Niềm mê của một nhà thơ

Thứ Sáu, 13/05/2022, 15:23

Câu chuyện của chúng tôi chợt sôi nổi và hào hứng hẳn lên khi nhà thơ Đoàn Văn Mật chỉ tay vào một chiếc bình sứ cao chừng hơn 50 phân, dung tích cỡ 20 lít, với mầu men trắng xanh chủ đạo “Chiếc bình sứ này em mới kiếm được đấy bác ạ. Sứ Vạn Ninh chính hiệu”.

Tôi hỏi lại “Sứ Vạn Ninh?”. Nhà thơ Đoàn Văn Mật cười vui vẻ “Thực ra là sứ Móng Cái nhưng có lẽ từ khi loại sứ này xuất hiện và đi ra thương trường thì mọi người lại gọi là sứ Vạn Ninh bởi chính những người dân thuyền chài xã Vạn Ninh (TP Móng Cái) mới là những người đưa loại sứ đặc Việt này tới muôn nơi”.

Nhớ quãng hè năm 1976 đơn vị chúng tôi chuyển quân ra miền Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Tôi nhớ lần đầu đặt chân lên thị trấn Móng Cái (Hồi đó Móng Cái là huyện lỵ của huyện Hải Ninh chứ chưa phải là thành phố Móng Cái bây giờ). Ánh mắt tôi lập tức chú ý tới một cột ống khói cao đang lặng lẽ toả những làn khói trắng đục.

Nhà máy sứ Móng Cái đặt ở giữa thị trấn và nghe đâu quãng thời gian đó ở miền Bắc nước ta cũng có nhiều làng nghề gốm lừng danh như: Làng gốm Bát Tràng, làng gốm Chu Đậu, làng gốm Phù Lãng, làng gốm Hương Canh… nhưng làm ra sản phẩm sứ thì chắc chỉ có ở nhà máy sứ Móng Cái mà thôi? (Thực ra là có nhà máy sứ Hải Dương nhưng chủ yếu làm ra bát đĩa ấm chén).

Tôi sống ở miền Đông Bắc hơn 10 năm nên tôi biết khá rõ bởi nơi đây có nguồn đất cao lanh, thứ đất nguyên liệu chính cho làm sứ. Mỏ đất cao lanh ở dẫy núi Quảng Nam Châu huyện Hải Hà quả là dồi dào và là nơi cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sứ Móng Cái.

Niềm mê của một nhà thơ -0
Nhà thơ Đoàn Văn Mật bên những sản phẩm sứ Vạn Ninh.

Sứ Móng Cái ra đời và nổi danh khắp cả nước cùng cái danh “Sứ Vạn Ninh”. Cũng từ đó sứ Vạn Ninh thâm nhập vào đời sống kinh tế xã hội. Rồi như từ giữa năm 1978 nhà máy sứ Móng Cái dừng sản xuất tại thị trấn biên giới để chuyển về thị trấn Quảng Yên, huyện lỵ huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên). Có lẽ do thợ lành nghề không chuyển về theo? Và có lẽ do thiếu nguồn nguyên liệu đặc trưng ngoài Đông Bắc nên nhà máy sứ Quảng Yên cứ hèo hợt rồi ngừng sản xuất?.

Quãng chục năm lại đây “dân chơi sứ” chán chơi “sứ Tàu” lại bảo nhau quay về chơi “Sứ Vạn Ninh” và ông nhà thơ Đoàn Văn Mật là một trong những người chơi sứ Vạn Ninh nhiệt tình. Chịu khó sưu tầm nên trong nhà anh có khá nhiều những bình sứ Vạn Ninh. Thêm nữa ông nhà thơ này khá am tường về sứ Vạn Ninh nên chuyện trò về sứ nhất là về “sứ Vạn Ninh” thì ngày này qua ngày khác mãi không hết chuyện.

Vốn quê ở làng Thanh Khê, xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ngay từ thuở nhỏ cậu bé Đoàn Văn Mật đã đam mê thú chơi đồ cổ, thú chơi cây cảnh từ ông nội và từ người cha của mình. Có lẽ ngay từ dạo bé tí teo ấy đồ cổ gốm sứ đã ăn sâu vào tâm trí cậu bé Đoàn Văn Mật.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật cho hay, quê anh chỉ cách chợ Viềng, một chợ bán cây cảnh nổi tiếng xứ Bắc chừng hai cây số. Trong câu chuyện nhà thơ Đoàn Văn Mật gọi chợ Viềng là “chợ Chùa” bởi chợ họp ở cạnh chùa Bi và anh bảo “Chợ bán cây cảnh và dụng cụ sản xuất họp vào hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng ngay tại chợ Chùa. Khi chợ ấy họp thì người ta gọi là “Chợ Viềng” tức là “Chợ Xuân” bởi “Viềng” theo Hán Việt cổ có nghĩa là xuân, còn những ngày khác chợ gọi là “chợ Chùa” cho đúng nghĩa”.

Được biết ở Nam Định có 2 “chợ Viềng”. Một ở huyện Nam Trực “trên nền” chợ Chùa Bi và một ở bên huyện Vụ Bản được gọi là “chợ Viềng Phủ Giầy” bởi chợ Viềng này họp bên cạnh đền Phủ Giầy. Giải thích về lý do lại có “2 chợ Viềng” nhà thơ Đoàn Văn Mật cho biết: “Chợ Viềng chùa và chợ Viềng Phủ Giầy tuy ở hai huyện khác nhau nhưng chỉ cách nhau con sông Đào (một nhánh của sông Hồng). Có lẽ thuở xưa việc đò giang cách trở lại thiếu an toàn nên dân gian mới “lập” nên một Chợ Viềng” nữa cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt và buôn bán.

Niềm mê của một nhà thơ -0
Một số sản phẩm sứ Vạn Ninh thường gặp.

Câu chuyện về “sứ Vạn Ninh” tạm ngừng” để chuyển tiếp câu chuyện về thú chơi cây cảnh và thú chơi đồ cổ “truyền thống gia đình”, nhà thơ Đoàn Văn Mật tâm sự “Ông nội tôi vốn là một thày lang thuốc Nam nên cụ thường nhắc nhở con cháu rằng: “Chơi cây cảnh và chơi đồ cổ là để dưỡng tâm”. Quả là lời răn dậy của bậc tiền nhân làm nghề thuốc chữa trị cho người thật vô cùng thấm đượm bởi “Tâm có nhàn thì lòng mới nhẹ, bởi tâm có an thì dạ mới yên”.

Theo học Trường VHNT Nam Định nhưng có tấm bằng “thủ thư” trong tay thì chàng trai Đoàn Văn Mật lại đi “làm tự do”. Quãng thời gian đi làm tự do ấy đã cho “nhà thơ tương lai” những cảm nhận thực từ cuộc sống bươn chải bên ngoài xã hội. Nhưng nhớ lời ông nội răn dậy nên dù làm gì thì làm chàng trai Đoàn Văn Mật vẫn “kiên trì” với thú chơi của mình. Rồi anh vào học “Nguyễn Du”, học Khoá 8 và năm 2009 thì anh ra trường. Duyên số, chắc là duyên số nên bén duyên? Đoàn Văn Mật về “đầu quân” cho “Nhà số 4”. Anh thành biên tập viên thơ cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Câu chuyện lại trở về với “Sứ Vạn Ninh”. Cứ theo như lời nhà thơ Đoàn Văn Mật thì đây là loại sứ có “bản sắc riêng” nằm ở hai khâu: Một là cách thức nung đạt đến độ tinh xảo bởi nung gồm thì dễ chứ nung sứ không dễ tý nào, nhất là lại nung bằng củi. Tôi chợt nhớ ra rằng: Rừng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh rất lắm gỗ quý. Chẳng thế mà triệu triệu năm trước khi rừng cây bị vùi lấp đã hình thành nên “Xứ vàng đen” nổi tiếng với loại than đá “đặc sản” Quảng Ninh có trữ lượng khổng lồ và có hàm lượng Cacbon ổn định từ 80 % đến 90%. Đấy, cây rừng ấy và củi ấy đem nung sứ thì nhất rồi. Và khâu thứ hai là: Sứ Vạn Ninh được sản xuất từ nguồn nguyên liệu đất riêng chỉ có ở Móng Cái.

“Nguyên liệu và công thức nung đều riêng có rồi vậy tiếp theo “cái riêng độc đáo” của sứ Vạn Ninh là gì?”. Nhà thơ Đoàn Văn Mật bấy giờ mới “giở ngón nghề” của mình ra. Theo như nhà thơ đã tìm hiểu kỹ càng thì sứ Vạn Ninh có hình dáng riêng và đặc biệt là hoạ tiết trên mỗi chiếc bình sứ. Về hoạ tiết thì nhà thơ cho hay: “Hoạ tiết đó được gọi là “hoạ bút” bởi do chính tay những người thợ vẽ ra chứ không có khuôn mẫu sẵn”. Người thợ “hoạ bút” trên những chiếc bình sứ “mộc” và họ đã gửi vào đấy tâm hồn và tài năng của mình. Do đó các hoạ tiết luôn mới lạ và luôn độc đáo.

Thêm nữa hoạ tiết của sứ Vạn Ninh thường dựa vào các tích cổ và những tích cổ đó được người thợ chọn lọc nhằm vào những “tích” có tinh thần giáo dục nhân cách. Tuy các tích cổ này dựa vào vốn chuyện cổ có từ bên Trung Quốc xưa nhưng đã được “Việt hoá” theo đạo lý và văn hoá Việt.

Nghe đến đây tôi lại nhớ thêm về “Dấu ấn văn hoá Việt” ở nơi địa đầu của Tổ quốc. Đấy như Đình Trà Cổ đấy, một ngôi đình làng đặc biệt in đậm văn hoá Việt và tâm hồn người Việt. Thì ra tuy do thợ bên nước bạn sang sản xuất nhưng đã là sản phẩm được sản xuất trên đất Việt thì văn hoá và bản sắc Việt không những không bị “đồng hoá” mà nó còn được nhân lên thành đậm đà bản sắc Việt.

Tôi lại hỏi thêm “Làm thế nào để nhận ra sứ Vạn Ninh?”. Nhà thơ Đoàn Văn Mật bật mí cho hay “Đó là màu sắc của sứ”. Theo đó thì sứ Vạn Ninh có các dòng như: Dòng xanh trắng, tức là màu trắng làm nền và màu xanh mực là hoạ tiết. Dòng tiếp theo là Tam thái, tức là có ba màu: Xanh mực, hồng và một màu khác. Trong đó xanh mực là hoạ tiết và màu hồng là trang điểm ví như hoa chẳng hạn. Màu khác thường chủ yếu là màu trắng làm nền.

Với hai màu xanh mực và trắng làm chủ đạo nên sứ Vạn Ninh cho người dùng cảm giác ấm êm, chân thật và giản dị. “Sự chân thật và tính giản dị chính là tấm lòng của người dân nước Việt” nhà thơ Đoàn Văn Mật nhấn mạnh. Và ông cho biết thêm “Màu trắng của sứ Vạn Ninh là màu trắng ngà hơi ngả về xanh nên càng nhìn càng thấy thẫm đẫm chứ không như màu trắng của sứ trung Quốc là màu trắng sáng nên nhìn có vẻ lồ lộ không kín đáo.

Chuyện về sứ Vạn Ninh có lẽ còn dài dài nhưng những sản phẩm truyền thống như: Bình và Lộc bình mang dáng điệu những quả bầu quả bí in đậm đời sống người Việt nếu như đặt trên Ban thờ hay đặt chơi trong nhà sẽ đưa đến sự thân gần, ấm cúng và hướng thiện. Nhà thơ Đoàn Văn Mật nói câu kết luận “Sứ Vạn Ninh ít dùng làm đồ gia dụng mà thường để thờ, để chơi nên sản phẩm này có tính tôn nghiêm và thanh cao. Sự này chỉ có được khi nó chứa đựng một tâm hồn Việt cao sang và khiêm nhường”.

Nguyễn Trọng Văn
.
.