Nghệ thuật đương đại Việt  Nam: Độ nhận diện còn hạn chế

Thứ Năm, 26/05/2022, 09:59

Hội thảo và Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế - Hanoi Art Connecting lần thứ 5 (do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom cùng Nhóm Kết nối nghệ thuật châu Á tổ chức) trở lại sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19, với sự tham gia của 100 nghệ sĩ trong nước và sự góp mặt của các nghệ sĩ đến từ 24 quốc gia.

Đây cũng là cơ hội thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta có một gia tài về nghệ thuật đương đại và được đánh giá cao trên thế giới cũng như trong khu vực, nhưng ở Việt Nam độ nhận diện vẫn còn hạn chế.

Manh mún và tự phát

Nghệ thuật đương đại không những là cuộc cách mạng về thị giác mà còn là cuộc cách mạng về tư tưởng nghệ thuật. Nó mở ra những không gian mới, cách nhìn mới về đời sống chứ không bó hẹp trong một không gian hay chất liệu. Phương pháp mới, góc nhìn mới, đặc điểm nổi trội của nền nghệ thuật đương đại và quan niệm mà nghệ sĩ muốn thể hiện từ lâu đã vượt lên trên mọi hình thức. Nghệ thuật đương đại ở Việt Nam gắn liền với quá trình hội nhập quốc tế và chính sách đổi mới từ sau năm 1986.

Các chương trình giao lưu nghệ thuật, các hoạt động của các Trung tâm Văn hóa nước ngoài tại Hà Nội đã góp phần thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Năm 2000, Hội Mỹ thuật Việt Nam thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại do nghệ sĩ Trần Lương làm Giám đốc. Năm 2018, không gian nghệ thuật đương đại chính thức có mặt tại Tòa nhà Quốc hội với các loại hình video art, phù điêu, nhiếp ảnh, đồ họa... Tuy nhiên, tại Hà Nội và các thành phố lớn, chưa thực sự có một không gian cho nghệ thuật đương đại trưng bày cố định.

một tác phẩm dương đại của nghệ sĩ phan thảo nguyên.jpg -0
Một tác phẩm đương đại của nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ rằng, phải đến năm 1990 trở đi, có một nhóm nghệ sĩ Việt Nam bắt đầu tiếp cận với nghệ thuật đương đại, trong đó có vai trò quan trọng của một số cá nhân, đáng kể nhất là Veronika Radulovic - nghệ sĩ, giảng viên, giám tuyển người Đức. Bà có một vai trò lớn trong việc giới thiệu nghệ thuật đương đại đến Việt Nam những năm 1990, khi bà là giảng viên của DAAD (Dịch vụ Trao đổi đại học Đức) và của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Bà cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng thế hệ nghệ sĩ đương đại đầu tiên của Việt Nam vào thời điểm đó.

Anh khẳng định: “Nghệ thuật đương đại chấp nhận mọi chất liệu, và chất liệu ngày càng phong phú cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Giờ đây, có cả internet art. Nói ra để thấy, nghệ thuật đương đại đã phát triển như thế nào. So với nghệ thuật hiện đại vẫn đang đau đáu câu chuyện chất liệu, cách làm mới, tạo hình… thì nghệ thuật đương đại xóa nhòa ranh giới hay tính chất chuyên biệt chỉ có vài vật liệu/chất liệu được gọi là nghệ thuật. Có khi, nó kết hợp nhiều hình thức khác nhau, để ra một tác phẩm chứa đựng, biểu đạt sáng tạo cá nhân, phản tư, suy tư của nghệ sĩ”.

Nghệ thuật đương đại đã đi xa và mở rộng biên độ của nó, chiếm lĩnh một phần quan trọng trong đời sống văn hóa nghệ thuật của thế giới. Nhưng tại Việt Nam, mọi nhìn nhận về nó vẫn còn khá e dè và không rõ nét. Nghệ thuật đương đại Việt Nam phát triển chủ yếu nhờ những không gian tư nhân. Ở Hà Nội có các trung tâm văn hóa nước ngoài như Hội đồng Anh, Viện Goethe, Trung tâm văn hóa Pháp, Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCI, hay không gian độc lập như Manzi. TP Hồ Chí Minh có Sàn Art, The Factory....

Tại Hà Nội, dự án Phúc Tân cũng là một trong những điểm sáng của nghệ thuật đương đại. Với vai trò đồng giám tuyển cho dự án Nghệ thuật công cộng Phùng Hưng, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã đưa nghệ thuật đương đại đóng vai trò chủ lực trong việc kiến tạo một không gian nghệ thuật mở, gắn kết các tác phẩm với ký ức di sản của chính người dân. Năm 2020, lần đầu tiên, giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” được trao cho một dự án nghệ thuật đương đại, dự án nghệ thuật công cộng bờ vỡ Phúc Tân. Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, đó là “vương miện” đầu tiên cho nghệ thuật đương đại ở Việt Nam.

Những tiếng nói đơn lẻ

Hơn hai thập niên qua, thực hành nghệ thuật đương đại đã góp phần đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam được ghi nhận ở tầm khu vực và thế giới. Chúng ta có những tiếng nói mạnh mẽ của những nghệ sĩ trẻ. Đó là Ly Hoàng Ly, nữ nghệ sĩ thị giác đầu tiên của Việt Nam thực hành nghệ thuật trình diễn và trình diễn thơ. Cô thực hành đa dạng chất liệu, từ hội họa, thi ca, video art tới trình diễn sắp đặt và nghệ thuật công cộng.

Nghệ thuật đương đại Việt  Nam: Độ nhận diện còn hạn chế -0
Một tác phẩm nghệ thuật đương đại.

“Qua lăng kính của cô, nghệ thuật khoác lên mình một tiếng nói nhân văn và phản ánh các hiện tượng, chủ đề mang tính toàn cầu, về sự dịch chuyển và những khoảng hổng trong căn tính và tâm lý, về tính thích ứng và khả năng chấp nhận, về sự chia rẽ và tính đoàn kết và trên hết là những gì khiến ta là con người”.

Ly cũng đã có cuộc triển lãm cá nhân lớn nhất của mình, 039A. ĐC tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (TP Hồ Chí Minh) năm 2017. Đinh Thị Thắm Poong và Lý Trần Quỳnh Giang cũng là những nghệ sĩ đương đại Việt Nam thời kỳ đầu có hoạt động đột phá. Thắm Poong mở rộng tranh sơn dầu trên canvas, các sắp đặt gốm phân mảnh và giỏ tre tự nhiên trong triển lãm gần đây của cô, “Điểm cuối của cái nhìn xiên” được đánh giá cao.

Còn Lý Trần Quỳnh Giang là sự kết hợp của tác phẩm khắc gỗ, tranh sơn dầu và điêu khắc để khai thác những tầng sâu kín của cảm xúc. Chúng ta cũng có một Phan Thảo Nguyên (sinh năm 1987) - nghệ sĩ đa phương tiện thực hành với video, hội họa và sắp đặt đạt nhiều giải thưởng quốc tế, có những tác phẩm được trưng bày tại những không gian nghệ thuật đương đại hàng đầu thế giới.

Tiffany Chung sinh năm 1969 tại Đà Nẵng, lớn lên tại Mỹ và chị chọn TP Hồ Chí Minh để sinh sống và làm việc. Những tác phẩm lấy cảm hứng từ địa đồ Việt Nam của chị đã được trưng bày và đi vào nhiều bộ sưu tập danh giá trên thế giới. Chị cũng là đồng sáng lập của không gian nghệ thuật đương đại Sàn Art, bắc cầu cho những tác phẩm/ nghệ sĩ Việt đi ra thế giới và ngược lại, đưa nghệ thuật đương đại của thế giới đến Việt Nam. Nguyễn Trần Ưu Đàm cũng là một cái tên đáng chú ý trong nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi: “Gần 10 năm trở lại đây, những tác phẩm mà Ưu Đàm sáng tạo từ TP Hồ Chí Minh đã đến với nhiều triển lãm và không gian danh giá như Yokohama Art Museum, Orange County Museum of Art, Shanghai Museum of Art, Singapore Museum of Art.... Các tác phẩm lớn như “Rồng rắn lên”, “Eco- Đi”, “Time Boomerang” đã mang được câu chuyện và cảm hứng Việt Nam đi khắp thế giới”. Ngoài ra, có thể kể đến nhiều cái tên khác đang gia nhập vào nghệ thuật đương đại khu vực và thế giới, như Danh Võ, Bùi Công Khánh, Lê Quang Đỉnh, Nguyễn Trinh Thi…

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định, dù có nhiều tác giả có thành tựu và được ghi nhận trên thế giới và khu vực, nhưng độ nhận diện nghệ thuật đương đại trong nước còn khá dè dặt. Chúng ta luôn ngần ngại với những tiếng nói mới. Trong khi, họ là một trong những cầu nối đưa nghệ thuật Việt ra thế giới và nghệ thuật Việt Nam được nhận diện trên tầm thế giới cũng có phần nhờ nghệ thuật đương đại. Ở Việt Nam không nhiều nghệ sĩ đương đại sống được bằng việc bán tác phẩm của mình. Thị trường trong nước còn thờ ơ, hay nói cách khác, vẫn còn manh mún và dè dặt với những tiếng nói mới, lạ.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi phân tích: “Khán giả của nghệ thuật đương đại cũng cần được đào tạo chứ không thể tự dưng mà có. Có một nghịch lý là những không gian như Sàn Art, Nhà Sàn Collective, New Space Arts Foundation, The Factory… được quốc tế biết nhiều hơn trong nước. Nghĩa là thương hiệu của họ không yếu, mà cách tiếp cận của khán giả trong nước với họ, hoặc ngược lại, đang có những vấn đề cần khắc phục. Trong tiến trình của lịch sử nghệ thuật, nếu không có nghệ thuật đương đại nghĩa là chưa có hiện tại thực sự, vậy thì làm sao hướng đến tương lai và củng cố quá khứ?”.

 Việc Bảo tàng Mỹ thuật lần đầu tiên mở một không gian trưng bày nghệ thuật đương đại sẽ là cú hích đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam phát triển. Hy vọng, độ nhận diện của nó ở thị trường trong nước ngày càng rõ nét hơn, bởi đó cũng là cơ hội để thúc đẩy nền nghệ thuật Việt Nam nói chung.

Linh Nguyễn
.
.