Ký ức những cung đàn
Trong vở cải lương "Kiếp nào có yêu nhau" của hai soạn giả Nguyên Thảo và Hạnh Trung, lệ cứ đẫm mi cả nhân vật lẫn khán giả khi Quế Minh xa Mộ Dung mà nhớ Mộ Dung. Thành Hiệp Châu bao hảo hán nhưng vẫn đau đáu nhớ về Mộ Dung như cánh chim thương nhớ bầu trời, nhìn đâu cũng thấy bóng chàng in trong cảnh vật, như nàng Kiều cứ nhìn vầng trăng là thấy bóng chàng Kim, rồi nghe lòng mình vụn vỡ đến nát đến tan.
Có những người chưa một lần gặp gỡ, vẫn người xa kẻ lạ đây mà sao chỉ một ánh mắt đã sa vào lưới tình. Mộ Dung và Quế Minh là hai gián điệp Mông Cổ xâm nhập Trung Nguyên. Mộ Dung Thạch vừa gặp Thiên Kim lần đầu lại trót phải lòng nàng. Còn Quế Minh ôm trọn khối tình đơn phương sống mãi trong những lời ca cũ, cái bài ca thấm lan trong những trang sách úa vàng hay đọng lại thành từng giọt ký ức trên những cung đàn lệch nhịp tháng năm.
Ký ức là Mộ Dung trân trối "Kiếp nào có yêu nhau thì xin hẹn đến mai sau...".. còn nàng Quế Minh chơ vơ trên yên ngựa, ôm xác người yêu chạy điên cuồng giữa khói bụi mịt mùng. "Thà rằng ta chết đi để được nàng khóc tiễn đưa về bên kia thế giới. Còn hơn là ta đứng đây mà nhìn người vợ mới chưa bước đến hôn nhân mà đã bạc trong lòng". Câu vọng cổ trong bản nhạc cải lương xưa ấy, Minh Phụng cất lên trước đó mấy thập niên, giờ nghe lại, lòng ta vẫn nao nao. Vọng cổ buổi giao thời tựa như dấu gạch nối giữa hai đầu thế kỷ.
Đó là mảnh ký ức thẫm lại trong một tòa thành phủ rêu xanh có những mảng tường loang lổ, mái ngói tróc vảy thời gian, còn bên ngoài mọc đầy những tòa cao ốc, dây điện chằng chịt vắt chéo không gian, người xe đi lại như mắc cửi. Làng quê bây giờ thưa vắng nét cô quạnh như trong trang viết của các soạn giả Viễn Châu, Loan Thảo, Hà Triều - Hoa Phượng... Chỉ một đôi chiếu bông từ ghe lên xóm Rẩy và một chiếc áo nhuộm bùn lấm tấm mồ hôi, cô gái xưa nay về xứ khác, còn mình anh bán chiếu ngồi thơ thẩn. Khối tình ấy qua giọng ca của Út Trà Ôn làm người ta xao xuyến mấy chục năm trời. Những điều không-được-viết-ra của ông lão chèo đò, cô hàng cà phê, cô gái bán lá trầu xanh, chuyện tình của người con gái "bán phấn buôn hương" với anh sinh viên Tây học hay cuộc đời cô Lựu, cô Tô Ánh Nguyệt… cựa quậy, sống lại trong những lời ca.
Hồi ấy, nhà ông bà tôi có một chiếc tivi thùng, mỗi buổi chiều hai chị em tôi lại lên ngoại giành nhau "cây đũa thần remote" để mở ra thế giới diệu kỳ của hoạt hình, phim ảnh. Giữa những ngày đó, mỗi khi bà cố xuống chơi thì tụi trẻ con chúng tôi đành phải nhường "sân khấu" cho những vở cải lương trên chiếc loa đã cũ, nơi màn hình có những chàng trai cô gái khoác áo xanh áo đỏ cất lời ca trong những tuồng tích xưa. Con nít không thích cải lương, con nít chỉ mê những bộ phim hiện đại vui tươi, có anh trai chị gái đứng dưới trời mây bảng lảng, tuyết rơi vương vít trên mái đầu. Chúng gọi những vở cải lương của cố là "cổ lỗ sĩ, lỗi thời", so với phim hoạt hình thì mấy cô chú đó hát con hổng hiểu gì hết, chỉ biết mỗi cái là buồn, buồn đứt ruột.
Hôm nào bà tôi ghé nhưng “nhà đài” không chiếu cải lương thì ông bà ngoại sẽ mở bọc kiếng, lấy ra chiếc đĩa CD sáng bóng cho vào đầu DVD. Máy chạy, thùng bass ngân lên những giai âm ảo não âu sầu. Những ngày hạ, nắng quánh đi trên những giồng rau, tiếng cô đào rơi rụng ngoài hiên như hoa nắng, bà cố mắt lim dim ngã lưng trên cái ghế bố kêu cót két cọt kẹt. Rồi trời bắt đầu kéo mưa, mái lá khô cong suốt một mùa nắng thể nào cũng hớ hênh để nước chảy xuống nhà. Tụi con nít thì túm tụm ngoài hiên ngó mưa, còn trên tivi, nàng quận chúa Bảo Xuyên và mối tình với Tần Lĩnh Sơn qua giọng ca Lệ Thủy dắt ta về một thời quá khứ, cái quá khứ xa xôi của "Đêm lạnh chùa hoang" và vó ngựa Thành Cát Tư Hãn giẫm nát ngọn cỏ xanh rì.
Nhà ngoại nằm sâu trong con hẻm nhỏ, rẽ vào một hàng hoa giấy cháy rực lửa hồng. Ngôi nhà gỗ dựng trên nền cũ sau ngày giải phóng có những chấn song họa tiết khắc trên khung cửa. Ban đêm, trên bộ ván lớn nằm kế bên cửa sổ, ánh trăng vàng vọt của đêm hè chảy tràn qua kẽ lá, hắt lên nền đất những vạt hình xéo xiên. Ngoại nằm ngoài, tôi nằm trong, hai bà cháu cùng đắp một chiếc chăn mỏng, ngoại tôi hát ru tôi ngủ:
"Ầu ơ… ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời…"
Không chỉ bà cố, ngoại tôi cũng mê cải lương, bà thuộc nhiều tuồng kinh khủng, "Bên cầu dệt lụa", "Bông hồng cài áo", "Chuyện tình An Lộc Sơn", "Đêm lạnh chùa hoang", "Đời cô Lựu", "Kiếp nào có yêu nhau", "Lá trầu xanh" đến "Nửa đời hương phấn", "Tiếng hò sông Hậu", "Tiếng trống Mê Linh", "Tô Ánh Nguyệt", "Tình anh bán chiếu"... Bởi thời thiếu nữ, ngoại tôi là dân công Long Đức, một vùng kháng chiến nay đã ngoài 40 tuổi. Ngày ấy, tôi nghe nói dân công Long Đức nổi tiếng xinh đẹp, khéo tay, vừa biết may quân trang lại biết ca hát. Đêm lao xao nghe tiếng bìm bịp kêu nương theo con nước, tàu dừa xao xác khua, con vện vàng dũi chân nằm yên dưới vạc tre say ngủ, nghiêng người nhìn căn nhà cũ với nào là tủ thờ tranh kiếng, nào là vách lá lủng lẳng những mướp khô, bầu khô, rồi chiếc máy may tróc vảy sơn đen, cái bàn tròn và năm chiếc ghế đẩu. Những đêm như thế mà còn nghe chiếc radio rền rền ngâm nga "Nghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào…", rồi tiếng đàn kìm văng vẳng bên tai thì sao mà không yêu cải lương cho được?
Khi năm tháng lặn vào quá khứ, tôi bắt đầu lục lạo ký ức của bà. Ký ức dày lên, chật cứng trong những chiếc thùng các tông bám bụi. Đĩa nhạc, rất nhiều đĩa nhạc, một cái áo bà ba đã phai, một cái khăn tay nhàu nát, mối, những con mối ú mập nghiến răng trệu trạo dưới đáy thùng. Trong khoảng không được đóng gói, ký ức cứ thế xếp chồng lên nhau. Ngoại thậm chí còn có một cuốn sổ ghi tên ca sĩ, đĩa hát để ở đâu sau còn tiện tìm.
Tôi mê nhất giọng của Tấn Tài, Lệ Thủy. Cái tình của Tấn Tài trong trang viết Viễn Châu lặng lẽ lắm, ra đến thành thị rồi nó vẫn cứ chân phương, lẳng lặng thế nào: "Bến nước năm xưa chỉ còn cội đa già chơ vơ rũ bóng, gió đông ơi lòng tôi đà ớn lạnh sao ngọn gió tàn đông còn thổi làm chi cho bông ô môi rã cánh rụng tơi bời". Một thân ô môi mọc sát bờ sông, một kẻ ly hương quay mặt đi, dòng sông tĩnh mịch, xác hoa đỏ rực rụng đầy trên bến, quá khứ ư, quá khứ còn lại hay đã mất? Sông cứ chảy như ngàn năm vẫn thế, riêng ô môi mấy mùa hoa nở, mấy năm đợi chờ?
Thế nhưng tình yêu không chỉ là một cánh ô môi muôn đời đỏ thắm, với soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, tình yêu là một đóa hoa sớm nở tối tàn. Khi The bước đi trên quãng đôi mươi đầy mộng ước, khi nụ hoa tình yêu giữa cô và Tùng vừa đương hé thì cuộc đời bắt nó phải tàn phai. Nửa đời hương phấn, cô chối bỏ tên The như một cách đoạn tuyệt với quá khứ lầm lạc. Nửa đời còn lại, cô gửi vào thiền môn trong chiếc áo nâu cùng những tiếng kinh cầu.
Mười mấy tuổi, tôi nào đâu hiểu được cái tan nát của những cuộc tình si ấy, tôi nào đã biết yêu thương ai đến mức sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc đang nằm trong vòng tay, dằn vặt nửa đời vì mối tình phải đào sâu chôn chặt. Bởi "khi vừa mới ngoi khỏi vũng lầy tội lỗi, người ta đạp em xuống vũng bùn nhơ. Em muốn lau đi khuôn mặt nhuốc nhơ, người ta bưng thau nước ấy đổ đi. Em muốn bước ra ánh sáng trong lành, người ta lại xô em vào trong bóng tối".
Mãi sau này tôi mới hiểu rằng, có lẽ cái tình của cô The trong "Nửa đời hương phấn" cũng như cái tình của nàng Kiều dành cho Kim Trọng. Người ta có sẵn sàng đạp đổ những vách ngăn được đúc khuôn và đào móng chỉ vì một vài dư vị không? Mối duyên thừa, nghĩa tào khang ấy nàng không thể chắp trọn. Thôi thì đành hẹn kiếp khác. Khi ấy trước hiên, hoa nắng đã phai nhiều.
Thời gian là một chiếc máy nghiền có thể khiến tan mọi thứ, nó bảng lảng và từ tốn len vào từng ngõ ngách, nhẹ như một lớp khói. Dịu ngọt thì không, nhưng bùi ngùi khó tả. Đĩa nhạc không còn, những đêm hè nằm nghe ngoại hát ru đã mất, những bài cải lương lặn vào nếp gấp thời gian. Căn nhà gỗ ngày nào giờ vẫn là nhà ngoại tôi, nhưng làm sao tôi còn có thể vào một chiều nóng đổ lửa, chạy lên nhà bà năn nỉ được "coi hoạt họa" trên tivi thùng, mà có chạy lên được cũng làm gì còn ai chờ đợi tôi để nói về chuyện của cải lương, tuồng cổ?
Sau khi Mộ Dung Thạch khuỵu xuống, Thế Châu, Thiên Kim buồn bã trở lại Trung Nguyên. Chẳng còn ai kể với tôi cảnh Quế Minh nghẹn ngào chở xác người yêu trên lưng ngựa chạy điên cuồng về đồng cỏ quê hương. Bóng họ xa dần giữa sa mạc mịt mù nắng cháy. Tiếng đàn lặng im. Lời hát cũng lặng im.
Đó không phải chuyện chiếc tivi. Đó là chuyện tâm hồn. Vẫn là một căn nhà gỗ. Không còn là câu chuyện ngày xưa. Duy cải lương thôi, cải lương là còn mãi.