Buôn làng nắng rát phận người

Thứ Sáu, 15/12/2023, 08:56

Một buôn làng Ê Đê hiện đại. Bên cạnh bếp lửa, ghế Kpan, chiêng ché là tủ lạnh, tivi, xe máy... Trang văn Niê Thanh Mai cũng đậm chất đương đại như thế trên vỉa quặng là chất sử thi hồng hoang ngày nào. Nỗi niềm nàng sơn nữ trĩu nặng theo vận đời xoay chuyển như chính những nhân vật của chị. Họ sống và yêu cuồng nhiệt như nắng gió cao nguyên. Dẫu cái nắng, cái gió ấy rát bỏng nỗi buồn thân phận...

Hẹn mãi nhà văn Niê Thanh Mai mới sắp xếp được với tôi giữa trưa Ban Mê. Cuối năm, là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, chị chạy ngược chạy xuôi như con thoi. Công việc bộn bề, nào những cuộc họp, hội thảo, nào những chuyến giao lưu, công tác đây đó. Nay mới thấy chị ở Ban Mê, mai đã ở Gia Lai, mốt ngược lên Kon Tum...

Ở người đàn bà ấy, sức sống và nhiệt huyết cứ hừng hực. Phải rồi, so với đa số cánh chim đầu đàn hội văn học nghệ thuật địa phương, chị là một trong số ít người trẻ nhất. Năm 2020, mới 40 tuổi, chị đã được anh em văn nghệ tỉnh nhà bầu làm Chủ tịch Hội. Với sự nhiệt huyết của chị và Ban Chấp hành mới, các hoạt động của Hội trở nên sôi động, tươi mới hẳn. Sức trẻ xông pha khiến chị không ngại thử thách để nỗ lực thúc đẩy nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà, mở rộng quảng bá, truyền thông cho các tác phẩm đậm bản sắc cao nguyên của hội viên.

1 nie thanh mai.jpg -0
Nhà văn Niê Thanh Mai.

Bầu nhựa sống dồi dào ấy không chỉ ở công tác quản lý mà còn hiện diện ở trang văn của chị. Kể từ tập truyện ngắn "Suối của rừng" (2005), "Về bên kia núi" (2007), "Sớm mai rực rỡ" (2010) cho đến "Phía nào sương thôi rơi" (2021), vẫn là một Niê Thanh Mai đầy đam mê và trăn trở, dẫu ngòi bút đã dày dặn, từng trải hơn.

Day dứt xuyên suốt trong truyện ngắn là hình ảnh người phụ nữ Ê Đê. Họ là cô thiếu nữ mới lớn rời xa buôn làng như H'Linh trong "Giữa cơn mưa trắng xóa", Miền trong "Nước mắt chim trời", Xuân trong "Về bên kia núi", là người thiếu phụ lặng lẽ bên khung cửi như Phen, là bà mẹ chồng già nua nhân hậu như mí Dung (truyện "Vị mật")… Những người chị, người mẹ ấy đều chất chứa trong mình bao tâm tư giữa bi kịch tình yêu, giữa khát vọng đổi đời, giữa mất mát gia đình, giằng xé giữa sự va đập của cái mới và cái cũ… Họ yêu và sống đến kiệt cùng giữa chênh chao gãy đổ, lạc lối chính mình. Những con người ấy, số phận ấy dường như ta đã bắt gặp ở đâu đó trong cuộc đời này mà vô tình lãng quên.

Truyện Niê Thanh Mai dung dị nhưng thật buồn. Nỗi buồn miên man, ngân dài trong lòng người cả khi truyện đã khép lại từ lâu. Nhân vật nào cũng khiến chị đau đáu và thương vô cùng. Niê Thanh Mai tâm sự: "Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên phụ nữ được coi là người chủ lèo lái trong gia đình. Chính vì mang nhiều trọng trách, lo lắng nhiều việc nên họ rất cực. Trong tác phẩm của tôi, dẫu cuộc sống của người phụ nữ có bế tắc, khổ cực thế nào thì họ không bao giờ bi lụy, bỏ mặc số phận trôi theo dòng đời. Thay vào đó, họ luôn cố gắng để tìm được hướng đi, lối thoát cho chính mình. Một cách rất nhỏ bé, qua tác phẩm của mình, tôi muốn mọi người hiểu được tâm tư, tình cảm lẫn những giằng xé, trăn trở của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số trẻ". 

Có cha là người Ê Đê, mẹ là người Kinh, Niê Thanh Mai không được sinh ra ở buôn làng. Chị lớn lên giữa phố thị náo nhiệt. Chuyến về thăm quê cha, chị xúc động viết nên truyện ngắn "Làng của cha tôi". Từ đó, chị coi như mình phải làm một điều gì đó để trả nợ ân tình thay cho người cha kính yêu với buôn làng.

Trong vòng xoay thời cuộc, buôn làng chẳng còn như xưa. Nếp nhà dài thay bằng nhà xây khang trang. Chiếc váy thổ cẩm thay bằng áo pull, quần jean, tóc đen xoăn thay bằng mớ tóc ép thẳng nhuộm màu dã quỳ… Niê Thanh Mai không lên án, phê phán điều gì. Chị hiểu rằng sự thay đổi của buôn làng là quy luật tất yếu. "Hồi ra mắt tập "Phía nào sương thôi rơi", có bạn đọc thắc mắc "Sao em cho nhân vật uống nước trong cái ly? Phải uống trong ống tre hay quả bầu khô mới đúng là Tây Nguyên chứ". Tôi phì cười. Đến với Tây Nguyên hôm nay, bạn sẽ thấy đời sống người Ê Đê rất hiện đại. Người Ê Đê đi xe máy, lướt smart - phone nhoay nhoáy từ lâu rồi chứ không lạc hậu như mọi người tưởng.

Trang văn của tôi bám sát sự vận động của xã hội, mang đậm hơi thở cuộc sống hôm nay chứ không phải chuyện lạc hậu, hủ tục xa xưa. Tôi nghĩ rằng giữ gìn bản sắc không phải mình cứ bắt người Ê Đê phải sống trong nhà sàn, phải cưỡi voi hay mặc thổ cẩm quanh năm… Gỗ quý hiếm, voi cạn kiệt thì lấy đâu để dựng nhà, để cưỡi. Bản sắc hay không nằm ở chính suy nghĩ và linh hồn mỗi người. Tôi tuy sinh ra ở phố nhưng trang văn luôn đậm đặc yếu tố buôn làng với không gian của bếp lửa, món canh cà đắng, thịt trâu gác bếp, khung cửi, chiếc yên… Đó là nét đẹp truyền thống bên cạnh yếu tố hiện đại. Quan trọng là mình có muốn sống lại không gian đó, bản sắc đó trong tâm tưởng hay không?" - chị chia sẻ.

2 nie thanh mai.jpg -1
Nhà văn Niê Thanh Mai trong một buổi giao lưu ra mắt sách.

Niê Thanh Mai bén duyên với văn chương từ khi là cô bé lớp 5. Những trang văn ngô nghê ngày đầu chẳng hề dệt nên mộng làm văn sĩ. Đơn giản, cô bé chỉ dùng ngòi bút kể lại những điều đẹp đẽ trong đời. Để có một nhà văn Niê Thanh Mai đam mê và đau đáu với núi rừng như bây giờ, hành trình ấy có sự dẫn lối và truyền lửa của nhà văn người Ê Đê Linh Nga Niê Kdăm. Đặc biệt là hai nhà văn Dạ Ngân và Đỗ Bích Thúy.

Tuổi 20, mạnh dạn gửi hai truyện gửi Báo Văn nghệ Trẻ, Mai chỉ thử hú họa. Vậy mà cánh thư của tác giả ở miền xa xôi lại được nhà văn Dạ Ngân - khi ấy là biên tập viên của Báo - gửi thư phản hồi. Thư viết đại ý rằng "truyện "Chiếc giường chia đôi" thì cách hành văn và giải quyết vấn đề quá cũ. Riêng truyện "Áo mưa trong suốt" thì em viết khá hơn. Nếu em hành văn theo lối này thì em sẽ phát triển tốt".

Đã hơn 20 năm, nhưng đến tận bây giờ Niê Thanh Mai vẫn không quên bức thư ấy - bức thư đã chắp cánh, tiếp động lực rất lớn để chị yêu từng con chữ, vững vàng trên đường văn. Người thứ hai giúp chị tìm thấy lối đi riêng chính là nhà văn Đỗ Bích Thúy. Gặp gỡ trong hội nghị viết văn trẻ tại Hòa Bình, Đỗ Bích Thúy nhắn nhủ Mai chân thành: "Em cứ nhớ em là người dân tộc thiểu số thì dành tình yêu để viết những vấn đề về người dân tộc thiểu số trăn trở. Cứ thế mà đi…".

Giải tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2005 cho tập truyện "Suối của rừng", giải Nhì của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2006 cho truyện ngắn "Giữa cơn mưa trắng xoá" và "Cửa sổ không có chắn song" đã phần nào khẳng định tài năng và con đường chị đã chọn. Nhớ mãi cánh thư của nhà văn Dạ Ngân, khi trở thành Chủ tịch Hội và với cương vị người viết đi trước, chị rất chú trọng công tác bồi dưỡng mầm non văn chương. Có đêm chị thức đến một, hai giờ sáng chỉ để sửa lỗi văn phong cho bọn nhỏ. Thấy tụi nhỏ trưởng thành, tự tin với trang viết, lòng chị như con ong tháng ba.

Hỏi chị bận rộn với công tác của Hội như thế, thời gian đâu để viết lách, chị bảo rằng chỉ cần tình yêu thì tác phẩm sẽ thành hình. Vậy mà đã có lúc, khi nghỉ dạy văn để chuyển công tác sang Sở Giáo dục và Đào tạo, chị không thể viết được. Tám năm ròng, trang giấy chỉ toàn báo cáo. Thử viết một tác phẩm, ngồi cả tiếng mà không gõ nổi năm dòng, chị bật khóc, kinh hoàng tự hỏi phải chăng mình đã lỡ duyên với văn chương mất rồi. May mắn thay, về công tác ở Hội, được tiếp xúc với thế hệ tiền bối, dìu dắt lớp trẻ, chị như cá trở về với nước.

"Trong tác phẩm của tôi, phụ nữ Ê Đê là nhiều nhất. Nhưng sau này tôi sẽ chọn nhiều đề tài, chẳng hạn như khai thác về những người phụ nữ của dân tộc khác. Tôi may mắn được sống ở vùng đất giàu trầm tích văn hóa, đó là cả kho tàng tuyệt vời mà người viết chưa bao giờ khai thác hết. Tôi muốn người ta vì đọc truyện của mình mà yêu mến buôn làng, muốn đến vùng đất cao nguyên này" - chị bày tỏ.

Truyện của Niê Thanh Mai nổi bật với câu văn ngắn, gọn, dứt khoát. Chị bảo phong cách viết ấy hướng đến sự đơn giản, ai cũng có thể đọc được. Lối viết cầu kỳ không hợp với người sơn nữ chân chất, mộc mạc như thớ gỗ, mái tranh. Giản dị, hoang sơ vậy đấy mà chất chứa bao nắng mưa, bao bí ẩn đại ngàn. Cách viết ấy, câu chuyện ấy có khác gì lời kể Khan của các ama, amí bên bếp lửa đêm mưa.

Đọc những vần thơ hoang dại, đắm đuối một thời của chị, người ta cứ tưởng chị gắn bó lâu dài với thơ. Vậy mà nàng sơn nữ đã bỏ thơ để đến với chàng văn. Bởi một lẽ giản đơn: "Làm thơ tôi không thể nói hết được những điều mình muốn". Nhưng người yêu tác phẩm Niê Thanh Mai đều hiểu, chị không rời bỏ thơ vì hồn thơ, chất thơ vẫn phảng phất, đong đầy trong trang văn lồng lộng gió cao nguyên…

Mai Quỳnh Nga
.
.