Nhà văn Nguyễn Hiệp: “Với tôi, đề tài CAND là mỏ quặng quý”

Thứ Năm, 14/07/2022, 15:50

"CAND là mảng đề tài mới, phong phú và có sức hút lớn với tôi. Tôi cứ hình dung mình "khoan" xuống bất cứ chỗ nào từ truyền thống đến đương đại trong ngành Công an đều bắt gặp những mỏ quặng quý để khai thác và hoàn thiện tác phẩm", nhà văn Nguyễn Hiệp, tác giả vừa giành giải Nhất truyện ngắn Trại sáng tác văn học về hình tượng "Người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân" nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022) cho biết.

Nhà văn thì phải công tâm

Ra Hà Nội nhận giải Trại sáng tác văn học về hình tượng "Người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân", nhà văn Nguyễn Hiệp không hẹn tôi ở sảnh Nhà khách số 10 Nguyễn Quyền mà tìm một quán cà phê dân dã ở phố Nguyễn Thượng Hiền. Anh bảo, tính anh vốn xuề xòa, bình dị, không thích ngồi chỗ sang trọng, cầu kỳ. Trong buổi trò chuyện, Nguyễn Hiệp đã trải lòng cùng tôi về sự nghiệp sáng tác, về đề tài CAND nhưng anh cũng đầy thận trọng khi nhắc tôi ''văn chương là biển trời mênh mông nên viết về nhà văn sao cho phải thật khiêm tốn nhất có thể''.

nguyễn hiếu 1.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Hiệp phát biểu cảm nhận sau khi nhận giải trong Trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân.

Anh vốn dĩ là thầy giáo dạy tin học ở trường dạy nghề nhưng lại mê làm thơ và đến thời điểm năm 1998 đã xuất bản 2 tập thơ. Vì lẽ đó mà Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 5 - năm 1998, anh được cử đi. Hôm đó, trong Hội nghị có triển lãm tác phẩm của các đại biểu dự. Nhà văn Tô Hoài đến dự, ông đi một vòng xem các tác phẩm rồi dừng chân thật lâu bên tác phẩm được in giấy vàng úa của Nguyễn Hiệp rồi nhìn thẳng vào mắt nhà thơ trẻ, nói: "Cái tạng của em viết văn xuôi sẽ thành công".

Thấy nhà văn lớn khuyên bảo như thế, Nguyễn Hiệp từ người làm thơ đã quyết tâm chuyển sang văn xuôi. Anh đã bỏ mất 5 năm nghiền ngẫm tủ sách của nhà chùa, nghiên cứu hệ thống Phật giáo và các tác phẩm kinh điển để đến năm 2003 viết truyện ngắn đầu tiên gửi đăng Báo Văn nghệ. Và đến truyện thứ 2, anh đoạt giải Nhì của cuộc thi Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam.

Khi nhắc về đề tài CAND, đôi mắt anh lấp lánh niềm hạnh phúc và cho rằng, đó là đề tài có sức hút với mình. Anh lấy ví dụ, viết về người Công an xã vùng biên cũng có thể cho ra tác phẩm hay mà có thể chính họ coi đời sống, công việc ấy là bình thường nhưng kỳ thực đó là sự hy sinh rất lớn. Sống trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, thậm chí vất vả trong đời sống gia đình mà họ vẫn vượt qua, vẫn bám trụ với bản làng, với bà con. Đấy chính là lòng yêu nghề của người Công an và điều đó đã cuốn hút anh.

"Có người nghe đến Công an là bị định kiến nào đó làm ngăn cản và với nhiệm vụ của nhà văn, tôi phải phá vỡ cái ấy đi. Thực ra, nghề nào cũng có đen, trắng, có người tốt, người xấu, nhưng anh em chiến sĩ hy sinh thế mình phải ghi nhận. Nhà văn phải công tâm, mà không công tâm thì làm nhà văn làm gì nữa", nhà văn Nguyễn Hiệp trải lòng.

Sâu thẳm trong người Công an là tình yêu

Dự Trại sáng tác văn học về hình tượng "Người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân" tại Đắk Nông tháng 3 vừa qua, nhà văn Nguyễn Hiệp đã viết 2 truyện ngắn và 1 bút ký. Truyện ngắn "Mắt hồ đêm" lấy cảm hứng từ câu chuyện của Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Hùng Vương - nguyên Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an. Khác với nhiều người viết về Anh hùng phòng, chống ma túy sẽ viết về những chiến công, sự mưu trí hay những trận đánh… còn anh lại viết về tình yêu.

Mối tình đầu với cô bạn gái đoản mệnh, tạo nên sức mạnh, động lực giúp tướng Vương vượt qua trở ngại, nguy hiểm trong công tác. Nhờ mạch tình yêu và sự bi thương đến tột cùng đó, tác giả đã đi được mạch truyện hết sức vạm vỡ, cảm xúc. Thế nhưng theo anh, cái khó là vì câu chuyện có thật nên khi tái hiện lại thì dễ vượt ra lằn ranh khác, động đến vấn đề tâm linh khi cô gái mất quá sớm.

Khác với truyện "Mắt hồ đêm", trong truyện thứ hai Nguyễn Hiệp viết về mảng khác của hoạt động phòng, chống tội phạm, là viết về nữ cảnh sát, Thiếu tá người Khmer. Cô tên Mây và đóng vai người bán mắm sà rinh - một loại nước mắm nổi tiếng ở Trà Vinh nên truyện ngắn lấy tên "Mây sà rinh". Nữ công an hiện lên là người giỏi nghiệp vụ điều tra, giỏi võ, lại rất xinh đẹp. Bên cạnh công việc, cô có mối tình cực kỳ lãng mạn với anh họa sĩ. Trà Vinh được mệnh danh là xứ chùa, đương nhiên anh đã chọn bối cảnh là chùa nên truyện gắn với tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật rồi những đặc sản địa phương, phong tục tập quán.

"Hai truyện có điểm chung là mặc dù cả 2 đều làm công việc đòi hỏi sự mạnh mẽ, tỉnh táo, thậm chí là lạnh lùng nhưng kỳ thực bên trong con người họ là tình yêu, sâu thẳm con người họ là nhân văn. Họ sống bằng mạch ngầm đó để vượt lên, cống hiến và hy sinh. Nếu thiếu đi tình yêu và đời sống nhân văn thì quá trình công tác sẽ không đạt được hiệu quả", nhà văn Nguyễn Hiệp nhấn mạnh.

nguyễn hiếu 2.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Hiệp trong chuyến đi thực tế tại Đà Lạt.

Ngoài ra, anh còn viết bút ký "Bình yên Đắk Nông" để khẳng định vấn đề phòng ma túy quan trọng hơn chống ma túy. Anh nhấn mạnh chống là chặt ngọn, cái phòng mới là gốc của vấn đề. Cốt lõi của bút ký là phòng ma túy, là đem lại sự bình yên cho nhân dân, nhất là trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giáp Campuchia, có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống.

Trước đó, Nguyễn Hiệp đã giành Giải B (không có Giải A) trong cuộc thi "Cây bút vàng" lần thứ IV giai đoạn 2018- 2021 với truyện ngắn "Gió xước" từ một trải nghiệm có thật về người bạn của mình. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi anh dạy học ở trường phổ thông thì có một đồng chí Công an biệt phái xuống cơ sở ở cùng. Người chiến sĩ Công an mặc dù còn trẻ nhưng đã mưu trí, dũng cảm, bám vào nhân dân để phá được nhiều vụ án lớn.

Người ở xa núi thì nhìn núi trọn vẹn hơn

Để có những truyện ngắn, bút ký thành công về đề tài CAND, Nguyễn Hiệp đã nghiên cứu nhiều truyện ngắn, bút ký về đề tài này của các bậc đàn anh đi trước như nhà văn Ma Văn Kháng và sau này là những tác phẩm được giải Cây bút vàng. Mặc dù tâm đắc khi có nhiều tác giả, nhất là tác giả trẻ sáng tác văn học về Công an nhưng bản thân anh thấy vẫn chưa đáng kể với sự hy sinh, cống hiến của người chiến CAND.

"Muốn nhiều nhà văn viết về Công an thì ngành phải tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà văn thâm nhập thực tế, để họ có cái nhìn công tâm, thấu suốt hơn. Khi có cây lớn rồi thì cái bóng mọi người sẽ nhìn thấy, sẽ đi theo nhiều hơn", nhà văn Nguyễn Hiệp chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Hiệp quan niệm, văn chương là cái nghiệp mình phải mang và anh cũng không giải thích được việc tại sao mình lại lao vào. Đó có công việc không có ranh giới, không theo trình tự nào. Văn chương khiến con người ta vượt thoát được cái nghĩa thông thường. Nó phải thực sự đam mê mới có dòng chảy cảm xúc, đó không chỉ là xác chữ mà là hồn vía của đời sống. Là nhà văn ngoài ngành, anh luôn có ý thức được việc sẽ có những bất lợi đồng thời có những lợi thế. Người ở xa núi thì nhìn núi trọn vẹn hơn, ở gần có những vật cản mà người ta khó nhận ra.

Theo anh, điều bất lợi là anh ít có điều kiện được tiếp xúc với ngành nên khó có thể viết sinh động được. Nếu viết về đề tài CAND mà không thấu suốt, không sinh động và đặc biệt không hiểu bằng đầu óc và trái tim mình thì người đọc sẽ cảm thấy thật sự khô khan và tẻ nhạt.

Ngô Khiêm
.
.