Nghề lồng tiếng: Tưởng hết thời, hóa ra tiềm năng

Thứ Năm, 30/12/2021, 15:48

Khi phim truyền hình, phim điện ảnh trong nước dần chuyển sang thu tiếng đồng bộ thì người ta tưởng như nghề lồng tiếng đã bắt đầu lỗi thời. Từ hai cuộc thi mới đây, người ta mới ngạc nhiên: hóa ra nghề lồng tiếng vẫn vô cùng hấp dẫn và nhiều hứa hẹn trong tương lai.

Cuộc thi "Thanh âm diệu kỳ" vừa kết thúc với ngôi vị quán quân thuộc về thí sinh Trần Ngọc Phương Quỳnh. Đây là lần đầu tiên một cuộc thi về lồng tiếng do Netflix (tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giải trí trực tuyến, mà phổ biến nhất là dịch vụ xem phim trực tuyến) và hãng phim BHD phối hợp tổ chức diễn ra tại vùng châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc thi nhằm tìm kiếm tài năng lồng tiếng, tạo sân chơi cho những ai đam mê lĩnh vực này, qua đó hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp sáng tạo và lồng tiếng tại Việt Nam. Quán quân Trần Ngọc Phương Quỳnh sẽ có cơ hội lồng tiếng cho các dự án sắp tới của Netflix và BHD, tham gia khóa học ba tháng đào tạo về lồng tiếng tại Việt Nam.

2 gameshow long tieng.jpg -0
Các nghệ sĩ thử lồng tiếng cho phim nước ngoài ở game show "Thanh âm quyền năng".

Là một trong ba nghệ sĩ cầm cân nảy mực tại cuộc thi, NSƯT Thành Lộc cho hay anh rất ngạc nhiên khi số lượng ứng viên đăng ký dự thi vô cùng đông đảo: "Tôi bất ngờ vì lượng thí sinh tham gia khá nhiều và toàn là người trẻ, không ngờ các bạn quan tâm và yêu thích nghề lồng tiếng phim đến vậy!". Chỉ trong ba tuần sau khi công bố cuộc thi, ban tổ chức đã nhận được hơn 500 bài dự thi của thí sinh cả nước và đã chọn 60 thí sinh tốt nhất vào vòng ghi hình. Đến sát ngày chung kết, số ứng viên đã lên đến hàng nghìn. Ông Dennis Chau, Giám đốc lồng tiếng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Netflix thì chia sẻ: "Quả là một hành trình đáng kinh ngạc khi được theo dõi sự phát triển của dàn tài năng lồng tiếng đầy khát vọng và đam mê tại Việt Nam trong cuộc thi. Và tôi vô cùng tự hào về những gì họ đã đạt được trong suốt cuộc thi này".

Diễn ra cùng thời điểm với "Thanh âm diệu kỳ" là game show "Thanh âm quyền năng" trên sóng HTV. Đây cũng là game show đầu tiên tôn vinh nghề lồng tiếng trên sóng truyền hình. Trong "Thanh âm quyền năng", khán giả không chỉ được thưởng thức những màn thị phạm lồng tiếng đỉnh cao của các nghệ sĩ gạo cội ngay trên sân khấu mà còn có thể xem những tiết mục mới lạ, độc đáo, đầy tính sáng tạo của khách mời, người chơi. Bên cạnh việc phô diễn tài năng của thí sinh, chương trình sẽ có không ít thử thách đổi giọng một cách bá đạo, hài hước tạo tiếng cười sảng khoái, vui nhộn cho khán giả. Những nghệ sĩ tham gia chương trình có Bá Nghị, Đại Nghĩa, Ốc Thanh Vân, Xuân Nghị…

 Không chỉ tạo cơ hội cho những ai đam mê lồng tiếng trưng trổ tài năng mà hai chương trình trên còn góp phần tăng thêm nhận thức của khán giả về nghề lồng tiếng thông qua câu chuyện "bếp núc" hậu trường. Nói như bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh: "Khán giả thường chỉ biết đến những tác phẩm đã hoàn thiện được trình chiếu trên màn ảnh, còn ở phía sau màn ảnh là cả một ê kíp đầy tài năng đã làm việc rất vất vả. Diễn viên lồng tiếng là những người đứng sau, làm nên thành công cho từng vai diễn. Thế nhưng, họ lại ít được khán giả biết đến".

 Nghề lồng tiếng được mệnh danh là nghề "hóa trang giọng nói". Lâu nay người ta cứ ngỡ chỉ một người lồng cho một nhân vật. Nhưng không, chỉ cần một người nữ, một người nam, họ đã có thể "bao trọn gói" cả dàn diễn viên trong phim. Nghệ sĩ Bích Ngọc là một điển hình. Bà được mệnh danh là "phù thủy lồng tiếng" nhờ khả năng biến hóa giọng tất cả các nhân vật nữ từ già cả đến trẻ con. Ngay cả giọng của hai bà già hay hai cô gái, bà cũng có cách "hóa trang" khác nhau để biến thành cuộc đối thoại giữa một bà lão khó tính với một bà lão hiền lành; giữa cô tiểu thư dịu dàng, khuê các với một cô gái giang hồ đanh đá, chua ngoa… Có giọng nói hay chưa đủ, nghề lồng tiếng còn đòi hỏi người lồng tiếng phải có tài năng diễn xuất, hóa thân vào nhân vật. Họ phải biết nhấn nhá, khóc cười, thể hiện sự buồn thương, bi phẫn, hạnh phúc… tất tần tật cảm xúc bằng giọng nói.  

1 thanh am dieu ky.jpg -0
Các thí sinh đoạt giải quán quân và á quân trong cuộc thi lồng tiếng "Thanh âm diệu kỳ".

Ngày nay, với sự phát triển chóng mặt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nghề lồng tiếng không chỉ bó hẹp với việc lồng tiếng phim truyền hình, phim bộ Hồng Kông mà còn mở rộng ra với nhiều lĩnh vực khác. Hầu hết các phim điện ảnh nước ngoài chiếu ở rạp hiện nay vẫn bắt khán giả đọc phụ đề. Với những người lười đọc phụ đề, người mắt kém, người già thì việc đọc phụ đề trở nên bất tiện. Nó trở thành rào cản lớn để họ cảm nhận trọn vẹn tác phẩm điện ảnh. Với các "bom tấn" nước ngoài dành cho thiếu nhi như phim cổ tích, phim hoạt hình thì đọc phụ đề thực sự là trải nghiệm khó chịu. Nhiều em mới 4, 5 tuổi chưa đọc rõ và kịp mặt chữ nên các em vào rạp chỉ cốt coi hình ảnh là chính chứ không hiểu nội dung. Để khắc phục rào cản đó, nhiều siêu phẩm hoạt hình đã được các nhà làm phim Việt Nam lồng tiếng. "Rio" là bộ phim hoạt hình đầu tiên được lồng tiếng Việt theo tiêu chuẩn Hollywood.

Ngoài phim điện ảnh nước ngoài chiếu ở rạp, các bộ phim nước ngoài trên các nền tảng trực tuyến cũng rất cần được lồng tiếng. Trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu xem phim có bản quyền trên các nền tảng trực tuyến ngày càng gia tăng, đặc biệt là phim điện ảnh nước ngoài. Cơn sốt loạt phim nước ngoài như "Trò chơi con mực" của Hàn Quốc trên Netflix là một ví dụ. Do đó, vấn đề "bản địa hóa" giọng nói của nhân vật trong các phim này trở nên cấp thiết. Đại diện của Netflix, ông Dennis Chau, Giám đốc lồng tiếng APAC cho biết: "Lồng tiếng là yếu tố then chốt giúp khán giả đại chúng có thể thưởng thức nội dung các tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới và mang những câu chuyện có tính địa phương đến với khán giả toàn cầu".

Theo thống kê của cụm rạp CGV, số phim lồng tiếng được khán giả lựa chọn nhiều hơn các bản phim phụ đề. Số người chọn phiên bản lồng tiếng tăng dần qua mỗi năm. Nếu như ở những bộ phim lồng tiếng đầu tiên năm 2011, số chọn xem phiên bản lồng tiếng chỉ là 38% thì đến thời điểm gần đây, con số này thường ở mức trên 65%. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng, nhất là với phim chiếu trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến như Netflix. Cuộc thi "Thanh âm diệu kỳ" vừa qua chính là một trong những kênh để các nhà phát hành phim tìm kiếm thêm những tài năng mới góp mặt vào lĩnh vực này.

Lâu nay nghề lồng tiếng vẫn chưa được xem trọng hay coi là một nghề chính thức. Số nghệ sĩ thành công và sống được với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc đào tạo nghề cũng mang tính truyền dạy chứ không chính quy. Thực tế, rất nhiều bạn trẻ có giọng nói hay, diễn xuất giỏi yêu thích công việc "hóa trang giọng nói" này. Do tự phát, không có trường lớp chính quy nên họ thường tìm đến các lò luyện lồng tiếng để rèn nghề. Khi ra nghề, công việc lồng tiếng được xem như nghề tay trái để thỏa mãn đam mê của họ. Ngoài lồng phim ảnh, họ còn lồng cho sách nói, TVC quảng cáo… Đến khi có một cuộc thi uy tín, quy mô về nghề, họ ồ ạt tìm đến để thi thố tài năng cũng là điều dễ hiểu.

Sự ra đời của hai cuộc thi này là những tín hiệu tích cực cho thấy nghề lồng tiếng còn nhiều tiềm năng và hứa hẹn phía trước. Điều này chứng tỏ nghề lồng tiếng bắt đầu được chú ý. Nói về cuộc thi "Thanh âm diệu kỳ", ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ: "Cuộc thi không chỉ góp phần tìm kiếm, đào tạo các tài năng điện ảnh trẻ trên toàn quốc mà còn đem đến một sân chơi đầy hào hứng, sôi động sau hai năm nhiều khó khăn đối với nền điện ảnh nước nhà. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức một cuộc thi tìm kiếm tài năng lồng tiếng quy mô lớn cho thấy công nghiệp điện ảnh Việt Nam hứa hẹn nhiều cơ hội để phát triển và hòa mình vào dòng chảy điện ảnh thế giới, đủ khả năng tạo ra những tác phẩm chất lượng và thu hút khán giả đại chúng. Tôi rất hy vọng các thí sinh bước ra từ cuộc thi này sẽ tiếp tục được đào tạo một cách bài bản và có nhiều cơ hội để tỏa sáng trong lĩnh vực mình theo đuổi, tạo thành một thế hệ kế cận tài năng thúc đẩy sự phát triển vươn tầm thế giới của nghề lồng tiếng nói riêng, điện ảnh Việt Nam nói chung".

Mai Quỳnh Nga
.
.