Nhè nhẹ Thảo Hiền

Thứ Năm, 09/06/2022, 18:22

Dù đã có "hẹn" trước song chúng tôi chỉ trò chuyện chừng mươi mười lăm phút thì Họa sĩ Trần Thảo Hiền đứng dậy "Cháu xin phép làm một "tua" với khách đến xem tranh ạ". Thế là tôi cũng đứng dậy và thực hiện đúng vai của một người đến Triển lãm "Trần Thảo Hiền - 15 năm một chặng đường" tại Art Space, số 42 phố Yết Kiêu, Hà Nội.

Với cuốn sổ ghi chép luôn mở và cây bút, tôi nhập vào đoàn người cùng đi xem tranh. Thú thực, trong đời phóng viên thì đây là lần đầu tiên tôi phải đi theo "chủ thể" của bài báo dự định viết để lắng nghe, để ghi chép và để xem tranh. Hôm nay là ngày thứ 4 và cũng là ngày cuối cùng của Triển lãm nên khách đến xem tranh nhiều hơn, đa số là những người từ các tỉnh về nên họa sĩ Trần Thảo Hiền cũng phải chu đáo với người hâm mộ. Chợt nhớ Thảo Hiền đã nói: "Triển lãm tổ chức trước đó ở thành phố Hồ Chí Minh cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều người chú ạ".

Ở triển lãm cá nhân này họa sĩ Trần Thảo Hiền trưng bày khá nhiều bức tranh, bức vẽ đã lâu, bức vẽ gần đây, và bức dường như mới được vẽ cũng có. Quan sát một lượt tôi nhận thấy họa sĩ Trần Thảo Hiền nghiêng về tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật. Tranh của cô chân thật và giản dị, nhưng điều làm tôi thấy lạ là họa sĩ Trần Thảo Hiền sinh sống nhiều năm ở Nga (từ khi 14 tuổi cho đến nay tuổi cô vừa tròn bốn giáp) mà hầu hết các tranh phong cảnh của cô đều vẽ cảnh làng quê Việt Nam, còn tranh tĩnh vật lại đa phần là những loài hoa loại quả cũng đậm chất Việt?

1.jpg -0
Hoạ sĩ Trần Thảo Hiền.

Thì ra Trần Thảo Hiền sinh ra ở "nhà quê" thật. Số là dạo đó mẹ cô sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp được điều về công tác tại huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Rồi như duyên số mà người con gái quê gốc Nam Đàn, Nghệ An ấy nên duyên cùng chàng kỹ sư giao thông quê huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Trần Thảo Hiền sinh ra "trên những cánh đồng" Đan Phượng và cô sống ở đó tới năm 8 tuổi mới cùng mẹ về sống ở Khu tập thể Kim Liên, Hà Nội cùng bố và anh trai. Có lẽ những cảm nhận hay nói cách khác là những hình ảnh đầu tiên mà cô bé có cái tên nhân hậu là Thảo Hiền nhận được là những hình ảnh nông thôn với cây đa bến nước, với cánh đồng lúa lên xanh tốt và với những câu chuyện "kẽo kẹt võng đưa". Và như người ta đã nói "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" đã in đậm vào nữ họa sĩ tương lai cho dù sau này cô có đi đâu hay ở đâu cũng không phai nhạt.

Năm 14 tuổi, cô lại "làm một cuộc thiên di" nữa khi cả gia đình sang Liên Xô sinh sống khi cha cô được cử sang làm đại diện ở đó. Vậy là quãng tuổi học sinh phổ thông của cô cho tới đại học đều học ở Nga. Trần Thảo Hiền tốt nghiệp Khoa Kinh tế Trường Đại học Thăm dò địa chất quốc gia Liên bang Nga. Lúc hai chú cháu ngồi trò chuyện tôi đã kịp hỏi cô: "Vậy Thảo Hiền đến với hội họa như thế nào?". Nữ họa sĩ cười bảo: "Cháu đến với hội họa bằng 3 cái không. Đó là: Không năng khiếu sẵn có. Không được đào tạo mỹ thuật chính quy và không có ai trong gia đình làm nghề hội họa".

Trần Thảo Hiền thú thật rằng, hồi nhỏ cô cũng có vài lần xem anh trai vẽ (tuy nhiên người anh trai của cô chỉ vẽ vui vui như bao đứa trẻ khác chứ không theo nghiệp hội họa), những lần xem anh trai vẽ như thế trong lòng cô bé Hiền cũng muốn "thử sức" vẽ" nhưng cô lại thôi ngay ý định đó. Hỏi thêm về điều đó, họa sĩ Thảo Hiền cho biết "Cháu cũng muốn vẽ nhưng chỉ sợ lại làm hỏng và phải vứt bỏ đi một tờ giấy trắng thôi".

Nhưng rồi và như ai đó đã nói: "Trong mỗi một con người đều có sẵn một tài năng. Chỉ có điều con người đó có khơi dậy được tài năng đó hay không hay là để tài năng đó bị thui chột". Vào năm 2004 Trần Thảo Hiền tham gia CLB phụ nữ Quốc tế Matxcơva. Đây là một câu lạc bộ rất đông đảo hội viên với nhiều quốc tịch khác nhau. Bên cạnh những họat động vì phụ nữ của mình, CLB phụ nữ Quốc tế Matxcơva  còn tổ chức nhiều nhóm sinh hoạt khác nhau nhằm khơi dậy tiềm năng của hội viên. Những nhóm sinh hoạt này thường vào dịp tháng 9 hàng năm tiến hành tuyển sinh dành cho hội viên. Trần Thảo Hiền hình như "muốn đánh thức tài năng sẵn có" nên cô mạnh dạn đăng ký vào Nhóm màu nước do họa sĩ Elena Afanasyeva làm Chủ nhiệm.

Tuy nhiên những lần đến sinh hoạt với Nhóm, Trần Thảo Hiền cảm thấy mình không có khả năng hội họa nên cô không mặn mà. Cho đến năm 2006 thì Thảo Hiền quay lại và lần này cô nói rõ điều suy nghĩ của mình. Bà họa sĩ già từng có thâm niên 50 năm giảng dậy tại Trường Nghệ thuật Matxcơva nói thẳng "Trong đời dạy vẽ cô chưa thấy ai đi học vẽ mà chưa biết vẽ". Nói thẳng thế nhưng bà giáo già nhìn cô hội viên đang đứng ngẩn người bèn nói: "Cô có ý định treo tranh của mình ở Viện bảo tàng không?". Một câu nói mang tính khích lệ bởi hình như người họa sĩ lão thành này đã nhận thấy ở cô gái Việt trẻ tuổi những "ẩn sâu" của một tài năng hội họa, và bà nói tiếp: "Còn chần chừ gì nữa mà không đi học vẽ".

8.jpg -0
Một số tranh của hoạ sĩ Trần Thảo Hiền được trưng bày tại triển lãm.

Dù đến với hội họa từ con số 0 tròn trĩnh nhưng cô gái tuổi Hổ này không chịu "lùi bước".  Có lẽ tính cách mạnh mẽ này đã giúp cô thành công khi bén duyên với hội họa. Với sở thích du lịch nên Thảo Hiền hễ có điều kiện là cô "xách va li lên và đi". Những lần đi đó Thảo Hiền không bỏ sót một bảo tàng nào, một triển lãm tranh nào ở những nơi cô đến. Và từ những lần đi đó Thảo Hiền đã "viết nhật ký bằng tranh" để lưu lại bằng hình ảnh do mình cảm nhận được. Thật thú vị khi mà trong thời buổi bây giờ chỉ cần một chiếc điện thọai thông minh là đã có thể có cho mình hàng chục, thậm chí hàng trăm bức ảnh về con người và đất nước mình tới.

Xem tranh kiểu "nhật ký" của Thảo Hiền tôi có cảm nhận rằng những bức tranh đó đều có cốt truyện. Đem cảm nhận đó nói với Thảo Hiền thì được cô công nhận, cô còn nói thêm: "Cháu còn lưu lại những món quà mà bạn bè tặng bằng vẽ tranh chú ạ".

Nói rồi cô chỉ vào một bức tranh tĩnh vật thể hiện một bó hoa rất đẹp được cắm trong bình. Cô cho biết: "Vẽ kiểu "Nhật ký bằng tranh" mới đem lại cảm xúc sâu đậm bởi khi vẽ cháu phải ngắm nhìn bó hoa đó rất nhiều lần. Nó xua đi cảm giác hời hợt và nhanh quên khi mình chụp ảnh và cất vào Album. Với suy nghĩ của tôi thì kiểu vẽ "nhật ký bằng tranh" của Thảo Hiền ngoài cảm xúc sâu đậm ra còn cho thấy một sự trân trọng của người được nhận quà tặng từ những người thân, đồng thời thể hiện mối giao cảm giữa sự vật và không gian nó tồn tại. Tôi hiểu Trần Thảo Hiền đã thực sự đi tìm những giá trị mới là làm sao có thể bảo toàn tâm hồn và luôn là chính mình trước những sự thật nửa vời hay là sự giả trá. Và đó chính là nét duyên của hội họa Trần Thảo Hiền".

Tôi chợt thích thú khi nghĩ rằng một vài năm sau, hàng chục năm sau khi cùng người đã tặng quà xem lại bức tranh "nhật ký bằng tranh" ấy sẽ thấy vô cùng quý trọng. Hoặc cũng thời gian trôi qua, có phút giây thảnh thơi nào đó chợt oà lên sung sướng khi gặp lại "cảnh xưa người cũ" từ chính bức tranh đã vẽ năm nào và đó như là một hành trình khám phá có tính phát triển tạo nên sự thú vị cho mỗi bức tranh.

Và như Trần Thảo Hiền đã bộc bạch "Cháu học vẽ ở nhóm này cũng đã 15 năm". Tôi biết đó là mười lăm năm cần mẫn với 2 buổi 1 tuần vừa học, vừa vẽ và vừa tiến hành triển lãm cá nhân. "Và như vậy cháu không hề học trường Mỹ thuật nào?" - Tôi hỏi lại. Họa sĩ Thảo Hiền gật đầu, cô nói thêm "Cháu chỉ học ở đời sống và học ở mọi người". Được biết mấy năm nay, Thảo Hiền cùng gia đình của mình đã về sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng cô vẫn đều đặn bay sang Nga để duy trì sinh họat với CLB phụ nữ Quốc tế Matxcơva và để tiếp tục theo học cô Elena Afanasyeva. Tôi hiểu với nữ họa sĩ xinh đẹp này việc học vẽ của cô không có ngày "bế giảng" vì với cô: Học không bao giờ là thừa cả. 

Họa sĩ Trần Thảo Hiền đã có nhiều thành công với Giải Nhất tại Triển lãm tranh "Artstart không biên giới" năm 2020 tại Bảo tàng Art Décor, Matxcơva. Giải Nhì Liên hoan Nghệ thuật quốc tế "Abstractum - Tranh trừu tượng" năm 2021, tại Trung tâm Triển lãm Gostiny Dvor, Matxcơva. Huy chương vàng tranh sơn dầu cho họa sĩ chuyên nghiệp cuộc thi quốc tế "Art Perfection: Nghệ thuật - Sự hoàn hảo - Sự hoàn hảo - Sự công nhận" tại Học viện Nghệ thuật đương đại quốc tế Matxcơva.

Nguyễn Trọng Văn
.
.