Liệu có "bội thực" cuộc thi nhan sắc
Cuộc sống trở về trạng thái "bình thường mới", hàng loạt cuộc thi nhan sắc đã bắt đầu được khởi động. Việc "nở rộ" các cuộc thi có góp phần giúp nhan sắc Việt thăng hạng trên đấu trường quốc tế, mang lại những lợi ích cộng đồng hay không vẫn là chuyện đáng bàn.
Sau hơn 2 năm các hoạt động văn hóa nghệ thuật bị "đóng băng" do dịch bệnh COVID-19 cũng đồng nghĩa với việc các cuộc thi hoa hậu, người mẫu tạm dừng tổ chức. Vì thế, ngay từ đầu năm, khi những quy định giãn cách xã hội được dỡ bỏ, cũng là lúc nhiều cuộc thi nhan sắc đồng loạt triển khai thu hút thí sinh. Đếm sơ sơ có tới hàng chục cuộc thi sẽ được tổ chức trong năm 2022.
Bên cạnh một số cuộc thi có lịch sử tổ chức từ lâu thì không ít cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức. Ngoài các cuộc thi có tính chất bao quát như "Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam", "Hoa hậu Thế giới Việt Nam", "Hoa hậu Việt Nam"… là những cuộc thi có tính chất đặc thù ngành nghề, lĩnh vực như "Hoa hậu thể thao", "Hoa hậu biển" hay "Hoa hậu các dân tộc"… Có lẽ, khá lâu rồi, chúng ta mới lại chứng kiến một không khí sôi động tràn ngập các cuộc thi nhan sắc trên khắp cả nước đến như vậy.
Một trong các nguyên nhân mang đến điều này là sự "nới lỏng" quy định của cơ quan quản lý. Sau thời gian cấm đoán, tức là 1 năm chỉ có 2 - 3 cuộc thi được cấp phép thì thời gian gần đây, việc này đã không còn giới hạn nữa. Nghị định 144/2020/NĐ - CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật không giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong 1 năm đã khiến cho các cuộc thi được dịp nở rộ. Một trong những cuộc thi có thương hiệu đã chính thức khởi động đó là Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2022.
Tuy nhiên, cuộc thi năm nay mang một format mới với xu hướng truyền hình thực tế. Với chủ đề chính "VINAWOMAN - Bản lĩnh Việt Nam", cuộc thi mong muốn sẽ tạo cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ không ngừng nỗ lực để làm chủ cuộc sống trong thời đại mới. Cuộc thi bắt đầu từ ngày 22/2 - đến đêm chung kết vào ngày 17/6. Sau vòng sơ khảo, 70 thí sinh được lựa chọn để tham gia các hoạt động đồng hành và ghi hình cho chương trình truyền hình thực tế "Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam". 40 thí sinh xuất sắc sẽ giành được tấm vé vào vòng thi bán kết, chung kết. Ban giáo khảo cuộc thi là Siêu mẫu Võ Hoàng Yến và 2 huấn luyện viên là Á hậu Mâu Thủy và Á hậu Kim Duyên). Theo BTC, "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" ngày càng hướng đến tiêu chí tiệm cận Miss Universe, tìm kiếm những cô gái có vẻ đẹp ngoại hình, trí tuệ, bàn lĩnh.
Thêm một cuộc thi "đình đám" được tổ chức trong năm nay là "Hoa hậu Thế giới - Việt Nam" (Miss World Vietnam) sẽ được khởi động với vòng sơ khảo từ tháng 3. Cuộc thi năm nay có một điểm mới như chấp nhận thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mĩ. Danh sách Ban giám khảo (BGK) cuộc thi cũng đã được chốt. Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền phong là Trưởng BGK, Hoa hậu Hà Kiều Anh - Phó trưởng BGK cùng các thành viên: Nhà thơ Hữu Việt, Hoa hậu Tiểu Vy, Hoa hậu Lương Thùy Linh, ca sĩ Lệ Quyên, ca sĩ - diễn viên Minh Hằng.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cho Công ty TNHH Hunky Dory tổ chức cuộc thi "Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam" tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong chương trình "Năm Du lịch quốc gia 2022", hướng về biển đảo Việt Nam. Theo kế hoạch, cuộc thi sẽ tổ chức vòng sơ tuyển tại Nha Trang, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vòng bán kết và chung kết được tổ chức tại TP Nha Trang vào tháng 7 - 2022. "Hoa hậu Việt Nam Thời đại 2022" là cuộc thi nhan sắc được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp phép, đơn vị tổ chức là hãng truyền thông Starworld Entertainment. Đây là cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên, trong đó các thí sinh trải qua 8 vòng thi do BTC đề ra với những chủ đề hấp dẫn, thú vị và đầy thử thách. Được biết, ngôi vị cao nhất của cuộc thi có giá lên tới 1,5 tỷ đồng.
Hòa chung không khí tưng bừng các cuộc thi nhan sắc, cuộc thi "Hoa khôi Hòa bình Việt Nam" cũng được tái khởi động từ ngày 12/3 tại TP Đà Nẵng. Đây là cuộc thi được dời lại từ năm 2021 do dịch bệnh không tổ chức được. Ban tổ chức cho biết cuộc thi giúp các nữ công dân trẻ hiểu hơn về giá trị của mình cũng như cuộc sống, biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến, đêm chung kết sẽ diễn ra vào tháng 10. Sau 9 năm gián đoạn, cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam" cũng sẽ trở lại vào năm nay. Đơn vị đăng cai cuộc thi là Nova Entertaiment do nghệ sĩ Trương Ngọc Ánh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đơn vị này dự kiến, ngoài cuộc thi "Hoa hậu các dân tộc Việt Nam" sẽ tổ chức cuộc thi "Hoa hậu Trái đất Việt Nam" để chọn người đại diện nhan sắc Việt Nam tham dự Hoa hậu Trái đất.
Không chỉ có các cuộc thi dành cho các cô gái trẻ, cuộc thi "Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu 2022" cũng đã được khởi động. Cuộc thi là sân chơi nhan sắc cho các đối tượng là phụ nữ Việt Nam từ 35 tuổi trở lên đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước. Theo chia sẻ của Ban tổ chức, cuộc thi sẽ diễn ra tại TP Đà Nẵng và vương miện Hoa hậu có trị giá lên tới gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra còn các cuộc thi như "Nữ hoàng doanh nhân đất Việt 2022", "Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu 2022" mùa 2, "Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu", "Hoa hậu môi trường Việt Nam", "Hoa hậu Thể thao Việt Nam", "Hoa hậu sinh thái"…
Có thể nói, năm 2022 sẽ là năm bùng nổ các cuộc thi nhan sắc. Một trong những điểm chung mà các cuộc thi đều tận dụng tối đa đó là mạng xã hội để thu hút thí sinh, quảng bá cuộc thi. Rõ ràng, trong điều kiện có quá nhiều sân chơi thì nguồn thí sinh phải cạnh tranh cũng là điều dễ hiểu. Ngoài thương hiệu thì giải thưởng "khủng" cũng đang là chiêu thức để các ban tổ chức thu hút thí sinh.
Đơn cử như người được vương miện cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam thời đại" sẽ được sở hữu vĩnh viễn 1 căn hộ hoặc 1 mảnh đất trị giá dưới 5 tỷ đồng tại TP Đà Nẵng. Cuộc thi "Hoa hậu quý bà Việt Nam toàn cầu 2022" cũng gây xôn xao khi vương miện cao nhất trị giá 2 tỷ đồng. Cuộc thi "Hoa hậu Thể thao Việt Nam" cũng khá hấp dẫn với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng, trong đó ngôi vị hoa hậu có cơ hội nhận giải thưởng lên đến 3 tỷ đồng. Ngoài ra, một số cuộc thi đã cởi mở hơn trong quy chế như chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mĩ, chuyển giới…
Với hơn chục cuộc thi nhan sắc tổ chức trong 1 năm thì tình trạng "ra ngõ gặp hoa hậu, á hậu, người đẹp" là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Một điều khiến khá nhiều người băn khoăn là mặc dù mang tên gọi khác nhau nhưng một số cuộc thi không có nhiều sự khác biệt. Các tiêu chí, giải thưởng cũng sẽ na ná nhau: Người đẹp tài năng, Người đẹp nhân ái, Người đẹp thể thao… Và trên thực tế đã từng có không ít cuộc thi được quảng cáo rầm rộ nhưng khi tổ chức thì tạm bợ, kém chất lượng và bị xếp vào hàng "cuộc thi ao làng". Bản thân các đơn vị tổ chức phải tạo nên những sân chơi uy tín, văn minh mới có thể thu hút được những cô gái xinh đẹp, tài năng, trí tuệ. Để có thể tồn tại và lan tỏa ý nghĩa của những cuộc thi đó thì những người đẹp đăng quang phải có thật nhiều hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển văn minh của xã hội.
Điều quan trọng nhất, nhiều cuộc thi trong nước như vậy nhưng có góp phần giúp Việt Nam thăng hạng trên bản đồ nhan sắc quốc tế? Từng có thực tế, không ít người đẹp được vinh danh chỉ coi giải thưởng như một sự trang trí bản thân để dễ dàng vào showbiz hoặc nhanh chóng kiếm "đại gia" làm chồng. Không nhiều hoa hậu, á hậu, hoa khôi, người đẹp khẳng định được tài năng, trí tuệ và có ảnh hưởng tích cực, đóng góp cho cộng đồng.
Cũng đã từng có thời điểm chúng ta "ra ngõ gặp hoa hậu" nhưng trước mỗi kỳ thi quốc tế, chúng ta vẫn phải loay hoay chọn thí sinh dự thi. Đặc biệt, sự nhạt nhòa, sự thiếu tự tin, kinh nghiệm non nớt của các thí sinh Việt trên đấu trường quốc tế là điều đáng bàn. Vẫn chỉ có rất ít người đẹp Việt như Hoa hậu H'hen Niê hay gần đây là Nguyễn Thúc Thùy Tiên khiến người hâm mộ trong nước yêu mến và tự hào khi tự tin, bản lĩnh "mang chuông đi đánh xứ người". Trên bản đồ nhan sắc quốc tế, Việt Nam vẫn đứng ở vị trí 60 thì việc nâng cao chất lượng các cuộc thi là điều cần thiết.