Nhạc sĩ, NSƯT Đào Tuấn Hải: Và “giấc mơ mang tên mình”...
Thời gian gần đây, giới sân khấu nói chung và “làng” chèo nói riêng thường xuyên nhắc tới một nhạc sĩ “đắt sô” bậc nhất. Âm nhạc của anh đã góp phần làm nên thành công cho nhiều vở diễn của các đơn vị nghệ thuật chèo trên cả nước. Tên của anh thường được xướng lên cùng nhiều giải thưởng tại những Cuộc thi, Liên hoan sân khấu toàn quốc. Anh là nhạc sĩ, NSƯT Đào Tuấn Hải (Nhà hát Chèo Việt Nam).
Khác với quan niệm, hình dung của nhiều người về giới nghệ sĩ, gặp NSƯT Đào Tuấn Hải ngoài đời sẽ thấy anh mộc mạc, đơn giản hệt như biệt danh Hải “chèo” mà đồng nghiệp thường gọi anh. Là một trong những người làm âm nhạc sân khấu đắt sô bậc nhất nên để có thể thu xếp được một buổi trò chuyện với NSƯT Đào Tuấn Hải không dễ, bởi lịch làm việc của anh khá dày.
Vừa bước vào tuổi 44, nhưng NSƯT Tuấn Hải đã có 27 năm gắn bó với Nhà hát Chèo Việt Nam, một khoảng thời gian đủ dài để chứng minh tình yêu chèo với anh đã trở thành máu thịt. Sinh ra tại Ninh Bình, một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo đồng bằng Bắc bộ, Đào Tuấn Hải là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, cha là nhạc công của Đoàn Chèo Ninh Bình. Bố anh từng rất mong muốn có con theo nối nghiệp mình nhưng bỏ qua mọi nỗ lực cố gắng đầu tư của cha, 3 người anh chị trên của Hải đều khước từ mong muốn ấy.
Đào Tuấn Hải lớn lên đúng lúc cha anh về hưu. Một lần, nghe bạn đánh đàn guitar, Tuấn Hải rất mê. Về nhà, Tuấn Hải bảo cha: “Con học đàn được không?”. Đã từng thất bại không dưới 1 lần khi muốn truyền nghề cho các con nên cha anh gạt đi: “Thôi, đàn ca gì. Con chịu khó học hết lớp 12, học cái nghề nào ổn định mà sống”. Nhưng những thanh âm đầy mê hoặc ấy cứ quanh quẩn trong tâm trí Tuấn Hải.
Một lần sang nhà bác, thấy anh họ chơi đàn bầu tự chế từ cây tre và ống bơ, Tuấn Hải nghĩ “dễ thế này mình cũng làm được”. Thấy con trai hì hụi ngồi làm đàn bầu, bố anh mềm lòng: “Muốn học thì từ mai bố sẽ dạy nhưng phải theo thời khóa biểu: Sáng 4 giờ dậy tập đàn tới 6 giờ đi học. Chiều về nhà tập từ 2 giờ đến 5 giờ. Tối học xong tập đàn một lúc mới đi ngủ”. Giờ đây nghĩ lại, Tuấn Hải vẫn nhớ cậu con trai 12 – 13 tuổi, còn đang tuổi ăn tuổi ngủ là mình khi ấy vẫn cần mẫn theo đúng lịch tập đàn bố đề ra. Nhiều hôm dậy sớm mắt vẫn cay xè. Mỗi lúc con trai chơi đàn, ông thường nằm ở giường cạnh đó nghe, chỗ nào chưa được thì chỉnh cho con.
Tuấn Hải theo “lớp học đàn của bố” được hơn một năm thì đúng thời điểm Nhà hát Chèo Việt Nam về các địa phương tuyển nhạc công, diễn viên. 14 tuổi, Tuấn Hải trúng tuyển và theo học lớp đào tạo nhạc công 3 năm do Nhà hát Chèo Việt Nam kết hợp với Trường Sân khấu – Điện ảnh tổ chức.
Trong câu chuyện của mình, NSƯT Đào Tuấn Hải thường xuyên cho rằng mình là người may mắn. Khi anh học xong, về Nhà hát Chèo Việt Nam nhận công tác cũng là thời điểm vị trí nhạc công đàn bầu đang thiếu người nên anh được làm nghề luôn. Ngoài ra, anh dành nhiều sự trân quý, biết ơn với những người thầy, người anh, đồng nghiệp thân thiết. Trong đó có nhà viết kịch Trần Đình Văn, tác giả “tài hoa vắn số” ra đi 8 năm trước, khi mới vừa tròn 40 tuổi và bắt đầu bước vào độ chín của sự nghiệp.
Anh kể, khi đang là nhạc công đàn bầu “cứng” của Nhà hát Chèo Việt Nam được 9 năm thì trong những lần trò chuyện, nhà viết kịch Trần Đình Văn thường khuyên Tuấn Hải nên đi học. “Anh thấy em có tố chất, muốn đi xa hơn trong sự nghiệp thì nên học hành bài bản”. Khi ấy, Tuấn Hải rất băn khoăn vì ngoài đảm nhiệm vai trò nhạc công đàn bầu của Nhà hát, Tuấn Hải còn là cây organ "đắt sô" sự kiện.
“Những năm 2000, tôi có thu nhập rất tốt từ việc đi đánh đàn tại các sự kiện bên ngoài. Vàng khi ấy chỉ hơn 400 nghìn đồng một chỉ nhưng thù lao đánh đàn mỗi buổi của tôi đã được hơn 500 nghìn”. Nhưng rồi, nghe lời nhà viết kịch Trần Đình Văn, Tuấn Hải quyết định bớt đi làm để dành thời gian học tại Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp, Tuấn Hải về làm việc tại Phòng Nghệ thuật của Nhà hát Chèo Việt Nam, phụ trách âm nhạc cho 2 đoàn kịch. Lúc này, cũng đúng thời điểm một loạt nhạc sĩ của Nhà hát nghỉ hưu hoặc chuyển công việc khác. Người đầu tiên đưa cái tên Đào Tuấn Hải ra sân chơi lớn ở “Liên hoan chèo toàn quốc năm 2009” là đạo diễn Bùi Đắc Sừ với vở “Mái ấm tình quê” (Đoàn chèo Phú Thọ). Sau bước khởi đầu đó, Tuấn Hải được mời phụ trách âm nhạc ở nhiều vở diễn của các đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương, lọt cả vào mắt xanh của các đạo diễn “cây đa cây đề” như cố đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn, NSND Lê Hùng...
Tại “Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2013”, sự thành công của vở diễn “Đường trường duyên phận” (Nhà hát Chèo Việt Nam) đã thêm một lần nữa khẳng định tài năng của Đào Tuấn Hải. Anh cũng nhận về giải “Nhạc sĩ xuất sắc của năm” do Hội Nghệ sĩ sân khấu trao tặng. Năm 2014, Đào Tuấn Hải tiếp tục ghi dấu với chương trình “Năm cung Chèo”. Từ 2016 đến nay, một loạt vở diễn do anh dàn dựng âm nhạc nhận được Huy chương vàng như vở “Dây tràng hạt thần kỳ” (Liên hoan chèo Toàn quốc năm 2016), vở “Điều còn lại” (Nhà hát Chèo Hà Nội) tại Liên hoan chèo Toàn quốc 2019, giải “Dàn nhạc xuất sắc nhất của năm 2019” cho vở “Rồng Phượng” (Nhà hát Chèo Việt Nam).
Đặc biệt, tại “Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022”, Đào Tuấn Hải cũng ''thắng lớn'' với Huy chương vàng cho các vở “Cánh diều lạc gió” (Nhà hát Chèo Việt Nam), “Vang bóng một thời” (Nhà hát Chèo Hải Phòng), “Thiên duyên huyền tích” (Nhà hát Chèo Thái Bình), “Khóc giữa trời xanh” (Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Nam). NSƯT Đào Tuấn Hải được Hội Nghệ sĩ Sân khấu trao tặng danh hiệu “Nhạc sĩ xuất sắc” năm 2022. Tại “Liên hoan các trích đoạn sân khấu nghệ thuật” hay “Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu chèo toàn quốc” vừa qua, các trích đoạn do Tuấn Hải dàn dựng âm nhạc cũng nhận về nhiều Huy chương vàng.
NSƯT Tuấn Hải luôn cho rằng thành công của mình đơn giản là sự may mắn của số phận nhưng chắc chắn không thể thiếu sự nỗ lực để khẳng định dấu ấn riêng trên con đường nghệ thuật. Anh thừa nhận, khi mới ra trường, tác phẩm của mình đôi khi có sự ảnh hưởng từ các thầy. Sau dần, anh nhận thấy phải xây dựng cho mình một phong cách âm nhạc riêng. Từ chất liệu chính của âm nhạc chèo là bộ “gõ - thổi - kéo” (tương ứng với các nhạc cụ “trống - sáo - nhị”), Tuấn Hải đã tận dụng sự phát triển của công nghệ để phát huy vai trò của các nhạc cụ khác.
Ở âm nhạc của anh, chất truyền thống được kết hợp nhuần nhuyễn với kiến thức hàn lâm mang đến giai điệu vừa dân gian vừa hiện đại, vừa sang trọng vừa gần gũi. Tuấn Hải không cố công mang đến thứ âm nhạc phức tạp nhiều bè phối mảng màu mà là những giai điệu đẹp, diễn đạt trúng điều muốn nói và dễ đi vào lòng người nhất. Anh cũng không ngại sáng tạo, thử nghiệm để bắt kịp với xu hướng sân khấu hiện đại và tâm lý tiếp nhận mới của khán giả trẻ.
Nhìn vào một loạt giải thưởng mà NSƯT Đào Tuấn Hải liên tục đạt được thời gian qua có cảm giác anh có quá ít “đối thủ”, thậm chí ở một vài sân chơi, dường như anh thi đấu với… chính mình. Như ở Liên hoan sân khấu chèo Toàn quốc năm 2022, Đào Tuấn Hải tham gia dàn dựng âm nhạc cho 10 tác phẩm thì có tới 9 tác phẩm đạt giải trong đó có 3 Huy chương vàng, 1 giải xuất sắc cá nhân, và 1 dàn nhạc xuất sắc nhất. Hay tại “Liên hoan các trích đoạn nghệ thuật sân khấu” ngoài 13 trích đoạn của Nhà hát Chèo Việt Nam, anh còn đảm đương thêm hàng chục trích đoạn của các đơn vị nghệ thuật khác. Nói điều này với Tuấn Hải, anh bảo thấy lo lắng nhiều hơn vui. Nhiều đơn vị nghệ thuật chèo ở địa phương chỉ còn 3 - 4 nhạc công. Thu nhập thấp đã không thể giữ chân nghệ sĩ ở lại với nghề.
“Tôi may mắn được làm nhiều nên có cơ hội cọ sát với nghề. Nhiều anh chị nghệ sĩ ở địa phương rất thiệt thòi vì có tài nhưng cơ hội làm nghề ít nên dần mai một đi. Đội ngũ nhạc công mỏng khiến nhạc sĩ muốn dàn dựng ý tưởng đặc biệt cũng khó. Tôi vẫn mơ ước một đời sống sân khấu sôi động “trăm hoa đua nở” thì mới kích thích sáng tạo. Giỏi đến mấy mà làm nhiều cũng dễ lặp lại mình” – NSƯT Tuấn Hải chân thành.
Gần 30 năm cống hiến cho nghệ thuật chèo, niềm hạnh phúc của NSƯT Tuấn Hải là vẫn sống được bằng nghề, bằng tình yêu với sân khấu truyền thống. Trong đó, không thể thiếu niềm vui vì đã tiếp nối và mang đến niềm tự hào cho cha, người đầu tiên giúp anh xây đắp giấc mơ âm nhạc.