Nghệ thuật tạo hình điêu khắc Phật động chùa Kiến Sơ - Hà Nội

Thứ Sáu, 05/05/2023, 16:58

Tạo hình tượng Phật động chùa Kiến Sơ mang tính đặc trưng của tín ngưỡng dân gian, bộc lộ sự hồn nhiên, mộc mạc. Ở đây tượng đơn giản về cấu trúc, giản lược về chi tiết... Trang phục trên tượng được thể hiện khái quát nhưng vẫn rõ nét và ấn tượng bởi những điểm nhấn của hình và khối.

Ngoài các tượng phổ biến như tượng Phật và Bồ Tát, Hộ Pháp, Chư thiên, tượng ở Phật động chùa Kiến Sơ nổi bật lên tính truyền thống của người Việt qua từng giai đoạn lịch sử.

Tượng Đức Phật, hình dáng tượng Phật, tọa thiền trên đài sen, tay cầm bông sen vàng hay được gọi là tượng Phật Niêm Hoa Vi Tiếu với ý nghĩa khẳng định nguồn mạch Thiền tông được truyền từ Phật Tổ Bổn Sư Thích Ca, qua các vị Tổ sư mà lưu truyền đến tận ngày nay. Nhìn chung về bố cục, tượng Phật được đặt ở giữa, 2 bên sẽ là các nhân vật phù trợ như tượng các vị thần tiên tấu nhạc, A nan và Ca diếp, Văn Thù Phổ Hiền, Bồ Tát Quan Âm và Bồ Tát Đại thế chí… Kích thước tượng Phật thường được tạo hình lớn hơn các tượng phù trợ và đặt ở giữa trung tâm của tầng trên Phật động. Ý nghĩa mang đến sự bình an, nhẹ nhàng, tĩnh lặng.

tượng phật niêm hoa vi tiếu chùa kiến sơ.jpg -0
Tượng Phật Niêm Hoa Vi Tiếu chùa Kiến Sơ.

Tượng Di Lặc được đặt ở giữa, đây là pho tượng xuất hiện khá muộn, khoảng  thế kỷ 18 trở đi, ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc. Di Lặc được coi là vị Phật của tương lai, được tạc dưới hình tướng to béo, hoan hỉ và lạc quan. Là sự thể hiện của ước vọng với ý nghĩa viên mãn cả về vật chất và tinh thần. Tượng Di Lặc được tạc theo thế ngồi một chân chống, chân kia khoanh, người hơi ngả về phía sau. Ở đây tạo tượng quan trọng nhất là thần thái của pho tượng với nụ cười rạng rỡ, hỷ xả với khối căng, tròn đầy.

Tượng Tuyết Sơn, về bố cục tượng và hình dáng tượng Tuyết Sơn ở chùa Kiến Sơ được thể hiện theo ba dạng cơ bản về tổng thể là bố cục tượng Tuyết Sơn ngồi trên đài sen, trong hang đá. Với tạo hình tỷ lệ to từ gương mặt cho đến thân hình tượng, tượng biểu hiện sự khắc khổ tu khổ hạnh. Từ bỏ cuộc sống an nhàn, hưởng lạc, từ bỏ cuộc sống và tu khổ hạnh để ngộ nhận ra sự an vui, an nhiên của cuộc sống.

Nhìn chung, dù ở hình dáng tạo hình nào vẫn lựa chọn từ con người thực tế để thể hiện nhân vật là đức Thích Ca trong giai đoạn tu khổ hạnh. Với bố cục ngồi trên bệ vuông thì chuyển động của cơ thể đã thay đổi nhiều về bố cục các chi tiết đã vươn ra ngoài khối lớn nhưng tư thế vững chắc thoải mái, tự nhiên. Bố cục tượng Tuyết Sơn ngồi trên đá và trong hang đá đã truyền tải, kể được nhiều hơn cho người xem về quang cảnh, câu chuyện lúc nhân vật Thích Ca tu khổ hạnh ở núi Tuyết. Tượng Tuyết Sơn ở đây chỉ tập trung vào dáng thế, khối hình tỷ lệ và tinh thần của nhân vật. Với bố cục đi sâu vào truyền tải sự đau đớn về thể xác, bố cục của tượng mang tính chất kể truyện về nhân vật hơn là lý tưởng hóa nhân vật.

Tượng Bồ Tát, với gương mặt từ bi, tạo hình áo mềm mại. Đa phần về chi tiết thường được làm to hơn so với tỷ lệ, cách tạo hình không tuân thủ tuyệt đối về giải phẫu nhưng khi làm được dựa theo kinh nghiệm, sự tích lũy dân gian, tạo sự thuận mắt thuận tình về nhân vật, và sự thay đổi về kích thước phụ thuộc vào nhiều yếu tố và bối cảnh xung quanh, như không gian và vị trí của tượng. Tượng Bồ Tát nói chung, tượng Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Tống Tử… với sự tiêu biểu cho đức từ bi, người quan sát và lắng nghe âm thanh của con người để cứu giúp chúng sinh, muôn loài.

Tượng Bồ Tát Văn Thù - Phổ Hiền, đây là hai ngài tượng trưng cho lý trí - định tuệ. Thường thấy tượng Văn Thù cưỡi sư tử xanh hầu ở bên trái tượng đức Như Lai, tượng Phổ Hiền cưỡi voi trắng hầu ở bên phải. Ở đây, người và thú gắn kết hữu cơ với nhau tạo thành một chỉnh thể trong bố cục khối hình tam giác, tất cả đều được tả thực. Hai vị Bồ Tát ở tư thế đăng đối nhau, ngồi tĩnh lặng, nhìn thẳng, thân mình chắc đậm, mặt trái xoan, cùng búi tóc nhô ở đỉnh đầu rồi chụp lên một vành mũ có nhiều trang trí.

tượng di lặc chùa kiến sơ.jpg -0
Tượng Di Lặc Chùa Kiến Sơ.

Tượng Hộ Pháp, trong những ngôi chùa theo dòng phái Bắc Tông thường thờ tượng hai vị thần: Thiện thần và Ác thần... Tạo hình tượng nhân vật với kích thước to lớn hơn người thường và thường được đặt ở vị trí hai bên của Phật động. Với trang phục võ tướng mạnh mẽ, các hoa văn trên trang phục thường nhiều chi tiết... Tượng được đứng trên đám mây, đội mũ trụ, mặc áo giáp, thân hình khỏe mạnh, nghiêm trang, gương mặt sáng. Tượng được bố cục cân đối, đường nét cơ bản theo chiều dọc. Tượng đứng độc lập, chiếm một khoảng không gian riêng, mang ý nghĩa vừa răn đe vừa kiềm chế, toát lên một vẻ nghiêm nghị, khuôn mặt đầy đặn, ánh mắt dịu hiền, khích lệ đối với tượng khuyến thiện, còn tượng trừng ác với mắt xếch, mày rậm tạo sự dữ tợn.

Tượng phù trợ, có nhiều nhân vật với vẻ mặt ngây ngô, các vị quan nhìn suy tư, trầm ngâm với hình dáng mặt to, gương mặt thể hiện sự nghiêm khắc, lo lắng về thế gian được tạo hình với nét mặt của quan, thần, người hầu... Phần nhân vật phù trợ thường được làm bé hơn nhân vật chính, có sự thay đổi về kích thước và theo truyền thuyết để nhấn mạnh vào tượng trong Phật động. Ở bố cục sắp xếp tự do, mang tính dân gian, gần gũi, không bị gò bó trong cách thể hiện.

Điểm quan trọng mà điêu khắc Phật động chùa Kiến Sơ muốn nhấn mạnh chính là yếu tố dân gian, sự hồn nhiên, thể hiện sự tự do về tạo hình, tạo khối nhân vật.

Nhân vật dáng người nằm tạo hình đậm chất dân gian, cảm nhận được sự thư thái, an nhiên… ở đây như diễn tả sau khi trải qua thời gian tu tập và giác ngộ con đường Phật pháp, nguyên nhân của mọi sự khổ đau mà con người đã phải trải qua trong cuộc sống trần gian.., tượng này dường như thể hiện sự tương phản với sự khắc khổ của nhân vật tượng Tuyết Sơn tu khổ hạnh trong Phật động.

Hình con hổ vằn vui tươi, ngô nghê, các chi tiết khái quát. Hình ảnh tượng hổ mẹ với hình dáng oai vệ, khỏe khoắn và cứng rắn như sự che chở cho hổ con… Tạo hình hổ con nhìn dễ thương và gần gũi, không hề đáng sợ như hình ảnh tự nhiên ngoài đời… đã được bình dị hóa nhân vật trở nên thân thương và thân thiện với con người, như sự giáo hóa đến cả con vật, một loài thú dữ cũng trở nên hiền lành… Đặc điểm khối lớn khi tạo hình con hổ ở đây chính là sự khái quát về hình dáng hổ mẹ và hổ con, nhưng bên cạnh đó vẫn diễn tả được từng nét riêng của từng nhân vật, như hổ mẹ - hổ con. Chi tiết được đơn giản hóa đi nhưng không mất tính vốn có của một con vật cụ thể.

Hình rồng, biểu hiện trong hình khối, hình đầu rồng được tạo tác đầu rồng to hơn so với tỷ lệ, nổi bật trong khung cảnh, biểu lộ sự dữ tợn, với gương mặt và sự dũng mãnh của hình tượng rồng…

Nhìn chung bố cục của tượng và cách sắp xếp tượng trong Phật động với tổng thể tạo nên sự phong phú, đa dạng, giữa các tầng và lớp tượng từ trước ra sau từ trong ra ngoài, từ thấp đến cao đều không bị che lấp, sự trang trí trong Phật động chính là điểm đặc biệt để nhấn mạnh vào nhân vật dù kích thước bé hay to, xa hay gần do cách bố trí từng tượng hợp lý…

Các tác phẩm điêu khắc ở Phật động chùa Kiến Sơ vừa mang tính chất trang trí cho sự đông đúc của hệ thống tượng thờ, vừa thể hiện sự phát triển của mô hình bài trí tượng thờ trong chùa của người Việt trải qua các giai đoạn lịch sử. Sự khác biệt về tỷ lệ trong các pho tượng ở Phật động chùa Kiến Sơ cũng mang tính đồng nhất với hệ thống tượng trong Phật động của các di tích khác. Tuy nhiên, những pho tượng đứng, ngồi đã được nghệ nhân tạo tác tính toán để tạo lớp lang, các hình tượng như rồng, hổ, voi, sư tử luôn ở thấp, vị trí khuất, đan xen xung quanh. Đây cũng là yếu tố tạo hình mà những hình phụ trợ được thể hiện mang tính tượng trưng và khái quát, ít nhiều có sự tương đồng và nhất quán với quan niệm tạo động Phật của các ngôi chùa miền Bắc Việt Nam. Với kỹ thuật tạo tượng đúc, đắp… trên chất liệu đất, đá được thể hiện như những câu chuyện, tích chuyện về đạo Phật cũng như con đường hành đạo, diễn giải theo một trình tự nhất định, song mang tính dân gian để phù hợp với văn hóa, tạo hình Việt Nam.

Nguyễn Thị Thu Hương
.
.