Nhà văn Hương Keenleyside

Thứ Năm, 10/11/2022, 08:00

Chị là nhà văn Việt kiều hiện sống và viết ở Luân Đôn (Anh). Nhiều cuốn sách đã xuất bản của chị được độc giả trong và ngoài nước đón nhận như: "Cầu vồng ở Iraq", "Bà trùm thế giới ngầm", "Ngã ba nẻo đời", "Điều bí mật của tâm hồn"... Mới đây chị về Việt Nam, cho ra mắt bạn đọc cuốn "Điệp viên 022" (Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản) - một câu chuyện tình báo hấp dẫn về cuộc chiến tranh Việt Nam.

1.Nhà văn Hương Keenleyside rời xa Việt Nam đã gần 3 thập kỷ, nhưng chị vẫn đau đáu những trang viết về đất nước. Dù sống ở xứ sở sương mù, mang cái tên nửa ta nửa tây (mà đôi khi khiến nhiều người nhầm tưởng chị theo đuổi văn chương như một kiểu trang sức hào nhoáng), nhưng chị vẫn giữ trong mình một tâm hồn thuần Việt và tình yêu tha thiết với Việt Nam. Bằng chứng cho tình yêu đó là những trang viết về đề tài hậu chiến, về văn hóa Việt mà chị ấp ủ và cho xuất bản đều đặn hàng năm.

img-4799.jpg -0
Nhà văn Hương Keenleyside.

Cho đến nay Hương Keenleyside đã có 8 đầu sách và có nhiều cuốn đã được bạn đọc đón nhận như: "Điều bí mật của tâm hồn", "Ngã ba nẻo đời", "Cầu vồng ở Iraq" (NXB Hội Nhà văn, 2006), "Điệp viên 022" (Tiểu thuyết tình báo NXB Đà Nẵng, 2006). Sau đó, tác phẩm này đã được NXB Janu của Anh biên dịch và in ấn năm 2007), "Bà trùm thế giới ngầm", NXB Văn học, 2009). Chị quan niệm viết văn là để trải nghiệm, cũng là để yêu thương, chia sẻ những nỗi niềm của con người trước cuộc đời. Lần này, sau 3 năm ngắt quãng vì đại dịch COVID-19, chị lại về Việt Nam và tái bản cuốn "Điệp viên 022", một cuốn sách mà chị cho rằng, nó quan trọng đối với nghiệp viết của chị.

"Điệp viên 022" là cuốn sách có một phần sự thật về những trang đời hoạt động tình báo của chú ruột chị, ông Nguyễn Ngọc Lạn (tức Nguyễn Văn Tư). Câu chuyện viết dựa theo lời kể cả điệp viên Nguyễn Ngọc Lạn bí danh 022 và cụ Hoàng Thị Lộc cùng các bô lão tại xóm Đại Phú 1 thị trấn Vôi - huyện Lạng Giang - Bắc Giang. Cuốn sách đã vượt ra khỏi những riêng tư của chuyện gia đình, trở thành câu chuyện của một đất nước. Đó cũng là tiếng nói của lương tri phản đối sự tàn bạo của chiến tranh và sự diệt vong. Với ý nghĩa đó, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh và thu hút nhiều bạn đọc, giúp họ có một góc nhìn đúng về Việt Nam trong một giai đoạn đau thương.

Với lối viết văn cổ điển, nhẹ nhàng, hài hước, Hương Keenleyside đã kể lại những sự kiện lịch sử quan trọng bằng một văn phong mới, gần gụi, đời thường. Tôi hỏi vì sao chị không viết về những đề tài đương đại, hấp dẫn hơn, thời thượng hơn và có thể, được đón nhận nhiều hơn. Nhưng chị quan niệm, chị thuộc thế hệ cũ và chị muốn viết những câu chuyện của quá khứ để kể cho con cháu hôm nay, nhắc nhở thế hệ trẻ về quá khứ hào hùng của ông cha. Đặc biệt, chị muốn cho người Việt ở hải ngoại hiểu hơn về Việt Nam. Văn chương là cách gần gũi nhất, thuyết phục nhất để chạm đến trái tim và sự thấu cảm của con người.

Tôi hỏi chị, văn chương có ý nghĩa như thế nào với cuộc đời chị và vì sao chị đắm đuối với nó đến thế. Chị chia sẻ: "Sống lâu ở nước Anh, tôi thấy họ rất trân quý sách, mê sách, họ giữ sách rất cẩn thận. Khi đọc sách xong họ tự mang ra bến xe buýt công cộng để cho những người khác cùng đọc. Góc phố nào cũng có một tủ sách công cộng như thế, họ nâng niu sách, có giá đọc để cuốn sách không bị quăn mép. Người Anh cho rằng, tài sản quan trọng nhất của nhân loại là sách. Tôi cảm nhận được những giá trị sâu sắc đó nên tôi kiên cường viết sách dù sách chỉ xuất bản được số lượng hạn chế và nhuận bút cũng khiêm tốn. Đất nước mình có nhiều câu chuyện nhân văn, ý nghĩa và người Việt mình rất gần gụi, yêu thương, tử tế. Tôi chỉ muốn mình có tài hơn để viết những cuốn sách hay hơn, để truyền cảm hứng cho những người đọc, giúp họ thêm hiểu và yêu Việt Nam hơn".

Chị tự nhận "kiên cường" viết văn, bởi ai cũng hiểu, nghiệp văn chương rất khó khăn, nhọc nhằn để định vị cho mình một cái tên. Nếu không "kiên cường" chị đã từ bỏ văn chương hoặc văn chương đã từ bỏ chị.

nhà văn hương keenleyside và nhà thơ bằng việt-.jpg -0
Nhà văn Hương Keenleyside và nhà thơ Bằng Việt.

2.Nhà văn Hương Keenleyside tên thật là Nguyễn Thị Hương. Chị sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ ở Lạng Giang (Hà Bắc) nay là Bắc Giang. Bố chị mất sớm, để lại 9 người con và người vợ góa. Gia cảnh vất vả, từ bé, chị đã phải bươn chải, bữa đi học, bữa đi chợ, bữa đi đào khoai sắn, bán mớ rau để đong gạo qua ngày. Cũng vì hoàn cảnh gia đình mà lớn lên, chị không học đại học mà phụ giúp mẹ bán phở. Rồi chị lang bạt lên Hà Nội, kiếm việc làm thêm.

Cuộc sống không ổn định, nhiều khi buồn bã, cô đơn, Hương đã tìm đến trang viết (từ nhỏ, chị đã có năng khiếu văn chương). Chị làm thơ, viết những truyện ngắn đầu tay, viết báo… Rồi cũng là một nhân duyên khi chị nghe tin Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội có tổ chức lớp học bồi dưỡng viết văn, chị đã tìm đến và tham gia học. Ở đây, chị đã gặp được những người thầy đầu tiên trong nghiệp văn như nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Bằng Việt, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn… Chị cũng đã tìm thấy niềm an ủi trong những trang viết.

Hương hiểu rằng, cuộc đời trong cái rủi có cái may. Vận may của chị là văn chương, chị được trải lòng qua những trang viết, được những người thầy đầu tiên tận tình dạy bảo. Nhưng đôi khi, trong những nỗi mơ hồ nào đó, chị vẫn lo sợ, phụ nữ dấn thân vào nghiệp văn, đời sẽ đa đoan, truân chuyên.

Con người, dù vùng vẫy cũng không thoát khỏi hai chữ số phận. Nó đeo bám vào cuộc đời Hương như là định mệnh. 20 tuổi Hương lấy chồng và 23 tuổi, chị đã phải mặc áo tang khóc chồng. Một mình với hai đứa con thơ, chị hoang mang, không biết bắt đầu cuộc sống từ đâu, làm gì để mưu sinh nuôi con. Rồi Hương nghiên cứu thêm về tử vi, vốn được ông nội truyền dạy cho chị từ bé. Trước hết để xem cho số phận của mình, rồi lâu dần, chị "hành nghề" xem tử vi.

Vì phải bươn bả nuôi con, chị làm đủ việc kiếm sống, không ngại đến những chỗ đông người như chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da để xem cho khách. Dần dần, tiếng tăm của "bà đồng Hương" cũng khá nổi. Cũng vì nhân duyên đó mà Hương gặp anh Tom Keenleyside, là lập trình viên cho hãng Máy tính IBM ở Việt Nam, một người tàn tật với cơ thể chỉ cao 1,2m. Anh tìm đến chị với sự mách bảo của bạn bè. Và rồi tình yêu nảy nở, Hương kết hôn cùng người đàn ông ngoại quốc và theo chồng sang Anh định cư, bắt đầu cuộc sống của một người Việt xa xứ.

Một cuộc đời mới đã sang trang với Hương. Chị mang một cái tên mới, cái tên để lại dấu ấn trong Văn học hải ngoại và bắt đầu có tên tại văn đàn Việt: Hương Keenleyside. Chị được báo chí Việt Nam gọi là "ngọn gió lành trong văn học hải ngoại" bởi những trang viết của chị thường trăn trở về một Việt Nam chịu hậu quả của chiến tranh, về số phận con người biết vượt lên từ gian khó.

Trở lại cầm bút, Hương Keenleyside tâm sự: "Sang Anh, sống ở một vùng quê bình yên, tôi có nhiều thời gian nhàn rỗi, tôi thường đọc sách, lên Internet đọc về Việt Nam. Tôi đã đọc được những tác phẩm thiếu thiện cảm về Việt Nam ở hải ngoại. Tôi nghĩ mình phải viết để thể hiện những quan điểm của mình về văn chương, về dân tộc. Tôi là người Việt, dẫu bây giờ tôi có thêm quốc tịch Anh nhưng đi đâu cũng luôn tự hào mình là người Việt, nói tiếng Việt, viết văn bằng tiếng Việt để thể hiện những quan điểm của người Việt trong xu thế toàn cầu".

Chị còn làm thơ, những bài thơ chị viết cho một tạp chí dành cho người Việt bán khắp châu Âu.Viết văn, làm thơ là cách chị cân bằng cuộc sống, xoa dịu nỗi cô đơn. Và cũng là cách chị bắc nhịp cầu kết nối với những người Việt xa xứ, giúp họ hiểu thêm về Việt Nam. Dòng máu Việt luôn chảy trong tâm hồn chị, dù chị xa nhà ngót nghét gần 30 năm. Hương bảo, chị xác định sẽ định cư ở Anh, một vùng quê bình yên, yên tĩnh. Ở đó, chị được sống cùng thiên nhiên hiền hòa, tâm hồn chị dịu nhẹ hơn. Và chị làm thơ.

Mỗi sáng chị tỉnh giấc giữa thiên nhiên, lắng nghe tiếng gọi của cỏ cây, hoa lá, chị như được gột rửa tâm hồn, xa khỏi những bon chen của đời sống. Và mỗi năm, thỉnh thoảng, chị lại được các thư viện mời đi đọc thơ, lúc tiếng Việt, lúc tiếng Anh. Những lúc đó, chị "tranh thủ" quảng bá những cuốn sách của mình, để giúp độc giả hiểu thêm về Việt Nam. Ra đi để trở về, để viết tiếp những câu chuyện mà chị ấp ủ về đất nước và con người Việt Nam. Nhiệt huyết ấy, tình yêu ấy, với nhà văn Hương Keenleyside chưa bao giờ cạn.

Linh Nguyễn
.
.