Nhạc sĩ Vũ Thành An: "Chỉ còn khối tình mang theo"

Thứ Bảy, 23/09/2023, 07:27

"Đời một người dưới thế/ Ước mơ đã nhiều/ Trời cho không được mấy/ Đến khi lên Trời/ Chỉ còn khối tình mang theo". Cuối con dốc cuộc đời, ông viết lại phần lời thứ hai cho "Bài không tên số 2". Như một cái ngoái nhìn, như một hành trang, ông đem hết gia tài âm nhạc lẫn khối tình mình có gửi gắm trọn cho tha nhân, chỉ cầu mong nụ cười nở trên môi bao phận đời cơ cực...

Trung tuần tháng 9, nhạc sĩ Vũ Thành An về nước tổ chức buổi công bố chuyển nhượng lại quyền sở hữu tác quyền toàn bộ tác phẩm âm nhạc của ông cho nữ ca sĩ Ngọc Châm với mục đích thiện nguyện. Theo đó, ca sĩ Ngọc Châm sẽ thay ông quản lý số tiền tác quyền âm nhạc thu được. Hai phần ba số tiền này sẽ được nữ ca sĩ sử dụng cho các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn, phát triển tài năng âm nhạc trẻ ở Việt Nam.

Lão nhạc sĩ 80 tuổi khiến công chúng xúc động khi cho biết tâm nguyện này đã được ông chuẩn bị từ ba năm trước. Năm 2020, khi dịch COVID-19 hoành hành dữ dội khắp thế giới, ông mới hiểu sự sống mong manh và vô thường biết chừng nào. Lòng tự hỏi: "Lỡ một ngày mình không còn dậy được nữa, thì gia tài âm nhạc này sẽ ra sao, sẽ đi về đâu, sẽ giúp được gì cho đời?". 

nhac si vu thanh an.jpg -0
Nhạc sĩ Vũ Thành An trao toàn bộ quyền sở hữu tác quyền các tác phẩm âm nhạc của ông cho nữ ca sĩ Ngọc Châm.

Không phải ngẫu nhiên ông chọn ca sĩ Ngọc Châm làm người để gửi gắm kho tàng âm nhạc và thay mình thực hiện tâm nguyện. Cô đã đồng hành với vị nhạc sĩ đáng kính từ nhiều năm trước. Ngoài hát các bản tình ca của nhạc sĩ Vũ Thành An, cô còn là người học trò tri kỷ khi cùng ông viết nên những nhạc phẩm mới như "Em không dám tham vọng", "Giai nhân", "Mùa thu ngày ấy tìm nhau"…

Điều hơn hết làm ông xúc động và quý mến cô học trò này chính là tấm lòng từ tâm, nhân ái trong sáng. Chuyến từ thiện nào ở Việt Nam của ông cũng có Ngọc Châm làm bạn đồng hành. Một lần ở Nhà thờ Lớn, nghe Ngọc Châm nói về tâm tư, ước vọng hỗ trợ những nghệ sĩ khó khăn, nhạc sĩ nhận ra cô không chỉ là hậu duệ tiếp nối con đường nghệ thuật mà còn là truyền nhân kế thừa gia tài âm nhạc để thực hiện tâm nguyện của ông khi nhắm mắt xuôi tay.

Nhận lãnh sự tin tưởng của người nhạc sĩ đáng kính, ca sĩ Ngọc Châm cho biết, cô sẽ cố gắng hết sức để khai thác tác quyền một cách hiệu quả nhất. Ngoài mục đích thiện nguyện, cô còn nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị di sản âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành An, đặc biệt là phổ biến hơn 100 ca khúc mới đến khán giả ái mộ. Trước mắt, cô sẽ sớm thành lập Quỹ giải thưởng âm nhạc mang tên nhạc sĩ Vũ Thành An để khuyến khích các tài năng trẻ trong lĩnh vực sáng tác.

Vậy là tâm nguyện hệ trọng, lớn lao nhất cuộc đời ông đã hoàn thành. Ngưỡng bát thập, trời cho sức khỏe dẻo dai, còn có thể chống gậy đi khắp năm châu để góp gạo, gửi áo cho người nghèo thì còn gì hạnh phúc bằng. Ông cảm tạ đức Chúa ban phước lành. Vài tháng trước, khi đi từ thiện ở khu ổ chuột tại Philippines, chẳng may ông sảy chân ngã đập đầu xuống đất. Cứ nghĩ thôi thế là xong. Nhưng vào viện, chụp chiếu các kiểu, bác sĩ kết luận không bị sao. Âu cũng là ơn trên chở che cho ông được khỏe mạnh bởi lão nhạc sĩ ấy hãy còn ham sống, còn yêu người, yêu đời lắm.

Nhiều năm nay, ngoài hoạt động thiện nguyện và viết nhạc, niềm vui của nhạc sĩ Vũ Thành An là chăm sóc cho người vợ đau yếu, thảng nhớ thảng quên. Biết vợ đi lại khó khăn, ông chuyển gian sinh hoạt của vợ chồng xuống phòng khách tầng trệt. Ông nằm một sofa, bà một chiếc sofa. Dù nhớ nhớ quên quên nhưng bà vẫn không quên thói quen phải nhìn thấy chồng thì mới yên tâm.

"Không muốn vợ lo lắng nên tôi luôn làm việc trong tầm mắt cô ấy. Mỗi ngày, tôi đều đặn lái xe đưa bà xã đi dạo khoảng một tiếng, cùng chuyện trò, nghe nhạc. Trước đây, chúng tôi tâm sự rất nhiều. Bao chuyện vui buồn, kỷ niệm xa xưa, tôi đều kể hết với cô ấy. Cô ấy chẳng bao giờ ghen. Giờ chứng kiến vợ dần dần quên nhiều thứ, tôi buồn vì rồi mình sẽ bị cô ấy lãng quên. Nhưng cũng vì vậy mà tôi càng thương vợ hơn. Những lúc chuẩn bị ra nước ngoài, tôi vỗ về vợ: "Anh đi vài bữa anh về". Bài nào mới sáng tác, tôi đàn hát thử, nếu cô ấy bảo nghe được thì tôi sẽ giữ lại, còn không thì bỏ" - nhạc sĩ tâm sự.

Nếu có ai hiểu ông nhất thì chính là người bạn đời. Bà là người ủng hộ khi ông muốn đi học đạo, xa lánh thế gian một thời gian dài. Ơn nghĩa tào khang ấy, ông mãi khắc ghi. Và có lẽ vì lời khuyên của bà mà sau này ông sửa lại lời ca khúc "Bài không tên cuối cùng". Đó là chuyện với người con gái đầu tiên trong cuộc đời đa tình mà lắm lận đận của ông.

Ngày ấy, chàng sinh viên năm nhất khoa Luật đã phải lòng cô sinh viên học trên hai lớp. Mặc cảm vì mình nhỏ tuổi, lại nhà nghèo, nhưng cái nắm tay của nàng vào một ngày mưa đã xóa nhòa khoảng cách. Cha mẹ nàng biết chuyện, ra sức cấm cản con gái. Nàng đành nuốt lệ để tình dần nhạt nhòa. Đôi chân ông lê bước trên đường về mà như dẫm nát trái tim mình.

Hận người bạc bẽo, lời ca đầy những hờn trách: "Này em hỡi con đường em đi đó/ Con đường em theo đó sẽ đưa em sang đâu/ Mưa bên chồng có làm em khóc/ Có làm em nhớ những khi mình mặn nồng…". Đâu ngờ bài hát lại nổi tiếng nhanh đến thế. Sau này, mỗi lần nghe lại câu ca cũ, lòng ông quặn thắt, lo sợ bài hát thành cơn bão làm tổ ấm người xưa nổi giông gió. Nỗi ân hận ấy cũng như lời tạ tội cố nhân gửi vào "Bài không tên cuối cùng tiếp nối": "Này em hỡi con đường em đi đó/ Con đường em theo đó đúng đấy em ơi/ Nếu chúng mình có thành đôi lứa/ Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?...".

Nổi tiếng với những bài không tên, nhưng đến năm 1995, ông ngưng viết tình khúc để chuyên tâm cho việc học đạo. Hễ ai hỏi bao giờ sáng tác trở lại, ông đều lịch sự từ chối. Mãi đến năm 2015, tình cờ bắt gặp câu thơ "Mối tình đầu là hạt sương trăm năm" của một người bạn, trái tim ấm nóng của cậu thanh niên đôi mươi ngày nào rộn nhịp. Tình yêu đầu đời tưởng đã ngủ quên chợt trở lại với những giai điệu ào ạt. Vậy là ông ôm lấy cây đàn mà dạo nên giai điệu, lời ca mới.

Gần 10 năm nay, ông vẫn sáng tác đều đặn để viết nên 100 bài không tên mới. Nhạc sĩ bảo, ở tuổi này, ông không cần bóng hồng nào để làm cảm hứng sáng tác như hồi trẻ. Ông viết về tình yêu bất diệt của loài người: đó là tình yêu thiên nhiên, tình người với người.

"Nếu trước kia, tầm nhìn của tôi là một người đứng dưới gốc cây, bị bóng cây che phủ thì khi càng có tuổi, tôi như trèo lên cao, đứng ở ngọn cây mà phóng tầm mắt ra xa. Từ đó mới thấy cuộc sống này mênh mông, sâu rộng biết chừng nào. Tôi bắt đầu sáng tác trở lại mỗi ngày với nguồn cảm hứng yêu đời rất dồi dào từ bất cứ điều gì trên đời này: một cử chỉ, lời nói, hành động thân ái nào đó chứ không nhất định phải là tình yêu đôi lứa. Những sáng tác mới mang chiêm nghiệm về cuộc đời tôi cũng như xã hội loài người nói chung. Tôi viết nhạc tình từ tình yêu tôi dành cho vạn vật, cho cuộc sống, tôi gọi đó là tình yêu tuyệt đối".

Một ngày còn sống trên trần gian, còn hít thở bầu không khí trong lành, còn nhìn thấy ánh bình minh buổi sớm thì chừng đó ông vẫn thấy lòng mình ngập tràn hạnh phúc. Như lời ông tâm sự: "Sống ở tuổi này rồi, tôi thấy cuộc đời đáng quý lắm. Còn sống ngày nào thì còn thấy quý, vậy tại sao mình không yêu nó và thể hiện cảm xúc bằng khả năng của mình. Trong lòng tôi giờ vẫn có tình yêu, lại thêm nhiều kinh nghiệm để phát triển giai điệu nên mọi thứ vẫn rất thuận lợi". Câu ca hoan hỉ vang lên như bản hòa tấu bất tận của thiên nhiên, của lòng người.

Đồng hồ cuộc đời càng rút ngắn lại, ông càng vội vàng với bao dự định ăm ắp: những chuyến đi từ thiện khắp năm châu; dự án dạy nhạc online qua mạng, dự án tâm linh… Phút chuẩn bị về trời đã sẵn sàng. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, ông thường nói với vợ rằng: "Chào em nhé, hy vọng sáng mai mình còn gặp được nhau". Mộ phần đã mua sẵn, một cho mình, một cho vợ. Ông muốn phút cuối cùng, vợ chồng nằm bên nhau, mãi mãi một tình yêu vĩnh cửu ở chốn thiên đàng. Ngoái nhìn cõi tạm, những điều nhạc sĩ Vũ Thành An để lại có khác gì câu ca ông viết: "Nếu không gặp lại ở thế gian/ Thì xin cầu chúc bình an cho đời/ Hãy vui từng ngày còn nhau…".

Mai Quỳnh Nga
.
.