Khốc liệt của chiến tranh, siêu phẩm cho hòa bình

Chủ Nhật, 13/04/2025, 11:09

Do trùng quốc tang, phải lùi lại 2 ngày, nhưng ngay sau ngày công chiếu đầu tiên 6/4, cộng với các suất chiếu hạn chế trước đó và cộng với lượng vé đặt trước, phim “Địa Đạo - Mặt trời trong bóng tối” vẫn lập kỷ lục phòng vé với doanh thu 50 tỷ đồng! Bên cạnh đó là cơn mưa lời khen.

Làm phim về chiến tranh nhưng vẫn phải bảo đảm “thắng” về doanh thu là một thách thức cực đại khi chi phí sản xuất rất lớn trong khi không có nguồn tài trợ từ nhà nước. Các hãng tư nhân thì khó bắt họ mặn mà với thể loại phim không chiều theo thị hiếu giải trí, không hứa hẹn “rực rỡ” về doanh thu. Cú hợp tác giữa các nhà đầu tư và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có thể coi là một sự liều lĩnh, đầy mạo hiểm. Hoàn tất kịch bản từ năm 2014, ấp ủ, tìm kiếm, chờ đợi, trau chuốt… suốt 11 năm, cuối cùng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng đã có cơ hội cho ra rạp một siêu phẩm của điện ảnh Việt.

du%3fi ánh trang.jpg -1
Một cảnh dưới ánh trăng trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối".

Không có phim trường đúng nghĩa, ngay cả những bộ phim chiến tranh được coi là thành công, phần ngoại cảnh, chiến trường với bom đạn, khói lửa, dù cố đến mấy vẫn không thoát được tính minh họa đầy ước lệ tượng trưng, đẩy người xem vào bối cảnh giả trân khó gây xúc động thật sự. Xóa đi cảm giác không thật đó, trước hết là nhờ tài năng của Bùi Thạc Chuyên, không phải trong vai trò đạo diễn mà ở vai trò tác giả kịch bản. Câu chuyện mà anh kể trong phim không phải là một giai đoạn chiến đấu hay một chiến dịch… mà là một điệp vụ xảy ra trong thời gian chỉ ít ngày.

Đội du kích 21 người ở Bình An Đông (Củ Chi) có nhiệm vụ bám trụ để bảo vệ cho một tổ điệp báo hoàn tất một đợt chuyển tin đặc biệt quan trọng, tối mật. Họ bị “nhốt chặt” vào một khu vực địa đạo 3 tầng trong vùng tự do oanh kích của máy bay, phi pháo, hỏa tiễn…, giữa vòng vây của các loại xe tăng, trực thăng và hàng đoàn lính Mỹ. Họ không có sự lựa chọn nào cả. Họ biết chắc cái kết là sự hy sinh khó tránh. Nhưng họ chấp nhận quyết tử, không ai lựa chọn rời đi, dù họ có quyền đó.

Gói cuộc chiến đấu vào một điệp vụ, kịch bản đã thu hẹp phim trường đến tối thiểu. Bùi Thạc Chuyên cũng khôn khéo lựa chọn một thời điểm giả định: mùa khô 1967, sau trận càn Cedar Fall khốc liệt một năm trước đó. Mức độ tàn khốc của cuộc chiến trong phim được tác giả kịch bản lắp vào trong đánh giá của Bảy Theo (đội trưởng đội du kích, Thái Hòa thủ vai): “Cedar Fall chưa là cái gì!”.

Hãng Hoan Khuê và nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn cũng đã đầy sáng tạo khi đặt toàn bộ cảnh sống, sinh hoạt, chiến đấu vào chính địa đạo Củ Chi, tạo nên sự chân thật tuyệt đối. Chỉ có những cảnh chiến đấu trên mặt đất, trong rừng, hầm quân khí, sông nước, chiến hào, bãi mìn là được phục dựng - rất kỳ công. Cả một đoạn rạch lớn ven rừng, đoạn tiến vào khu vực rừng sình lầy tự nhiên đã được lấp để cho xe tăng M.48, thiết vận xa M.113, trực thăng HU-1A Iroquois, giang thuyền Swift Boat (PCF) Patrol Craft Fast, tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8 tiến vào, đáp xuống. Phim quay xong mới hoàn thổ, không phá vỡ địa thế, cảnh quan tự nhiên.

Để có những cảnh bom đạn, khói lửa, rừng cháy rừng rực, đoàn làm phim đã phải xin phép tỉa bớt nhánh một vạt rừng quanh khu vực đào hầm hào; ốp bìa ván ép mỏng lên thân cây, dùng dầu nhớt quét lên bìa cho giống vỏ cây thật. Khi châm lửa, rừng cháy là quay ngay, để ngay khi lửa chưa kịp bén cây thật đã được phun nước dập tắt.

Đoạn quay rừng cháy chỉ vài ba phút, nhưng phần diễn tập thì diễn ra hàng chục lần trong nhiều ngày. Đoạn Tư Đạp xin 1 viên đạn, chạy ra giữa bãi trống bắn máy bay để khiêu khích cho chúng vòng lại trút bom (để lấy bom lép cưa ra lấy thuốc chế tạo mìn gạt chống xe tăng), diễn viên Quang Tuấn (vai Tư Đạp) vừa chạy, vừa bắn, vừa nhảy ào vào hầm trú chỉ xuất hiện trên màn ảnh 30 giây, nhưng để diễn đạt cảnh quay, đạo diễn và diễn viên đã phải vật lộn mất nửa buổi chiều.

Không cần hóa trang, chỉ chạy 3 vòng trong rừng cháy, dàn diễn viên trong phim đã đen nhẻm muội than, người đầy bùn đất. Mỗi cảnh diễn, họ đều phải chạy hàng chục lần. Suốt mấy tháng trời ăn, ngủ, diễn ngay tại phim trường, thuộc từng động tác, cử chỉ, tất cả đều hốc hác, gầy rộc. Quang Tuấn, Thái Hòa sút hẳn 15kg, gầy quắt và đen nhẻm, giống du kích hơn cả du kích. Những thước phim, nhờ thế mà thật đến mức nghẹt thở.

Ngay cả ánh trăng hắt qua tán rừng soi xuống chiến trường cũng rất thật, tuyệt đối không có chuyện bị ngược sáng, thừa sáng do dùng đèn pha như hầu hết các phim trước đây. Nhà sản xuất đã phải sắm 1 dàn 5 khinh khí cầu trị giá gần nửa tỷ đồng, căng dây neo, cẩu cả một dàn đèn led lớn lên không trung để tạo ra hiệu ứng ánh trăng cần thiết và trung thực.

b%3fy theo.jpg -0
Nhân vật Bảy Theo trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối".

Sau khi xem phim, PGS TS Đoàn Lê Giang, nguyên Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Lần đầu tiên xem phim về chiến tranh Việt Nam mà mình thấy hết cái khốc liệt của nó. Trước kia chỉ có phim sử thi, phim tâm lý, thậm chí phim "hoạt cảnh" về chiến tranh chứ không có phim chiến tranh thực sự. Cảnh quay như thật, xe tăng, thiết giáp, lửa cháy, xác chết như thật. Nhân vật bùn đất, lời thoại và tính cách gồ ghề, thô ráp, như thật. Không một chút nhân nhượng nào”!

Trong không gian địa đạo ngột ngạt ấy, cuộc chiến đấu không cầu sinh của những người du kích cảm tử đã diễn ra vô cùng khốc liệt và quả cảm. Phim đã rất thành công khi tái hiện chân thực tất cả tàn khốc của máu lửa một thời. Các vai Ba Hương (Hồ Thu Anh thủ diễn), Bảy Theo, Tư Đạp, Chú Sáu (ca sĩ Cao Minh đóng), Út Khờ… đều thật sự có những vai diễn để đời, đủ để sau này nhìn lại phải nghĩ như Thái Hòa đã nói: “Cả đời đóng phim mà không được vào vai trong phim này thì tôi sẽ vô cùng tiếc”. Thái Hòa đã diễn đạt đến mức hình ảnh anh để lại trong phim đã khiến người xem không thể nhận ra anh không phải là nhân vật chính.

Tuy vậy, “Địa Đạo” không phải là phim dễ xem. Phim dài 128 phút, nhưng suốt 60 phút đầu, canh phim vẫn cứ là bom đạn chồng bom đạn, là bóng tối lờ mờ, ngột ngạt của hầm sâu, là không khí căng như dây đàn của những đợt chống càn, của những đợt chém vè dưới nước trong khi bom pháo trút trên đầu. Không thể nhận ra đâu là cao trào, là tình huống đỉnh điểm, bởi toàn phim luôn là cao trào, đỉnh điểm. Đạo diễn bố trí cảnh quay toàn những cú máy ngắn càng khiến tiết tấu phim lia nhanh hơn, ngột ngạt hơn… PGS TS Đoàn Lê Giang đánh giá: “Đối với mình, phim “Địa Đạo” quá sức chịu đựng. Quá sức của nhóm du kích, quá sức của một dân tộc, quá sức người xem!”.

Phim cũng hầu như hiếm hoi quãng lặng. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên gần như quá trung thành với ý đồ làm sống lại sự khốc liệt chiến tranh của tác giả kịch bản Bùi Thạc Chuyên. Những phá cách trong phong cách đạo diễn thường thấy của anh đã nhường hết cho nhu cầu biểu đạt của tác giả kịch bản, cũng chính là anh. Phim rất ít cảnh tĩnh, đừng nói gì đến chút ủy mị. Bởi, theo ý đồ kịch bản, phía trước các nhân vật sẽ không có gì khác ngoài kết cục hy sinh. Trần trụi, khốc liệt, thông điệp về sự hy sinh của “Địa Đạo” là rất rõ ràng: “Họ khom lưng, cúi đầu trong lòng địa đạo chật hẹp để hôm nay chúng ta được ngẩng đầu ngắm nhìn bầu trời tự do”.

Cái giá của hòa bình là bao nhiêu hy sinh xương máu của những thế hệ đi trước.

Giữa tầng tầng khói lửa, dù chỉ vài phút lướt qua, Bùi Thạc Chuyên và các diễn viên cũng đã diễn tả rất thành công khát vọng sống của những người lính Cách mạng đang chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Nhưng cũng đầy táo bạo, không nệ quy hay giáo điều. Báo tin mình có thai, hỏi ai là tác giả, Út Khờ chỉ thở dài: “Có biết ông nào đâu. Trong hầm tối thui hà!”.

Ở cuối phim, được coi như hai người sống sót của toàn đội 21 người, Tư Đạp và Ba Hương đã quấn lấy nhau ngay giữa bom pháo đanh trời. Hơi cường điệu, nhưng khi đã chấp nhận cái chết, họ sẵn sàng chết trong thăng hoa tình yêu. Chỉ mấy chục giây, song cũng đủ bù đắp cho Tư Đạt gan lỳ sự thiệt thòi bằng sự chấp nhận, đủ trả lại cho Ba Hương nguyên vẹn phần nữ tính và những khát khao cháy bỏng đằng sau nét sắt đá chai lỳ.

Phim sẽ chiếu đến hết tháng 4. Cho dù khán giả là những cựu chiến binh dạn dày trận mạc hay sinh viên học sinh, những người chưa từng biết gì về không khí chiến tranh, xem phim cũng sẽ thỏa trí tưởng tượng và không thể kìm được những xúc động chân thật. Một bộ phim rất đáng xem, thậm chí đáng để xem lại nhiều lần, nhất là khi phim ra mắt đúng vào dịp 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất. Không nghi ngờ gì nữa, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, một lần nữa, lại khẳng định mình như một tài năng hiếm có của điện ảnh Việt.

7/4/2025

Nguyễn Hồng Lam
.
.