Giới trẻ "làm mới" nghệ thuật truyền thống
Khi mà có những ý kiến lo ngại việc người trẻ không còn quá mặn mà với nghệ thuật truyền thống thì đâu đó vẫn có những dự án "làm mới" nghệ thuật truyền thống bằng tinh thần của tuổi trẻ, bằng trí tuệ của những người đam mê tìm tòi, sáng tạo, bằng trách nhiệm, sự đau đáu với vốn văn hóa dân tộc. "Trường Ca Kịch Viện" là một dự án như thế. Dự án đã và đang góp phần giới thiệu, quảng bá đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ những "món ăn" mới lạ, sáng tạo mang hơi thở của cuộc sống đương đại.
Một "bảo tàng" trực tuyến
Với mục đích thành lập một chuyên trang đời sống online, khai thác các đề tài ẩm thực, xã hội, thời trang, lịch sử, văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, "Trường Ca Kịch Viện" đã chào đón nhiều bạn trẻ cùng tham gia. Khi thành lập, các bạn đều là học sinh THPT, giờ đây các thành viên hầu hết đã là sinh viên các trường đại học ở trong và ngoài nước. Hiện nay dự án đang có gần 30 thành viên tham gia. Để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc, dự án đã chia làm 5 ban: Truyền thông, Nội dung nghiên cứu, Nhân sự, Tài chính, Thiết kế do những thành viên tâm huyết làm trưởng ban.
"Trường Ca Kịch Viện" được ví như một "bảo tàng" trực tuyến về nghệ thuật sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian Việt Nam. "Trường Ca Kịch Viện" ứng dụng công nghệ số vào bảo tồn văn hóa thông qua những nền tảng trực tuyến như mạng xã hội Facebook và trên website, qua đó mang đến những thông tin cơ bản về nghệ thuật biểu diễn truyền thống, như: Rối nước, chèo, tuồng, cải lương, hát xẩm, quan họ, chầu văn... Dự án cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm online với các bộ sưu tập hình ảnh và video theo chủ đề giúp giới trẻ vừa hiểu hơn, vừa được thưởng thức sống động các loại hình sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian đặc sắc của nước nhà. Cho đến nay, dự án đã tổ chức được 15 triển lãm online.
Bên cạnh đó, "Trường Ca Kịch Viện" còn hợp tác với dự án gây quỹ trẻ em Espelune tổ chức một triển lãm nhỏ kết hợp chiếu phim tại Hà Nội. Mới đây nhất, nhóm tham gia đồng tổ chức chuỗi tọa đàm "Sống với văn hóa dân gian" trong khuôn khổ Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2021. Trong gần 3 năm hoạt động, "Trường Ca Kịch Viện" nhận được sự ủng hộ lớn từ phía cộng đồng. Với nội dung mạch lạc, dễ hiểu cùng cách trình bày đồ họa đẹp, fanspage dự án hiện tại có hơn 4.450 lượt theo dõi và hơn 100.000 lượt truy cập website. Dự án đã có cơ hội được làm việc, hợp tác và nhận được sự giúp đỡ của các nghệ sĩ tên tuổi, như: NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Chu Lượng, nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung, NSND Triệu Trung Kiên…
"Nhúng vào" không gian nghệ thuật
Mặc dù xây dựng được một "bảo tàng" trực tuyến với rất nhiều thông tin quý giá, sâu sắc, chi tiết thể hiện sự công phu trong cách tìm tòi tư liệu, cách sáng tạo trong thể hiện, tuy nhiên dự án muốn phát huy tính hiệu quả thì người trẻ cần được trực tiếp cảm nhận trong không gian của nghệ thuật truyền thống ấy. Tức là dự án phải tổ chức được những triển lãm offline để giúp người xem có cái nhìn trực quan hơn về nghệ thuật truyền thống, chứ không chỉ là những kiến thức mơ hồ trên mạng. Đó cũng là nỗi trăn trở chung của NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê hay NSƯT Chu Lượng, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Theo Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thì cái cần là các thành viên trong "Trường Ca Kịch Viện" phải hành động thế nào để những giá trị truyền thống ấy tiếp cận được, tác động được đến giới trẻ, đồng thời dự án đóng góp được gì cho chính các loại hình ấy thông qua các phương thức hoạt động, quan điểm của mình. Còn chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh thì cho rằng, online và các nền tảng số chỉ là nơi lưu trữ tài liệu, nghiên cứu, bảo tàng, người trẻ cần được "nhúng vào" trong không gian của nghệ thuật truyền thống thì mới cảm nhận được hết nét tinh túy và xúc cảm văn hóa dân tộc. Hay NSƯT Chu Lượng thì khẳng định, thời gian tới ông sẽ cho dự án "Trường Ca Kịch Viện" mượn những con rối và sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn để nghệ thuật múa rối sẽ được giới thiệu đến giới trẻ một cách cụ thể nhất thông qua các hoạt động offline sinh động, sáng tạo.
Thời gian này, các thành viên của "Trường Ca Kịch Viện" đang tất bật để chuẩn bị cho triển lãm "Bắc nhịp tang bồng" diễn ra vào ngày 15/4 kéo dài đến ngày 15/5 năm 2022 tại Toong Tràng Thi (số 8, Tràng Thi, Hà Nội) hướng tới tôn vinh sự trường tồn của nghệ thuật biểu diễn truyền thống thông qua các tác phẩm mang hơi thở hiện đại. Triển lãm sẽ có sự tham gia của 35 nghệ sĩ với hơn 70 tác phẩm lấy cảm hứng từ nghệ thuật biểu diễn truyền thống, kết hợp song song với các sự kiện khác. "Bắc nhịp tang bồng" được ra đời với mục đích đem các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ đến gần với công chúng, tạo dịp gặp gỡ và trao đổi giữa các thế hệ cùng chung sự quan tâm và yêu mến nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ có thể giao lưu và chia sẻ sản phẩm của mình, quảng bá và đem không gian trải nghiệm nghệ thuật dân tộc tới đông đảo các đối tượng trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ.
Bên cạnh các nghệ sĩ tên tuổi, các nghệ sĩ trẻ cũng đóng góp một số lượng không nhỏ các tác phẩm tại triển lãm "Bắc nhịp tang bồng" lần này. Các tác phẩm tham dự sự kiện (hội họa truyền thống, đồ họa kỹ thuật số, nhiếp ảnh) không những có chất lượng nghệ thuật cao mà còn truyền tải những thông tin, thông điệp phong phú, đa chiều. Không chỉ dừng lại ở việc tham quan triển lãm, khách tham dự còn được trải nghiệm những hoạt động khác nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, như: Công chiếu phim tài liệu "Đoạn trường vinh hoa", công chiếu sản phẩm hợp tác Visual 3D kết hợp video 360 độ cùng các hoạt động talkshow, workshop khác.
Vui mừng với hoạt động mở màn trong năm 2022 khi dịch bệnh COVID-19 đang từng bước được kiểm soát, đồng sáng lập dự án "Trường Ca Kịch Viện", Nguyễn Hữu Dương nhấn mạnh: "Bên cạnh việc phát triển kho tàng nội dung của dự án, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tổ chức các sự kiện offline để công chúng được trải nghiệm nghệ thuật biểu diễn truyền thống nước nhà. Để dự án tổ chức được hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa trong cộng đồng, chúng tôi cũng muốn tiếp tục xây dựng mạng lưới hợp tác với các nghệ sĩ, học giả và dự án văn hóa khác".
Cần sự bao dung của xã hội
Theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và nhất là trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cuối năm 2021 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước". Rõ ràng văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc, "văn hóa còn thì dân tộc còn". Bởi vậy những dự án như "Trường Ca Kịch Viện" đã và đang góp tiếng nói đầy trách nhiệm của giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước - trong việc giữ gìn và lan tỏa rộng rãi vốn quý của văn hóa dân tộc. Đó chỉ là một trong những dự án của các bạn trẻ đang nỗ lực sáng tạo vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, để có thể tạo nên những sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc thu hút công chúng trong và ngoài nước thì sự sáng tạo này cần được thúc đẩy hơn nữa. Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, điều kiện hình thành sáng tạo để tạo ra tầng lớp sáng tạo, nhiều doanh nghiệp sáng tạo thì phải có ứng dụng công nghệ mới, có năng lực sáng tạo và cần cả sự bao dung của xã hội, tức là sự chấp nhận cái khác biệt.