Nhạc sĩ Vũ Hùng, những khúc du ca

Thứ Sáu, 19/05/2023, 12:31

Vũ Hùng như có ma thuật rất bí ẩn khiến người mới chỉ gặp một lần đã mê mẩn anh ngay. Vũ Hùng như gã du ca với những phép màu riêng biệt chỉ có trong âm nhạc đã khơi gợi, dẫn dắt và làm say đắm bao con người, bao vùng đất anh qua.

Mẹ về trời câu hát vẫn ru ta
Thì thầm cúi hỏi sông thao thiết
Âm âm lời đá núi mây bay
U u sừng trâu cọ ngày vỡ đất

Cá tôm rì rầm lau sậy hồng hoang
Tre trúc mang mang bia đá bảng đồng
Ứa máu tổ tiên mạch sông thắm thiết
Sông ơi điều ta chưa biết
Dài rộng như sông như biển vô cùng…

ns.jpg -0
Nhạc sĩ Vũ Hùng năm 1998.

Không hiểu tại sao những câu thơ trong “Khúc sông Hồng” tôi viết mà như quá đúng với nhạc sĩ Vũ Hùng. Tôi và anh bất chợt cuộc mưu sinh đằng đẵng hơn mười năm mới gặp nhau, dù thi thoảng vẫn nhìn nhau trên truyền hình, đọc nhau qua trang báo, điện thoại cho nhau, nghĩ và nhớ anh bất chợt, tôi bèn vào YouTube tìm bài “Kỷ niệm mối tình đầu” mà nghe cho đỡ nhớ.

Em như đóa hoa rừng Trường Sơn/ Cho anh trao mối tình đầu thuở ấy/ Dọc đường chiến tranh/ Anh không gặp lại em/ Cô gái giao liên có hai bím tóc đào làm duyên/ Để lại nhớ thương suốt cuộc đời anh/ Khi anh mang mối tình ngày ấy… Tìm em sau ngày chiến tranh/ Em về đâu, em về đâu/ Làm nàng dâu hiền thảo...

"Em về đâu...?", lời câu hát như chắt ra từ gan ruột Vũ Hùng, cứ như người con gái Trường Sơn kia lại một lần nữa đi vào cuộc chiến. Dường như chiến tranh chưa kết thúc với Vũ Hùng. Thời bình đã lâu mà nhạc sĩ Vũ Hùng lúc nào cũng quần quật như thời bom đạn. Đó là sự quần quật trong sáng tác, dành hết thời gian tâm sức cho sáng tác, chứ khi gác sáng tác sang một bên, bù khú bạn bè, Vũ Hùng cũng thuộc loại “ác chiến” hàng đầu. Tôi còn nhớ ngày anh làm ở Phát thanh Quân đội cách đây đã gần ba mươi năm, có những cuộc bia rượu từ giữa buổi sáng tới nửa đêm nơi quán 59 Cửa Bắc chỉ còn lại tôi với anh diễn ra như cơm bữa. Rồi hai anh em lủi thủi dắt nhau ngược đêm đen len lén trở về cơ quan, chui vào phòng bá âm ngủ, ngày mai các sếp đến, hai anh em vẫn tỉnh queo như chẳng có chuyện gì.

Có một cuộc anh dắt tôi vào Quảng Ngãi làm chương trình văn nghệ cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Nhà máy đường Quảng Ngãi. Biển Tư Nghĩa - Quảng Ngãi đơn sơ mà đẹp đến nao lòng. Những rừng dừa miên man kéo dài chừng như vô tận. Các em văn công, văn nghệ xinh căng mọng đến hoa cả mắt, luống cuống cả tay chân. Vũ Hùng thì trẻ, tóc xoăn xanh tít như Đông Gioăng cứ bắt các em diễn đi diễn lại trên sóng biển để chúng tôi làm phim ca nhạc. Nhìn anh xông ra đạo diễn tay em này, chỉnh sửa áo em kia, bắt nhịp hát đơn, hát đôi, hát đồng ca mà tôi rối hết cả ruột.

Ôi chao Vũ Hùng! Chả bù cho mấy ngày trước đi về miền núi cao rừng thẳm vùng đất cách mạng Ba Tơ, khi trở về bị vắt cắn mãi không cầm được máu loang ướt áo quần, ai cũng thấy thương thương, tồi tội. Hay là Vũ Hùng có nhóm máu gì đặc biệt mà muỗi vắt chỉ nhè cắn vào anh? Máu vơi đi hôm trước đã nhiều mà xem ra hôm nay trước các em xinh nõn tràn trề nhựa sống, máu trong tim Vũ Hùng cứ thế dâng lên ào ạt, miên man như sóng biển.

Tôi có quá nhiều kỷ niệm với Vũ Hùng.

Đó là những ngày gian nan, cơ cực nhất của tôi. Thuở chập chững nghề văn bút, báo chí, truyền hình, vừa kiếm cơm nuôi con nhỏ, vừa lọ mọ văn chương thơ phú. Viết hay sáng tác cái gì cũng như vụng trộm. Dường như nòi nghệ sĩ của vài ba nhân vật ở trong mỗi cơ quan thuần báo chí nó cứ hay chuội ra như thế chăng? May thay có Vũ Hùng, cũng một nòi như tôi nên bắt sóng với nhau rất nhanh. Tôi viết được truyện ngắn, bài thơ nào thường đưa cho Vũ Hùng đọc trước. Anh rất say mê và tin tưởng vào các truyện ngắn của tôi sẽ trụ được với thời gian. Trong khi không ít người, dù không đọc một dòng đã bĩu môi lắc đầu, hàm ý ăn nhằm gì thứ chữ nghĩa hâm hâm, tẩm tẩm. Những lúc như thế, Vũ Hùng lại kéo tôi ra 59 Cửa Bắc, chỉ hai anh em, cứ thế im lặng suốt buổi chiều tới tận đêm khuya.

Cũng dạo ấy, nhạc sĩ Vũ Hùng thường lui tới vùng đất quê tôi ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên. Những là bảng đồng, bia đá, đình, đền, chùa, miếu, đồng đất, con người, từ lão nông dân chân lấm tay bùn tới Bí thư Huyện ủy Cao Hưng Lâm, người thầy giáo dạy toán của tôi, Vũ Hùng đều vô cùng thân thuộc. Vũ Hùng như có ma thuật rất bí ẩn khiến người mới chỉ gặp một lần đã mê mẩn anh ngay. Vũ Hùng như gã du ca với những phép màu riêng biệt chỉ có trong âm nhạc đã khơi gợi, dẫn dắt và làm say đắm bao con người, bao vùng đất anh qua.

Bí thư Huyện ủy Cao Hưng Lâm vô cùng yêu mến Vũ Hùng. Đồng chí Bí thư cũng mang trong người dòng máu du ca lãng tử. Những vần thơ của ông đã chạm tới trái tim nhạc sĩ. Họ đọc thơ, hát cho nhau nghe trong những đêm đông giá buốt vừa lắng nghe ngoài kia dòng sông gầy guộc đang quặn mình thao thiết dâng mật phù sa đã mấy nghìn năm.

image001.jpg -0
Nhạc sĩ Vũ Hùng (bên trái) và Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuệ.

Những buổi ấy với chúng tôi thật vô cùng thanh sạch.

Rồi do công cuộc mưu sinh kéo chúng tôi mỗi người về một hướng. Tôi nghe láng máng Vũ Hùng bỏ vợ rồi lấy vợ. Người ông dắt lên thuyền là một cô em gái ở đơn vị cũ của tôi cũng vừa chuyển gánh tình duyên. Tôi lặng lẽ nghĩ và bỗng thấy rằng con người ta chập vào nhau thành chồng vợ, rồi lại tách nhau ra với duyên mới vợ chồng chính là sự bông đùa của tạo hóa. Đừng có trách nhau ở bước ngoặt này. Càng đừng nên thề bồi hoặc đổ lỗi cho nhau. Bí ẩn của du ca Vũ Hùng trong duyên tình công tội bàn luận làm gì cho thêm mênh mông giời nước. Ấy vậy mà bến đỗ mới của anh cũng đã hơn chục năm rồi.

Vũ Hùng rất hay tự một mình lái xe đi lang thang. Đó cũng là một bí ẩn du ca chăng? Một hoa mận, hoa đào, cành la, cành bổng? Một hương bưởi, hương nhu, bãi sông, bến chợ vẫy mời? Hay là mải mốt lam làm cúc cung thêm thắt nuôi con anh, con tôi, con chúng ta? Mọi câu hỏi và câu trả lời dường như đều không áp đặt được với Vũ Hùng. Vũ Hùng luôn là như vậy. Cái chất lãng tử, ngang tàng, gàn bướng, lanh lợi từ âm hưởng gốc gác vùng quê Diễn Châu - Nghệ An trộn nhuyễn với đất Hà Nội kinh đô càng khiến Vũ Hùng không lẫn với ai.

Anh lắm lúc gió sương như cây bàng góc phố đã hiện vào thơ tôi vậy: “Âm thầm mưa gió/ đông tàn rực đỏ buốt trời xa/ nhất loạt trẫm mình xác phố/ chân người điếng lá đăm đăm/ -Cành gày xòe vai /lạnh sương ngâm thế kỷ/ vết đạn loang tường âm ỉ/ thân nghiêng hằn ụ mây đêm/- Những phố những đèn / lồng lộng trang kim/ ngậm đau cật ruột/ chùm xanh khuya khoắt/ kiệt cùng gục đỏ thâm rêu/ -Trăm năm chống trời góc phố /chìm nổi thịnh suy/ cơ hàn gân cốt/ tự mình ngẫm nghĩ cao xanh” (Cây bàng góc phố).

Bẵng đi mười mấy năm, một buổi cuối xuân bỗng lại nghe giọng nói Vũ Hùng qua điện thoại. Vũ Hùng cách tôi 20m đang vừa xong cuộc họp và nhất định không dự tiệc chung mà đi riêng với tôi bia hơi vỉa hè như năm nảo năm nào. Tôi vâng theo mệnh lệnh của anh, trong lòng bỗng chộn rộn bao nhiêu cảnh xưa người cũ ngày anh ở Phát thanh Quân đội còn tôi ở Truyền hình Quân đội. Cái ngày Vũ Hùng nổi tiếng với: “Kỷ niệm mối tình đầu”; “Trường Sa trong ta”; “Mười tám bông hồng”; “Ngày hội được mùa”; “Đêm hương hồi”; “Phía ấy mặt trời mọc”; “Thôn nữ”; “Sư đoàn tình yêu của tôi”; “Tuổi mười tám Trường Sa”; “Ấn tượng về rừng”; “Biển chiều”... toàn là những khúc du ca, tình ca, dẫu có xuống biển lên rừng cũng đều là một Vũ Hùng bình dị và thắm thiết. Âm nhạc của anh vô cùng trung thực với những gì diễn ra trong đời sống, trong con người của Vũ Hùng. Kẻ du ca bí ẩn luôn sống thật mình, hết mình, đến tận cùng mình với những đớn đau và hạnh phúc riêng - chung.

Nhạc sĩ Vũ Hùng, với cá nhân tôi anh vừa là người anh vừa là người bạn đồng hành thân thiết. Đã mấy chục năm sao vẫn vậy được nhỉ? Vũ Hùng dường như chưa già đi, còn tôi đã bắt đầu thấy mệt mỏi chặng đường văn bút dằng dặc của mình. Vũ Hùng bảo: “Tôi đọc ông mấy chục năm thấy ngồ ngộ, là lạ. Thế quái nào ông lại viết được lịch sử nhỉ? Hay là ông thuê mướn ở đâu chăng?”. Thấy Vũ Hùng có vẻ hồ nghi một cách nghiêm trọng, tôi bèn tưng tửng bảo: “Văn chương là của giời, của thánh thần cao xanh thăm thẳm, cũng bí ẩn kém gì ông anh khi ẩn tàng khi hiển lộ từ buổi ta biết nhau đâu. Mà ông anh đọc thơ văn của thằng em làm quái gì cho mệt?”.

Vậy mà chỉ mấy hôm sau, trên Zalo của tôi đã hiện hình mấy bài nhạc đặc sệt chất Vũ Hùng phổ chùm thơ tôi mới viết ở Trường Sa.

Ôi Vũ Hùng! Đúng là một gã du ca nặng nỗi tình đời!

Phùng Văn Khai
.
.