Ý kiến ngắn

Lồng tiếng cho phim nước ngoài: Đừng quá lạm dụng

Thứ Tư, 26/12/2012, 08:00
...Theo Lạc Đệ Trường cho biết, ở một số nơi, một số chỗ, việc lồng tiếng đã bị lạm dụng đến độ, ngay như một số nghệ sĩ ưu tú của ta, khi xuất hiện trong một số vở hài kịch hay tiểu phẩm cũng không được mang "giọng thật". Lý do có nhiều, và một phần trong đó có thể như tác giả Nguyễn Đình San đã nói: Diễn viên có khả năng diễn xuất nhưng giọng nói không đạt yêu cầu về đài từ, âm sắc, hoặc do việc lồng tiếng đã có ê kíp riêng. Mọi sự đều có thể xảy ra. Tôi tán thành ý kiến này và xin không bàn thêm...

Tác giả Nguyễn Đình San, trong một bài viết in trên Văn nghệ Công an số ra ngày 3/12/2012 có nêu một số bất cập (không phải là tất cả) của việc lồng tiếng trong phim - đúng như tên gọi của bài viết "Những bất cập của việc lồng tiếng trong phim". Thật ra, cách đây đã lâu, tôi nhớ phải cỡ mười lăm, hai mươi năm gì đó, trên Báo Hà Nội mới, tác giả Lạc Đệ Trường cũng đã đặt vấn đề này, nhưng là ở lĩnh vực sân khấu. Theo Lạc Đệ Trường cho biết, ở một số nơi, một số chỗ, việc lồng tiếng đã bị lạm dụng đến độ, ngay như một số nghệ sĩ ưu tú của ta, khi xuất hiện trong một số vở hài kịch hay tiểu phẩm cũng không được mang "giọng thật". Lý do có nhiều, và một phần trong đó có thể như tác giả Nguyễn Đình San đã nói: Diễn viên có khả năng diễn xuất nhưng giọng nói không đạt yêu cầu về đài từ, âm sắc, hoặc do việc lồng tiếng đã có ê kíp riêng. Mọi sự đều có thể xảy ra. Tôi tán thành ý kiến này và xin không bàn thêm.

Điều tôi quan tâm là việc chúng ta lồng tiếng phim nước ngoài. Nếu như trước đây (tức thời bao cấp), hầu như tất cả các bộ phim nước ngoài đến với khán giả Việt Nam chỉ qua một người thuyết minh, thì nay, việc lồng tiếng xem ra có phần bị… lạm dụng. Trước đây, khi chưa có sự lồng tiếng, để tiếp xúc với một bộ phim nước ngoài, bao giờ khán giả cũng phải thực hiện ba công đoạn: Quan sát hình ảnh trên màn hình, nghe tiếng diễn viên và kèm đó là tiếng người thuyết minh. Nghĩa là, nghệ sĩ thuyết minh không cần phải có ngữ điệu hệt như diễn viên trong phim (không cần phải quát tướng lên khi diễn viên trong phim quát lên như thế), người xem vẫn tự điều hòa được và tất cả những cái đó sẽ tổng hợp vào một mối chỉ trong tích tắc.

Bây giờ, sau khi bộ phim được lồng tiếng, thì người xem truyền hình được bớt đi "hai công đoạn". Nhưng ngược lại, nghệ sĩ lồng tiếng phải vất vả trong khâu "nhại" cho đúng ngữ điệu của diễn viên trong phim (vì phần tiếng của diễn viên trong phim đã bị cắt đi). Mà, ai cũng biết, khi người ta đã "gồng" lên; gắng lên để "nói", để "hét" cho đúng "kích cỡ âm thanh" như trong nguyên bản, thì việc chuyển tải nghĩa có khi bị chệch choạc, rơi vãi đi ít nhiều. Chưa kể việc trẻ con lồng tiếng trẻ con, ông già lồng tiếng ông già, sẽ làm bộ phim trở nên nặng nề, đặc biệt là đoạn gọi tên nhau (vì là tên của "người Tây" nên có cái khó đối với các em nhỏ hoặc ông già bà cả vốn không phải là người có khả năng phát âm tiếng nước ngoài như những nghệ sĩ thông thạo trong việc này), nghe nó cứ "quê quê" thế nào.

Nhân bài viết của tác giả Nguyễn Đình San, xin có một đôi ý kiến nhỏ như vậy

Lưu An
.
.