Người đi ngược về phía thời gian

Thứ Sáu, 30/06/2023, 08:05

Cuộc sống luôn có bất ngờ, đó là những điều kì diệu không báo trước. Sự tình cờ như một định mệnh lại thay đổi cuộc đời và số phận của con người. Trong vũ trụ bao la này có một số nhân vật được chọn để làm những công việc không phải ai cũng làm được. Đó là câu chuyện của hai vợ chồng Nguyễn Sang - Kim Thanh đến với việc điêu khắc tượng danh nhân Việt Nam khi đã vào tuổi trung niên.

Hiện nay, tại không gian phòng truyền thống của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang trưng bày 300 tác phẩm điêu khắc các danh nhân văn hóa Việt Nam của hai vợ chồng tài hoa. Tượng đài danh nhân của hai vợ chồng điêu khắc gia còn xuất hiện tại 20 trường học ở các tỉnh phía Nam và hiện hữu tại khắp các cung đường của Tổ quốc như Huế, Bình Định, Kiên Giang, Cần Thơ, hay trong bộ sưu tập của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Côn Đảo…

nhà điêu khắc kim thanh nhận giải thưởng đào tấn cho chồng- cố nhà điêu khắc nguyễn sang.jpg -0
Nhà điêu khắc Kim Thanh nhận giải thưởng Đào Tấn thay chồng - cố điêu khắc gia Nguyễn Sang.

Giữa nắng hè như đổ lửa, người phụ nữ đó xuất hiện trong căn phòng trao giải thưởng Đào Tấn (Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật xuất sắc) đã gây nên sự tò mò cho khán phòng hôm đó. Hoặc có lẽ, bà không phải là người xa lạ với nhiều người nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy bà và nghe mọi người giới thiệu là nữ điêu khắc gia Kim Thanh (có Giải thưởng Đào Tấn từ năm 2015). Bà đã đi hơn nghìn cây số để nhận giải thưởng cho chồng là cố nhà điêu khắc Nguyễn Sang, mới mất hồi năm ngoái.

Có lẽ, những người đặc biệt thường có phong cách khác biệt. Và người ta hay mường tượng về điêu khắc gia phải là đàn ông. Vậy mà, trước mặt tôi lại là một phụ nữ mặc một chiếc áo bằng vải bố, quần bò ống rộng thoải mái, trên đầu quấn chiếc khăn rằn đặc trưng miền Tây - Nam bộ. Điều tôi ấn tượng hơn cả là phần thưởng cho những cá nhân và tập thể được Giải thưởng Đào Tấn là một bức tượng nhỏ - danh nhân văn hóa Đào Tấn - do chính tay bà chế tác. Bức tượng nhỏ trông rất có hồn, đẹp một cách kì lạ, cuốn hút. Quả là bà sở hữu một đôi bàn tay vàng và một cảm xúc rất dữ dội, nồng nàn. Phải có tình yêu thương với nhân vật, và một sự thăng hoa tuyệt đối với công việc mới có thể ra một sản phẩm độc đáo đến thế.

Hai vợ chồng nhà điêu khắc Nguyễn Sang - Kim Thanh có một mối lương duyên trời định. Hồi học cấp III, Nguyễn Sang học trên Kim Thanh một lớp. Năm lớp 10, bàn học của Kim Thanh gần cửa sổ, thi thoảng thấy có ánh mắt ở ngoài cửa nhìn chằm chằm vào mình. Trời ơi, lúc đó đang là thiếu nữ mới lớn, mơ mộng trăng sao, thấy cuộc sống bồng bềnh như một áng mây hồng. Chàng học sinh lớp trên lại còn cố tình để bị đúp chuyển xuống lớp dưới được học chung với cô bé dễ thương mà mình ngày nhớ đêm mong. Thầy cô giáo lại xếp Kim Thanh kèm Nguyễn Sang học. Cậu bạn người gầy gò, bao nhiêu môn học ghi chép trong có duy nhất một quyển vở cuộn tròn, đút túi quần, ngày ngày đạp xe đến trường. Dáng vẻ lãng tử, phiêu du. Kim Thanh thấy cậu bạn cũng ngồ ngộ, hay hay.

Qua đi những cơn gió đầu mùa, tình cảm nảy sinh từ những ngày còn ở trên ghế nhà trường. Tình yêu trong sáng của lứa tuổi học trò dắt díu nhau để cả hai học chung trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Ra trường, trái tim Kim Thanh bị tan chảy bởi tình cảm nóng rực như ngọn lửa của Nguyễn Sang. Chàng “trói” nàng bằng ánh mắt, “buộc” nàng bằng nụ cười, "nhốt” nàng bằng tình cảm chân thành của một kẻ si tình. Và rồi, họ chính thức thuộc về nhau, đám cưới được tổ chức khi cả hai ra trường.

Kim Thanh làm giáo viên dạy ở Trường cấp II, III Đức Hòa. Nguyễn Sang vào quân ngũ. Cuộc sống của những năm đầu giải phóng khó khăn, để đảm bảo cuộc sống cho gia đình, sau này ông giải ngũ bươn chải làm nhiều nghề, từ lái xe, làm công nhân trong nhà máy, xí nghiệp. Có giai đoạn hai vợ chồng Nguyễn Sang- Kim Thanh còn trở thành nhà thầu cho thuê xe ôtô. Người đưa đến mối duyên nghề cho vợ chồng nhà điêu khắc đến với bộ môn nghệ thuật này lại chính là cậu con trai. Đó là khi cậu bé đạt giải nhất quận về nặn tượng, cả hai vợ chồng không ai bảo ai, đều có chung một suy nghĩ: “Đứa bé này có năng khiếu giống mình, được thừa hưởng gen nghệ thuật từ bố mẹ”. Nhớ lại những giai đoạn đã qua, bà trầm ngâm bảo: “Biết là tài hoa đấy nhưng có ai dậy đâu mà học, cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu vì lúc đó cả hai vợ chồng đều đã lớn tuổi”.

Năm 1999, trong một chuyến du lịch ra Bình Định, đến khu di tích lịch sử, Kim Thanh ngẩn người trước bức tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bà thầm nghĩ nước mình có rất nhiều anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước, tên tuổi của họ trường tồn và sống mãi trong lòng con dân đất Việt, với nước non Việt Nam.

hai vợ chồng nhà điêu khắc nguyễn sang- kim thanh.jpg -0
Hai vợ chồng nhà điêu khắc Nguyễn Sang - Kim Thanh.

Trở về nhà, bà trăn trở, suy tư làm sao để có thể tạc tượng những anh hùng dân tộc Việt Nam. Ý nghĩ đấy cứ trăn trở trong suốt những tháng ngày đấy. Qua báo đài hai vợ chồng tìm hiểu, hiện có Tô Sanh, ông là một nhà điêu khắc uy tín và tài năng hàng đầu. Hai vợ chồng quyết tìm bằng được nhà điêu khắc Tô Sanh để xin học. Trớ trêu thay, ông Tô Sanh lúc đó đã 76 tuổi, vừa qua một cơn bạo bệnh, ốm thập tử nhất sinh, đang nằm viện điều trị bệnh tim.

Nhà điêu khắc Tô Sanh nằm trên giường bệnh, hé mắt nhìn hai vợ chồng Nguyễn Sang- Kim Thanh cất giọng: “Anh chị là nhà báo à?”, Kim Thanh lễ phép thưa: “Dạ không, hai vợ chồng con muốn đến học điêu khắc từ thầy ạ”. Ánh mắt của nhà điêu khắc Tô Sanh sáng lên: “Anh chị đã học vẽ bao giờ chưa?”. “Dạ, chúng con chưa được học ạ”. Nhà điêu khắc Tô Sanh lại hỏi: “Anh chị đã nặn tượng bao giờ chưa?”. “Dạ, vợ chồng con cũng chưa được học ạ” . Nhà điêu khắc Tô Sanh lại cất giọng: “Nghề này khó lắm chứ không dễ đâu nhé”. Cuộc gặp trong bệnh viện không thể ngồi lâu vì quy định giờ thăm của bệnh nhân. Nhà điêu khắc Tô Sanh lấy điện thoại và địa chỉ của hai vợ chồng, ghi cẩn thận ra một cuốn sổ nhỏ. Ngay sau khi ra viện vào những ngày giáp Tết, nhà điêu khắc tìm đến ngôi nhà hai vợ chồng học sinh đặc biệt này.

Sau khi xem tổng quan nét người, nhà điêu khắc lấy hết tâm huyết truyền nghề cho hai vợ chồng Nguyễn Sang - Kim Thanh như những đứa con ruột thịt. Giờ học từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, học vẻn vẹn trong 6 ngày thì thầy lại phải nhập viện. Duyên hai vợ chồng làm học trò của nhà điêu khắc Tô Sanh đến tự nhiên như vậy. Trong 6 ngày được truyền nghề từ nhà điêu khắc nổi tiếng Tô Sanh, hai vợ chồng đã mầy mò, chăm chỉ rèn rũa và bị cuốn vào với nỗi đam mê không thể nào thoát ra như một định mệnh.

Nhà điêu khắc Kim Thanh kể: “Thầy nói là văn ôn võ luyện, nghề dạy nghề. Hữu xạ tự nhiên hương. Trên đời, muốn trở thành nhân tài, lao động cần mẫn có ngày vinh quang. Đường học vấn mênh mang như trời bể, dẫu bạc đầu đâu dễ thành danh”.

Họ đã trở thành hai nhà điêu khắc tài ba bằng mối duyên tình cờ như thế. Nữ điêu khắc bảo: “Cả hai vợ chồng đều nhận giải thưởng Đào Tấn. Vinh quang này chính là của thầy -nhà điêu khắc Tô Sanh. Vì nếu không có nhà điêu khắc Tô Sanh thì sẽ không có Nguyễn Sang - Kim Thanh hôm nay”.Trong căn nhà vườn ở quận 10 thành phố Hồ Chí Minh, hai vợ chồng điêu khắc gia đã tạo nặn vô số tượng danh nhân Việt Nam, bà mẹ Việt Nam anh hùng, những vị thiền sư…. Nữ điêu khắc gia Kim Thanh thổ lộ: “Nghề này khó lắm, người ta tưởng mình dụ người ta để lấy tiền. Ai kêu làm. Làm phải trả tiền. Tiền đâu trả?!... Nhưng không có tiền thì vẫn làm. Làm vì đam mê. Làm riết để chật nhà, không có chỗ để vẫn thích làm bởi vì mình được làm công việc mình thích mà thấy công việc đấy có ích, không phải ai cũng làm được”.

Từ ngày chồng mất vì căn bệnh ung thư máu, hưởng dương 68 tuổi, con chim vui khi có đôi có cặp, bà buồn rầu trong căn nhà trống vắng, những kí ức về chồng qua những hình tượng điêu khắc vẫn giăng kín khắp căn phòng, ngoài sân. Bà nói: “Anh sống một đời tinh khiết, trong sạch. Lúc sắp ra đi, theo di nguyện của anh không chôn cất mà hoả thiêu rồi đem rắc tro cốt ra biển. Tôi cũng làm theo di nguyện của chồng. Sau 49 ngày lấy hũ tro cốt ở chùa về, tôi đi phà ra biển Vũng Tàu, giữa sóng biển trùng khơi, tôi rải tro cốt của anh hòa vào với thiên nhiên, đất trời…”.

Trần Mỹ Hiền
.
.