương tác và cập nhật liên tục với cuộc sống và thế thời từ nhiều góc độ. Và quan trọng hơn là trong miền thơ ấy, cảm xúc, sự ngẫu hứng luôn được kiểm soát và chọn lọc bởi một tư duy thơ chuyên nghiệp.

3.

Bằng những nỗ lực tìm tòi liên tục và bền bỉ cùng thơ ca, nhà thơ họ Đặng hiện đang hoạt động trong Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Vẫn biết rằng với văn chương thì nhãn mác, hội hè không phải là tiêu chí để đánh giá chất lượng sáng tác của một tác giả, tuy nhiên với anh thì đó là sự ghi nhận xứng đáng và cần thiết đối với một nhà thơ đích thực!

Đường đến với thi ca chả bao giờ là muộn, điều quan trọng là cái duyên chữ, cùng một tư duy thơ nhất quán và sự đam mê đích thực. Như với Đặng Văn Chương, những nguồn mạch cảm xúc cùng với một tư tưởng sáng tác xuyên suốt, đã dâng thành cõi thơ đằm lắng của riêng anh.

Hà Nội, 3/2024

Nguyễn Thế Kiên
.
.