Khơi nguồn cảm hứng

Thứ Năm, 20/10/2022, 16:18

Đoàn xe chở "yếu nhân" đang lao nhanh, chợt phía trước xuất hiện 2 chiếc xe lao ra chặn đường. Từ trên xe, những kẻ khủng bố với hoả lực mạnh bắn thẳng vào đội hình. Rất nhanh chóng, lực lượng cận vệ điều khiển các xe hộ tống tạo thành bức tường thép che chắn đường đạn cho mục tiêu bảo vệ, đồng thời quyết liệt nổ súng tấn công đối phương.

Tiếng nổ ầm vang cùng làn khói mù mịt bốc lên trên thao trường Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh vệ trong buổi diễn tập, đã "chạm" vào đáy sâu cảm xúc của chúng tôi khi đến với Trại sáng tác văn học - nghệ thuật về đề tài "Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND".

"Cú huých" mạnh

Những cuộc thi, trại sáng tác văn học, nghệ thuật được mở ra, luôn là cú huých mạnh mẽ để các văn nghệ sĩ ngồi vào bàn, miệt mài chiết xuất ra những giọt sáng tạo, biến thành những con chữ, câu văn hay nét vẽ, khuông nhạc… Bởi ở nơi tập trung những bộ óc mẫn tiệp cùng hướng đến một việc, lại được tiếp cận trực tiếp với nguồn tư liệu sống, được "nhúng" mình vào các hoạt động thực tiễn, khiến cảm hứng sáng tác trào dâng. Đó là điều tối cần thiết đối với một người viết. Tôi thấy rất rõ điều này sau mấy hôm dự Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tổ chức từ ngày 10 đến 14/10/2022.

Khơi nguồn cảm hứng -0
Thượng tá Nguyễn Văn Viết (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 375) chia sẻ thông tin với các văn nghệ sĩ.

Những ngày vừa qua, Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh vệ tại Ba Vì (Hà Nội) sôi động hẳn bởi sự hiện diện của những vị khách lạ, đó là những nhà văn, tác giả, cây bút… trong và ngoài lực lượng CAND tề tựu về đây theo lời mời của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Nhà xuất bản CAND.

Trong đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh vệ Việt Nam (16/2/1953 - 16/2/2023), có một nội dung quan trọng là việc phát động cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài "Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND".

Phát biểu của Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) tại lễ phát động cuộc thi đã nêu rõ: "Đây không chỉ là cuộc ra quân của lực lượng Cảnh vệ anh hùng, mà còn là cuộc ra quân của các nhà văn, để khai phá một vùng đất mới, một không gian mới cho sự sáng tạo, và điều quan trọng không phải là để tuyên truyền về thành tích, mà là để khám phá những vẻ đẹp tâm hồn của những chiến sĩ Cảnh vệ cùng sự hy sinh thầm lặng của họ trong suốt chiều dài lịch sử".

Nói lĩnh vực công tác Cảnh vệ là "vùng đất mới", "không gian mới" cho sự sáng tạo, là bởi trong hành trình 70 năm xây dựng và trưởng thành, với 2 lần được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng nhiều Huân chương cao quý, nhưng những thành tích, chiến công, sự hy sinh  thầm lặng của Cảnh vệ CAND vẫn ít người biết tới. Trên thực tế, chúng ta thấy chưa có những sáng tác nghệ thuật, văn chương hay thi ca đặc sắc, tương xứng với những cống hiến, hy sinh cao cả của người chiến sĩ Cảnh vệ Việt Nam.

Thiếu tướng Trần Hải Quân - (Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) giải thích điều này là do đặc thù của công tác Cảnh vệ phải bảo đảm bí mật tuyệt đối về công việc, hoạt động của đối tượng cảnh vệ cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh an toàn cho họ. Sự khu biệt trong lĩnh vực công tác này đã khiến báo chí truyền thông hay văn học, nghệ thuật không có điều kiện để tiếp cận, phản ánh. 

Đàm đạo cùng chúng tôi ở Trại sáng tác, Thiếu tướng - Nhà văn Nguyễn Hồng Thái đã tấm tắc khen tầm nhìn của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ khi quyết định tổ chức cuộc thi văn học, nghệ thuật. Ông cho rằng việc làm này không chỉ phục vụ cho dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống của lực lượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. "Văn học hóa, nghệ thuật hóa cuộc sống, chiến đấu của người lính Cảnh vệ, tôi thấy giống như việc viết gia phả của mỗi dòng họ. Điều này có tác dụng để lớp người sau hiểu thế hệ cha anh họ đã sống, chiến đấu, hy sinh như thế nào. Lòng tự hào về bề dày truyền thống, sự ngưỡng mộ những tấm gương tiền nhân, sẽ giúp họ dày dặn hơn về bản lĩnh chính trị, mạnh mẽ hơn về ý chí, mục tiêu, lý tưởng cống hiến, phụng sự Tổ quốc" - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái bình luận.

Chất liệu "vàng ròng"

Bắt đầu từ buổi sáng ngày 10/10, các văn nghệ sĩ đã được tiếp cận sâu nhất công tác Cảnh vệ trên tất cả các phương diện. Cuộc diễn tập tình huống khủng bố tấn công đoàn xe chở "yếu nhân" đã mở màn cho chuỗi các hoạt động báo cáo về tình hình, hoạt động, thành tích công tác của các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Khơi nguồn cảm hứng -0
Hình ảnh cuộc diễn tập chống khủng bố tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh vệ.

Cảnh súng nổ, còi hú, khói lửa mịt mù… đã gieo trong lòng tôi những cảm xúc mạnh. Trong tình huống nguy hiểm đến nghẹt thở, các chiến sĩ Cảnh vệ vẫn rất bình tĩnh và chuyên nghiệp trong từng thao tác, vừa nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, nổ súng chống trả cuộc tấn công, vừa dựng khiên chắn bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng Cảnh vệ. Đó là nội dung công việc của Phòng bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong lịch sử dân tộc, đây chính là lực lượng Cấm vệ quân, Ngự lâm quân thiện chiến. Chỉ tính từ khi Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành (từ 01/7/2018) đến nay, đơn vị này đã phối hợp và trực tiếp triển khai bảo vệ an toàn tuyệt đối hơn 7.500 hoạt động của đối tượng Cảnh vệ, trong đó có hơn 7.200 hoạt động trong nước và gần 300 hoạt động ở nước ngoài.

Tiếp theo, các văn nghệ sĩ đã nghe chia sẻ thông tin và hỏi chuyện cán bộ, chiến sĩ Phòng bảo vệ sự kiện về công tác bảo vệ nguyên thủ các nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Có thể thấy tất cả những chuyến thăm hay sự kiện quốc tế lớn được tổ chức trong nước thời gian qua, đều đã diễn ra tuyệt đối an toàn. Điều này cho thấy lực lượng Cảnh vệ đã hoàn hành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Còn bao kỷ niệm đẹp trong những lần chiến sĩ ta tháp tùng, tiếp cận bảo vệ Tổng thống nước bạn, cùng những lời ngợi khen chân thành của khách dành cho lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam, đã khiến chúng tôi cảm thấy "thơm lây". Những ngày sau, đọc báo cáo đầy đặn về quá trình xây dựng và trưởng thành, bề dày chiến công, thành tích công tác của Trung đoàn 375, Trung đoàn 600, Trung đoàn 312, Phòng Kỹ thuật bảo vệ, rồi nghe những mẩu chuyện ly kỳ, xúc động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của những người lính "Trung thành nhất trong những người trung thành", tôi nhận ra đây thực sự là nguồn chất liệu "vàng ròng" mà người cầm bút hiếm khi được chạm tới.

Thay Bác tiếp Dân

Có một buổi trưa trong nhà ăn, anh em cán bộ Trung đoàn 375 đã đan tay cùng của cánh văn nghệ sĩ chúng tôi ca vang bài hát "Chúng con canh giấc ngủ cho Người" của nhạc sĩ Đăng Nước. Ca khúc với giai điệu tự hào, thiết tha, xúc động, từ lâu đã được những người lính bảo vệ Lăng Bác lấy làm bài ca truyền thống của mình. Chuyện Cảnh vệ đến nay tôi nghe đã nhiều, nhưng mãi ấn tượng với nhiệm vụ của những người canh giấc Bác.

Thượng tá Nguyễn Văn Viết - (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 375) kể: "Ngoài việc bảo vệ tuyệt đối an toàn Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, bao gồm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ, Bảo tàng Hồ Chí Minh, vòng ngoài Nhà Quốc hội… cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 375 còn làm tốt công tác đón tiếp, hướng dẫn, phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến thăm quan và vào Lăng viếng Bác. Bình quân mỗi ngày chúng tôi đón từ 25 đến 27 nghìn đồng bào tới thăm viếng Bác. Vào các ngày lễ lớn của đất nước, con số khách có khi lên tới 30 nghìn người. Anh em luôn quán triệt phương châm "Thay Bác tiếp Dân", luôn chu đáo, trọng thị, niềm nở, hết lòng phục vụ, giúp đỡ nhân dân bày tỏ tấm lòng kính yêu Bác"…

Sau một tuần ở Trại viết, đoàn văn nghệ sĩ trở về với những ý tưởng đắt giá đã thóat thai, bên cạnh khá nhiều truyện ngắn, ca khúc đang được chỉnh sửa để nộp quyển. Cá nhân tôi cũng đã hoàn thành truyện ngắn "Cận vệ" và kịch bản sân khấu cùng tên. Riêng kịch bản đã được lãnh đạo Bộ Công an duyệt, giao Cục công tác Đảng và công tác chính trị chỉ đạo Nhà hát CAND dàn dựng, biểu diễn phục vụ lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Cảnh vệ CAND.

Đào Trung Hiếu
.
.