Giới hạn nào của việc đổi mới cải lương?
Nhiều nỗ lực để kéo người trẻ trở lại với sân khấu cải lương nhưng đa số vẫn là những hoạt động hướng ứng mang tính chất cổ vũ. Cái cốt lõi để cải lương chinh phục công chúng vẫn là cốt cách của chính thể loại sân khấu này. Vì thế việc đổi mới cải lương luôn là nỗi trăn trở, thậm chí là ám ảnh với người làm nghề.
Gắn cả thanh xuân với sân khấu kịch, đến cuối đời, NSƯT Hữu Châu khiến mọi người ngạc nhiên khi ông trở lại với cải lương. Góp mặt trong vở “Tiếng trống Mê Linh” tại rạp Hồng Liên, hằng đêm ông vẫn thấy khán giả đến xem đông, niềm hy vọng về một thời cải lương hoàng kim lại nhen nhóm. Sức sống của cải lương rục rịch trở lại khoảng chừng hai năm trở lại đây. Có được điều đó là nhờ sự đổi mới không ngừng của những nghệ sĩ tâm huyết. Sự đổi mới đến từ địa điểm biểu diễn, hình thức dàn dựng, phục trang cho đến cảnh trí, âm nhạc…
Vở “Nàng Xê Đa” của sân khấu Đại Việt mang dáng dấp của một vở nhạc kịch pha trộn với cải lương. “Chiếc áo thiên nga”, “Kim Vân Kiều” thì mang cả ekip ra quảng trường để biểu diễn cho hàng ngàn khán giả thưởng thức sự hoành tráng, xa hoa và lộng lẫy của sân khấu cải lương. Các loại hình nghệ thuật như hát bội, múa rối, xiếc cũng được thử nghiệm trong vở “Cây gậy thần”, “Ngạ quỷ”…
“Đợi Kiều” của Tiến sĩ Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, là một vở cải lương khác lạ bởi âm nhạc phối trộn nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ phương Tây thành bài bản “nghe như cải lương mà không phải cải lương”, bởi dàn diễn viên duy nhất một người trẻ, bởi sự kết hợp với vũ đạo đương đại, bởi chủ nghĩa nữ quyền sinh thái thấp thoáng trong vở diễn được kết cấu theo bốn mùa xuân hạ thu đông…
Một số vở diễn ứng dụng công nghệ hiện đại như màn hình led, màn hình gauze… tạo nên không gian huyễn hoặc và chuyển cảnh linh hoạt. Có thể kể đến vở “Bên dòng Long Khốt”, “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên”… NSƯT Hữu Châu không khỏi thốt lên: “Tôi không ngờ rất nhiều vở lịch sử thuần Việt có dàn diễn viên, cảnh trí lẫn phục trang quá đẹp. Sao mà lung linh, sao mà sang trọng quá!”.
Tuy nhiên, đây chỉ là những nỗ lực khiêm tốn và ít ỏi. Bức tranh cải lương nhìn chung vẫn phủ một màu cũ kỹ, lạc hậu so với các thể loại giải trí sôi động, cập nhật khác. Hồi bắt tay với Hội đồng Anh thực hiện dự án “Tiếp bước trăm năm” nhằm truyền tình yêu cải lương cho các bạn trẻ, Tiến sĩ Đào Lê Na đã tiến hành một nghiên cứu nhỏ. Kết quả nhận về khá buồn vì đa số bạn trẻ đều thừa nhận mình không thích xem cải lương. Phần đông thấy âm nhạc của cải lương quá quen thuộc, dễ chán. Ngôn ngữ sân khấu nghèo nàn, lặp đi lặp lại.
“Bản thân tôi rất băn khoăn bởi bản chất của cải lương là cải cách, là mới mẻ ứng với hai câu đối nổi tiếng “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Vậy mà tại sao bây giờ nhắc đến cải lương, người ta nghĩ ngay đến những gì cũ kỹ và sến sẩm. Trăn trở này thúc giục tôi phải làm gì đó để cải lương thật đẹp và sang. Chẳng hạn như phải làm sao để mỗi vở sở hữu phần âm nhạc hoặc nhạc nền riêng của vở đó để nâng tầm tác phẩm lên” - Tiến sĩ Đào Lê Na tâm sự.
“Vai diễn đầu đời” là vở cải lương đầu tiên mà Tiến sĩ Đào Lê Na viết kịch bản và được NSND Bạch Tuyết chuyển soạn cải lương. Vở mang đậm hơi thở đương đại khi đưa robot, máy tính, smartphone hay nạn tin giả vào trong tác phẩm. Vở chỉ dài một tiếng rưỡi chứ không dông dài, lê thê như vở truyền thống, cộng với dàn diễn viên là các em học viên của dự án nên được khán giả trẻ nhiệt tình hưởng ứng.
Là một người luôn tìm tòi sáng tạo để đưa sân khấu cải lương trở lại thời vàng son, NSƯT Kim Tử Long cho rằng bất cứ bộ môn nghệ thuật nào cũng cần sự đổi mới để tồn tại. Cải lương cũng không ngoại lệ. Cải lương cần đổi mới theo nhịp sống của thời đại, chiều theo thị hiếu khán giả. Nghệ sĩ cần lắng nghe nhu cầu của công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Phải để họ thấy được thế hệ mình trong vở diễn, cùng chung suy nghĩ và đồng cảm thì mới mong họ yêu mến cải lương. Việc đem cái nhìn của ngày hôm nay để nhìn về chuyện xưa cũng là cách đổi mới thu hút khán giả. Lời thoại cần nắm bắt theo nhịp sống hôm nay. Đó mới chỉ riêng khâu đề tài kịch bản. Các khâu khác như dàn dựng, thủ pháp nghệ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc chuyển cảnh, bài trí sân khấu hay sử dụng mạng xã hội để quảng bá, phát hành vở diễn… cũng là những khâu cần “cuộc cách mạng” mạnh mẽ.
Tình thế buộc người làm cải lương hôm nay phải đứng trước hai lựa chọn: đổi mới hay là chết? Tuy nhiên, việc làm mới cải lương cũng vấp phải tranh cãi trái chiều. Bên cạnh ý kiến cần phải cấp bách làm mới cải lương thì vẫn có ý kiến phản bác: “Cải lương có cũ đâu mà phải làm mới, chỉ cần làm hay thôi tự khắc sẽ có khán giả”. Bà Nguyễn Lan Nhi, 55 tuổi, ngụ ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh là một khán giả trung thành của nghệ thuật cải lương. Bà thú thật mình không thích cách ứng dụng công nghệ hiện đại như màn hình led vào tuồng hát bởi nó làm mất đi vẻ mộc mạc “thật và đẹp” của cải lương. Việc lạm dụng màn hình led lắm khi khiến không gian đơ cứng, thiếu sự mềm mại, hài hòa của cảnh trí chân thật.
Việc phối trộn nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại vào vở diễn cũng khiến không ít khán giả khó chịu. Đoạn nhạc ngẫu hứng của ban nhạc rock HUB mở đầu vở “Hừng đông” (tái hiện cuộc đời liệt sĩ Phan Đăng Lưu) của đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên chưa chinh phục được khán giả dù đây là sự đổi mới táo bạo của anh. Nhiều người cho rằng đoạn rock không ăn nhập gì với vở diễn mà còn làm mất đi cảm xúc dạt dào và trữ tình vốn có của cải lương. Vở “Đợi Kiều” dù được nhiều bạn trẻ hưởng ứng nhưng với khán giả mộ điệu lâu năm, họ không mấy yêu thích loại hình cải lương mới lạ đến như thế.
Theo đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, ứng với mỗi phân khúc khán giả, mỗi thể loại cải lương khác nhau sẽ phải có cách đổi mới khác nhau cho phù hợp. Không thể cố trẻ hóa một vở dành cho khán giả đứng tuổi hay thổi những cái thời thượng, bắt trend (xu hướng) trong các vở lịch sử, cổ trang rồi gọi là cách tân, sáng tạo. Làm như thế sẽ gượng gạo, lạc quẻ, giết chết cải lương.
NSƯT Lê Trung Thảo thừa nhận cách tân cải lương luôn là vấn đề làm đau đầu nhà quản lý và nghệ sĩ làm nghề. Anh cho rằng: “Không phải cứ trộn lẫn, gán ghép nhiều loại hình nghệ thuật khác vào vở cải lương thì mới gọi là đổi mới. Mới ở đây là tự bản thân diễn viên phải tự học tập, rèn luyện để cách diễn của mình không bị lỗi thời. Tôi không sợ kịch bản cũ, cũng chẳng sợ người ta nói là mình cũ. Cái quan trọng là mình sử dụng cái cũ như thế nào, mình dàn dựng và biểu diễn nó mới ở chỗ nào. Dù cách tân, đổi mới thế nào, mình phải giữ được cái chất của cải lương. Cải lương phải là chính nó, chứ nó không thể na ná loại hình nghệ thuật này, na ná loại hình nghệ thuật kia. Nếu mình đổi mới nhiều quá, cải lương mất chất đi, không còn là chính nó nữa thì việc đổi mới đó không hiệu quả”.
Biết đổi mới sẽ gặp búa rìu dư luận nhưng những người tiên phong chấp nhận để tìm lối rẽ khác cho cải lương. Tiến sĩ Đào Lê Na tâm sự, ban đầu bắt tay thực hiện các dự án làm mới cải lương, chị khá áp lực. “Nhưng nếu chúng ta không thử đi thì đâu thể thành đường. Chỉ ngồi sợ mà không làm thì càng tệ hơn. Cái mới đó có thể có người chấp nhận, có người không, nhưng sẽ bổ sung được một góc nhìn khác về cách làm cải lương” - chị quả quyết.