Làm sao vực dậy sân khấu tư nhân sau giãn cách?

Chủ Nhật, 21/11/2021, 11:21

Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 diễn ra ở Hải Phòng từ ngày 5/11 đến 16/11 được xem là một sự kiện lớn của giới sân khấu sau một thời gian dài ứng phó đại dịch toàn cầu.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID-19, nên không có đơn vị nghệ thuật nào ở phía Nam có mặt tại thành phố hoa phượng đỏ. Và một điều khiến công chúng lẫn nghệ sĩ ưu tư, chính là thực trạng hắt hiu dần của sân khấu tư nhân trong vài năm gần đây. Sau giai đoạn giãn cách, vực dậy sân khấu tư nhân có phải là một kế hoạch bất khả thi?

Làm sao vực dậy sân khấu tư nhân sau giãn cách? -0
Vở kịch “Làm vua” của sân khấu Lệ Ngọc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021.

Sân khấu tư nhân từng là dẫn đầu trào lưu xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Sự hình thành và nở rộ của các sân khấu tư nhân đã mang lại cho khán giả sự hào hứng về tính đa dạng của nền kịch nghệ Việt Nam thời hội nhập. Thế nhưng, đến Liên hoan kịch nói toàn quốc, thì nhiều người lại phải băn khoăn cho tương lai của sân khấu tư nhân.

Tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 diễn ra tại Rạp Tháng Tám, Hải Phòng từ 5/11 đến 16/11, cũng có một sân khấu tư nhân tham gia là CLB Sân khấu Thể nghiệm thuộc Hội Sân Khấu Việt Nam với vở diễn “Lau trắng”, nhưng chưa mang lại tín hiệu khả quan gì. Sân khấu tư nhân đủ sức ứng thí tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 thực sự chỉ có sân khấu Lệ Ngọc với hai vở diễn “Làm vua” và “Chí Phèo – Thị Nở”.

Sân khấu Lệ Ngọc là địa chỉ xã hội hóa sân khấu hoạt động sôi nổi nhất tại Hà Nội trong vài năm gần đây. Sân khấu Lệ Ngọc không chỉ quy tụ được nhiều nghệ sĩ tài danh phía Bắc, mà còn mời nhiều gương mặt nghệ sĩ phía Nam cùng tham gia như nhà thiết kế Sĩ Hoàng hoặc nhà viết kịch Lê Chí Trung. Trong hơn một năm đương đầu với COVID-19, sân khấu Lệ Ngọc vẫn liên tục đưa nhiều vở mới lên sàn tập và sàn diễn. Sân khấu Lệ Ngọc gần như là đơn vị tư nhân tiêu biểu tranh tài cùng những đơn vị công lập tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021.

Sân khấu Lệ Ngọc có hai tác phẩm ứng thí là “Làm vua” của đạo diễn Lê Quý Dương và “Chí Phèo – Thị Nở” của đạo diễn Lê Hùng, hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với những tác phẩm khác như “Thiên mệnh” của Nhà hát Kịch Việt Nam, “Hà Thành chính khí” của Nhà hát Kịch Hà Nội hoặc “Người con gái sông Bồ” của Nhà hát Kịch nói Quân đội, “Trái tim thành phố” của Nhà hát Công an Nhân dân.

Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 khai mạc đêm 5/11 tại Rạp Tháng Tám, Hải Phòng với vở diễn “Đường chân trời” của chủ nhà Đoàn kịch nói Hải Phòng. Dù chưa phải ngang vai phải lứa với những thương hiệu nghệ thuật Trung ương, nhưng các đơn vị địa phương cũng đầu tư khá nhiều vở diễn công phu như “Tình bạn và công lý” của Đoàn nghệ thuật Phú Thọ, “Thiên định” của Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương hoặc “Vầng sáng” của Đoàn ca múa nhạc kịch Lam Sơn – Thanh Hóa.

Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 kéo dài từ ngày 5/11 đến ngày 16/11, với 600 nghệ sĩ mang đến 20 vở diễn của 14 đoàn nghệ thuật. Do ảnh hưởng COVID-19, các đơn vị nghệ thuật phía Nam không thể ra thành phố hoa phượng đỏ tham dự. Cục Nghệ thuật biểu diễn dự kiến tổ chức đợt 2 tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 1/2022.

Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 diễn ra trong bối cảnh sàn diễn kịch nghệ đang lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cảnh tỉnh: “Kịch - thể loại hàng đầu của sân khấu Việt hiện đại đã mất trắng khán giả. Thử gạt bỏ lý do khách quan về đại dịch COVID-19, xét kịch là thể loại chủ chốt và cách sáng tạo vở diễn với nguyên lý tả thực, thì việc mất trắng khán giả là do bản thân kịch đã đánh mất chính bản chất của nó - sự đối thoại với đương thời”.

Ở góc độ rộng hơn, đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng sự “tụt hậu” rất xa của sân khấu kịch Việt Nam so với sân khấu thế giới là hệ quả của nhiều nguyên nhân, và rất cần một cuộc “cách mạng” để thực sự kích thích những tìm tòi, sáng tạo mới.

Trong đó có việc xác định hệ thống quản lý, tổ chức và vận hành đời sống sân khấu trên phạm vi cả nước; mở rộng cơ sở và chương trình đào tạo với việc giới thiệu và ứng dụng vào thực tiễn các trường phái sân khấu tiên tiến trên thế giới; đẩy mạnh giao lưu hợp tác và hội nhập với sân khấu quốc tế cả ở trong nước và nước ngoài; quy hoạch lại một lần nữa toàn bộ hệ thống nhà hát và cơ sở hạ tầng dành riêng cho sân khấu… Điều đặc biệt cần được ưu tiên là ứng dụng sâu rộng nghệ thuật sân khấu vào học đường, như một hệ phương pháp giáo dục công dân, nâng cao văn hóa sân khấu cho dân trí và đầu tư bền vững cho những thế hệ khán giả tương lai.

Sự khiêm tốn của sân khấu tư nhân ở Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 có nguyên nhân chủ yếu là sự vắng mặt các đơn vị xã hội hóa phía Nam bởi dịch bệnh COVID-19. Cục Nghệ thuật biểu diễn dự kiến tổ chức đợt 2 vào tháng 1/2022 tại TP Hồ Chí Minh để đảm bảo công tác quyết toán tài chính, nhưng Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh mong muốn dời đến tháng 3/2022 vì các nhà hát vẫn chưa chuẩn bị kịp tác phẩm dự thi. 

Sau hơn một năm chống chọi với dịch COVID-19 và sau 5 tháng liên tục giãn cách kéo dài, sân khấu các tỉnh phía Nam gần như tê liệt. Đặc biệt là các sân khấu tư nhân, vốn được xem như linh hồn cho sự tưng bừng của kịch nói TP. Hồ Chí Minh, đã không còn khả năng cầm cự. Nếu gắng gượng đăng cai Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2, thì có lẽ chỉ có một đơn vị công lập đăng ký tham gia là Nhà hát kịch TP. Hồ Chí Minh.

Làm sao vực dậy sân khấu tư nhân sau giãn cách? -0
Thành Lộc và Kim Xuân trên sàn diễn Sân khấu kịch IDECAF.

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, sân khấu tư nhân tại TP. Hồ Chí Minh sáng đèn rực rỡ, mà mỗi vai diễn của Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy, Thành Hội, Ái Như... đều khiến người xem hào hứng bỏ tiền mua vé. Thế nhưng, lần lượt các bầu show sân khấu rời bỏ cuộc chơi. Trước tiên là ông bầu Phước Sang phá sản, đóng cửa hai tụ điểm của Sân khấu kịch Sài Gòn. Tiếp theo Sân khấu kịch IDECAF tạm ngưng tụ điểm Trần Cao Vân, chỉ còn lại tụ điểm Thái Văn Lung. Tiếp theo Sân khấu kịch Hồng Vân cũng dẹp bớt một tụ điểm để huy động nguồn lực níu giữ tụ điểm chính ở Nhà văn hóa Phú Nhuận.

Sân khấu tư nhân TP. Hồ Chí Minh khắc khoải trong sự nỗ lực khá bất lực của các nghệ sĩ tâm huyết. Sân khấu Nụ Cười Mới, Nhà hát Thế Giới Trẻ lâu lâu góp gạo thổi cơm cầm chừng. Nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ tiêu tốn tiền tỷ của bà bầu Mỹ Uyên để cố nuôi hy vọng. Trung tâm văn hóa quận 6 được bà bầu Trịnh Kim Chi trưng dụng làm Sân khấu kịch TKC cũng bù lỗ triền miên. Còn Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh thì khó khăn chồng chất.

Dịch bệnh chưa phải là yếu tố cốt lõi cho sự thụt lùi của sân khấu tư nhân. Tuy nhiên, đòn đánh chí mạng của COVID-19 khiến giới nghệ sĩ không thể nào loay hoay vực dậy sàn diễn nữa. Sau giãn cách, bà bầu Hồng Vân tuyên bố tập trung hoàn thành vai diễn trong bộ phim truyền hình “Giấc mơ của mẹ” dài 80 tập rồi sang Mỹ bồng cháu ngoại. Nghĩa là, ít nhất trong vòng nửa năm tới, Sân khấu kịch Hồng Vân không kéo màn phục vụ người hâm mộ. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng không dám hứa hẹn sẽ dàn dựng vở mới cho Sân khấu kịch IDECAF.

Chưa cần bàn đến cuộc quy tụ đông đúc cho đợt 2 của Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 1/2022, mà bài toán về sự tồn tại của sân khấu tư nhân ở phía Nam cũng đã là ẩn số nhức nhối. Nếu các cơ quan quản lý văn hóa vẫn giữ nguyên quan điểm xã hội hóa sân khấu nghĩa là sống chết mặc bây, thì sân khấu tư nhân sẽ lụi tàn. Sau giãn cách, cần có chính sách hỗ trợ sân khấu tư nhân thật hợp tình hợp lý. Không có những gói tài chính kích cầu văn hóa, thì cũng phải ưu tiên cho sân khấu tư nhân được thuê mặt bằng với giá rẻ để duy trì địa điểm luyện tập và biểu diễn. 

Gia Quan
.
.