Nghệ sĩ sáo flute Lê Thư Hương: Cuộc sống là một bản giao hưởng nhiều màu sắc
Sáu năm làm nghiên cứu sinh tại Mỹ với chuyên ngành sáo flute, nghệ sĩ Lê Thư Hương trở về quê hương. Chị vinh dự là tiến sĩ sáo flute đầu tiên của Việt Nam và cũng là nghệ sĩ Việt đầu tiên ra mắt một album sáo Tây cổ điển... Thư Hương nói: Chị sẽ tiếp tục viết những chương mới trong bản giao hưởng của mình, ở một nơi mang tên Quê Hương.
- Chào mừng chị trở về sau một chặng đường dài học tiến sĩ ở Mỹ. Chị trở về đúng thời điểm khó khăn khi cả thế giới đang đối diện với dịch COVID - 19. Chị có thể chia sẻ về hành trình của mình?
+ Tôi rất xúc động và hân hoan khi trở về đất nước. Nhìn lại chặng đường của mình những năm qua ở Mỹ, tôi cảm thấy như được chơi những chương tiếp trong bản giao hưởng của cuộc đời mình, khi mà mỗi nốt, mỗi câu nhạc đều có những ý nghĩa riêng, có những nốt thăng, nốt trầm, những khoảng lặng và những cao trào. Nói một cách tích cực thì hành trình này cũng là quãng thời gian mang lại cảm giác hạnh phúc, trọn vẹn và thỏa mãn nhất của tôi với những trải nghiệm vô giá trên từng khoảnh khắc.
Dịch COVID-19 trước hết, tôi nhìn nhận nó như một đại dịch toàn cầu mang lại rất nhiều khổ đau, khó khăn và mất mát cho người dân Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Tuy nhiên nó cũng là một cơ hội cho mọi người nhìn nhận và trân quý hơn những giá trị đích thực của cuộc sống. Ngoài ra đây cũng là cơ hội cho mọi người xích lại gần nhau hơn với tâm hồn hướng thiện và lạc quan hơn để cùng nhau vượt qua đại dịch. Năm ngoái tôi và gia đình cũng đã có trải nghiệm giãn cách xã hội trong nhiều tháng khi đang ở Mỹ. Quãng thời gian bao gồm đầy đủ các cung bậc của cuộc sống gói trọn trong những bức tường, nhưng điều quý giá nhất là cả gia đình đã thực sự bên nhau để cảm nhận cuộc sống theo một tư duy và nhịp điệu khác. Tôi tin rằng Việt Nam hay các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề trên thế giới sẽ sớm khắc phục được bệnh dịch để mọi người có thể quay lại cuộc sống bình thường như nó vốn như thế.
- Chị vừa ra mắt album sáo flute trên các nền tảng số. Và chị chọn những giai điệu lãng mạn của Pháp. Hình như nó có sự kết nối với tâm hồn ưa tự do và khoáng đạt của Lê Thư Hương?
+ Vì sự đồng điệu và say mê âm nhạc lãng mạn Pháp nên Thư Hương dành rất nhiều công sức, thời gian nghiên cứu và tìm hiểu về thời kỳ này. Ngoài việc bảo vệ luận án tiến sỹ với chủ đề nghiên cứu về tác giả - tác phẩm âm nhạc lãng mạn Pháp, để cho công trình có tính thuyết phục và thực tế hơn, Thư Hương còn cho ra đời album "Le Parys Fantasies" để củng cố và khẳng định thêm đam mê của mình với dòng nhạc này. Âm nhạc lãng mạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 được coi là thời kỳ vàng son của âm nhạc Pháp, nhờ vào giai đoạn này âm nhạc lãng mạn Pháp ghi thêm được dấu ấn đặc biệt trên bản đồ âm nhạc thế giới và làm nên tên tuổi các nhạc sỹ thời kỳ này như César Franck, Saint-Sans, Debussy...
May mắn hơn nữa tôi được cộng tác cùng với nghệ sỹ piano quốc tế tài năng Marcin Parys, người sở hữu rất nhiều giải thưởng quốc tế, một nghệ sỹ dày dạn kinh nghiệm với tâm hồn tinh tế và phong cách chơi nhạc đầy xúc cảm. Để tìm được một nghệ sỹ có lối chơi đồng điệu và gu thẩm mỹ âm nhạc phù hợp với mình là một điều rất đặc biệt và tôi coi đấy như là một mối lương duyên trong âm nhạc. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên sự thành công và ý nghĩa của dự án thu âm "Le Parys Fantasies" và tôi rất hài lòng với đứa con tinh thần này. Hy vọng mọi người sẽ đón nhận và yêu thích album trên các nền tảng nhạc số cũng như các bản đĩa than và đĩa CD đã được phát hành tại Mỹ và Việt Nam.
- Phong cách và cá tính của nghệ sỹ thể hiện rất rõ nét qua tính chất và ngôn ngữ âm nhạc họ biểu đạt. Có lẽ đây là 1 album đặc biệt vì nó ra đời trong bối cảnh dịch bệnh. Chị có thể chia sẻ về album của mình?
+ Ý tưởng ra đời một CD được ấp ủ từ rất lâu rồi nhưng chỉ sau khi hoàn thành luận án tiến sỹ tại Mỹ, tôi mới thực sự có một khoảng thời gian quý giá tập trung cho việc tập luyện và thu âm vì đây là một dự án đòi hỏi rất nhiều sự lao động chi tiết, công sức và thời gian. Trên hành trình âm nhạc của mình, tôi đã cộng tác thu đĩa tại Mỹ với hàng loạt dự án thu âm những tác phẩm đương đại của nhạc sỹ nhiều lần đạt giải Grammy Michael Daugherty với Dàn nhạc giao hưởng Kèn Bắc Texas, hay tại Việt Nam với dự án âm nhạc Trịnh Công Sơn "Hạ Huyền 2". Nhưng thực sự một album riêng về nhạc cổ điển cho sáo của cá nhân mình thì đến bây giờ tôi mới hiện thực hóa được. Chính vì vậy album có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tôi về nhiều mặt, trước hết nó là CD đầu tay đầy tâm huyết và đam mê, và xin chia sẻ thêm với chị và bạn đọc, tôi rất tự hào khi đây cũng là CD hoàn chỉnh về nhạc cổ điển cho sáo tây đầu tiên ở Việt Nam, của một nghệ sỹ sáo Việt Nam, và được thực hiện và xuất bản tại Mỹ.
- Nó mang đến cho người nghe những giai điệu đẹp của tình yêu, của khát vọng, và có thể nói, âm nhạc, ở một thời điểm nào đó là chốn nương thân, an ủi cho tinh thần con người trong đại dịch. Còn chị, chị mong muốn gì khi phát hành album này?
+ Thế giới đang trải qua một giai đoạn thử thách đầy khó khăn vì bệnh dịch và trong hoàn cảnh như thế này thì bất kỳ một tín hiệu hay hành động tích cực nào cũng mang lại những giá trị tinh thần nhất định. Âm nhạc và tình yêu, như nó vốn có, luôn xoa dịu và vỗ về tâm hồn và cảm xúc mỗi con người trong mọi hoàn cảnh, như câu trích dẫn của triết gia Hy Lạp cổ đại Plato "Âm nhạc thổi hồn cho vũ trụ, chắp cánh cho tâm trí, bay bổng trong trí tưởng tượng và là sự sống cho vạn vật". Giữa vô vàn những bề bộn và lo toan của mọi người trong mùa dịch, tôi càng hy vọng khi album đến được với mỗi người nghe, nó sẽ góp những nốt nhạc vui vẻ như những tia sáng ấm áp trong tâm hồn và đem lại những phút giây thư giãn và năng lượng tích cực cho mọi người.
Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 khi sự cập nhật với thế giới là điều kiện quan trọng trong sự hội nhập và phát triển. Việc xuất bản album trên các nền tảng âm nhạc online với tiêu chuẩn quốc tế là mục tiêu không chỉ tôi mà các nghệ sỹ khác hướng tới vì ý nghĩa kết nối toàn cầu của nó. Tôi rất mong muốn ngày càng có nhiều nghệ sỹ cổ điển Việt Nam cho ra đời và chia sẻ nhiều dự án âm nhạc mang tính quốc tế hóa để cộng đồng yêu nhạc Việt Nam được thưởng thức thêm những chương trình chất lượng và thú vị.
- Từ Việt Nam, Lê Thư Hương đi ra thế giới và từ thế giới, chị lại trở về? Vậy điều gì chị muốn giữ lại nhất khi chị đã là một công dân toàn cầu để định vị mình với tư cách là 1 nghệ sĩ?
+ Càng đi nhiều, càng trải nghiệm nhiều tôi càng thấy mình bé nhỏ, và những gì mình thu nạp được chỉ như một thanh âm rất nhỏ trong vô vàn hợp âm của một bản concerto đặc sắc. Điều quan trọng đối với tôi, mặc dù nhỏ bé nhưng thanh âm đó phải tạo được sự khác biệt với dấu ấn của riêng của nó, và luôn thể hiện rõ giá trị hiện thân và tần số rung động nhất định khi nó được vang lên. Như đã chia sẻ với chị, nếu so sánh cuộc sống của tôi như một bản giao hưởng nhiều chương và nhiều mầu sắc thì ở chương kế tiếp này, Thư Hương mong muốn được chơi ở Việt Nam và mang đậm dấu ấn của quê hương mình.
- Ngoài nghệ sĩ biểu diễn, chị muốn hướng tới sự đóng góp và cống hiến cho cộng đồng bằng những dự án của mình. Chị có thể chia sẻ về điều này?
+ Khi hoạt động nghệ thuật, trong bất kỳ hoàn cảnh và hình thức như thế nào thì tôi luôn chú trọng đến yếu tố cống hiến và lan tỏa. Trách nhiệm của một người nghệ sỹ lúc đó sẽ không chỉ nằm trong phạm vi cá nhân mà bao hàm rộng hơn đến với cả cộng đồng. Tôi luôn tự hỏi liệu những dự án và chương trình mình đã, đang và sẽ thực hiện sẽ mang lại ý nghĩa gì và sẽ chuyển tải được những thông điệp tích cực như thế nào đến với xã hội.
Về lĩnh vực giáo dục, trong vai trò là một giảng viên, tôi muốn giúp các thế hệ học sinh kế cận có tư duy cầu tiến và cụ thể hơn trên con đường học tập của các em, quan trọng hơn nữa là phải có khát vọng vươn tới và đáp ứng được những chuẩn mực của thế giới.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.