Nhạc sĩ Y Phôn Ksor - đẫm đầy cảm xúc Tây Nguyên

Thứ Năm, 07/09/2023, 11:19

Nhiệt tình, năng động và khao khát cháy bỏng sự sáng tạo, đó là những cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với nhạc sĩ người Ê Đê Y Phôn Ksor. Và cũng thật may mắn khi được nghe anh vừa ôm đàn vừa hát bằng chất giọng phiêu và đẫm đầy cảm xúc.

Những ca khúc mang thân phận

Tôi đã nghe ca khúc của nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Y Phôn Ksor nhiều lần, cũng may mắn được đắm mình trong miền văn hóa Tây Nguyên hùng vĩ. Nhưng phải đến khi tham dự Trại sáng tác âm nhạc, văn học với chủ đề “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống”, tôi mới vinh dự được nói chuyện với anh, trực tiếp nghe anh hát.

Y Phôn Ksor hòa đồng, thân thiện và dễ trải lòng, như cách người Tây Nguyên ứng xử với du khách cũng như thiên nhiên. Có một cái gì đó vừa dân dã, bốc lửa nhưng cũng đầy khao khát yêu thương, cống hiến trong cách nói, trong từng ca khúc của anh.

Y Phôn Ksor sinh năm 1961 ở huyện Ea HLeo, tỉnh Đắk Lắk - nơi giao thoa giữa văn hóa Nam Trung bộ và các tỉnh Nam Tây Nguyên. Anh là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của vùng Tây Nguyên. Nhiều ca khúc của anh đã làm say đắm, thổn thức bao trái tim như “Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời”, “Đôi chân trần”, “Chim phí bay về cội nguồn”, “Đi tìm dòng sữa mẹ”, “Cô gái trở về một mình” … Có điều thật lạ, những ca khúc có sức lay động được anh bật ra trong khi lang thang khắp buôn làng, ăn nằm cùng khe suối, góc núi rừng Ea Hleo, Ayunpa, Chư Pưh… để rồi ký thác vào từng tác phẩm.

nhạc sĩ y phôn ksor.jpg -1
Nhạc sĩ Y Phôn Ksor.

Hỏi chuyện ra, được biết, mẹ của Y Phôn Ksor là nghệ nhân đing put và cha anh là một tay chiêng có tiếng trong vùng. Anh kể, năm lên 7 tuổi đã biết chơi đàn goong và năm 11 tuổi anh theo cha biểu diễn cồng chiêng phục vụ bà con khắp vùng. Năm 1983 anh học trung cấp thanh nhạc tại Trường Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk, nhưng khi vừa tốt nghiệp thì phải về quê làm rẫy để phụ giúp gia đình.

Y Phôn Ksor bộc bạch: “Vì đam mê âm nhạc nên tôi vẫn thích ôm đàn và hát lúc rảnh rỗi. Sau đó tôi được nhận vào công tác tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Thời gian này, tôi có điều kiện và cho ra đời hai ca khúc “Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời” và “Đôi chân trần” và được công chúng đón nhận”.

Thật sự hai ca khúc này gây bất ngờ trong giới chuyên môn và công chúng yêu âm nhạc. Ca khúc không chỉ mang đậm chất núi rừng Tây Nguyên mà còn có tính hiện đại, mới lạ, thu hút ngay từ câu hát mở đầu. Hai ca khúc cũng gắn liền với tên tuổi của nghệ sĩ nhân dân Y Moan và ca sĩ Y Jack Arul.

Từ những thành công này, anh được cử đi học đại học chuyên ngành Sáng tác vào năm 2004 tại Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Đầu những năm 2000, hai ca khúc được ca sĩ Y Moan hát tại các phòng trà, các đêm văn nghệ đã tạo thành một hiệu ứng tốt. Ở Tây Nguyên, đặc biệt ở quê hương anh, từ người già cho đến trẻ con, thanh niên đều ngân nga ca khúc này. Bài hát “Đôi chân trần” tiếp tục khuynh đảo khán giả cả nước thông qua cuộc thi Sao Mai điểm hẹn năm 2001.

Nhà văn Thái Chí Thanh, người có nhiều năm công tác ở Tây Nguyên, chia sẻ: Ca khúc “Đôi chân trần” có chất Tây Nguyên, rất thân phận, rất đặc sắc. Y Phôn Ksor nhìn được dáng hình khắc khổ của người đàn ông lớn tuổi ở nơi mình sinh ra. Họ đều có một điều chung: Đi chân trần và khắc khổ.

Còn nhà báo Uông Thái Biểu, một người bạn của anh, chia sẻ: “Âm nhạc của Y Phôn Ksor có đời sống và lan tỏa cảm xúc trong lòng mọi người vì nó không nhuốm chút phấn son mà mang hơi thở của núi đồi, nương rẫy. Với những ca khúc của anh mà tôi từng hát, từng nghe, cảm nhận về âm nhạc của người đàn ông Ê Đê tài hoa thật mênh mang, khắc khoải, hoang dã mà sâu thẳm như vùng đất đại ngàn nơi tôi đang sống. Có cảm giác, những bài hát của Y Phôn như được anh viết trong những giấc mơ xa xôi”.

Y Phôn Ksor hòa đồng, hễ vui hay có chương trình giao lưu văn nghệ là anh hát, hát say sưa bằng chất giọng đặc biệt: “Tôi muốn quên đi, tháng với ngày. Cha đi lượm quả ngọt rừng, cho con đỡ đói qua đêm. Tôi muốn quên đi, đôi chân trần. Cha đi lượm, từng hạt thóc. Cho con một bữa cơm chiều. Ôi ngày tháng, đôi tay gầy, run run tựa vào hàng cây. Ôi thời gian, hãy quên đi. Đôi chân cồng kềnh. Cha đi giữa rừng hoang vu. Lưng cha thì đội nắng ghềnh. Ôi tóc bạc, tựa trăng soi...”.

Còn nhiều trăn trở

Năm 1993, Y Phôn về công tác tại Đoàn ca múa nghệ thuật Đắk Lắk, sau đó anh làm Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk cho đến khi nghỉ hưu. Về hưu, anh vẫn nghiên cứu, đọc sách, làm nương rẫy. Anh bảo đó là công việc gần gũi, mang lại kinh tế để anh duy trì cuộc sống. Y Phôn Ksor tâm sự rằng, anh viết không nhiều. Toàn bộ gia tài của anh chỉ chưa đầy 30 ca khúc. Ca khúc nào cũng đẫm đầy cảm xúc.

“Tôi sáng tác là dựa vào cảm xúc. Không có cảm xúc, âm nhạc nó khô lắm. Âm nhạc là dành cho công chúng, cho mọi người. Nên tôi muốn khi cất lên bất cứ ca khúc nào, dù là ca sĩ hay người dân, đều chung một cảm nhận là mình được hòa cùng cảm xúc. Cũng may, tôi có thể nói được tiếng Việt và tiếng Ê Đê. Nhờ thế khi sáng tác âm điệu cũng sẽ nhuần nhuyễn, đạt được mục đích về cảm xúc của tôi”, nhạc sĩ tâm sự.

nhạc sĩ y phôn ksor (bên phải) và nhạc sĩ nguyễn văn hiên trong một chuyến thực tế sáng tác.jpg -0
Nhạc sĩ Y Phôn Ksor (bên phải) và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên trong một chuyến thực tế sáng tác.

Nổi tiếng, nhưng anh không thích khoe mình. Ngược lại, Y Phôn Ksor đang buồn vì hiện âm nhạc cũng như các loại hình nghệ thuật ở Tây Nguyên chưa phát triển xứng tầm, ít người trẻ “le lói”, phát lộ tài năng. Điều làm anh trăn trở là số người hưởng thụ về mặt âm nhạc ở tỉnh lẻ ít, âm nhạc dân tộc càng ít, nên cuộc sống của nghệ sĩ rất vất vả. Anh em nghệ sĩ ở Đắk Lắk muốn theo được nghề đều phải đi làm các công việc khác, như làm nông nghiệp, trồng cà phê, sầu riêng.

Nhạc sĩ tâm tư: “Ở năm tỉnh Tây Nguyên cũng có nhiều bạn trẻ mê nghệ thuật, nhưng thiếu người dẫn dắt. Thêm nữa, thu nhập từ nghề, từ việc biểu diễn phục vụ khách du lịch không đủ sống, nên sinh ra chán nản. Nhiều người bỏ nghề, đi làm nương. Một số liên kết với các trung tâm du lịch, trung tâm văn hóa, kết hợp tạo nhóm để biểu diễn, nhưng cuộc sống rất vất vả. Thi thoảng tôi có mời các bạn trẻ làm chương trình nhằm phát triển âm nhạc, nghệ thuật truyền thống ở khu vực nhưng không được nhiều do kinh phí eo hẹp”.

Nhạc sĩ cũng tâm sự rằng, đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk có được một địa điểm biểu diễn cố định, là nhà hát hoặc theo mô hình nhà sàn, bảo đảm về mặt không gian văn hóa thì những nhóm âm nhạc tự phát chỉ tiếp cận với khách du lịch nhỏ lẻ hơn. Chính bản thân anh nhiều khi mệt mỏi, muốn bỏ nghề. Nhưng nghĩ đến lớp trẻ, anh đành cố gắng “tự bơi”.

Y Phôn Ksor là người biết tất cả các nhạc cụ ở Tây Nguyên. Anh đang có một dự án, là phối hợp anh trai - nghệ nhân I Djôn Ksor chế tác nhạc cụ, đưa nhạc cụ đến với người dân và công chúng, nhằm bảo tồn nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên. Nhạc sĩ giãi bày: “Tôi may mắn, vì anh trai tôi rất ủng hộ. Anh ấy giỏi rèn, giỏi làm mộc. Đồ gỗ, tre, nứa chúng tôi đã chuẩn bị rồi. Khi sản xuất được hàng loạt nhạc cụ, chúng tôi sẽ phối hợp các trung tâm du lịch, lập phòng trưng bày sản phẩm. Tôi hy vọng sẽ giới thiệu và bán được nhạc cụ các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, dân tộc Ê Đê nói riêng. Và tôi cũng sẽ cố gắng dành kinh phí để duy trì một nhóm nhỏ, giỏi biểu diễn để sẵn sàng phục vụ du lịch”.

Bây giờ, hễ có điều kiện là anh đi. Đi để giao lưu, học hỏi, tiếp thêm năng lượng và làm mới cảm xúc của mình. Nhưng trong mỗi chuyến đi, nếu khơi đúng sẽ được anh say sưa nói về làng, về mẹ và con cái cũng như cách làm sao để thoát nghèo. Điều đặc biệt, tình yêu với âm nhạc Tây Nguyên của anh chưa bao giờ thay đổi. Anh cũng dự định sẽ viết nhiều về dòng ký ức, truyền thống của Tây Nguyên trong những năm phát triển du lịch, hội nhập. Viết để giới trẻ thêm yêu Tây Nguyên, đi hát vừa là để quảng bá, giữ gìn vẻ đẹp Tây Nguyên chứ không phải chỉ thuần túy kiếm tiền. Trong đôi mắt anh, tôi thấy nỗi trăn trở thẳm sâu, hoang hoải, và mong rằng những dự định gìn giữ văn hóa, nhạc cụ Tây Nguyên của anh thành hiện thực.

Diên Khánh
.
.