Hướng đi nào cho nghệ thuật truyền thống?

Thứ Sáu, 22/10/2021, 16:45

Đã qua rồi thời kì hoàng kim của nghệ thuật sân khấu truyền thống (tuồng, chèo, cải lương). Đã qua rồi một thời sân khấu là “thánh đường” với những tên tuổi nghệ sỹ như những cây đa, cây đề. Không còn cảnh khán giả chen chân vào rạp, không còn cảnh đẩy nhau để lấy một chỗ tốt đứng xem chiếu chèo ở đầu đình, bến chùa. Việt Nam trong thời kì hội nhập và mở cửa, sự du nhập văn hoá cùng với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng khác, cùng với những mặt tích cực thì nghệ thuật sân khấu truyền thống gặp không ít khó khăn. Và, không ít người e ngại liệu rằng, nghệ thuật sân khấu truyền thống sẽ đi về đâu.

Vẫn loay hoay kiếm tìm

Tuồng, chèo, cải lương, ba loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đã từng có một thời thu hút rất đông khán giả đến rạp, nhưng bắt đầu từ khi đất nước ta bước vào đổi mới, khi nền kinh tế thị trường rồi những bước đổi thay của xã hội, tiếp đến thời của kỷ nguyên kĩ thuật số, nghệ thuật truyền thống đã đứng trước không ít khó khăn khi trên một bàn đại tiệc có quá nhiều món ăn để người ta lựa chọn. Những nhà hát và những đơn vị nghệ thuật vẫn ngày đêm vật lộn, loay hoay tìm giải pháp để giữ nghề Tổ của ông cha từ ngàn xưa để lại.

Các nhà hát đã tận dụng thời đại 4.0 để kết nối môn nghệ thuật của mình đến với khán giả không những trong nước mà quốc tế. Nhưng nếu tinh mắt để ý cũng thấy số lượng người truy cập tại các Fanpage của Nhà hát khi xem các chương trình nghệ thuật đặc sắc, đầy công phu và tâm huyết của người nghệ sĩ không bằng lượng truy cập trên facebook của một ngôi sao trên cộng đồng mạng, hay một tin giật gân câu viwe của một facebook nào đó.

Hướng đi nào cho nghệ thuật truyền thống? -0
Một cảnh trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Tuy nhiên, mặc dù đầy những “thói đời bất công” nhưng tập thể nghệ sĩ, những nhà hát nghệ thuật vẫn nặng lòng và đau đáu với nghề. Họ vẫn từng ngày giữ lửa và nuôi mộng vàng. Nhiều năm qua, những lá cờ đầu của sân khấu nghệ thuật, truyền thống trong cả nước như: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam đã đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng khán giả thông qua các chương trình nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật bằng hình thức livestream và biểu diễn ở phố cổ Hà Nội để cho khách đi bộ thưởng thức. Hiện nay các nhà hát đang tập trung cho mục tiêu quan trọng, đó là đào tạo khán giả trẻ để nâng cao hiểu biết kiến thức về nghề cổ, để giảm dần cái khoảng cách của khán giả trẻ đến với nghệ thuật truyền thống. Dù sao, chúng ta vẫn tin có ánh sáng le lói nằm ở cuối đường hầm. 

Từ chính sách đãi ngộ - NSND Phạm Ngọc Tuấn (Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam)

Hướng đi nào cho nghệ thuật truyền thống? -0

- Những nhà nghiên cứu sân khấu rất e ngại vì sân khấu truyền thống đang bị o ép bởi đời sống kinh tế thị trường; văn hoá nghệ thuật bị đảo lộn giá trị. Nhưng cũng có người cho rằng thời đại 4.0 là thời cơ của sân khấu, là tín hiệu vui của sân khấu truyền thống. Là người đứng đầu một nhà hát nghệ thuật, ông có ý kiến gì về suy nghĩ này?

+ Mấy nhà nghiên cứu chỉ có trên cơ sở lý luận, trên cơ sở khoa học chứ chưa đi vào thực tiễn hằng ngày, còn tôi là nhà quản lý thì còn nhiều bức xúc, nhiều trăn trở, còn phải đối mặt trực tiếp rất nhiều chứ không chỉ là cơ sở khoa học. Dưới góc độ quản lý, tôi không phải tiêu cực đâu nhưng nói mãi thì nó vẫn thế, không thay đổi gì thì cảm thấy nhụt chí. Trên các phương tiện truyền thông, người ta đọc sự kiện về các ngôi sao, những vấn đề showbiz hay những vấn đề này kia thì họ đọc nhiều, còn những vấn đề về nghệ thuật truyền thống chả mấy ai người ta rờ đến đâu(?!). Độc giả nhiều khi khó định hướng lắm.

- À, vậy là bắt đầu có “mâu thuẫn” giữa người quản lý và nhà nghiên cứu. Ông thấy khó khăn của nghệ thuật Tuồng bây giờ đang vấp phải là gì?

+ Một câu hỏi ngắn, nhưng câu trả lời thì rất dài. Đối với Tuồng có thể nói là khó nhất trong các loại hình nghệ thuật ở Việt Nam trong việc bảo tồn và phát triển. Nghệ thuật Tuồng để tiếp cận được đến với công chúng thì vô cùng khó khăn. Vì loại hình này rất kén khán giả, khó đào tạo, khó xem, mặc dù đây là loại hình nghệ thuật bác học. Chính vì vậy cho nên với người nghệ sĩ và nhà quản lý của Nghệ thuật Tuồng trong nhiều năm qua đương đầu với thực tế thì rất là vất vả để bảo tồn được những giá trị của nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Đời sống của cán bộ nghệ sĩ Tuồng Việt Nam thì vô cùng khó khăn, lương cực kì thấp, thấp nhất trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống(?!). Trong khi cải lương và chèo đã được đào tào hệ đại học, còn tuồng thì cho đến nay vẫn chỉ có trung cấp. Lương đại học cao hơn trung cấp nhiều.

Nhà hát Tuồng Việt Nam thành lập năm 1959, đến nay là 62 năm thì có rất nhiều NSND, NSƯT cho nên lực lượng giảng dạy có tay nghề rất cao, nhưng vì sao lại không có người đến tuyển, bởi vì chính sách rất thấp. Toàn bộ NSND, NSƯT của Nhà hát Tuồng Việt Nam trình độ cũng chỉ trung cấp, mà trung cấp thì biết rồi, lương rất thấp. Một nghệ sĩ tuồng được phong NSND, NSƯT đâu phải đơn giản, mà lương thấp thế thì ai người ta vào??? 

Khó khăn là không có kịch bản tiết mục tuồng. Tác giả viết tuồng cũng không có, ít lắm, may ra đếm trên đầu ngón tay.

- Vâng, còn việc biểu diễn trên nền tảng online, và bán vé xem nghệ thuật Tuồng tại mảnh đất vàng giữa phố thị, rạp Hồng Hà thì sao ạ?

+ Việc biểu diễn online với tuồng thì không hoàn toàn thuận lợi như các loại hình nghệ thuật khác, rất khó khăn. Nghệ thuật kịch hát phải biểu diễn trực tiếp với khán giả để nghệ sĩ có cảm xúc với vai diễn thì nghệ thuật mới được thăng hoa. Còn biểu diễn trên nền tảng số không có khán giả thì nói thật là không bao giờ là thuận lợi đối với nghệ thuật sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống.

Nói thật là diễn tuồng để thu tiền từ bán vé thì gần như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác gần như không bao giờ bán vé được. Bởi vì kịch còn chẳng bán vé được huống chi là tuồng. Nhà hát Tuồng tại rạp Hồng Hà cũng chỉ bán vé được cho khách du lịch, khách Tây, khán giả Việt Nam ít ai bỏ tiền vào mua vé. Nhà hát chỉ thu được tiền từ các loại hình biểu diễn từ lễ hội đầu xuân năm mới, người ta mời tuồng về để diễn hầu thánh. Còn chủ yếu là phục vụ chính trị và lấy ngân sách Nhà nước chi bồi dưỡng cho diễn viên nên đời sống của những người làm tuồng là rất vất vả, rất khó khăn, bởi vì ngân sách Nhà nước thì hạn chế, không thể nhiều được, nên phải tự bươn chải.

Khán giả đến với tuồng ít, doanh thu thấp, lương Nhà nước trả thấp do ngạch bậc, do trình độ đào tạo. Cái gì cũng thấp cả thì làm sao mà thu hút được nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực không có làm sao mà giữ, mà bảo tồn được nghề. Cho nên, muốn thay đổi phải thay đổi từ chính sách đào tạo, chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ tuồng nói riêng và nghệ sĩ sân khấu truyền thống nói chung thì nó mới có thể là thay đổi được, mới thu hút được tài năng, mới có được người làm nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật thì phải có con người, con người mới là quyết định quan trọng. 

Vượt qua ranh giới ngôn ngữ để đến với bạn bè quốc tế - NSND Thanh Ngoan (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam)

Hướng đi nào cho nghệ thuật truyền thống? -0

- Là người đứng đầu Nhà hát Chèo Việt Nam, nôi chèo, chiếu chèo đất Bắc, chị có phương thức gì để bảo tồn sân khấu truyền thống của ông cha?

+ Nếu không vướng vào đại dịch COVID-19, Nhà hát chèo Việt Nam rất may là có rạp tại Kim Mã thì hàng tháng vẫn diễn những vở lớn ở sân khấu lớn, còn lại hằng tuần diễn ở chiếu chèo.

Chiếu chèo chúng tôi tổ chức từ lâu, từ năm 2018, Nhà hát Chèo đã tổ chức âm nhạc chèo vào tối thứ tư hàng tuần, nhưng âm nhạc chèo rất kén khách. Ví dụ như tối thứ 6 diễn các trích đoạn và các chương trình giới thiệu chèo cổ, hầu đồng, hát xẩm, nhưng ưu tiên nghệ thuật chèo là chính. Nhà hát Chèo Việt Nam trong thời gian  qua cho dàn dựng lại và đặc biệt làn điệu chèo cổ, đây không phải thể hiện bằng diễn viên hát mà thể hiện bằng âm nhạc, những câu nhạc ở trong dàn nhạc chèo truyền thống được vang lên. Nhưng những tối diễn âm nhạc chèo ở rạp Kim Mã cũng rất ít khán giả chủ yếu là những nhà nghiên cứu đến xem.

Nếu như chúng ta muốn giới thiệu ra cộng đồng quốc tế thì cả một vở diễn sẽ lại có khoảng cách về ngôn ngữ, nhưng âm nhạc thì không có khoảng cách. Năm 2017 chúng tôi diễn giao lưu với các bạn ở Mỹ sang Việt Nam, họ làm chương trình cổ điển, còn Nhà hát Chèo Việt Nam diễn chương trình “Năm cung chèo” chỉ diễn 30 phút. Âm nhạc là cầu nối và người ta cảm nhận bằng âm nhạc. Người bạn Mỹ nói: “Âm thanh của âm nhạc, những nốt nhạc rung lên trong các bài các bạn biểu diễn, vẻ đẹp mộc mạc đượm chất tình của âm nhạc truyền thống cũng như nghề chèo của các bạn, chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp đấy”. Chỉ tiếc 2 năm nay COVID-19 nên không duy trì được sân khấu lớn, nhưng chiếu chèo thì chúng tôi vẫn thường xuyên duy trì. Sau này khi hết COVID-19, có thể là hằng tuần không diễn âm nhạc chèo được thì chúng tôi xen kẽ vào diễn âm nhạc để duy trì số lượng khách, hoặc những người quan tâm thì vẫn có chương trình để thưởng thức.

Nhà hát Chèo dùng máy móc công nghệ lưu lại tất cả những chương trình biểu diễn. Việc này đáp ứng được mấy vấn đề cơ bản là: Giữ gìn bảo tồn để thế hệ sau có cơ sở, có tài liệu để tham khảo. Online “Giữ lửa đam mê” minishow trên trang fanpage của Nhà hát để cho khán giả tâm huyết với nghệ thuật chèo theo dõi. Đây là hướng mà nhà hát tiếp cận nhiều với khán giả. Tháng 10 này là vừa tròn 70 năm thành lập Nhà hát Chèo Việt Nam, chúng tôi đã chọn được 7 vở chèo truyền thống, và đã lên lịch dàn dựng, ghi hình 7 vở, thu âm lại những làn điệu truyền thống cho các thế hệ sau với các trích đoạn. Mặc dù đời sống của người nghệ sĩ chèo còn vô vàn khó khăn, nhưng cả tập thể Nhà hát và từng cá nhân mỗi nghệ sĩ đều chung tay gánh vác và cố gắng để giữ gìn nghề Tổ. 

Thời đại 4.0 là “thời cơ” chứ không phải “nguy cơ” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hiến Việt Nam

Hướng đi nào cho nghệ thuật truyền thống? -0

- Bấy lâu nay, nhiều người yêu sân khấu truyền thống vẫn lo sợ khi đất nước mở cửa, nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật của các nước phát triển du nhập vào nước ta. Có phải sân khấu truyền thống đang đứng trước thách thức vô cùng khó khăn và có nguy cơ dần biến mất trong đời sống văn hoá nước nhà?

+ Tôi lại không cho là gặp nguy cơ ở thời đại 4.0 mà đây là thời cơ của sân khấu truyền thống. Bởi vì thế giới càng đi tới phía trước thì người ta lại càng phải nhìn lại phía sau, do đó không phải ở Việt Nam mà ở các nước khác lại coi những giá trị văn hoá truyền thống như là báu vật vô giá. Thời đại 4.0 là thời đại của truyền thông, của máy tính bảng, số hoá... nếu sân khấu truyền thống mà biết tận dụng công nghệ truyền thông thì sân khấu sẽ đến với rất nhiều người chứ không chỉ riêng sàn diễn. Tất nhiên sàn diễn vẫn là quan trọng nhất, nhưng bên cạnh sàn diễn còn có các phương tiện truyền thông khác thì nó sẽ là các kênh đưa sân khấu truyền thống đến với từng khán giả.

- Hiểu theo một khía cạnh nào đó, có thể xem “văn hoá nghệ thuật” cũng là một loại hàng hoá, và khi càng có lắm hàng hoá thì người ta sẽ có quyền chọn lựa, điều đó dẫn đến cạnh tranh và sẽ tiềm ẩn không ít rủi ro. Nhiều mặt hàng sẽ đắt như tôm tươi nhưng sẽ không ít mặt hàng ế ẩm...

+ Chúng ta đang sống ở thời đại mà truyền thông bùng nổ và đúng là có rất nhiều kênh văn hoá giải trí, các chương trình nghệ thuật để người ta thưởng thức. Ví dụ như nhạc cổ điển tương đối kén khán giả, nhưng thời đại này chưa hề mất, âm nhạc cổ điển vẫn được xem là dòng âm nhạc bác học. Loại hình nghệ thuật nào thì cũng sẽ có khán giả của nó, sân khấu truyền thống cũng như âm nhạc cổ điển có khán giả của nó. Khán giả không bao giờ mất cả. Và nếu ta tìm cách tiếp cận khán giả tốt thì sẽ tạo ra một tầng lớp khán giả mới, sân khấu truyền thống lại càng có cơ hội phát triển.

Sân khấu truyền thống phải đi bằng hai chân, một phần là phải bảo tồn nguyên gốc những giá trị đã có, khán giả có phông văn hoá dầy thì mới thưởng thức được, và đó chính là di sản. Bởi vì di sản của sân khấu không phải là di sản chết. Di sản của sân khấu là di sản sống, việc bảo tồn những kiệt tác của sân khấu truyền thống là một hướng đi không bao giờ người ta bỏ được. Hướng thứ hai là sân khấu phải tương thích với đời sống ngày hôm nay, phải thích ứng với khán giả hiện đại. Thời đại mới, sáng tác mới nhưng phải trên nguyên lý của âm nhạc truyền thống Việt Nam chứ không phải nhạc Âu Mỹ. Một điệu nhạc, một câu ca cất lên là người ta biết đâu là Tuồng, Chèo, Cải lương, không có chuyện lai tạp.

- Tôi thì vẫn tin rằng: Nước thì có vận, người thì có thời, nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng có lúc thịnh, lúc suy...

+ Không phải lo lắng lắm đâu, sân khấu đang ngày càng hiểu ra vấn đề ấy thì tôi cho là tốt thôi,  không vấn đề gì. Thời sân khấu truyền thống làm bá chủ tôi chứng kiến, vì từ nhỏ tôi sống trong khu Văn công Mai Dịch, tôi được gặp các tác giả, các nghệ sĩ gọi là F1 của tất cả các loại hình sân khấu truyền thống, bây giờ sân khấu truyền thống không chiếm vị trí thượng tôn nữa, vậy thì tác giả nghệ sĩ xuất sắc ít hơn nhưng mà không bao giờ mất. 

Ví dụ có một cái kì lạ, Tuồng là nghệ thuật khó nhất, người ta sợ mất nhưng hiện giờ cả nước ta có 5 đơn vị nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp, ngoài ra có cả trăm đơn vị nghệ thuật bán chuyên, và các đơn vị bán chuyên này là nơi lưu giữ nghệ thuật truyền thống một cách tốt nhất. Ngay ở Hà Nội, bên Đông Anh lại là nơi có nhiều đội Tuồng phát triển, thậm chí lưu giữ truyền thống còn hơn cả Nhà hát Tuồng Việt Nam (?!). Nó rất kì lạ như thế. Nếu người ta có ý thức thì càng ngày thế hệ trẻ sẽ nhận ra nét hay, vẻ đẹp của tuồng và như vậy, không những tác giả cũ mà còn có những tác giả mới, sẽ có nghệ sĩ mới, phù hợp với sự phát triển. Sự phát triển không rầm rộ, nhưng trong quá trình chọn lọc tự nhiên vẫn sinh ra các tác giả mới cho thế hệ sau. Tuồng, chèo đều có tác giả mới, tác giả cải lương ở trong miền Nam nhiều lắm. Mà những tác giả này còn viết hay như tác giả kịch chuyên nghiệp đấy. Bây giờ chính tác giả kịch nói mới khủng hoảng ghê gớm chứ không phải sân khấu truyền thống.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.