Nghệ sĩ sáo flute Lê Thư Hương: Một bản thể khác

Thứ Sáu, 11/08/2023, 09:16

Đó là một Lê Thư Hương của hội họa, của những bức tranh gây ám ảnh người xem bởi chiều kích nội tâm được thể hiện bằng những nét cọ dữ dội sắc màu.

Thư Hương tâm đắc câu của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami: “Cá nói, cậu không thể nhìn thấy nước mắt trong mắt tôi, bởi vì tôi đang ở trong nước. Nước nói, tôi có thể cảm nhận được nước mắt của cậu, bởi vì cậu ở trong lòng tôi” (Tình yêu của cá và nước). Đó cũng là thông điệp nghệ thuật của nghệ sĩ flute Lê Thư Hương trong triển lãm tranh đầu tiên của chị mang tên “Dưới nước”.

nghệ sĩ lê thư hương bên tác phẩm của mình.jpg -0
Nghệ sĩ Lê Thư Hương bên tác phẩm của mình.

Lê Thư Hương là nghệ sĩ sáo flute đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ. Chị trở về biểu diễn và giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chị thường xuất hiện trong các concert cổ điển ở Hà Nội và tham gia nhiều tour diễn ở nước ngoài. Tôi đã nhiều lần được nghe tiếng sáo bay bổng, quyến rũ và lãng mạn như tâm hồn đầy khát vọng và nhiều mộng mơ của chị. Với cây sáo flute, Thư Hương đã là một thương hiệu khi chị có một hành trình dài theo đuổi, mang đến những âm sắc Việt Nam trong cây sáo đến từ phương Tây. Nhưng Thư Hương không dừng lại ở đó, con người sáng tạo trong chị luôn muốn phá cách, thử sức ở những mảng màu khác nhau. Và chị đến với hội họa, lặng lẽ vẽ những điều chị chiêm nghiệm. Sau nhiều năm vẽ, Thư Hương trình làng “gia tài” vẽ của mình bằng một triển lãm cá nhân mang tên “Dưới nước". Với hơn 30 bức tranh màu sắc tương phản chói rực một cách ngẫu hứng, phóng khoáng, đầy hưng phấn, chị thực sự gây ấn tượng cho người xem. Lê Thư Hương chưa từng học vẽ, chị vẽ bằng bản năng, bằng tình yêu hội họa, tựa như đam mê tiếng sáo. Những bức tranh đậm chấtsiêu thực như rung cảm chuyển động của nước được khúc xạ quang phổ nắng, lan tỏa như những âm thanh của flute trong bản giao hưởng dưới ánh đèn rực rỡ sân khấu.

Chị coi hội họa là thả lỏng, là trạng thái chuyển tiếp sang một chiều kích không gian khác và để tâm hồn tự do, trôi theo từng nét vẽ. Có thể nói, đó là một quá trình tự do khám khá những tầng cảm xúc, muôn màu suy nghĩ và cách thể hiện nghệ thuật tiềm ẩm của bản thân. Chị chia sẻ: “Trong tâm trí tôi là một trạng thái tìm kiếm và một cảm giác hụt hẫng, không thể diễn tả thành lời hay âm thanh. Đồng thời có một sự thôi thúc tôi vẽ. Trong khi thử nghiệm với màu sắc, tôi có thể khám ra nhiều góc độ khác nhau và tìm hiểu sâu hơn về trang thái bên trong của mình. Tôi tin rằng, khi cầm cọ là một sự nhẹ nhõm, nó giải phóng sự sáng tạo thông qua một cuộc khám phá thú vị”.

Đề tài trong tranh của Lê Thư Hương là những câu chuyện nhỏ, chân dung bạn bè, người thân, những ô cửa sổ, những con cá đang bơi trong cái ao trước nhà, những bông hoa hay một cánh đồng bình yên, một giấc mơ... Chị yêu thích sự nhẹ nhàng của màu nước, sự rực rỡ và nguyên sơ của màu acrylic, sơn dầu hay những tone màu đặc biệt với sự pha trộn độc đáo của sơn mài, giống như Thư Hương là một nghệ sĩ chơi sáo cổ điển nhưng đồng thời chị cũng yêu thích nhạc jazz, pop hoặc rock. Khi chơi nhạc, Thư Hương luôn liên tưởng một câu chuyện cụ thể ẩn sau mỗi tác phẩm âm nhạc và sẽ truyền đạt đến người nghe bằng sự thay đổi màu sắc trong âm thanh, nhấn nhá của hòa âm và sự biểu đạt cảm xúc khác nhau. Đối với hội họa thì màu sắc sẽ làm Thư Hương liên tưởng đến các vòng hòa thanh, điệu tính và tính chất khác nhau trong âm nhạc. Ví dụ như với điệu trưởng, chị sẽ vẽ những màu mạnh, tươi sáng như xanh blue, đỏ, cam. Điệu thứ, chị sẽ vẽ những gam màu dịu và trầm như nâu, vàng đậm hoặc ngà, thậm chí ghi đen để thể hiện ra nét dịu dàng hoặc hoài niệm trong những bản nhạc mà chị chơi. “Tranh khổ nhỏ nhưng phải tạo được sự khác biệt và dấu ấn riêng. Nếu so sánh cuộc sống của tôi như một bản giao hưởng thì ở chương kế tiếp này, tôi sẽ dâng hiến cho cuộc đời một ngẫu hứng tràn ngập sắc màu, hội hoạ và âm nhạc cùng vang lên” - Lê Thư Hương chia sẻ về ý nghĩa của triển lãm cá nhân đầu tiên của mình.

một tác phẩm của nghệ sĩ lê thư hương.jpg -0
Tác phẩm của nghệ sĩ Thư Hương.
một tác phẩm của nghệ sĩ thư hương.jpg -1

Hoạ sĩ Lê Trí Dũng nhận xét: “Những tranh của Lê Thư Hương đều lạ. Những con cá hình dáng rất đẹp, màu sặc sỡ dưới ánh mặt trời. Đặc biệt riêng đôi mắt vẽ rất kỹ, những sóng nước giống như những dòng âm thanh truyền dẫn sắc màu - đó chính là sự liên kết giữa hội họa và âm nhạc (nghề nghiệp chính của cô). Những bức chân dung lại với những gương mặt người không có mắt mũi. Bạn là ai? Họ là ai? Và cả tôi cũng là ai?”. Còn họa sĩ Lê Thiết Cương nói: “Những bức tranh khổ nhỏ như những lời thì thầm, như tiếng của cây sáo nhỏ, thậm chí nói nhỏ là tâm linh, là giãi bày, là trò chuyện của những người thân, ngồi bên nhau, chia sẻ với nhau, chuyện của lòng mình, dù vui hay buồn cũng được. Những nét, những vết bút ngắn dài, mạnh mẽ, nhanh chậm, những màu xanh đỏ (Lê Thư Hương ưa hòa sắc tương phản) đi trực tiếp từ nội cảm của chị ra tấm toan. Nó duy tình đến mức người xem không thấy cái lý tính, cái sự nghĩ đâu nữa. Con mắt bên trong nhìn thấy vật thì vẽ vậy. Âm nhạc và cây sáo với Lê Thư Hương là nghề, là nghiệp, là “ký tế”. Ký không phải là kết thúc, là xong mà còn tiếp, còn đi nữa, còn “sang sông”. Vẽ cũng là làm nghệ thuật, là sống, sống thêm, dài rộng hơn, đi sâu vào lòng mình khám khá mình, tìm mình. Hương tâm sự, vẽ là thiền, là mê đắm, là tự do. Đối diện với màu, với toan là đủ, diện toan là đủ đẹp rồi, chả cứ phải là diện bích”.

Trong những tác phẩm của Lê Thư Hương, có một bộ 5 bức tranh Collection Fantastique tương ứng với tác phẩm giao hưởng kinh điển Symphonie Fantastique (nhà soạn nhạc người Pháp Hector Berlioz) bao gồm 5 chương nhạc được Lê Thư Hương hoàn thành trong 5 tháng với tông màu xanh chủ đạo như những giấc mơ. Nhân vật chính là một chú cá, cũng có thể là một con mắt tượng trưng cho sự soi thấu tâm hồn, sự xuyên không trong câu chuyện tình. Chúng phiêu du trong thế giới siêu thực đầy ảo tưởng của mình. Được khắc họa bằng tông cam đỏ với những hợp âm mạnh mẽ, đầy đam mê và hy vọng, lột tả những cảm xúc cháy bỏng, những cơn ảo giác hay sự ai oán chua cay nhưng cũng rất ngọt ngào của tình yêu đơn phương.

Lê Thư Hương được thừa hưởng tình yêu và năng khiếu nghệ thuật từ người cha là PGS.TS, hoạ sĩ Lê Bá Dũng, người đã từng tu nghiệp ở Hungary, có nhiều công trình nghiên cứu, phê bình về mỹ thuật trong và ngoài nước. Ông cũng vẽ rất nhiều tranh, cuối đời ông vẽ theo trường phái biểu hiện với gam màu trầm, mang nặng suy tư. Và con gái ông, Lê Thư Hương vẽ, như một lẽ tự nhiên. Chị vẽ những nét vẽ ngây thơ cổ điển từ khi còn ba, bốn tuổi. “Nói Hương thổi flute thuần người, học kỹ bài bản mà không mất đi cái ngây thơ thuần người, cũng như xem tranh của Hương. Ở đó không bàn vẽ đúng sai, kỹ thuật, ở đó có năng lượng của màu sắc, của tâm trí ở lại trên toan, trong nét vẽ, trong những bay lượn trong sáng thiện lành như Hương vẫn thế. Cười và vẽ và hát cùng cây sáo giữa đời sống này mà nối mạch thư hương” - Giang Trang - một người bạn thân của Hương đã viết về bạn mình như vậy.

Khi tôi viết bài này thì Thư Hương đang rong chơi cùng gia đình nhỏ của mình ở Nhật, sau một chuỗi chương trình biểu diễn giao lưu với nhiều nước trong khu vực. Tiếng sáo flute của Thư Hương là một niềm tự hào của Việt Nam, khi nó được cất lên ở nhiều không gian nghệ thuật sang trọng ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng với tâm hồn bay bổng của người nghệ sĩ ấy, thổi sáo hay cầm cọ, chỉ là cách chị bày tỏ tình yêu của mình với cuộc đời, với con người mà thôi. Thư Hương đã vẫy vùng, đã trải nghiệm các cung bậc thử thách của cảm xúc để khám phá bản thân, khám phá cuộc sống theo cách của mình, dù bằng tiếng sáo hay bằng tranh vẽ, hay tham gia các ban nhạc. Dù bằng cách nào, những tác phẩm của chị đều tỏa ra một năng lượng an lành, tích cực đến mọi người.

Nghệ sĩ flute quốc tế, Tiến sĩ Lê Thư Hương đã tốt nghiệp Cử nhân Âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Đan Mạch, Thạc sĩ Âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Tiến sĩ biểu diễn flute tại Trường Đại học Texas, Hoa Kỳ. Lê Thư Hương hiện là giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và là bè trưởng bè flute của Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội. Ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, chị ra đĩa than mang tên “Le Parys Fantasies”cho flute và piano dưới định dạng đĩa CD và đĩa than LP Vinyl. Đây là bản thu âm cổ điển cho flute đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Mỹ.

V. Hà
.
.