Họa sĩ Đào Hải Phong - Trở về với bột màu, một cách để tìm mình

Thứ Năm, 13/10/2022, 08:01

Họa sĩ Đào Hải Phong vừa có cuộc trở về tìm mình trong bột màu, tìm mình trong văn chương Thạch Lam. Mặc dù thế mạnh của anh không phải ở vẽ minh họa, thế nhưng, những lãng đãng, tinh tế, thương nhớ bàng bạc trong văn chương Thạch Lam đã quyến rũ Đào Hải Phong thêm một lần nữa khi anh được Nhà sách Đông A mời vẽ minh họa cho văn chương của Thạch Lam.

Với một niềm cảm hứng và rung động sâu sắc, Đào Hải Phong đã sáng tạo bộ tranh minh họa với những tác phẩm phái sinh thật đẹp. Để chỉ trong vòng vài giờ mở bán đấu giá trực tuyến của Nhà sách Đông A, mấy chục bức minh họa bột màu của anh đã nhanh chóng về tay người sưu tầm. Văn nghệ Công an đã có cuôc trò chuyện với họa sĩ Đào Hải Phong sau sự kiện này.

311321136_473834198095973_72039576699014708_n.jpg -0

- Câu hỏi này lẽ ra chỉ dành cho Nhà sách Đông A, song tôi vẫn tò mò muốn hỏi, anh nghĩ như thế nào về việc anh là lựa chọn của Đông A khi Đông A tìm họa sĩ mời vẽ minh họa cho cuốn sách "Gió đầu mùa, Hà Nội 36 phố phường" của Thạch Lam?

+ Trước tiên tôi muốn gửi đến Đông A một lời cảm ơn vì đã mời chọn tôi vẽ minh họa cho cuốn sách "Gió đầu mùa và Hà Nội băm sáu phố phường" của nhà văn Thạch Lam. Đông A là một đơn vị kinh doanh và phát hành sách uy tín. Những họa sĩ được Đông A mời vẽ minh họa cho một cuốn sách văn học nào đó đều được cân nhắc kĩ lưỡng, họa sĩ nào thì hợp với văn học nào, phương Tây hay phương Đông, để cộng tác, sao đạt được sự giao hòa giữa hai loại hình nghệ thuật - văn học với hội họa. Tôi không ngạc nhiên về sự lựa chọn này của Đông A.

- Trong ngày ra mắt sách và bộ tranh minh họa "Gió đầu mùa, Hà Nội 36 phố phường" của Thạch Lam, anh đã có một bộc bạch chia sẻ với độc giả rằng: "Văn chương Thạch Lam có sự gần gũi, tương đồng với quan niệm nghệ thuật của tôi… Tôi vẽ những bức minh họa này bằng bột màu, là chất liệu đã làm nên tên tuổi của tôi những năm 90 của thế kỷ trước". Anh có thể chia sẻ thêm về mình của những năm 90 về trước và nghệ thuật bột màu?

+ Hầu như họa sĩ Việt Nam nào cũng đều trải qua những thời kì dài vẽ tranh bằng chất liệu bột màu từ thời còn đi học. Cá nhân tôi đánh giá bột màu là một chất liệu rất Việt Nam, có thể dùng để vẽ được trên các loại giấy (cả trên giấy báo cũ). Chất liệu này rất phổ thông, giúp người họa sĩ được tự do tung tẩy trong lối vẽ, đôi khi bột màu còn tạo ra được hiệu quả hay, thú vị mà chất liệu khác khó có được. Đặc biệt rất hợp với khí hậu của Việt Nam.

Tôi được cha tặng lại hộp bột màu từ khi còn ở tuổi thiếu niên. Tôi đã vẽ bột màu kể từ đó. Điều đáng nhớ và không bao giờ quên, chất liệu bột màu từng là phương tiện giúp tôi mưu sinh trong một khoảng thời gian dài, một chất liệu hữu ích, tôi vẫn giữ hộp bột màu đó đến tận bây giờ.

-  Anh cũng đã chia sẻ thêm: "Tôi có cảm giác nhà văn Thạch Lam gợi lại cho tôi những gì đã là giá trị của tôi, những gì mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng mang lại nhiều điều thú vị". Nếu tôi nói rằng tôi và nhiều người lại không nghĩ như vậy. Tôi thấy rõ ràng văn chương Thạch Lam mang màu sắc trung tính, những gam màu ngôn ngữ nhẹ nhàng, bàng bạc, giản dị, thanh khiết, còn hội họa của Đào Hải Phong lại dữ dội bởi những gam màu sắc nét. Làm gì có sự tương đồng ở đây nhỉ nếu không xét dưới góc độ phong cách nghệ thuật khác xa nhau?

+ Thoạt nghĩ rất dễ tưởng vậy! Tôi đã đọc văn Thạch Lam từ thời còn đi học. Văn Thạch Lam là những câu chuyện đời sống, ai ai cũng đã từng gặp nhân vật của Thạch Lam, thường là những thân phận ngậm ngùi, éo le, cam chịu, nhẫn nhục. Cốt truyện của Thạch Lam không phức tạp, hay gay cấn cao trào. Ngược lại tác phẩm của Thạch Lam thật bình dị, sâu sắc, pha chút giễu nhại thâm thúy, khinh bạc, và đầy xót xa. Tưởng nhẹ nhàng nhưng rất khó quên nếu người đọc không tĩnh tại đặt mình vào trong những hoàn cảnh của những nhân vật đó, thì khó thấy được tâm trạng và ẩn ý của tác giả đã gửi gắm một cách tinh tế.

Phải chăng như một tiếng thở dài của Thạch Lam với xã hội thời bấy giờ.

Nên khi vẽ chuỗi minh họa này, tôi tưởng tượng như mình đang là "Bạn vong niên" của nhà văn Thạch Lam, như đã từng ngồi uống trà mạn vỉa hè, cà phê, ăn quà chiều cùng nhà văn ở những quán xưa ở Hà Nội, hay cùng ông lang thang dạo trên "băm sáu phố phường".

Vậy tôi quyết định không vẽ cụ thể, hay tả kĩ nhân vật trọng tâm nào, trong truyện nào của Thạch Lam, mà tôi muốn tái hiện không khí bảng lảng, bàng bạc, đặc trưng trong văn Thạch Lam, của Hà Nội, nơi của những câu chuyện đó.

Khi vẽ những bức minh họa cho cuốn này, tôi cũng tưởng tượng trong trí nhớ, không hiện hữu ở đâu cả.

Tôi đã dùng một bảng màu khác tôi, bảng màu này dành tặng riêng cho văn chương của Thạch Lam. Hình như tôi được giống tác giả ở một điểm trong sáng tác, đó là không muốn chạm vào những gì đao to búa lớn, cao siêu vô thức, hay triết lý giáo điều. Hơn nữa, nét tương đồng giữa tôi và Thạch Lam là cùng hướng tới những giá trị nhân văn. Nghệ thuật mang lại cho mỗi chúng ta cảm xúc, đôi khi vô ngôn - ta chỉ thấy khi được mở tuệ nhãn.

- Tôi cho rằng, cảm hứng nghệ thuật phái sinh ở đây đó là sự khác nhau về phong cách. Đào Hải Phong tìm mình trong sự nhẹ nhàng mộc mạc của Thạch Lam, những áng văn của Thạch lam đặt trong hội họa của Đào Hải Phong để làm mới không khí đọc. Có phải đây là cách anh trở về tìm mình? Quay về bên trong để tìm mình, một sự đi tìm tỉnh thức?

0014.jpg -0
Một bức minh họa trong cuốn sách “Gió đầu mùa - Hà Nội ba sáu phố phường” của họa sĩ Đào Hải Phong.

+ Mỗi chúng ta, bất kể là ai, hành nghề gì, thì cũng có lúc muốn được về với bản ngã của mình. Trong những tháng ngày đang phải cách ly vì đại dịch Covid, toàn xã hội đang chùng xuống, hoảng loạn và lo âu. Trong suy nghĩ mỗi cá nhân, mỗi gia đình chất chứa nhiều bức xúc, nhiều câu hỏi được đặt ra… hoang mang, khó trả lời.

Tôi may mắn đúng lúc này Nhà sách Cá Chép của Đông Á mang "Gió lạnh đầu mùa và Hà Nội băm sáu phố phường" đến mời tôi vẽ minh họa. Tôi nhớ ngay đến chất liệu bột màu của những năm nào tôi đã từng vẽ và nhanh chóng quyết định sẽ thực hiện những bức minh họa này bằng bột màu và ở khổ tranh lớn hơn những minh họa thông thường khác. Coi như tìm lại mình trong tỉnh thức.

- Tôi thấy cách làm mới của những cuốn sách đã quá cũ của Nhà sách Đông A những năm gần đây khá là lợi hại. Rõ ràng với những tác phẩm của Thạch Lam bạn đọc yêu văn chương đâu còn xa lạ, thế nhưng độc giả vẫn đổ xô tìm mua. Điều đó liệu nói lên điều gì? Hay đây là một cách làm thị trường sách cũ quá hay của Nhà sách Cá Chép Đông A? Một kiểu buôn bán rất bám thị hiếu và thị trường chăng?

+ Đông A là một địa chỉ phát hành những cuốn sách đẹp, sang trọng, chốn đi lại thường xuyên của những "tay chơi sách".

Đông A luôn tái bản những cuốn sách "kinh điển", có giá trị văn học, được khẳng định với thời gian, được in trên chất liệu giấy hoàn hảo cho một số lượng không nhiều, làm bằng tay, bìa da, dành cho những người chơi và sưu tầm sách hay và sách đẹp.

Những cuốn sách được chế tác hoàn mỹ này được các cá nhân sưu tầm sách lưu trữ trong tư gia của họ. Âu cũng là lưu giữ những giá trị văn học cho các thế hệ sau. Mặt khác, Đông A rất trọng thị những họa sĩ danh tiếng, mời họ minh họa và làm mới những cuốn sách của quá khứ bằng sự liên tài giữa văn học và hội họa.

Cá nhân tôi thấy đây là một cách kinh doanh có văn hóa, hữu ích, và hợp thời đại.

- Làm mới mãi những cuốn sách "kinh điển" thời quá khứ, những cuốn sách ai cũng gần như đã đọc, liệu có phản ánh lên hiện thực thị trường đọc hiện nay quá thiếu những tác phẩm văn chương xuất sắc, có giá trị? Anh có nghĩ thế không?

+ Tôi nghĩ nó không hẳn như thế, nhưng quả thật, với một biển sách như hiện nay, cộng với sự chộn rộn của đời sống vì mưu sinh, việc lựa chọn một cuốn sách hay cho mình và dành thời gian đọc thật không dễ. Nhưng đó là một điều may mắn với ai vẫn còn thú đọc sách và xem tranh. Cách làm mới những cuốn sách kinh điển là minh chứng những giá trị văn học đích thực không bao giờ cũ.

- Trong hội họa, mỗi chất liệu chứa đựng một tinh thần và giá trị cốt lõi riêng. Nhưng rõ ràng, xu hướng tranh sơn dầu chiếm lĩnh và bột màu không còn là lựa chọn của họa sĩ. Anh có nghĩ một ngày nào đó, bột màu cũng chỉ còn lại trong kí ức?

+ Đúng, bột màu giờ đây cũng tạm gọi là "trong kí ức" đối với nhiều họa sĩ trẻ hiện nay. Riêng cá nhân tôi, bột màu vẫn chưa hẳn trong kí ức. Chất liệu không làm nên một bức tranh đẹp, mà chỉ là phương tiện để người họa sĩ truyền tải cảm xúc, tư duy, và phong cách của mình.

Chất liệu, đề tài không bao giờ cũ. Chỉ có những suy nghĩ cũ, thiếu sáng tạo sẽ làm oan cho những chất liệu và đề tài mà thôi!

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Đào Hải Phong.

Như Bình
.
.