Sau vang xa tiếng hát, một ánh mắt cười

Chủ Nhật, 19/12/2021, 17:00

Tôi sững sờ nhận tin từ một đồng nghiệp ở Vinh báo tin ông Nguyễn Hữu Thuông đã “về” với những người anh, người bạn từng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ ấn tượng một thời của quê hương Xứ Nghệ và cả nước: Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Phạm Đình Nguyên, Thái Kim Đỉnh, Nguyễn Trung Phong...

Đó thực sự là những người thầy của nhiều thế hệ làm công tác văn hóa văn nghệ, những người để lại những dấu ấn lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều người. Rằng, bắt đầu từ quê nhà với những công việc xuất sắc, những thành công sau năm tháng bền bỉ, mọi việc sẽ lan tỏa rộng rãi, ra các tỉnh thành khác, ra cả nước như một lẽ tự nhiên.

Và, ký ức về những năm tháng ấy cứ ùa về…

Đầu những năm 80 thế kỷ XX, lứa chúng tôi là những sinh viên mới ra trường, rủ nhau về quê nhận công tác, phần nhiều làm việc trong các cơ quan báo chí và tất nhiên đều được giao mảng văn hóa, văn nghệ.

Phải nói rằng, đó là thời kỳ sôi nổi, nhiều dấu ấn, nhiều sự kiện để những người trẻ như chúng tôi tha hồ nhập cuộc, dấn bước. Bấy giờ chỉ riêng mảng văn hóa quần chúng đã có biết bao nhiêu “đơn vị tin/ bài” từ hoạt động của các đoàn, đội, chương trình văn hóa, văn nghệ từ các công ty, xí nghiệp, nông trường, trạm, trại, các huyện, thành, thậm chí các xã dàn dựng, biểu diễn định kỳ, thường xuyên, đột xuất… Và điều đáng nói, điều đáng tự hào là trên nền chung phong trào rộng khắp đó, những người làm công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa ở quê hương Bác Hồ kính yêu đã biết chủ động tìm tòi, sáng tạo để phong trào thực sự đi vào chiều sâu, chất lượng mọi mặt được nâng lên, thu hút rộng rãi sự tham gia không chỉ của một tỉnh mà nhiều tỉnh, thành và cả nước.

ong.jpg -0
Ông Nguyễn Hữu Thuông tại phòng làm việc.
Đó chính là “Liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen” và sau này là “Lễ hội Hát từ Làng Sen” mà người có công đầu là ông Nguyễn Hữu Thuông, bấy giờ là Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin Nghệ Tĩnh.

Báo chí đã phản ánh tương đối đầy đủ câu chuyện ông Trần Hữu Thuông cùng các cộng sự đã dày công như thế nào để có được “Liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen”, xin phép không nói lại. Tôi chỉ thưa rằng, kể từ lần đầu tiên được chứng kiến không khí và chất lượng của Hội diễn, cũng như liên tiếp nhiều năm sau đó, ở đâu và bất cứ lúc nào không ai có thể quên được vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả công việc của Trưởng ban tổ chức Liên hoan qua nhiều kỳ, nhiều năm là ông Nguyễn Hữu Thuông.

Bản tính sôi nổi, hoạt bát, xởi lởi với bạn xa, bạn gần, nói là làm, nụ cười thay cho lời chào, lời mời… của ông khiến cho mọi việc từ bộn bề, ngổn ngang trở nên ngăn nắp, khuôn khổ kỳ lạ. Mỗi kỳ Liên hoan là một núi công việc lớn nhỏ khác nhau, từ lo khâu tổ chức, đón tiếp, nơi ăn, chốn ở cho các đoàn, đến chăm lo nội dung, chương trình, sân khấu biểu diễn, lo Ban Giám khảo, khách từ Trung ương, tỉnh bạn, địa phương, công tác tuyên truyền… kỳ nào cũng chu tất, vẹn toàn, tuyệt đối không có tiếng to, tiếng nhỏ nào.

Hơn thế nữa, người ở lâu, làm việc lâu và gắn bó công tác quản lý với cơ sở như các ông Lê Thái Sơn, Trần Hồng Cơ (Phòng Văn hóa - Văn nghệ thuộc Sở) thì cứ “automatic” lớp lang thế là mọi việc “chạy” đều đều, còn những người mới gặp, mới làm việc thì không hiểu sao cứ “hút” ngay vào công việc, yên tâm, phấn khởi, không một chút so đo.

Tôi nhớ là hồi đó, trước và sau mỗi kỳ Liên hoan, bao giờ Giám đốc, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan Nguyễn Hữu Thuông cũng cho mời anh em báo chí Trung ương và địa phương gặp gỡ, chuyện trò thân mật, sau này gọi là họp báo, cung cấp thông tin. Ông tin cậy vỗ vai, hỏi han từng người, chuyện tưởng như chả có gì mà cứ đâu vào đó, kiểu vui là chính, vui thì mới làm được văn hóa, văn nghệ, không hứng thú, không vui sao làm nổi việc gì…

Nhưng sự thực, tôi tin chắc những biểu hiện gần gũi, tưởng như xuề xòa đó lại là kết quả, kết tinh từ bao năm tháng hoạt động của một con người tham gia Việt Minh từ ngày còn trai trẻ, của một chiến sĩ pháo binh trong kháng chiến chống Pháp, của một người 20 tuổi đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, của một người từng vinh dự được gặp Bác Hồ trong một chương trình biểu diễn văn nghệ sau chiến thắng Điện Biên với những ấn tượng theo suốt cuộc đời để quyết phải làm bằng được một vài việc nào đó mà ông tâm đắc, theo đuổi.

Để rồi sau này, trong mỗi hoạt động của mình, Nguyễn Hữu Thuông luôn trăn trở, băn khoăn làm sao công việc ngày một tốt hơn, ngành văn hóa ngày càng đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, tiếng hát, tiếng lòng của mỗi người con dân đất Việt, cháu con Bác Hồ ngày càng vang ngân xa hơn, đi vào lòng người nhiều hơn…

img_4543.jpg -0
Ông Nguyễn Hữu Thuông (đeo kính) dự hội nghị tổng kết ngành Văn hóa tại Nghệ An.

Tôi nhớ những kỳ Liên hoan đầu tiên, Đội Văn nghệ Kim Liên –Nam Đàn thường là đơn vị đầu tiên được mời biểu diễn khai mạc. Không thể so sánh với chương trình của các đơn vị khác, nhưng những tiết mục của Kim Liên - Nam Đàn lúc nào cũng được giám khảo đánh giá cao, người xem cổ vũ nhiệt liệt. Khi Liên hoan mở rộng ra các tỉnh khác và toàn quốc, nhiều người rơi nước mắt khi xem/ nghe tác phẩm “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của đoàn Cao Bằng, “Làng Chăm ơn Bác” của đoàn Bình Thuận, “Chúng con bên giấc ngủ của Người” của Đoàn CAND… bên cạnh những tác phẩm âm nhạc từng vang lên nhiều lần, càng nghe càng thấm thía, xúc động từ quê hương Bác: “Mẹ Làng Sen” (Lê Hàm), “Nhà mẹ có ảnh Bác” (Phan Thanh Chương) và nhiều tác phẩm xuất sắc khác…

Từ việc biểu diễn gói gọn trong sân khấu bình dị của Trung tâm Văn hóa, chuyển ra chương trình biểu diễn rộng rãi, được truyền hình/ phát thanh trực tiếp trên sân khấu Nhà Văn hóa Lao động tỉnh vào mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ là một bước tiến lớn của “Liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen” tới “Lễ hội Hát từ Làng Sen”, một lễ hội văn hóa mang tầm quốc gia, có công lớn của ngành Văn hóa, trong đó người khởi nguồn, công đầu là ông Nguyễn Hữu Thuông.

*

Tôi vẫn khép nép xưng cháu, gọi chú mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện với ông. Khi nói chuyện về “Liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen”, phần lớn ông chỉ cười, xoa tay “Công lao nhiều người, cháu ơi. Chú có tham gia một phần! Mà nếu hồi đó cứ bằng lòng với kết quả đã có, không chịu khó đề xuất, chạy tìm việc mới, việc hay thì đâu có chuyện để nói với các nhà báo trẻ hôm nay nhỉ?”. Ông nói thế khiến tôi càng khâm phục sự khiêm tốn, bình dị của một người đi qua hết thảy nóng lạnh của cuộc sống, không quan trọng hóa mọi việc nhưng cũng tuyệt đối không xem thường chi tiết nhỏ, vụn. Và tôi luôn nhớ ông với hình ảnh quen thuộc: mớ tóc xoăn, cặp kính trắng và khóe mắt cười.

Sau ngày nghỉ hưu ở quê nhà, có lần ông gọi điện cho tôi, mời xuống “dự và đọc thơ với Hội thơ Nghi Xuân - Nghi Lộc”. Tôi nhận lời ngay vì luôn nghĩ ngày còn làm việc, đến với ông là bình thường, nay ông nghỉ hưu có cơ hội là đến ngay. Chương trình thơ ở Nghi Xuân khá xôm tụ, thu hút nhiều người ở Vinh và phụ cận về tham gia. Ông Nguyễn Hữu Thuông vẫn là “nhà tổ chức” sau cánh gà, nhường hết mọi điều cho bạn bè gần gũi.

Tan cuộc, ông chạy lại cầm tay, ríu rít cảm ơn mọi người như tôi vẫn thấy hình ảnh này mấy chục năm về trước, trong “Hội diễn Hát từ Làng Sen” mỗi tháng 5 về…

Và giờ đây, chắc ông lại đang vui cùng các bậc tiền bối văn nhân ở thế giới bên kia.

Bùi Sỹ Hoa
.
.