Phim điện ảnh cho thiếu nhi: Khoảng trống không dễ lấp đầy

Thứ Sáu, 27/05/2022, 11:06

Trung bình mỗi năm, điện ảnh Việt có trên dưới 50 bộ phim ra rạp nhưng số lượng phim dành cho khán giả trẻ em lại vô cùng ít ỏi. Thậm chí, hàng chục năm qua, con số ấy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phim dành cho đối tượng khán giả đặc biệt này, lẽ ra cần được ưu tiên thì lại vẫn là khoảng trống chưa biết khi nào lấp đầy...

Không thể phủ nhận, thị trường điện ảnh Việt ngày một sôi động. Số lượng phim tăng theo từng năm. Nhưng phần lớn trong số đó vẫn là những bộ phim khai thác đề tài tâm lý – tình cảm, hài, kinh dị… Mùa hè năm nay cũng trùng vào thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, các rạp chiếu phim mở cửa trở lại. Nhu cầu tới rạp xem phim của các bạn nhỏ sau một năm học căng thẳng là điều có thể nhìn thấy. Điện ảnh Việt cũng đang chứng kiến sự ra rạp ồ ạt của một loạt bộ phim. Nhưng nhìn vào danh sách những bộ phim ra mắt khán giả thời gian tới, hoàn toàn vắng bóng những bộ phim dành cho trẻ em.

trạng tí là một trong số các phim khai thác vốn văn  học dân gian.jpg -0
“Trạng Tí” là một trong số các phim thiếu nhi khai thác vốn văn học dân gian.

Không kể tới những ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID – 19 suốt 2 năm qua thì bộ phim điện ảnh ra rạp gần đây nhất dành cho thiếu nhi là “Trạng Tí” cũng đã được 1 năm. Tuy nhiên, trước khi công chiếu, “Trạng Tí” lại vướng vào những lùm xùm khá bất lợi. Từ việc rắc rối với tác giả truyện “Thần đồng đất Việt” đến ồn ào vì thái độ coi thường khán giả của những người chủ chốt trong đoàn làm phim. Ra rạp với những bất lợi như vậy, kèm theo nỗi lo dịch bệnh khi ấy vẫn còn nên “Trạng Tí” không có được doanh thu như kỳ vọng. Sau vài ngày công chiếu, bộ phim thu được 16 tỉ đồng. Dù vậy, cũng không thể phủ nhận nỗ lực của những người làm phim đã mang đến cho trẻ em một bộ phim phù hợp từ đề tài, cốt truyện cho đến dàn diễn viên nhí đóng rất nhập vai.

Trước “Trạng Tí”, hàng chục năm qua, số lượng phim có đề tài dành cho trẻ em cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể tới những bộ phim như “Tấm Cám”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc”, “Tháng năm rực rỡ”, “Ước hẹn mùa thu”, “Thạch thảo”… Nhưng chỉ có “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là phim đúng nghĩa dành cho khán giả nhỏ tuổi, còn những phim chủ yếu hướng tới khán giả lứa tuổi học trò nhiều hơn.

Sự thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” về mặt doanh thu đã cho thấy, nếu làm phim thiếu nhi hay thì còn có thể chinh phục được đông đảo khán giả lứa tuổi khác. Sản xuất ít như vậy nhưng không phải ai cũng thành công. Năm 2017, đạo diễn Lương Đình Dũng cho ra mắt bộ phim “Cha cõng con” với câu chuyện khá xúc động về tình cha con. Tuy nhiên, bộ phim không có được sự thành công như kỳ vọng.

Trong khi đó, với điện ảnh thế giới, mùa hè được coi như một trong những thời điểm “vàng” để những hãng sản xuất phim lớn tung ra những siêu phẩm dành tặng khán giả nhí. Thậm chí, phim hè còn được chú trọng đầu tư nhiều hơn những mùa phim đợt Noel, Tết vì khoảng thời gian nghỉ khá dài. Đây là điều kiện thuận lợi để những nhà làm phim kéo trẻ em tới rạp sau 1 năm học vất vả. Với những bộ phim thiếu nhi thì phần lớn còn có phụ huynh đi kèm cũng là một con số không nhỏ.

Ở một số nước phát triển, các sản phẩm giải trí dành cho trẻ em rất được chú trọng. Thậm chí, họ có những hãng phim riêng chỉ để sản xuất cho đối tượng khán giả này. Nhưng thị trường điện ảnh Việt thì ngược lại. Phim thiếu nhi gần như vắng bóng chứ không phải chỉ dừng lại ở mức khan hiếm. Họa hoằn lắm chúng ta mới có được một bộ phim dành cho đối tượng khán giả này.

Tuy nhiên, đề tài mà dòng phim này khai thác còn khá hẹp. Chủ yếu vẫn tận dụng những cốt truyện dân gian như truyền thuyết, cổ tích. Chính vì thế, phim cho thiếu nhi còn thiếu mảng đề tài hiện đại, phản ánh chân thực đời sống, tinh thần của các bạn nhỏ trong giai đoạn hiện nay.

Khoảng trống này không chỉ mang đến những thiệt thòi trong đời sống tinh thần của các em mà còn có những ảnh hưởng lâu dài. Nếu chỉ tiếp xúc với các sản phẩm nghệ thuật được sản xuất từ nước ngoài, sẽ có thể dẫn tới tình trạng mất cân bằng trong tư duy văn hóa nghệ thuật. Trẻ em Việt không hiểu, không yêu văn hóa Việt Nam thì thật khó có thể xây dựng lòng tự hào với truyền thống của cha ông.

khán giả mong đợi bộ phim đất rừng phương nam phiên bản điện ảnh của đạo diễn nguyễn quang dũng.jpg -0
Khán giả mong đợi bộ phim “Đất rừng phương Nam” phiên bản điện ảnh của Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Theo con số thống kê, lượng khán giả trẻ đến rạp chiếu phim chiếm số lượng lớn. Nhưng vì ít phim Việt Nam nên phần lớn sự lựa chọn của các em là phim nước ngoài. Điều này thật sự là một sự đáng tiếc với điện ảnh Việt Nam khi bỏ lỡ một lượng khán giả tiềm năng. Không biết là nên vui hay buồn khi hơn chục năm trở lại đây, “mùa phim hè” của thị trường điện ảnh trong nước hoàn toàn là sân chơi của những phim bom tấn quốc tế. Phim ra mắt ở các quốc gia khác thời điểm nào thì khán giả Việt Nam cũng được xem cùng thời điểm ấy. Mùa hè năm nay, ngay đầu tháng 5, tính sơ sơ đã có hàng chục bộ phim hấp dẫn của thế giới đổ bộ xuống rạp chiếu Việt Nam. Đây đều là những phim ngoại, từ phim kinh dị Thái, phim hoạt hình Nhật Bản đến các siêu phẩm của Hollywood. Để phim dành cho khán giả nhỏ của nước ngoài “thắng trên sân nhà” thực sự là một điều đáng tiếc với điện ảnh Việt Nam. Ngoài kho tàng truyện ngụ ngôn, cổ tích với những câu truyện gần gũi, thú vị, chúng ta còn có nhiều câu chuyện hiện đại xúc động hoàn toàn có thể triển khai thành những bộ phim hấp dẫn, phù hợp tâm lý lứa tuổi thiếu nhi. Những người làm trong lĩnh vực điện ảnh cũng thừa nhận, thời gian gần đây, thiếu hụt trầm trọng những bộ phim về thiếu nhi và cho thiếu nhi chứ đừng nói tới phim nổi bật, hấp dẫn. Đặc biệt, chưa có phim nào phản ánh được những câu chuyện đương đại, những vấn đề thiếu nhi quan tâm tạo nên cơn sốt phòng vé.

Vậy, thị trường phim thiếu nhi tiềm năng nhưng đâu là lý do khiến lâu nay vẫn là một khoảng trống rất lớn chưa có câu trả lời? Một trong những nguyên nhân chính mà những người làm điện ảnh đưa ra là chúng ta không có được đơn vị nào chuyên sản xuất phim cho lứa tuổi này. Bên cạnh đó, tâm lý ngần ngại của các nhà làm phim là có thật. So với các đề tài khác, làm phim về thiếu nhi không dễ. Thiếu kịch bản, diễn viên, lợi nhuận thấp, thậm chí dễ bị lỗ. Khó thực hiện nhưng lại không dễ hút khán giả như những đề tài khác khiến cho đội ngũ kịch bản, đạo diễn đều ngần ngại. Trong khi đó lại không hề nhận được sự khuyến khích, hỗ trợ từ phía các nhà quản lý, đầu tư. Thực tế là chúng ta có những đợt tổ chức làm phim về các đợt kỷ niệm, những ngày lễ lớn nhưng lại chưa có những đợt phát động sáng tác, làm phim cho trẻ em.

Sáng tác cho thiếu nhi không chỉ đòi hỏi tài năng của những nghệ sĩ mà còn cần tình yêu, sự tâm huyết và mong muốn mang đến cho các em đời sống tinh thần phong phú. Từ đó góp phần giúp các em biết yêu thương, nỗ lực và đến gần với những giá trị sống tích cực. Trẻ em tiếp cận tinh hoa văn hóa nhân loại là cần thiết trong thời đại phát triển hiện nay nhưng chính văn hóa Việt mới làm nên bản sắc, sự khác biệt cho mỗi cá nhân.

Một trong những người tâm huyết với làm phim thiếu nhi có thể kể tới đạo diễn Lê Bảo Trung. Bản thân anh từng thực hiện 3 bộ phim dành cho đối tượng khán giả này như “Bảo mẫu siêu quậy” 1, 2, và “Anh em siêu quậy”. Tuy nhiên, những phim này mới đạt ở mức hài hước, chưa thật sự ấn tượng. Gần đây có đạo diễn Đỗ Đức Thịnh với “Trạng Quỳnh”, Ngô Thanh Vân với “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Trạng Tí”… Tuy nhiên, số lượng các phim được sản xuất còn ít ỏi.

Một tin vui đến với những người yêu điện ảnh trong nước là mới đây, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã quyết định thực hiện bộ phim “Đất rừng Phương Nam” với phiên bản điện ảnh. Tác phẩm văn học cùng tên nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi đã từng được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chuyển thể thành bộ phim truyền hình cách đây 15 năm. “Đất rừng Phương Nam” kể về cuộc đời cậu bé An trên hành trình tìm cha nhiều chông gai và thú vị với người bạn đồng hành tên Cò. Đây thực sự là một dự án điện ảnh tâm huyết của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã được anh ấp ủ cách đây 5 năm. Hy vọng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều đạo diễn khai phá mảnh đất giàu tiềm năng này để mang đến cho khán giả nhí những bộ phim thú vị, hấp dẫn.

Khánh Thảo
.
.