Gốm Hương Canh - cuộc đối thoại giữa truyền thống và đương đại

Thứ Năm, 11/01/2024, 08:47

Lần đầu tiên, một triển lãm gốm Hương Canh quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Hà Nội (Phòng Triển lãm Hội Nhà văn - 65 Nguyễn Du), giới thiệu với công chúng một dòng gốm truyền thống đang có nguy cơ thất truyền. Nhưng không chỉ truyền thống, gốm Hương Canh lần này xuất hiện với những sáng tạo mới, kết nối nghệ nhân và nghệ sĩ, các thế hệ. Đó là cuộc trò chuyện giữa truyền thống và hiện đại.

Chuyện gốm Hương Canh xưa

Gốm Hương Canh với những chum, vại, liễn, thạp... những đồ dùng bình dị gắn với đời sống nông thôn Việt. Đó là dòng gốm không men của xã Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, có tuổi đời hơn 300 năm. Đó là những sản phẩm thô, mộc có màu đất nung cháy. Đất, nước dưới bàn tay nhào trộn của nghệ nhân, kết hợp với lửa tạo nên bề mặt đồ vật bóng, sáng, giống như được phủ một lớp men, thường được gọi là "men trong đất".

một góc của triển lãm.jpg -0
Một góc của triển lãm.

Những năm 60 của thế kỷ trước, nghề gốm nơi đây phát triển cực thịnh. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương - giám tuyển của triển lãm Gốm Hương Canh, đồ gốm sành gia dụng Hương Canh chính là bức chân dung đời sống làng quê, đời sống văn minh nông nghiệp, tâm tính người Việt Nam. Những vại muối dưa, những niêu kho cá, những chum tương, những hũ đựng hạt giống treo gác bếp - tâm hồn người Việt Nam, văn hóa Việt Nam ở đó… Thế hệ trước đã quen thuộc muối dưa cà thì dùng vại sành Hương Canh, người kỹ tính thì nén dưa cà vẫn phải dùng đĩa sành Hương Canh chặn phía trên rồi mới đặt vật nặng vào. Hình ảnh chum tương dưới gốc cau, bể nước, cầu ao, sân gạch đã quen thuộc…

Gốm Hương Canh đã có một đời sống bình dị như thế. Nhưng cuộc sống thay đổi, nghề gốm mai một, có giai đoạn cả làng chuyển sang làm ngói. Đến năm 1994, làng chỉ còn 3 hộ làm gốm, đến nay đã có 7 hộ gắn bó với nghề truyền thống.

Nghệ nhân Giang Thị Nhạn (73 tuổi), người sinh ra và lớn lên với nghề gốm Hương Canh, cùng chồng và con mở lại nghề gốm truyền thống tại gia đình năm 1994 và gắn bó với nghề cho đến hiện nay. Có mặt tại triển lãm, bà trình diễn nghệ thuật làm gốm của người Hương Canh và chia sẻ: "Có những lúc sản phẩm gốm khó cạnh tranh trên thị trường, tuy nhiên, gia đình tôi vẫn duy trì, gắn bó để nối tiếp truyền thống cha ông. Đến nay, gia đình có 5 cháu thì 4 cháu theo nghề". Bà Nhạn là thợ chuốt gốm. Khi xóa bỏ bao cấp, bà cùng chồng và con mở lại nghề gốm truyền thống tại gia đình năm 1994, mặt hàng chủ yếu là gốm dân dụng như chum, vại, tiểu sành… Bà là con của cụ Giang Văn Tụ, thợ bậc thầy trong ngành đun đốt của hợp tác xã nên bà được kế thừa tinh hoa nghề. Bà đã truyền nghề cho nhiều thợ trẻ về cách chuốt gốm và tạo hình trên gốm.

Ở làng gốm Hương Canh có đền thờ một tướng giỏi - tên là Trịnh Xuân Biền, ông và bà thiếp Bùi Thị Ái là tổ nghề của làng. Đất sét xanh và đất sét nâu (móng trâu) mà ông trời dành tặng cho Hương Canh là chất Thổ đới Kim, cái vi lượng ô xit sắt (Fe2O3) tự nhiên ở trong đất Hương Canh đã làm nên nước da nâu cháy mộc mạc khỏe khoắn của gốm sành Hương Canh. Đất thì quánh dẻo và nhiều sắt, nước sông Cánh (một nhánh của sông Cà Lồ) chính là nước tưới ruộng tạo ra giống lúa ré Cánh và lò Hương Canh vẫn đốt củi, nhiệt độ trên 1000 độ C. Lửa táp trực tiếp vào sản phẩm, mạnh nhẹ, nhiều ít tạo ra chỗ bóng chỗ mờ, tạo ra đậm nhạt cực kỳ hấp dẫn.

Và câu chuyện đưa thẩm mỹ hiện đại vào gốm truyền thống

Một dòng gốm độc đáo và được đất trời ban tặng cho Hương Canh, nhưng nếu không thay đổi cách làm, sẽ mai một theo thời gian. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, để giữ gìn và phát triển gốm trong thời điểm hiện nay, cần có sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, nghệ nhân và nghệ sĩ, người thiết kế với nghệ nhân. Nếu không đưa được thẩm mỹ hiện đại vào thì rất khó để nghề truyền thống sống được. Bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại, làm cho truyền thống sống được trong đời sống hiện đại là cách bảo tồn bền vững nhất. Bảo tồn bằng thẩm mỹ hiện đại cũng là cách để truyền thống ấy mới hơn và di sản ấy hiện đại hơn… Đó là hướng đi cho những chất liệu truyền thống để bảo tồn và phát triển.

tác phẩm mèo của nhà điêu khác nguyễn hồng quang.jpg -2
Tác phẩm “Mèo” của nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Quang.

Trong triển lãm "Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và đương đại" lần này, không chỉ giới thiệu về một dòng gốm có lịch sử lâu đời, mà ở đó, người xem còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo từ chất liệu truyền thống. Đó là cách những người trẻ ở Hương Canh đang làm để đưa gốm vào đời sống. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, đây là triển lãm kết nối các nghệ nhân và nghệ sĩ, kết nối các thế hệ. Và quan trọng, như tên gọi, đây là cuộc trò chuyện giữa truyền thống và hiện đại. Những chum tương, ấm sắc thuốc, vại muối dưa, lon giã cua của Hương Canh truyền thống đối thoại với gốm Hương Canh mới và khác. Vẫn Hương Canh ấy nhưng là một Hương Canh mới của tinh thần trang trí, hội họa và gốm- điêu khắc.

 Họa sĩ Nguyễn Hồng Quang có gia đình 4 đời theo nghề gốm cho biết: "Gốm Hương Canh là tài sản lớn các cụ để lại. Chúng tôi là những người trẻ, có tri thức, yêu nghề, mong muốn phát triển nghề. Gốm Hương Canh có chất liệu mộc, không men và tông màu trầm, các nghệ sĩ tìm cách đưa tới cái nhìn về thị giác, mang đến cho chất liệu gốm này đủ sắc độ, sáng tối. Người trẻ của làng có tham vọng đưa Hương Canh từ gốm dân dụng tới gốm nghệ thuật đương đại". Vì thế, nhiều năm qua, ngoài những sản phẩm gốm gia dụng và gốm nghệ thuật, họ đã tổ chức nhiều workshop thu hút các nghệ sĩ từ nhiều nơi đến sáng tác. Những nghệ sĩ trẻ cũng nỗ lực tìm tòi, cải tiến về lò nung, áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển và nâng cao chất lượng gốm.

tác phẩm của nghệ nhân giang thị nhạn.jpg -1
Tác phẩm của nghệ nhân Giang Thị Nhạn.

Nhà thơ Giáng Vân đã có nhiều tác phẩm vẽ trên gốm chia sẻ rằng, bà rất ấn tượng với dòng gốm Hương Canh và những nghệ sĩ trẻ gắn bó với dòng gốm này. Bà nói: "Cách đây khá lâu, nghệ sĩ Lan Hương đã từng có một triển lãm vẽ tranh trên gốm và bán rất tốt. Lần này, Lan Hương trở lại và thổi một không khí mới vô cùng thú vị cho gốm Hương Canh. Nguyễn Hồng Quang là dân gốc xuất thân tại làng gốm nên anh đã trở nên quen thuộc với người yêu gốm. Ngoài ra, tôi ấn tượng bởi hai bố con họa sĩ là nghệ sĩ gốm Lê Ngọc Hân và Lê Ngọc Ly. Cụ Hân là chuyên gia về gốm, năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn không ngừng sáng tạo, cụ góp mặt với dàn nghệ sĩ trẻ qua những tác phẩm gốm rất trẻ".

Rõ ràng, con đường phát triển và sáng tạo dựa trên các giá trị truyền thống đang mở ra những hy vọng mới cho gốm Hương Canh nói riêng và nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam nói chung. Đó cũng là hướng đi của nhiều làng nghề truyền thống hiện nay ở Việt Nam trong xu thế phát triển.

Tuy nhiên, hành trình này còn nhiều khó khăn. Họa sĩ Nguyễn Hồng Quang kỳ vọng với những nỗ lực phát triển nghề sẽ làm thay đổi cách nhìn về gốm Hương Canh, không chỉ là hàng dân dụng mà còn là chất liệu để nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm. Bên cạnh nghề truyền thống là giá trị cốt lõi, gốm đương đại đang là một hướng đi cho sự phát triển của làng nghề truyền thống này.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, triển lãm này là một lời nhắc về việc bảo tồn di sản, về việc bảo tồn làng nghề. Đó còn là câu chuyện về công nghiệp văn hóa, chuyện liên kết giữa nghệ nhân và các nhà thiết kế, các nghệ sĩ, liên kết giữa làng nghề với du lịch khám phá trải nghiệm. Câu chuyện của gốm Hương Canh cũng gợi mở về con đường mới, hướng đi mới cho gốm và các làng nghề thủ công, truyền thống của Việt Nam. Chúng ta không chỉ hiểu được giá trị của truyền thống mà phải biết cách kết nối, phát triển và làm mới nó để truyền thống luôn được hiện diện trong đời sống hôm nay.

V.Hà
.
.