Nghệ sĩ Hồng Kì - Người hoài cổ thả hồn lai láng

Thứ Bảy, 19/08/2023, 08:45

“Vua trẻ con”, “Nghệ sĩ của tuổi thơ” là những cái tên mọi người gọi NSƯT Hồng Kì đầy thân thương, trìu mền. Những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Thủ đô vào thập niên 60 thế kỷ XX đến nay không lạ lẫm với nghệ sĩ Hồng Kì.

Từng là ca sĩ nhí của Đài Tiếng nói Việt Nam và sau này, ở đầu thập niên 90 thế kỷ XX ông nổi danh với bài hát hot “Alibaba và 40 tên cướp”. Thoáng chốc, nghệ sĩ của tuổi thơ ngày nào đã bước vào tuổi xấp xỉ 70, nhưng vẫn máu lửa và đầy nhiệt huyết mỗi khi xuất hiện.

NSƯT Hồng Kì rời Nhà hát Tuổi Trẻ về hưu đã chục năm nay, nếu vô tình bắt gặp ông ở ngoài đời, thật khó mà nhận ra. Duy chỉ có khuôn mặt còn lưu nét gì đó khiến người ta ngờ ngợ. Nhưng, khi ông cất giọng nói về tiếng hát, về trẻ thơ, thì thật là không thể nhầm lẫn vào đâu được. Đích thị là nghệ sĩ Hồng Kì, người đã khiến bao trẻ con Hà Nội đắm say. Người đàn ông khi đến độ tuổi 50 - 60 mà vẫn được các em nhỏ gọi bằng “anh”.

Nghệ sĩ Hồng Kì - Người hoài cổ thả hồn lai láng -0

Nếu bạn tin rằng cuộc đời có số phận, có bàn tay sắp đặt vô tình của tạo hoá, sự hưởng ứng kì diệu và mầu nhiệm của vũ trụ thì nó sẽ đến với chính bạn. Nghệ sĩ Hồng Kì được hưởng “đặc ân” vô cùng đặc biệt đó, cho đến những tháng ngày này, khi đã trải qua vô vàn năm tháng theo lịch tuần hoàn của trái đất, ông luôn miệng nhắc đến lòng biết ơn. Ông bảo, cuộc đời ông êm đềm như những áng mây xanh, và ở đó có chút nắng hồng. Nếu là biển cả thì chắc hẳn phải là một mặt biển xanh ngắt, không bão tố.

Nhà ông có 4 đời ở khu phố cổ Hà Nội, ngôi nhà trên con phố Hàng Bè được xây dựng từ năm 1926, đến giờ ông vẫn ở đó. Ông sinh ra trong một gia đình tư sản, bố mẹ đều là giáo viên. Trong nhà hồi đó luôn có hai bà vú (những gia đình tư sản thường có người giúp việc). Bà vú em thứ nhất chăm nuôi bố ông từ ngày bé, bà vú em thứ hai chăm nom ông từ khi ông mới cất tiếng khóc chào đời. Cả hai bà đều sống tại nhà chủ cho đến khi tuổi già sức yếu nhắm mắt xuôi tay. Vì hưởng nền giáo dục gia phong, lễ tiết nên nghệ sĩ Hồng Kì có tính cách hiền lành, không va chạm.

Vào những thập niên 60 thế kỷ XX, NSƯT Hồng Kì và NSND Như Quỳnh lúc đó là hai ca sĩ nhí của Đài Tiếng nói Việt Nam nổi như cồn và thường xuyên được hát trên đài. Cậu bé Hồng Kì khi đó, vào những tháng hè đến Cung thiếu nhi để sinh hoạt, tại đây cậu biết đến bộ môn trống, mãnh lực của nhạc cụ này như có một sự thôi thúc, cậu đã mày mò và tự học. Cậu tìm được những cuốn sách dạy kĩ năng, ngày đêm rèn luyện. Năng khiếu trời cho, cậu trở thành một tay chơi trống đẳng cấp. Năm chàng trai trẻ Hồng Kì 20 tuổi, Liên đoàn Xiếc Việt Nam mời Hồng Kì về làm việc, lúc đó có được chân biên chế là điều vô cùng khó khăn, Hồng Kì được kí làm hợp đồng 1 năm.

Năm 1980, Nhà hát Tuổi Trẻ mời ca sĩ bên ngoài đến hỗ trợ để hát trong những buổi diễn. Hồng Kì khi đấy là một chàng trai trẻ mang dáng dấp bạch diện thư sinh, trai phố cổ Hà Nội hào hoa, phóng khoáng. Những năm sau giải phóng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, chỉ có những gia đình rất giàu mới có ti vi đen trắng. Chương trình trên ti vi ngày đó đa phần là thời sự, ít chương trình nghệ thuật, khán giả Thủ đô nô nức đi xem kịch, xem hát tại các rạp trên địa bàn thành phố.

Mỗi một buổi biểu diễn, một ca sĩ như Hồng Kì sẽ hát 3 bài. Hồng Kì đóng đinh với 3 bài “Alin”, “Lời tâm sự của chú gà trống”, “Ong vàng biết quý thời gian”. Riêng bài “Lời tâm sự của chú gà trống”, chàng trai trẻ kết thúc bài hát bằng tiếng gà gáy rất sảng khoái. Điều đặc biệt là những đêm Hồng Kì biểu diễn bao giờ cũng được khán giả cỗ vũ, hò reo đòi hát lại. Sau mấy đêm diễn ở rạp Hồng Hà, ông được Ban giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ mời về làm ca sĩ chính thức và được nhận biên chế luôn. Rời Liên đoàn Xiếc, nghệ sĩ Hồng Kì về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ và ông công tác cho đến khi đủ tuổi về hưu. Từ đây, câu chuyện về “Nghệ sĩ của tuổi thơ” bắt đầu.

Số là, ngôi nhà trên phố Hàng Bè được xây theo lối hình ống, có sân vườn và có nhiều hộ gia đình sinh sống. Ở đấy lại là lớp học cho những học sinh tiểu học của các trường cấp 1 trên quận đang thiếu nơi để dạy học. Có bố và mẹ là giáo viên dạy cấp 1, nên con ngõ, căn nhà của Hồng Kì đầy ắp tiếng trẻ thơ. Một buổi chiều đẹp trời, mẹ của Hồng Kì quay ra bảo con trai: “Con đã đến tuổi lấy vợ rồi, trường của mẹ có một cô giáo rất xinh, mà ngoan, dịu dàng, lễ phép, chăm chỉ, mẹ giới thiệu cho con…”. Và sau buổi gặp đầu thu định mệnh, cô gái Hà Nội với vẻ đẹp nền nã, mong manh như sương sớm đã chiếm trọn trái tim chàng trai phố cổ. Ít lâu sau hai người nên duyên vợ chồng và lần lượt sinh ra hai cô con gái.

Vợ của nghệ sĩ Hồng Kì làm giáo viên lớp 1, mở lớp dạy học thêm tại nhà nên trong nhà luôn có tiếng trẻ con, việc đó cũng “ảnh hưởng” đến ông. Ông kể, trẻ con vô cùng hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, đôi mắt trong veo ngơ ngác và những câu hỏi ngộ nghĩch của chúng khiến cho người lớn thấy sảng khoái. Ông để ý và biết điều gì có thể thu hút được trẻ. Đón được tâm lí của trẻ nhỏ, điều này khiến cho ông dễ dàng gia nhập “cộng đồng tuổi thơ” và xoá tan hàng rào ngăn cách về tuổi tác, chúng coi ông là bạn, là một người anh trai. Trong những buổi biểu diễn cho trẻ nhỏ, nghệ sĩ Hồng Kì luôn có lối đi rất riêng biệt, đặc trưng, và duyên dáng đến lạ. Cũng bắt nguồn từ tình yêu với trẻ nhỏ, nên những tiết mục của ông luôn khiến đám trẻ yêu thích, đón đợi. Mỗi khi ông xuất hiện, bọn trẻ lại la lớn: “Chúng em chào anh Hồng Kì”.

Người nghệ sĩ hãnh diện về điều đó. Người thành công luôn có lối đi riêng. Bài hát “Alibaba và 40 tên cướp” gắn liền với tên tuổi ông từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX đến mãi về sau.

Nghệ sĩ Hồng Kì - Người hoài cổ thả hồn lai láng -0

Ông bảo: “Cả cuộc đời của tôi không trải qua bất kì sóng gió nào, không phải lo lắng về vấn đề cơm áo gạo tiền, sinh ra đã “ngậm thìa vàng” trong gia đình tiểu tư sản ở Hà thành. Cuộc sống nền nếp gia phong của gia đình gia giáo trôi qua êm đềm, thơ mộng. Đến khi tôi đến tuổi trưởng thành thì lấy vợ. Vợ tôi người Hà Nội, nhỏ nhẹ và chăm chỉ, ngoài giờ dạy học ở trường, vợ tôi dạy học ở nhà để kiếm thêm thu nhập, có thâm niên 37 năm làm giáo viên dậy lớp 1. Tôi đi biểu diễn được bao nhiêu tiền là về đưa hết cho vợ. Cuộc sống cũng không có áp lực gì”.

Một cô con gái nhỏ có gen nghệ thuật của bố. Nghệ sĩ Hồng Kì kể, ngày nhỏ cô con gái của ông đã đoạt rất nhiều giải thưởng về tiếng hát. Nhưng, khi con đứng trước sự lựa chọn nghề nghiệp, nghệ sĩ Hồng Kì khuyên: “Làm nghệ thuật thì phải nổi bật hẳn lên, làng nhàng hay chỉ kha khá thôi thì không phát triển được. Mà nói chung không chỉ riêng nghệ thuật, bất cứ ngành nghề gì mà chỉ có làng nhàng cũng không thể thành công”. Cô gái đó sau tiếp nối truyền thống gia đình làm nghề dạy học.

Nay chuẩn bị bước vào tuổi 70, ông bảo: “Giờ tôi chỉ mong một cuộc sống bình an, êm đềm, không bệnh tật. Mỗi ngày tôi ăn sáng bằng một củ khoai lang, riêng hai ngày cuối tuần con cháu đến thì mình đổi bữa đi ăn hàng, bún, miến, phở. Mùa hè, mỗi ngày tôi thức dậy vào lúc 4h30, đến 5 giờ thì dắt xe đạp đạp xung quanh Bờ Hồ 15 vòng hết 1 tiếng 10 phút. Riêng hai hôm cuối tuần thứ bẩy, chủ nhật Bờ Hồ thành phố đi bộ, tôi đạp xe Hồ Tây 1 vòng rồi trở về. Mùa đông tôi đạp xe muộn hơn, thường là 6 giờ dắt xe đi”.

Bất giác tôi nhìn vào tấm ảnh ông đạp xe trên hồ Hoàn Kiếm, ông vui vẻ đọc mấy câu: “Người hoài cổ thả hồn lai láng/ Hôn mùa xuân chim khuyên líu khắp trời/ Ôm Hồ Gươm Tháp Rùa in bóng nước/ Bao ký ức thắp sáng buồn vui”.

Cũng nhờ đều đặn đạp xe mà ông ổn định được huyết áp. Cuộc sống của ông giờ đây như ông nói là chơi và dưỡng già, coi như sứ mệnh mình đến đây với cuộc đời đã hoàn thành trọn vẹn.

Trần Mỹ Hiền
.
.