Soạn giả Đăng Minh: Cải lương là cuộc đời tôi

Thứ Năm, 15/12/2022, 14:46

Soạn giả Đăng Minh tên thật là Nguyễn Văn Tươi. Lên 6 tuổi đã biết ca vọng cổ nhưng cậu bé Nguyễn Văn Tươi lại sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật. Ngay người cha của cậu tuy có biết chơi đờn nhưng là kiểu chơi tài tử đúng nghĩa là nghiệp dư mà thôi. Được cái cha cậu cũng mê nghe vọng cổ nên ông thường dắt con từ xã An Cơ, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đi khắp nơi để nghe cải lương, để đắm chìm trong những câu vọng cổ mùi mẫn.

Cậu bé Tươi cứ thế lớn lên giữa thời bom đạn cùng những câu vọng cổ ngày mỗi ngày thêm quyện vào người. Năm 1970, khi tròn 15 tuổi thì cậu Tươi được cha mẹ cho xuống Sài Gòn luyện thi tú tài. Ông Đăng Minh cười hồn nhiên: "Xuống luyện thi là phụ. Cái chính là đi học đờn ca tài tử chỗ thầy Út Trọn ở kế rạp Long Vân (nay là Nhà Văn hóa sinh viên thành phố) - Ông Đăng Minh nói thêm - Hồi đó tôi rất mê Danh ca Minh Cảnh của Đoàn cải lương Kim Chung".

Rồi khi tới 18 tuổi thì cậu trai tên Tươi "vội" theo Đoàn Cải lương Sông Hương của Nghệ sĩ Hoàng Ngọc Ẩn với mục đích là để trốn lính. Vì trốn bị bắt vô lính nên cậu Tươi phải chuyển qua nhiều đoàn để dễ qua mặt "quân dịch". Vậy mà đến năm 1974 khi cơ sở của ta ở Ngã Bảy bị lộ, khi ấy cậu Tươi là giao liên cho cách mạng nên cũng bị truy nã. Cậu Tươi bỏ đoàn hát trốn về quê nhà Tây Ninh, trú tránh ở xã Mổ Công bên huyện Tân Biên (vùng giải phóng). Tại đây anh thanh niên "đứt gánh cải lương" tham gia dạy học ở trường tiểu học.

2.jpg -0
Soạn giả Đăng Minh.

Giải phóng tháng tư năm 1975 đã "hồi sinh" sự mê cải lương, anh Tươi bèn gia nhập Đoàn Văn công tỉnh Tây Ninh, là diễn viên chính của đoàn khi chưa hề qua một trường lớp nào cả. Có lẽ chất giọng và sự đam mê đã giúp anh Tươi có được niềm mê của mình? Cũng từ năm 1976, Nghệ danh Đăng Minh chính thức "bước lên" sân khấu.

Vào đúng ngày 30 tháng 4 năm 1984 (trùng với ngày toàn thắng), diễn viên trẻ Đăng Minh được mời về Đoàn Cải lương Trung Hiếu của Công an TP Hồ Chí Minh. Đăng Minh trở thành "người chiến sĩ Công an nhân dân hát cải lương".

Tôi vội cắt ngang: "Vậy thì ông bắt đầu viết kịch bản cải lương từ khi nào?". Soạn giả Đăng Minh thật thà: "Cũng chẳng qua trường lớp nào cả. Từ năm 1980, tôi đã tập viết kịch bản dưới sự hướng dẫn riêng của thầy Hoa Phượng và thầy Thanh Hiền mà thôi". Ban đầu vừa là diễn viên vừa tham gia viết nhưng Đăng Minh chỉ mới viết dạng những bài ca cổ đơn lẻ, thi thoảng viết "chặp" cải lương cho Đài phát thanh thu phát sóng. Ấy thế mà cũng được 2 đài lớn là Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh sử dụng đều. Soạn giả Đăng Minh lại thật thà: "Hồi đó Soạn giả nổi tiếng Trần Nam Dân giúp đỡ tôi nhiều lắm".

Có lẽ sau sự ra đi của thầy Hoa Phượng, năm 1984, thì cái tên Đăng Minh mới chính thức được nhắc tới với tư cách là soạn giả cải lương. Ông Đăng Minh tâm sự: "Cái chết của thầy Hoa Phượng đã thôi thúc tôi viết kịch bản. Tôi coi đấy là cách tốt nhất để tiếp nối con đường của thầy".

Nói thế, nhưng cũng phải tới năm 1986, khi vở kịch nói "Chiến công thầm lặng", vở diễn nói về chiến công của các chiến sĩ Công an Hà Nội hồi sau 1954 (Vở kịch còn được làm thành phim với tên gọi "Bản danh sách điệp viên") được Đăng Minh chuyển thể sang cải lương thì mới có một kịch bản cải lương hoàn chỉnh. Và vở Cải lương "Vụ án Mã Ngưu" được công diễn năm 1987 đã đánh dấu cho việc sáng tác kịch bản của soạn giả Đăng Minh. Vở cải lương này được chính Đoàn cải lương Trung Hiếu của Công an thành phố dàn dựng và công diễn. Cũng vở diễn này đã đưa Đoàn cải lương Trung Hiếu thành một đoàn cải lương chuyên nghiệp và nổi tiếng với các tên tuổi nghệ sĩ như Châu Thanh, Phượng Hằng, sánh với các đoàn cải lương trong thành phố Phương Nam có rất nhiều đoàn cải lương tên tuổi.

Như là một sự "bén" với đề tài người chiến sĩ Công an nhân dân và những chiến công của lực lượng này, một loạt các vở cải lương do Soạn giả Đăng Minh viết kịch bản được hoàn thành và được công diễn, như các vở: "Lệnh truy nã"; "Tình không biên giới"; "Mối tình ngang trái"; "Giữ trọn tình anh" và "Đồng tiền đẫm máu". Những vở diễn đã góp vào công cuộc giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và bảo vệ nhân dân của Công an TP Hồ Chí Minh.

Mười năm gắn bó với Đoàn Cải lương Trung Hiếu cũng là 10 năm soạn giả Đăng Minh phấn đấu hết mình. Do việc sắp xếp lại tổ chức nên năm 1994, Đoàn Trung Hiếu được giải thể. Công an thành phố đã cử soạn giả trẻ Đăng Minh đi học đạo diễn tại trường Sân khấu - điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp và ra trường, soạn giả Đăng Minh chuyển về tỉnh nhà Tây Ninh công tác, cũng phần vì cha anh qua đời nên anh về quê để chăm lo việc nhà, Đăng Minh là biên tập viên và đạo diễn dàn dựng các chương trình cho Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh. Thời gian này anh không đi hát và viết kịch bản.

4.jpg -0
Cảnh trong vở cải lương "Nghề nuôi quan" của soạn giả Đăng Minh. Nhà hát Trần Hữu Trang dàn dựng. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu.

Năm 2005, vì nhớ sân khấu, nhớ cải lương nên Đăng Minh rời Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh về TP Hồ Chí Minh. Thời gian này nhiều vở cải lương do anh viết kịch bản và dàn dựng được ghi hình phát sóng trên các đài truyền hình trong thành phố và các tỉnh lân cận. Chắc vì thế nên soạn giả Đăng Minh "bén" với điện ảnh - truyền hình?

"Vậy là cũng hơn mười năm "trở lại" với sân khấu, "trở lại" với cải lương - Tôi hỏi chen ngang - Theo suy nghĩ và theo nhìn nhận của ông thì cải lương nói chung hiện nay thế nào?". Sau mấy phút cúi đầu ngẫm nghĩ thì soạn giả Đăng Minh chân thành: "Cải lương hiện nay đang tìm cách vươn lên, thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, của đất nước và của thời đại công nghệ 4.0".

Soạn giả Đăng Minh nói thêm: "Tuy nhiên cải lương hiện nay chỉ còn hoạt động ở các đoàn cải lương nhà nước. Do đó chịu vấn đề bao cấp và đầu tư nên vẫn làm nhiệm vụ chính trị là chính, chưa mở đường ra phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng đang có những đòi hỏi đa dạng hơn và phong phú hơn về nội dung và cách tiếp cận mới với khoa học công nghệ".

Nói rồi, soạn giả Đăng Minh hào hứng: "Tôi thấy vui vì hiện cải lương cũng đã tiếp cận và phổ biến trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chừng đó còn chưa đủ vì vẫn tập trung vào phổ biến những nội dung còn tuỳ vào cảm tính của người đưa nó lên mạng và phụ thuộc vào sự đầu tư của những người bỏ tiền ra mà thôi. Rất cần có hướng đi chung, hướng đi thống nhất và hướng đi nhằm phát triển bộ môn nghệ thuật có tính đặc thù Nam bộ này".

Câu chuyện giữa tôi với soạn giả Đăng Minh càng ngày thấy càng hấp dẫn, càng lúc càng thấy nhiều thấm thía. Đúng như ông Huỳnh Công Danh đã giới thiệu lúc chúng tôi mới "làm quen" là: "Ông Đăng Minh đây lúc chơi cũng nói chuyện cải lương, lúc ăn cũng nói chuyện cải lương và lúc nào cũng chỉ mỗi chuyện cải lương". Soạn giả Đăng Minh hễ có ai nhắc tới cải lương là ông hào hứng vào cuộc trao đổi. Phải nói rằng cải lương như ngấm vào máu thịt người đàn ông có nét mặt "Đặc sệt Nam bộ" này. Nói tới cải lương là soạn giả Đăng Minh như bị "chạm nọc" vậy, ông hào hứng hẳn lên, ông nói nhiều hơn, nói say sưa hơn và cũng đầy tâm huyết. Dường như những trăn trở về bộ môn nghệ thuật riêng có của Nam bộ này luôn thường trực trong đầu người đàn ông này,

Và thế là ông hoạt bát như người vừa được "tăng liều kích thích", những câu chuyện về cải lương say sưa không dứt, những tâm tư về cải lương cứ thế dào dạt và nhưng dự định về chuyên môn của riêng ông cũng theo thế mà tuôn trào. Tôi lắng nghe và thấy vui mừng vì nghệ thuật cải lương tuy có thuyên giảm trong đời sống nhưng vẫn còn những con người nhiệt thành với cải lương.

Soạn giả Đăng Minh đã nhận được Huy chương vàng tại các Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc cho các vở diễn: "Nỗi đau năm tháng"; "Tình không biên giới"; "Chuyện tình thuở ấy"; "Bước qua tâm bão"; "Tình sử hai Vương triều"; "Bão táp một Vương triều".

Nguyễn Trọng Văn
.
.