Nghề giám tuyển nghệ thuật: Vẫn chưa thoát mác nghiệp dư

Thứ Sáu, 24/02/2023, 10:18

Giám tuyển (thuật ngữ tiếng Anh: curator) là một danh vị còn khá mới mẻ trong thị trường mỹ thuật Việt Nam. Ngay cả trong giới chuyên môn, không ít người vẫn còn mơ hồ về vai trò của giám tuyển, trong khi nhân vật này là mắt xích quan trọng cho một nền mỹ thuật phát triển, đặc biệt là đối với nghệ thuật đương đại.

Thuật ngữ “giám tuyển” chỉ xuất hiện rộng rãi vài năm trở lại đây khi nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Nguyễn Như Huy là người đầu tiên dịch thuật ngữ “curator” sang tiếng Việt. Song theo đánh giá của nhiều người, từ “giám tuyển” trong tiếng Việt vẫn mang tính chất tương đối chứ chưa bao quát và mô tả đích xác vị trí, phần việc của một curator thực thụ đảm nhận. Bởi curator không đơn thuần là người giám sát, tuyển chọn tác phẩm, nghệ sĩ để tham gia sự kiện nghệ thuật mà còn là người phát hiện những tài năng nổi trội; là cầu nối giữa nghệ sĩ và nghệ sĩ, nghệ sĩ và công chúng; thậm chí là người đưa ra và dẫn dắt một trào lưu nghệ thuật mới.

hoa.jpg -0
Giám tuyển Ace Lê (trái) là người góp phần tạo nên tiếng vang của triển lãm “Hồn xưa bến lạ”.

Họa sĩ Lê Kinh Tài cho hay: “Người ta vẫn hình dung giám tuyển là người tuyển chọn tranh của họa sĩ, sắp xếp trong các bảo tàng, triển lãm. Tuy nhiên, công việc của giám tuyển là một khối lượng khổng lồ và vai trò của họ rất quan trọng trong việc tôn vinh giá trị tác phẩm. Nhiều tác phẩm không mấy tiêu biểu nhưng nó vẫn toát lên giá trị riêng nhờ bàn tay sắp đặt, đôi mắt thẩm mỹ của giám tuyển”. Tuy vậy đến nay, chúng ta vẫn chưa có cụm từ nào tối ưu hơn để thay thế cho từ “giám tuyển”.

Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mỹ thuật Việt Nam” của Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh diễn ra vào năm 2020, nghề giám tuyển được giới chuyên môn chia ra làm các nấc bậc và nhiệm vụ sau: 1. Mua, lưu trữ và triển lãm các bộ sưu tập; 2. Chọn chủ đề và thiết kế các cuộc triển lãm; 3. Phát triển hoặc tổ chức tài liệu triển lãm; 4. Thiết kế, tổ chức hoặc thực hiện các chuyến tham quan và hội thảo cho công chúng; 5. Tham dự các cuộc họp, hội thảo và các sự kiện dân sự để thúc đẩy nghệ thuật; 6. Tham gia phục chế, vệ sinh, giám định, định giá; 7. Giám sát, quản lý các nhân viên, kỹ thuật viên và sinh viên tình nguyện tại các sự kiện nghệ thuật; 8. Lập kế hoạch và tiến hành các dự án nghiên cứu đặc biệt; 9. Các vấn đề pháp luật, pháp chế, hợp đồng, dự án, tài trợ, bảo hiểm…

Tính chất đa ngành trong chuyên môn lẫn sự đa nhiệm trong vai trò thực hiện đòi hỏi người làm giám tuyển phải có nền tảng kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ khu biệt trong nghệ thuật tạo hình. Họ không những giỏi ngoại ngữ, đam mê nghệ thuật mà còn có tài lý luận, phê bình sâu sắc lẫn cách quản lý, truyền thông hiệu quả để có thể đảm đương, gánh vác nhiều khâu trong một sự kiện nghệ thuật. Nếu ví mỗi nghệ sĩ, mỗi tác phẩm là một nhạc công trong dàn nhạc thì giám tuyển chính là vị nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc ấy để làm nên một bản hòa tấu tuyệt diệu. “Nghệ sĩ đều có cái Tôi rất lớn. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi phải làm sao phải dung hòa và kết nối được những tiếng nói khác biệt, đa dạng, thậm chí là mâu thuẫn trong một triển lãm” - giám tuyển trẻ Tường Linh cho biết.

Năm 1995 được coi là mốc đánh dấu buổi ban đầu của nghề giám tuyển tại Việt Nam khi các sự kiện mỹ thuật quốc tế đổ bộ. Thế nhưng gần 30 năm qua, dấu ấn của nghề nghiệp này vẫn khá nhạt nhòa. Chỉ ở những sự kiện nghệ thuật lớn, vai trò của giám tuyển mới được nhắc đến nhiều.

Chẳng hạn ở triển lãm “Hồn xưa bến lạ” (diễn ra tháng 7, năm 2022 tại TP Hồ Chí Minh) quy tụ tứ trụ dòng tranh Đông Dương “Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm” người ta mới biết đến tên tuổi của giám tuyển Ace Lê khi anh được nhà đấu giá Sothebys mời làm giám tuyển cho triển lãm cực kỳ quan trọng và thu hút dư luận này. Thực tế, mọi sự kiện mỹ thuật lớn nhỏ đều có sự góp mặt của giám tuyển. Sự kiện nhỏ có thể chỉ do một người phụ trách. Ở những sự kiện lớn, giám tuyển có cả một nhóm để hỗ trợ nhau nhiều khâu, và người phụ trách nhóm giám tuyển gọi là tổng giám tuyển.

Nghệ sĩ thị giác George Burchett thẳng thắn: “Giám tuyển có vai trò rất quan trọng với các nghệ sĩ và cả công chúng. Đặc biệt trong một thế giới mở như bây giờ thì người giám tuyển có trọng trách nặng nề hơn. Tiếc rằng với một thị trường tiềm năng như Việt Nam, người làm giám tuyển chưa được đánh giá đúng trọng trách của mình”.

hoa2.jpg -0
Vai trò của giám tuyển trong thị trường mỹ thuật nước ta vẫn còn nhạt nhòa. (Ảnh mang tính chất minh họa).

Theo nhà phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông, sở dĩ nghề giám tuyển còn mập mờ trong tâm trí nhiều người là bởi nghệ thuật đương đại - nơi vai trò của giám tuyển thể hiện rõ nét - vẫn chưa phát triển mạnh mẽ. Phần lớn công chúng chỉ biết đến các sự kiện mỹ thuật mang tính truyền thống.

“Ở những sự kiện truyền thống, ban tổ chức tất nhiên cũng làm những công việc của giám tuyển. Nhưng đó là những công việc không được định danh và phân chia cụ thể cho một ai. Họ thường tổ chức theo hướng đưa ra chủ đề và thụ động chờ đợi các nghệ sĩ mang tác phẩm đến tham dự rồi sau đó chọn lựa trưng bày, truyền thông. Trong khi đó ở hoạt động nghệ thuật đương đại, giám tuyển là người đưa ra chủ đề, nội dung sự kiện rồi chủ động lựa chọn, mời đích danh nghệ sĩ phù hợp với sự kiện đó. Như vậy nó rất khác với cách làm của tổ chức hoạt động mỹ thuật truyền thống” - ông phân tích.

Khác với các nước trên thế giới, đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ sở nào đào tạo giám tuyển chuyên nghiệp. Đây là nguyên do thứ hai khiến nghề giám tuyển chưa có một vị trí xứng tầm. Giám tuyển của nước ta đa số tự học, tự mày mò để làm nghề. Chỉ một số ít giám tuyển được học hành bài bản ở nước ngoài, chẳng hạn Ace Lê theo học thạc sĩ về giám tuyển và nghiên cứu bảo tàng tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Phần lớn giám tuyển nước ta là những nghệ sĩ thực hành, sau một thời gian rẽ ngang làm giám tuyển vì muốn phụ giúp đồng nghiệp. Bởi đã có hiện tượng các họa sĩ muốn làm triển lãm nhưng không biết đứng ra xin giấy phép, cách tổ chức, sắp đặt và truyền thông như thế nào. Trong khi đó giám tuyển nổi tiếng trên thế giới gần như không có ai xuất thân từ nghệ sĩ thực hành.

Phần nhiều do tự phát nên nghề giám tuyển ở nước ta vẫn bị gắn mác nghiệp dư và cảm tính. Chính vì nghiệp dư, cảm tính nên chuyện giám tuyển để ra sai sót hoặc điều tiếng không hay trong sự kiện mỹ thuật là điều vẫn thường gặp. Chẳng hạn triển lãm đương đại “Plus by Bảo Nam - Exhibition” hồi năm 2021 bị nhiều nghệ sĩ nước ngoài tố đạo nhái tác phẩm của họ. Hay hồi cuối năm 2022, triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” phải gỡ tranh vì nhiều bức vẽ “bà chúa thơ Nôm” bị dư luận cho là phản cảm, dung tục. Vai trò giám tuyển chưa phát huy đúng mức nên nhiều triển lãm quy mô bị cho là tổ chức thiếu chuyên nghiệp, lúng túng khi xử lý khủng hoảng truyền thông. Điều tiếng nhất là triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” hồi năm 2016 khi phần lớn tác phẩm bị tố là tranh giả.

Tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng điều cấp thiết hiện nay là phải mở các lớp đào tạo đội ngũ giám tuyển vừa giỏi nghề, vừa có tâm. Song song đó, các bảo tàng và tổ chức nghệ thuật phải thay đổi, linh hoạt trong cơ chế quản lý, tài chính thì mới mong mời được những giám tuyển chuyên nghiệp cộng tác. Có như vậy mới xuất hiện những sự kiện nghệ thuật chất lượng cao và giàu giá trị chuyên môn, góp phần nâng tầm mỹ thuật Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Một nền mỹ thuật phát triển là một nền mỹ thuật có sự liên kết chặt chẽ của bộ tứ quyền lực gồm họa sĩ - người đại diện - giám tuyển - nhà phê bình nghệ thuật. Giám tuyển nghệ thuật phải sống được bằng nghề và khẳng định tên tuổi, uy tín bằng danh vị này chính là điều mà những giám tuyển chuyên nghiệp như Nguyễn Như Huy và Ace Lê mong mỏi.

Phan Thi Uyên
.
.