Nguyễn Bình Phương: Nhà văn tài danh “hai trong một”
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (SN 1965, quê Thái Nguyên) là một người văn “Đi chắc cả hai chân” tiểu thuyết và thơ trên con đường văn chương khi ở cả hai lĩnh này anh đều có thành tựu.
Năm 2012, tập thơ “Buổi câu hờ hững” của anh được trao Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội. Năm 2015, tiểu thuyết “Mình và họ” của anh cũng được trao Giải thưởng Văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội.
Dường như Nguyễn Bình Phương là một nhà văn có được phẩm chất bền bỉ tìm tòi lặng lẽ trong sáng tác và khiêm nhường trong giao tiếp bạn hữu. Chơi với nhau mấy chục năm, đi qua những thăng trầm và thăng hoa của nghề viết, chúng tôi vẫn thường ngồi đàm đạo về văn chương cùng nhau.
Ngay trong thời gian học Trường Viết văn Nguyễn Du, tài năng của Nguyễn Bình Phương đã phát lộ khi anh cùng với Nguyễn Lương Ngọc là hai nhà thơ có những cách tân thi ca như một “cặp bài trùng” trong việc phá vỡ những âm hưởng mòn cũ, sáo rỗng của thơ Việt thời hậu chiến để kết cấu lại những giá trị thi pháp mới. Có thể nói những năm 90 của thế kỷ trước, hai gương mặt thơ mới này đã làm một cuộc bứt phá khá quyết liệt trong những cố gắng tìm tòi để đổi mới thơ Việt về mặt cấu trúc và ngôn ngữ thơ.
Ánh trăng luôn thao thức trong một cõi thơ lạ
Đến nay, Nguyễn Bình Phương là trường hợp khá hy hữu trên văn đàn vì chỉ trong vòng 3 năm, anh đoạt liền 2 giải thưởng văn học khá danh giá của Hội Nhà văn Hà Nội khi các tác phẩm này đều được Hội đồng chung khảo giải thưởng bầu với số phiếu cao nhất 9/9. Năm 2012, tập thơ “Buổi câu hờ hững” của Nguyễn Bình Phương đã được trao giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực thơ. Theo nhận định của Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, đây là tập thơ trữ tình tự sự với trường mỹ cảm của ngôn ngữ thi ca hàm súc, giàu hình ảnh và tạo nên một chất thơ riêng khá sâu lắng, đem lại cho thơ một vẻ đẹp huyền ảo và trong sáng của phong cách Nguyễn Bình Phương.
Đọc thơ Nguyễn Bình Phương, tôi nhận thấy hình tượng ánh trăng luôn thao thức, luôn ám ảnh và luôn trở đi, trở lại trong khá nhiều bài thơ của anh. Phải chăng, để vượt qua bóng - đêm - trừu - tượng trong sáng tạo, người thơ này luôn lấy thứ ánh sáng của trăng để đưa mình vào một cõi thơ mộng khác, một thế giới an nhiên khác, để thanh tẩy bụi bặm trần gian trong một tĩnh lặng mơ hồ.
Trong bài thơ “Linh Nham đêm”, nhà thơ tự vấn: “Ai rót rượu vào trăng/ Sương như mắt thiếu phụ về dĩ vãng/ Ai rót rượu vào trăng/ Lênh láng quá làm sao chịu nổi/ Em thành kỷ niệm rồi/ Cái buồn không nắm được”. Còn trong bài thơ “Giấc ngủ nắng”, tác giả lại mộng du: “Anh theo sông tìm đến những mùa trăng/ Trong mùa trăng rất nhiều vầng trăng lạ”. Rồi trong bóng đêm, anh lại mơ thấy ánh trăng và những ngôi đền: “Nhắm mắt lại và từ từ hiển hiện/ Một vườn mía ngọt lúc trăng lên/ Tin vào đêm/ Không tin bóng tối/ Những ngôi đền rụt rè sáng cùng tôi”.
Ngay cả trong bài thơ “Con đường bí mật”, nhà thơ cũng phát hiện thấy chỉ còn lại vẻ đẹp của trăng: “Với một chút e dè trong buổi tối dông dài/ Em là chiếc gối ru tôi ngủ/ Gió không mang đến hương thơm của nắng/ Mà mang đến một ánh trăng”. Tiếp theo, trong bài thơ “Nói với em từ trống trải”, tác giả chợt thấy mình là một vầng trăng: “Anh đã tới chỗ ấy/ Đã gặp cái vầng trăng mươn mướt của anh/ Nó ngồi đó, một mình, không cô đơn nhưng tràn trề tĩnh lặng/ Nó tự sáng hay em làm nó sáng”.
Đến đây, tôi nhận ra, trăng trong thơ Nguyễn Bình Phương là một “Cõi lạ âm thầm”, khiến cho ta thấy trong thơ anh một đời sống khác, một thế giới khác, một miền thẩm mỹ khác với đời sống thực tại xung quanh ta, như trong bài thơ “Mắt” khá độc đáo sau đây: “Qua con mắt khép hờ/ Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ/ Cuối đường gặp một ban mai bàng bạc/ Ở đây có Nguyễn Trãi/ Nguyễn Trãi bảo cuộc đời là dao và tre trúc/ Sau đó im lặng dẫn ông đi xa mãi/ Ở đây Hồ Xuân Hương ngừng lại/ Bà dựng nhà bằng những cơn mưa/ Ngoài hiên/ Mùa thu mơ chiếc quạt ngà/ Hồ Dâm Đàm rẽ nước để trời xanh bay xuống/ Nếu trời xanh bay trượt ra ngoài anh dám đỡ không?/ Người đeo kính hết mọi nhớ mong/ Những quên lãng lại hồi về trí nhớ/ Con mắt khép nửa vời là cạm bẫy thờ ơ/ Trong giấc ngủ đầy mộng mị/ Trăng không thể bay ra”.
Bài thơ trên rất lạ với một tứ thơ độc đáo. Đọc kỹ mới thấy Nguyễn Bình Phương tinh tế lắm, suy tư lắm khi anh đã thực thụ cảm nhận được Nguyễn Trãi và Hồ Xuân Hương theo cái cách liên tưởng độc đáo của một nhà thơ, mặc dù anh không lý giải vì sao khi Nguyễn Trãi bảo cuộc đời là dao và tre trúc thì ngay sau đó im lặng đã dẫn ông đi xa mãi; và vì sao khi Hồ Xuân Hương dựng nhà bằng những cơn mưa thì bà đã ngừng lại ở đây? Nhưng có lẽ vì thơ được viết ra không phải để lý giải những chuyện đó, nên những ai đọc thơ Nguyễn Bình Phương thì hãy cứ đồng hành sáng tạo cùng nhà thơ theo cái cách liên tưởng riêng của mỗi người để có được những khoảnh khắc thưởng ngoạn thi ca tùy hứng.
Chất thơ văn xuôi giàu sức liên tưởng
Trong thơ Nguyễn Bình Phương, sự cảm nhận về đời sống con người và nỗi đau nhiều khi không vỡ òa ra một cách trực diện, nó lắng sâu tới mạch nguồn của sự chia sẻ, cảm thông với những rung động ở các tự sự thấm đầy chất suy tưởng như bài thơ văn xuôi “Về một người thương binh hỏng mắt”: “Anh bảo hãy đo giúp anh xem bóng tối rộng ngần nào mà mấy chục năm đi mãi vẫn chưa qua/ Anh đã phải dằn lòng qua sợ hãi, qua cô đơn chán chường ngày được tin người ấy lên xe hoa đi mất/ Anh một con đại bàng thèm vỗ cánh/ Quê tôi ở bên kia mùa hạ/ Anh vừa nói vừa cười buồn buồn, khuôn mặt nghiêng dần sang tĩnh lặng/ Tôi ngó bốn bề thấy lay lay bao nhiêu ánh mắt/ Chúng ta nhìn thay người thương binh ấy, vào ban mai, vào trưa, vào sẩm tối/ Đêm thì anh nhìn giúp chúng ta”.
Bài thơ nói trên không có hình ảnh trận mạc khốc liệt, không thấy ùng oàng súng bom và máu đổ, nhưng sự mất mát đã chạm tới đáy đau thương khi người thương binh hỏng mắt sau chiến tranh đã phải dằn lòng với nỗi đau cô đơn cùng tận khi nhận được tin người con gái mình yêu đã đi lấy chồng, bỏ lại anh với “bức tường đen sừng sững che trước mặt” suốt đời không vượt qua được, nhưng anh với cặp mắt không thấy ánh sáng đã “nhìn bóng đêm giúp cho chúng ta” trong câu thơ kết thật độc đáo.
Mạch thơ văn xuôi là một thế mạnh khác trong thơ Nguyễn Bình Phương khi anh là một nhà viết tiểu thuyết khá thành công với tác phẩm “Mình và họ” đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015 và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2020. Tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới này có nhiều bối cảnh không gian, nhiều nhân vật, kết hợp giữa thực và ảo, giữa sống và chết, giữa quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình, với lối viết vừa phức tạp đa tuyến đa chiều mang phong cách nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.
Thơ Nguyễn Bình Phương thường gợi sức liên tưởng, mở ra cách nhìn sâu hơn vào những chiều khác nhau của đời sống tâm hồn con người. Trong bài thơ có cái tựa đề khá lạ “Dằng dặc”, anh hướng về trường-mỹ-cảm-nhân-triết đang thao thức, suy tư trước những phận người, phận đời trên thế gian này: “Một thúng nắng/ Một thúng mưa/ Một thúng vừa mưa vừa nắng/ Ba bà thong dong đội lên chùa/ Từ rất xa từ rất xưa/ Nào ai nghĩ sư ông đi vắng/ Chú tiểu ngồi hý hoáy đánh bi/ Sư ông vào rừng xem chim Từ quy/ Nó sắp sửa gọi nhau/ Gọi cái người không thương cho trót/ Bao nhiêu cây vẫn tự tròn/ Một thúng nắng/ Một thúng mưa/ Một thúng vừa mưa vừa nắng/ Ba bà lại đi/ Lại đi rong ruổi/ Hoàng hôn bất tận/ Sư ông không về”. Tôi cứ đọc đi đọc lại bài thơ này để xem nhà thơ muốn gửi đến độc giả ý tưởng và thông điệp gì? Phải chăng, nhà thơ không định nói gì cả, cũng không định gửi gắm ý tưởng gì hết vì cái muốn nói, muốn gửi gắm thì những câu thơ trên đã tự thân nói hết cả rồi?
Và, cũng bởi cái “Ý tại ngôn ngoại” trong thơ đã được Nguyễn Bình Phương nâng lên thành một thủ pháp nghệ thuật khá điêu luyện để cho độc giả cùng tham gia đồng sáng tạo với nhà thơ. Có thể thấy, không phải nhà thơ đương đại nào cũng phát huy được hết cái hay của thủ pháp nghệ thuật này. Với bài thơ “Chớp mắt Huế”, Nguyễn Bình Phương cho ta thấy anh đã dụng công và tinh tế biết bao: “Mở mắt/ Đã Tịnh Tâm/ Mưa gọi những đường cong hiển lộ/ Vậy là Huế làm anh ngờ ngợ/ Có thể sông Hương chảy vì những giấc mơ/ Có thể vì giấc mơ mà Ngự Bình hoá núi/ Cả tiếng dạ lành hiền bên bờ Phu Văn Lâu kia vì giấc mơ cũng nhuốm chút bùi ngùi/ Rứa một mình anh vô Huế mơ chi?/ Mơ theo mưa mưa dắt anh đi/ Gặp trên bến cũ/ Khóe miệng sương mù/ Gặp con ngõ nhỏ/ Phượng đỏ bắc cầu/ Tím ngả sang nâu/ Ngả từ thao thức vào u vắng/ Trăm năm Huế ngực vẫn tròn và trắng/ Lụa còn bay cuồn cuộn như rồng/ Nhắm mắt/ Vẫn Tịnh Tâm/ Mưa gợn cong cong/ Sông cũng gợn/ Xa xa súng thần công và biển/ Và chút gì mảnh khảnh trong đêm”.
Như vậy, ta có thể gặp trong thơ Nguyễn Bình Phương một khí quyển thơ khác, một thế giới khác, một trường mỹ cảm khác nhưng ta vẫn thấy thơ anh gắn bó với cuộc đời này, thế gian này và chúng ta hãy đọc kỹ để nhận ra những khác biệt độc đáo ấy.