Nhạc sĩ Huỳnh Việt Anh Khang: Nhạc cổ phong không thể đứng mãi bên lề

Thứ Sáu, 19/05/2023, 11:39

Nhạc cổ phong vẫn khá lạ lẫm với đông đảo công chúng bởi số ca sĩ lẫn nhạc sĩ theo đuổi thể loại này quá ít ỏi. Huỳnh Việt Anh Khang là một trong số ít nhạc sĩ trẻ gắn bó với nhạc cổ phong thuần Việt, gửi gắm tâm tình và câu chuyện tiền nhân trong từng nốt nhạc cổ kính pha chút nét hiện đại.

- Để công chúng hiểu hơn về nhạc cổ phong, Anh Khang có thể định nghĩa dòng nhạc này một cách đơn giản?

+ Thuật ngữ nhạc cổ phong xuất phát từ Trung Quốc. Đây là nơi dòng nhạc này phát triển mạnh mẽ và trở thành làn gió mới trong nền âm nhạc đương đại. Khởi đi từ những bộ phim cổ trang, cung đấu, về sau, dòng game online ở Trung Quốc chú trọng hình thức cổ phong nên dòng nhạc này có thêm đất để sinh sôi nảy nở.

Nhạc cổ phong Việt Nam được định hình bằng những âm giai xây dựng từ ngũ cung Việt Nam hoặc có thể được dựng lên từ những giai điệu dân gian quen thuộc với đời sống thường nhật. Từ đó, các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc sẽ sử dụng những nhạc cụ hiện đại và cổ điển để cùng phối hợp tạo nên một bản nhạc có đủ các yếu tố cổ - kim giao thoa. Thứ âm nhạc này vừa cổ mà vừa mới, vừa khoan thai, mê hoặc của quá khứ mà lại vừa hối hả, mới mẻ của hiện tại.

1 huynh viet anh khang.jpg -0
Nhạc sĩ Huỳnh Việt Anh Khang.

Đặc trưng của thể loại cổ phong chính là lời ca trau chuốt, tinh tế, cách gieo vần hài hòa, đẹp như một áng thơ cổ. Ca từ điểm xuyết hình ảnh cổ xưa, gợi các điển tích, điển cố; giàu tính ước lệ tượng trưng, mượn cảnh tả tình. Nội dung ca từ thường nhẹ nhàng, âm điệu du dương, lãng đãng u buồn, thiên nhiều về tự sự. Do vậy, nhạc cổ phong không đơn thuần chỉ để nghe giải trí mà còn gợi cho người ta nhiều suy ngẫm về nhân tình thế thái ngày xưa, về lịch sử, về tâm tình của tiền nhân. Nó không chỉ nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc, trình độ văn chương mà còn giúp công chúng xuyên không về quá khứ để hiểu người xưa, yêu thêm câu chuyện lịch sử nước nhà.

- Bạn thấy nhạc cổ phong có sức sống và vị trí như thế nào trong thị trường âm nhạc nước ta hiện nay?

+ Các bạn trẻ được tiếp cận nhạc cổ phong từ phim ảnh có vẻ dễ dàng hơn là tự họ tìm kiếm. Điều này càng dễ thấy hơn khi nhạc cổ phong Trung Quốc lại thịnh hành ở Việt Nam khá mạnh nhờ những bộ phim cung đấu và các chương trình ca nhạc nổi tiếng của xứ tỷ dân. Họ tìm nghe và dịch lại lời Việt cho những ca khúc này rồi lan tỏa dưới dạng nhạc cover (hát lại), mà chúng ta có thể tìm thấy trên nhiều phương tiện đại chúng ngày nay.

Nhưng nhạc cổ phong Việt Nam hiện vẫn chưa làm được điều đó, bởi sức ảnh hưởng của phim ảnh cổ trang Việt Nam chưa thực sự đủ lực như những bộ phim đình đám của Trung Quốc. Thêm nữa, có lẽ thị hiếu của người Việt vẫn chưa “để mắt” đến thể loại âm nhạc khá mới mẻ này giữa một rừng các những thể loại hấp dẫn khác như Rap, RnB, Hip Hop… Những lý do trên cộng với việc sáng tác nhạc cổ phong khá khó nên hiếm nghệ sĩ theo đuổi.

- Khó sáng tác lại kén khán giả, vậy tại sao Anh Khang lại theo đuổi dòng nhạc này và ít nhiều nhận được tiếng vang bước đầu với “Nhật bình”, “Phía sau Ngọ Môn”…?

+ Tôi đến với nhạc cổ phong bằng niềm yêu mến văn hóa, lịch sử dân tộc. Tình yêu đó được nhen nhóm cách đây gần 20 năm, khi tôi chỉ là một cậu học sinh được ba mẹ cho đi thăm đại nội Huế. Tôi mê mẩn trước lâu đài, thành quách và những câu chuyện xoay quanh ông hoàng bà chúa triều Nguyễn. Mãi đến năm 2018, khi đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh mời viết nhạc cho bộ phim cung đấu “Phượng Khấu” khai thác về cuộc đời thái hậu Từ Dụ, tôi mới thực sự bắt tay vào dòng nhạc này và đam mê nó đến tận bây giờ.

Đối với tôi, việc gì càng khó thì tôi lại càng muốn thực hiện bằng được, nhất là những gì liên quan đến văn hóa, âm nhạc. Đó là khoảng trời thiêng liêng mà tôi không bao giờ nhụt chí hay thoái thác. Thêm nữa, nhạc cổ phong vẫn còn là khái niệm khá mới đối với mọi người dù trước đó đã có những ca khúc đình đám với sức lan tỏa rất mạnh đến giới trẻ như “Ngô đồng”, “Nhật bình”, “Sương nằm trong lá”… (do nữ ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung thể hiện). Thế nên dòng nhạc này vẫn còn là một màn sương ẩn chứa rất nhiều điều đẹp đẽ mà những nhạc sĩ trẻ như tôi cần khám phá và truyền tải để khán giả thực sự chiêm nghiệm.

- Các nhạc phẩm của bạn đa phần có giai điệu và lời ca khá buồn, nhiều tâm sự. Nhạc cổ phong khai thác theo hướng tươi vui có lẽ sẽ dễ hút khán giả hơn chăng?

+ Có lẽ do tuổi thơ của tôi không mấy tươi vui như những bạn đồng trang lứa. Hoặc cũng có thể do tôi cảm thụ và “tiêu hóa” cảm xúc khác với mọi người (cười). Tôi thích khai thác những góc khuất của cảm xúc thông qua việc đặt bút viết nên những âm giai có màu sắc tối tăm, u buồn hơn vì đó là những “nơi chốn” mà ít ai muốn đặt chân đến. Đa phần mọi người thường hay tránh né những cảm xúc u buồn mà chỉ hướng đến những gì mang lại hạnh phúc, khoái lạc, hỉ hoan và điều tích cực. Tôi nghĩ đôi khi chúng ta cũng cần nhìn lại những mệt nhoài ở đằng sau, vì những mệt nhoài này nếu được nhìn dưới lăng kính của âm nhạc, nó sẽ trở nên vô cùng đẹp. Đẹp đến ám ảnh. Thời gian sắp tới, tôi sẽ trình làng một ca khúc mà cá nhân mình rất ám ảnh khi đặt bút viết giai điệu, lời ca. Tôi viết ca khúc này lúc ba giờ sáng, sau một chuyến đi đến cổ thành Lam Kinh, Thanh Hóa.

3 nguyen hong nhung.jpg -1
Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung trình bày ca khúc “Nhật bình” của Huỳnh Việt Anh Khang.

- Là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm “Vàng son một thuở” - nhóm chuyên tìm về những cổ vật của cha ông, liệu có phải đây chính là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp cho hành trình sáng tác nhạc cổ phong của bạn?

+ Phải nói đây thực sự là một may mắn rất lớn của tôi khi được gặp gỡ và làm việc cùng anh Huỳnh Thanh (chủ nhân của rất nhiều cổ vật thuộc bộ sưu tập “Vàng son một thuở”). Khi chính tay mình sờ chạm vào những cổ vật ấy, tôi cảm thấy như mình được sống lại một thời vàng son đúng nghĩa. Được dịp hiểu thêm về văn hóa, sinh hoạt, đời sống của cổ nhân thông qua các cổ vật ấy thì thực sự không có may mắn nào bằng. Những nét xưa cũ đã bị thời gian bào mòn cùng câu chuyện thú vị ẩn mình trong đó là một chất liệu quý giá vô cùng để tôi có thể đặt bút viết nên những ca khúc cổ phong mang đậm hơi thở Việt.

- Làm thế nào để nhạc cổ phong tiếp cận và chinh phục được đông đảo người yêu nhạc? Riêng Anh Khang, bạn sẽ phát triển dòng nhạc này theo hướng nào để nó phổ cập với công chúng hơn?

+ Đây vẫn là một câu hỏi khó cần thời gian để tất cả chúng ta cùng trả lời. Việc lan tỏa nhạc cổ phong không chỉ nằm ở cách truyền thông cho phim ảnh hay âm nhạc thật tốt mà ngọn nguồn có lẽ vẫn nằm ở việc lan tỏa văn hóa, làn sóng cổ phong. Nếu việc lan tỏa văn hóa thành công thì âm nhạc và phim ảnh sẽ được đón nhận một cách dễ dàng hơn. Hiện tại có rất nhiều bạn trẻ đã ra sức lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới, giúp bạn bè quốc tế biết nhiều đến Việt Nam, rằng chúng ta không chỉ có chiến tranh trường kỳ mà còn có chiếc áo dài, nón lá, món phở thơm ngon hay chiếc bánh mì đặc biệt… Tôi nghĩ, chính những điều bé nhỏ cũng có thể giúp văn hóa được bừng nở chứ không phải những điều to lớn mới có thể làm được.

Tôi tuy sức mọn, nhưng bên cạnh tôi còn có rất nhiều những cộng sự, những anh chị yêu và đam mê văn hóa truyền thống. Có thể, một cánh én không làm nên mùa xuân nhưng rất nhiều cánh én sẽ gọi mùa xuân về. Chúng ta hãy làm mọi thứ có thể để lan tỏa văn hóa, vì đó sẽ là di sản bất tử mà tiền nhân để lại cho thế hệ mai sau. Khi làn sóng cổ phong được lan tỏa rộng rãi thì nhạc cổ phong chắc chắn sẽ không thể mãi đứng bên lề. Tôi cam đoan rằng đến lúc đó sẽ không chỉ có mỗi tôi, ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung và vài người theo đuổi dòng nhạc cổ phong, mà sẽ có nhiều ca sĩ, nhạc sĩ khác dấn thân vào mảnh đất màu mỡ nhưng còn rất thưa thớt này.

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)
.
.