Nhà thơ Kiều Maily, hành hương về nguồn cội
Kiều Maily là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chị là tác giả của 2 tập thơ “Giữa hai khoảng trống” (năm 2013); “Nàng, hoa của cát” (năm 2019). Ngoài thơ, chị là tác giả biên khảo, chủ biên không ít tác phẩm về văn hóa Chăm như “Độc đáo ẩm thực Chăm” (năm 2014); “Palei Phước Nhơn của tôi” (năm 2016), “Em đi lễ hội” (sách dành cho thiếu nhi song ngữ Việt - Anh), “Y phục Chăm” (đang viết).
1. Cuối năm 2023, những nhà văn tham gia Trại sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng “hạ sơn”, từ Đà Lạt về Phan Rang quê hương nhà thơ Kiều Maily. Phan Rang là nơi “rang róc”, nắng và gió thuần khiết như con người. Tuy nhiên, nhiều mới mẻ.
Cung đường chạy giữa bao la màu xanh của thông, đại ngàn rộng lượng. Qua đèo Ngoạn Mục, là chạm tới đất Ninh Thuận. Càng gần đến quê hương mình, khuôn mặt Kiều Maily nhú nở Apsara, thầm kín. Kiều Maily là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chị là tác giả của 2 tập thơ “Giữa hai khoảng trống” (năm 2013); “Nàng, hoa của cát” (năm 2019). Ngoài thơ, chị là tác giả biên khảo, chủ biên không ít tác phẩm về văn hóa Chăm như “Độc đáo ẩm thực Chăm” (năm 2014); “Palei Phước Nhơn của tôi” (năm 2016), “Em đi lễ hội” (sách dành cho thiếu nhi song ngữ Việt - Anh), “Y phục Chăm” (đang viết).
Tôi đã từng được xem chị múa, mười ngón tay và đường cong nữ giới hóa thân nữ thần. Đời sống trên trang viết cũng như hoạt động của chị đều cất lên tiếng nói của cộng đồng dân tộc mình - người Chăm.
Em đội lu đi giạt trôi muôn vệt nhớ
nước mắt mẹ vùi chôn đất lạ quê người
vùi sâu mấy tầng lịch sử
chìm dưới đất khô hanh nỗi màu Chàm
(Hồn du mục).
Đây là một khổ trong bài thơ chị đọc tại chương trình “Bản hòa âm đất nước” vừa diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội. Cát, gió, bóng tháp Chàm... và tiếng hồn miên man chảy, thúc hối trong biên cảm của “em”. Em du mục, nhưng trong bước chân du mục của “em” có kiếp tha hương của một cộng đồng.
Trong phát triển của lịch sử loài người, có những dân tộc biến mất, vì nhiều nguyên nhân. Dù “biến mất”, tha hương nhưng tinh thần dân tộc ấy sẽ không bao giờ mất đi, nếu còn một người mang tinh thần dân tộc đó trong ngôn ngữ của mình. Đọc thơ Kiều Maily dễ nhận ra tinh thần dân tộc ấy, nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người đọc như được chạm vào “da thịt” của nền văn hóa ấy. Đấy là “quyền lực” của thi ca. Kiều Maily chính là một “nơi chốn” để tinh thần dân tộc Chăm trú ngụ, phồn sinh.
...
Apsara gọi
không phải ở đâu ngoài em
như từ sâu thẳm lòng em Apsara gọi
Như là tiếng gọi của chính em
Apsara
người là ai Apsara
mà thở trong em, thức trong em, múa trong em
điệu diễm ảo cao hơn giấc mộng
(Apsara và em)
Apsara là nữ thần. Apsara đã trở thành ngôn ngữ của thi ca, âm nhạc, điêu khắc từ hàng ngàn năm trước. Đọc thơ Kiều Maily, nhận ra Apsara không còn là huyền thoại, bước ra từ huyền sử, không phải còn là hoài niệm về quá vãng hay giấc mơ của tương lai mà tiếp tục bước vào đời sống của hiện tại và gửi thông điệp đến tương lai.
Kiều Maily tự hào về quê hương, viết nhiều về quê hương: “Như mắc nợ tháp Chàm”, “Sông Dinh gọi về”, “Hồn du mục”, “Muối Phan Rang”, “Khóc Phan Rang”, “Ninh Chữ mùa gió nổi”... Kiều Maily viết nhiều về dân tộc mình: “Dấu chân Nam Kương”, “Sát na và thưởng trụ”, “Người xứ làng thuốc”, “Huyền thoại Nai Tangya”, “5 câu chuyện về người chăn cừu”...
Dẫu hiện tại, Kiều Maily sinh sống và làm việc tại Hội An (Quảng Nam), tuy nhiên chị thuộc về Palei - làng Chăm. Đi công tác ở trong nước hay ở nước ngoài, Kiều Maily luôn khắc khoải về cố thổ, muốn mau chóng xong công việc để được trở về với làng.
Về không em
gió quê đang trở lạnh
nắng Palei dịu dần
mầm sương sớm mai nhảy múa trên lưng lá
và
chuối sắp ra hoa
(Về)
2. Hôm đoàn nhà văn về Phan Rang, Kiều Maily đưa chúng tôi đến tháp Chàm Po Klong Garai, làng gốm Bàu Trúc, khu mộ cổ của người Chăm ở Khánh Nhơn, các trang trại trồng nho, chăn cừu, các gia đình người Chăm làm nghề thuốc Nam...; về Palei của chị - làng Phước Nhơn, huyện Ninh Hải, nơi chị cất tiếng khóc chào đời. Còn nữa, thưởng thức ẩm thực của người Chăm. Kiều Maily gần như là một “hậu duệ” Apsara ở thời hiện tại, được ủy thác sứ mệnh linh hồn, gìn giữ và quảng bá văn hóa Chăm.
Trước Tết Giáp Thìn 2024, chị đi công tác ở nước ngoài, tháng rưỡi, từ Ý sang Đức và nhiều nước khác. Ở đâu chị cũng trình diễn nghệ thuật Chăm từ múa, hát đến ẩm thực giữa những người bạn nước ngoài. Kiều Maily bé nhỏ, uyển chuyển, dẻo dai như cây tre đằng ngà, tôi đã nhìn thấy ở Palei, trước khi bước vào ngôi nhà của chị. Chị không chỉ là nhà thơ, nhà nghiên cứu mà còn là một sứ giả văn hóa trong môi trường hội nhập. Tôi nhớ mãi, hôm theo chân Kiều Maily ra thăm khu mộ cổ của người Chăm ở Khánh Nhơn, huyện Ninh Hải. Biển đầy nắng, ăm ắp gió. Tôi nhớ mấy câu thơ của Kiều Maily: “Mùa gió nổi mùa vắng cá/ mùa gió nổi mùa vắng người/ mùa vắng vòng ôm mùa vắng tình yêu lạ lẫm/ mùa chỉ còn anh và em/ tìm đến” (Ninh Chữ mùa gió nổi).
Ninh Thuận là một trong những địa bàn sinh sống của người Chăm cổ. Khu mộ cổ ở thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải theo các nhà khảo cổ, có cách đây khoảng 2.500 năm.
“Các anh xem có gì khác biệt không?” -Kiều Maily hỏi các nhà văn trong đoàn.
Trước mắt chúng tôi là cát trắng, bên tai sóng vỗ. Tôi nhìn chỉ thấy loang loáng những hàng đá chạy dài. Thi thoảng vài búi cỏ, cây xương rồng cô độc. “Dưới các hòn đá là thi hài người Chăm cổ. Mỗi ngôi mộ có hai hòn đá, trên đỉnh đầu và phía dưới chân. Phân biệt nơi có thi hài người cổ dưới lòng đất chỉ cần nhìn vào dãy đá” - Kiều Maily giải thích.
À ra thế, người Chăm giản đơn, thánh thiện; nơi nghĩa trang của người đã khuất “vùi sâu mấy tầng lịch sử/ chìm dưới đất khô hanh nỗi màu Chàm”, ("Hồn du mục", thơ Kiều Maily). Điều làm tôi xúc động, đấy chính là công sức của Kiều Maily để quần thể mộ cổ này vào quản lý, không phải để hoang lạnh, vô thừa nhận. Dịp ra Hà Nội dự Ngày thơ Việt Nam 2024 và chương trình “Bản hòa âm đất nước”, Kiều Maily có gặp nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Qua nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, chị được biết ở làng Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, còn dấu tích của một xóm Chăm - xóm nhỏ hơn làng. Và chị tìm đến.
Nghe Kiều Maily kể, làng này xưa có 5 xóm, xóm Chàm là xóm rất đặc biệt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là nơi tập trung tù binh Chiêm Thành từ thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Xưa xóm có lối vào cổng rất rộng, hai cột trụ xây khá vững, trên có biển đề bốn chữ “Xóm Đức long Chàm”. Thế rồi, qua hơn năm thế kỷ, những tù binh Chăm ấy hòa huyết, hòa nhập với cư dân ở đây. “Làng còn có ngôi đền Tam phủ, còn gọi là Khương Linh từ, nằm cách đình khoảng 200 mét. Đây là đền thờ Tam Mẫu (Mẫu Địa, Mẫu Thủy và Mẫu Thượng ngàn), nên dân làng quen gọi là đền Nhà Bà. Tục thờ Tam Mẫu là biểu hiện của thờ Nữ thần, thể hiện sự tôn vinh người phụ nữ, người mẹ, có xuất xứ từ văn hóa Chăm”, chị chia sẻ.
Theo như nghiên cứu của Kiều Maily, những làng ăn nước mắm, ếch òn (phổ thông gọi là con nhái), xào dưa, cà, đấy là “ký ức Chăm”. Ba món này hiện nay người dân Chăm vẫn xem là món chính trong bữa ăn Chăm, chị xác tín. Kiều Maily lặn lội ở Khương Hạ, cố tìm cho ra cổng làng của xóm Chàm ngày xưa nhưng những người cao niên cho biết là cổng đã bị phá lâu rồi. Kiều Maily tiếc nuối. Tiếc nuối hơn, với chị là “ký ức Chăm” không còn được người hiện thời lưu giữ.
3. Kiều Maily là một nghệ sĩ thực sự, một Apsara hiện đại. Nếu có dịp đến Hội An (Quảng Nam), du khách sẽ có cơ hội tham quan không gian văn hóa Champa Amaravati House (còn gọi là Ốc đảo Chăm), nơi chia sẻ những ký ức, những câu chuyện giá trị về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm. “Bà chủ” không gian bản sắc này chính là nhà thơ Kiều Maily. “Champa Amaravati House được thiết kế như một bảo tàng nhỏ với nhiều loại nhạc cụ truyền thống, những bộ trang phục, những hiện vật gia dụng, những hình ảnh tiêu biểu về các lễ hội quan trọng trong đời sống của đồng bào Chăm”, chị cho biết.
Ngày 26/2, sau khi kết thúc các hoạt động của Ngày thơ năm 2024, tham dự các talk show của Truyền hình Quốc phòng, nói chuyện về Di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Kiều Maily bay về Hội An. Lại lao vào quét nhà, dọn dẹp, đi chợ, nấu bánh.... để đón khách. “Một ngày cực vui, đầu xuân được đón các bạn đến từ Israel. Đây là lần thứ hai em đón nhóm bạn toàn phụ nữ người Israel đến không gian Champa Amaravati House” - Kiều Maily rộn rã. Âm thầm thế mà thành “đại sứ văn hóa”, Kiều Maily đã và đang hành hương về nguồn cội và tìm kiếm chính mình.