Mùa thu của Đào Hải Phong
Chọn mùa Thu, mùa lãng mạn và nhiều cảm xúc nhất trong năm để trưng bày một triển lãm cá nhân chỉ dành cho mùa Thu với tên gọi "Thu Phong" trong những ngày này tại Sài Gòn, chắc chắn họa sĩ có bút pháp lãng mạn nhất nhì Việt Nam - Đào Hải Phong có những lí do riêng biệt để gửi gắm. Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với họa sĩ nhân dịp "Thu Phong" của anh đang mở cửa đón khách đến thưởng lãm.
- 5 năm kể từ khi "Lối Phong" ra mắt khán giả Hà Nội cũng vào độ cuối Thu của năm 2019. Tôi nhớ đó là một triển lãm có tính chất gần như tổng kết một phong cách, một bút pháp, giới thiệu một con đường, hay chính xác là một lối đi riêng biệt mang đậm dấu ấn nghệ thuật của Đào Hải Phong. Và anh đã rất thành công. Vậy sau "Lối phong", "Thu Phong" của chào tháng 10 năm 2023 có ý nghĩa gì vậy?
+"Thu Phong" là tên của triển lãm này vì chúng tôi chọn đúng khai mạc vào ngày Rằm Trung thu. Tất nhiên cũng có nhiều cân nhắc, lựa chọn những bức tranh có hơi thở của Mùa Thu của lưu luyến, của bất chợt nhớ nhung và khoảnh khắc gần mùa Thu nhất để trưng bày.
- Tôi nhớ có một câu đại ý rằng, cái khó nhất của con người là vượt qua chính mình. Người leo núi khi chinh phục xong một đỉnh núi, anh ta sẽ đi về đâu. Vậy "Thu Phong" có phải là bình nguyên ngọt ngào và dịu êm của người leo núi vừa đi qua con dốc của đời mình, anh ta cần một chốn nghỉ ngơi hơn là tìm cách chinh phục một đỉnh núi khác?
+ Quả thật tôi chưa bao giờ là người giỏi về hoạch định sắp xếp công việc hành chính hay có một kế hoạch gì lớn lao trong cuộc sống cá nhân và công việc! Nhưng thực sự cũng muốn có một cuộc Triển lãm ở Sài Gòn, và cũng là vô tình cơ duyên Hakio Lets'Art của chị Trang Hạnh khi biết tôi triển lãm "Lối Phong" 2019 tại nhà Văn hóa Hàn Quốc đã có đề nghị với tôi một triển lãm ở Sài Gòn. Và "Thu Phong" ra đời, cũng do Hakio Lets'Art đặt tên. Tôi nhận lời vì muốn được chia sẻ với công chúng Sài Gòn sau 23 năm không triển lãm ở nơi này.
- Nếu tôi có một câu hỏi này hơi "khó chịu", anh có sẵn sàng trả lời không? Tôi thấy những bức tranh trong triển lãm này có năm sáng tác từ 2010, và nhiều nhất là trong khoảng từ năm 2017. Rất ít những bức tranh được sáng tác năm 2023. Nghĩa là những bức tranh này được anh vẽ trước cả khi có "Lối Phong". Vậy rốt cục, anh chọn một seri "Mùa Thu" để chào khách với yếu tố thương mại, hay đến bây giờ anh mới "khoe của quý để dành"? Nếu tôi hỏi anh, mỗi một triển lãm là một dịp người nghệ sĩ bày tỏ một cuộc bứt phá mới của nghệ thuật? Anh sẽ trả lời sao?
+ Hôm khai mạc triển lãm, tôi cũng xin lỗi công chúng vì ít triển lãm để nhiều người đã nhầm tranh nhái tranh giả là của tôi. Trong vài năm gần đây, tôi đã phải xác nhận nhiều lần khi nhận được những hình ảnh gửi tới và chỉ hỏi một câu đây có phải tranh thật của Đào Hải Phong không. Tôi rất áy náy về điều này. Lần triển lãm này mục đích của tôi không hẳn là khoe những sáng tác mới nhất mà là trưng bày những bức tranh tôi vẽ không chỉ là từ năm 2010 đâu mà có cả bức đã được vẽ từ năm 2008. Tôi cũng chỉ muốn được chia sẻ một quá trình làm việc và chuyển dịch hội họa của tôi. Vì thế triển lãm lần này không hẳn là nhằm mục đích thương mại. Tuy nhiên tôi rất thích bán tranh, dù cho đã làm xong việc này khá lâu rồi. Nhưng lần này cũng là lần "xin lỗi" những người yêu và sưu tập tranh của tôi, cũng là lần cải chính giữa tranh thật do tôi sáng tác thể hiện sẽ rất khác với những tranh nhái, tranh giả đang trôi nổi ở đâu đó. Triển lãm lần này để công chúng có dịp tận mắt nhận được thật - giả thì với tôi đó cũng đã là một thành công lớn rồi.
- Rõ ràng anh có quyền mà. Nghệ sĩ triển lãm tranh với mong muốn tranh mình đến được với công chúng, người sở hữu. Tranh của anh đẹp, nghệ thuật suy cho cùng chỉ thực ý nghĩa khi nó phục vụ đời sống, phục vụ con người, cống hiến cái đẹp cho cuộc đời. Đến bây giờ tranh anh có còn bị chép nhiều nữa không? Có bao giờ anh hối tiếc cái hào quang rực rỡ mà anh đã tạo ra trong quá khứ?
+ Nghệ sĩ thực sự ít hối tiếc hào quang quá khứ lắm, vì nếu có thì giờ nghĩ để hối tiếc tức là anh ta đã chết sự sáng tạo rồi. Cá nhân tôi tuy chưa già nhưng không còn trẻ nữa thì rất sợ nghe chuyện ngày xưa "biển không có sóng như bây giờ".
- Anh là họa sĩ bị chép tranh nhiều trên phố Nguyễn Thái Học. Và trong vô số những bức tranh bị chép, tôi biết có những số phận rất kỳ lạ. Ví dụ cậu sinh viên mỹ thuật chép tranh anh để chống chọi với cuộc sống, nhưng cuối cùng cậu ấy đã không chống chọi được mà buộc phải ra đi… Và người phát hiện ra số phận bi thương của cậu sinh viên ấy lại là một nhà điêu khắc người Mỹ viết thư chia sẻ với anh sau khi ông ta mua được một bức tranh chép tranh của anh từ chính cậu sinh viên đó. Tại sao anh không thử tìm hiểu, vì đó là một câu chuyện khá ám ảnh?
+ Việc tôi bị chép tranh là việc xảy ra cũng rất lâu rồi, cũng gọi là quá khứ vẫn còn tồn tại! Nhưng thực sự giờ tôi không còn bận tâm vụ việc này nữa vì suy cho cùng có ai đi bắt chước làm giả những thứ vô giá trị đâu. Có nhiều người chép tranh khi đã trưởng thành… lúc gặp lại tôi họ cũng thú nhận đã làm việc đó một thời gian dài, coi như đó là việc tất yếu. Họ còn nói rằng: "nếu hồi đó không chép tranh của anh thì em lấy gì sống. Em dân tỉnh lẻ không được như anh". Khi nghe xong, tự nhiên lúc đó tôi cũng thấy họ ít sai hơn và tôi thấy mình may mắn và nói cho nhẹ chuyện là: "Coi như tôi cho họ đi nhờ con thuyền của tôi để họ qua sông", thế là bớt bực tức. Đơn giản vậy cho dễ sống, vì cuộc sống có vô vàn thứ để thưởng thức, sao ngu dại gì mình lại làm khổ mình.
- Anh tử tế, sống nhân hậu nên mới để cho tranh của mình bị chép vô tư thoải mái mà không truy đến tận cùng. Nhưng tôi đã không ngừng tự hỏi tại sao, một người đứng cao hơn trên tất cả, sẵn sàng cho người yếu hơn mình chung thuyền, mà anh lại không sẵn sàng chứa đựng những câu chuyện phía sau. Tôi vừa đọc một bài báo "Thấy gì ở nghệ thuật xấu", nghệ thuật xấu không phải là vô ích, đôi khi nó đem đến những giá trị rất kỳ lạ. Và đằng sau mỗi câu chuyện xấu xí của nghệ thuật biết đâu lại ẩn chứa những số phận cần được nghệ thuật cứu giúp. Anh nghĩ sao?
+ Khoảng chục năm gần đây tôi không thấy nghệ thuật (tranh xấu) nữa. Vì nếu một bức tranh, một sản phẩm mà ai đó tuy là nghiệp dư nếu làm việc hết lòng với cảm xúc thật thì vẫn có chỗ đẹp tuy không phải là toàn bộ bức tranh! Để nhìn ra được điều này chính tôi cũng phải mất một thời gian để thấy hội họa có giá trị rất vô hình và hữu hiệu chính là chữa lành tinh thần của người tự kỷ. Vậy hãy bình tĩnh chậm rãi mở lòng sẽ nhìn thấy cái đẹp nơi đó.
- Có một ý rất hay tôi đọc được đâu đó trong những thông điệp của anh tại triển lãm lần này: "Nghệ thuật là làm cho mình tự hoàn thiện. Đậm nhạt trong bức tranh rất quan trọng để làm cho bức tranh có chiều sâu và sự hấp dẫn. Nhưng quan trọng hơn, đậm nhạt trong nghệ thuật cũng là đậm nhạt trong đời sống, anh có đời sống giàu có bao nhiêu thì tranh của anh sẽ có sức nặng bấy nhiêu". Vậy ra, cái đậm nhạt trong nghệ thuật cũng đồng nhất với cái đậm nhạt trong đời sống, người nghệ sĩ có một đời sống càng hay, càng nhiều trải nghiệm thì tranh họ càng sâu sắc, càng ý nghĩa. Đến giờ này, anh đã thấy thoã mãn vì anh sống một đời sống giàu có chưa?
+ Giàu có theo nghĩa nào? Không bao giờ là thỏa mãn khi chúng ta đều là con người. Người xưa không rỗi hơi khi nghĩ ra câu "Được voi đòi tiên". Cá nhân tôi tuy đời sống cơ học của tôi rất đơn giản, không ôtô, không chơi golf, không uống rượu xịn, không hút xì gà hay có những bữa ăn nhậu động vật quý hiếm và nhiều thứ xa xỉ khác. Cũng có người nói tôi tẻ nhạt và thiếu sự phóng khoáng "mọi nhẽ" như đời sống và tính cách những nghệ sĩ khác. Tôi thấy cũng không sai dưới con mắt của họ! Còn tôi thì đã biết chơi "một mình" khá lâu rồi! Nghệ thuật đã giúp tôi điều đó, cho tôi ắp đầy sự trống rỗng và tẻ nhạt với cuộc đời bên ngoài. Tôi thấy sống với nghệ thuật, làm người tình của nó đã đủ mệt và thoả mãn rồi.
- Trân trọng cảm ơn anh vì buổi trò chuyện thú vị này.