Giai điệu mùa xuân trên chiếc vĩ cầm tre
"Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn...". Giai điệu bài "Mùa xuân đầu tiên" ngân lên du dương trong lòng người khi ông lướt nhẹ cây vĩ trên dây đàn. Tiếng đàn khác lạ, mộc mạc như gió núi, suối rừng bởi thân đàn không phải là thớ gỗ sồi quen thuộc mà là... cây tre, gốc cà phê!
Trưa cuối năm, tâm hồn nghệ sĩ Nguyễn Trường reo vui như nắng mới ngoài sân khi ngân lên giai điệu bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao. Ông vừa trở về sau chuyến lưu diễn ở Phú Quốc, giới thiệu đứa con tinh thần mới ra lò: vĩ cầm cà phê.
Nổi tiếng với bộ đàn violin lấy cảm hứng từ nhạc cụ tre nứa của đồng bào Ê Đê hồi năm 2021, nhạc sĩ Nguyễn Trường lại khiến bạn bè gần xa lẫn du khách quốc tế trầm trồ kinh ngạc với cây vĩ cầm làm bằng gốc cà phê. Công tác ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk nhưng kể từ khi về hưu năm 2018, ông mới bắt đầu hành trình sáng tạo, cải biên dàn nhạc cụ châu Âu thành những nhạc cụ mang đậm màu sắc Tây Nguyên. Tất cả bắt nguồn từ duyên nợ với vùng đất đỏ này hơn 40 năm trước…
Tốt nghiệp Trường Âm nhạc Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế) năm 1981, chàng lãng tử đất cố đô ôm cây đàn violin lên cao nguyên nắng gió. Giọt cà phê đắng Ban Mê và thanh âm đại ngàn hoang dại đã níu giữ bước chân chàng trai trẻ. Lòng chàng vương vấn tiếng đàn T'rưng, say trong điệu chinh kram, sáo chim, đing năm, đing pâng… Chàng chẳng thể ngờ những ống tre, ống nứa vô tri lại được bàn tay tài hoa của đồng bào dân tộc Ê Đê, M'nông, Ba Na… thổi hồn thành những nhạc cụ rộn ràng và mê hoặc đến thế. Nghe như tiếng suối, tiếng thác từ rừng già ngàn xưa vọng về.
Là nghệ sĩ trẻ trong Đoàn văn công Đắk Lắk (nay là Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk), Nguyễn Trường có dịp đi đây đi đó giao lưu, tìm hiểu âm nhạc bản địa. Điều khiến ông thích thú nhất là được về các buôn làng, trò chuyện với những nghệ nhân cao niên. Họ như chàng Đam San một thuở đi tìm nữ thần Mặt Trời. Ánh mắt quắc thước, giọng nói sang sảng như thác lũ ngày mưa, họ say sưa kể về nhạc cụ cổ truyền mà tổ tiên để lại với người khách lạ. Chẳng ngại ngùng giấu giếm. Chẳng khoa trương khách sáo. Họ vô tư trải hết tấm lòng cho người khách phương xa. Từ Đoàn văn công chuyển sang công tác ở trường cao đẳng, dù chuyên về nhạc cụ hiện đại như vĩ cầm, guitar… nhưng ông vẫn đi sâu nghiên cứu và sưu tầm rất nhiều nhạc cụ dân gian Tây Nguyên.
Mê đắm thanh âm tre nứa mộc mạc của đồng bào, lại là dân chuyên violin, Nguyễn Trường thử mày mò chế tác vĩ cầm bằng tre. Ông muốn làm nên một nhạc cụ vừa hiện đại, vừa gần gũi, đơn sơ như chính con người vùng đất đỏ. Trước cho mình chơi thử, sau nếu thành công, sẽ nhân rộng để ai muốn chơi vilolin đều dễ dàng sở hữu một chiếc. Bởi đàn violin chính hiệu làm từ ván gỗ sồi Tây phương rất đắt. Ông muốn làm ra một chiếc đàn lấy cảm hứng từ đàn violin, chỉ thay thế phần gỗ bằng những nguyên liệu bản địa, dễ kiếm như tre.
Học hỏi cách chế tác chiếc mõ bò của người Ê Đê, ông thử áp dụng kỹ thuật khoét cột hơi để tạo âm thanh cộng hưởng và độ vang xa trên chiếc vĩ cầm mới. Quy tắc phải tuân thủ khi sáng tạo vĩ cầm tre chính là tiêu chuẩn quốc tế về kích thước, kỹ thuật… của đàn vĩ cầm truyền thống. Ban đầu, nghệ sĩ Nguyễn Trường không mấy chú tâm về quy chuẩn kích thước nên sản phẩm làm ra dù chỉ lệch một milimet cũng coi như bỏ. Cây đàn bị câm hoặc ngân lên âm thanh không đạt.
"Việc tuân thủ các quy chuẩn quốc tế không chỉ giúp cây đàn mới không quá khác biệt với bản gốc mà còn giúp bất kỳ người nào biết chơi violin cũng dễ dàng làm quen. Ở violin tre, tôi chỉ thay đổi hình dạng, âm sắc và một số cấu trúc theo hình hài của thiên nhiên" - ông chia sẻ.
Ngày đêm mày mò, làm đi sửa lại với hàng chục sản phẩm bị hỏng, cuối cùng cây violin tre cũng chính thức ra đời. Ông đặt cho nó cái tên đậm chất bản địa: viokram (tên viết tắt ghép từ chữ violin và kram - trong tiếng Ê Đê nghĩa là tre). Viokram vừa mang sự trang nhã, lịch lãm của châu Âu, vừa phảng phất nét mộc mạc, hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên. Đặc biệt, viokram mang lại kỹ thuật tremolo êm ngọt, ngân dài chứ không bị ngắt quãng như nhiều nhạc cụ tre nứa khác. Nó có thể "cân" cả nhạc hiện đại lẫn truyền thống cũng như thể hiện được tất cả thang âm điệu thức của Tây Nguyên.
Đôi lần ghé thăm nhà và để Nguyễn Trường kéo chiếc viokram đệm cho mình hát bài "Đôi chân trần", nhạc sĩ Y Phôn Ksor tấm tắc: "Âm sắc của cây đàn này là sự hòa quyện giữa các loại nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên như kni, bro, đàn goong. Khi tiếng đàn ngân lên, có lúc nghe nức nở như tiếng khóc của mẹ, hoặc thủ thỉ trầm ấm như lời cha kể Khan".
Với sáng tạo độc đáo này, năm 2021 nghệ sĩ Nguyễn Trường được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Người đầu tiên chế tác nên cây đàn violon tre - nhạc cụ độc đáo được lấy cảm hứng từ đàn violon của phương Tây kết hợp với nguyên liệu tre truyền thống của Việt Nam". Từ thành công bước đầu của viokram, ông tiếp tục sáng chế viola tre, cello tre, guitar tre, mandolin tre…. Nhiều nhạc cụ phương Tây được ông "Tây Nguyên hóa". Tất cả đều có thể chơi độc tấu hay hòa tấu trong dàn nhạc, đệm cho người hát.
Vùng đất đỏ bazan vốn nổi tiếng với những hạt cà phê thơm đắng. Gốc cà phê cũng là nguyên liệu dễ kiếm như tre nứa, lại mang đậm dấu ấn cao nguyên. Nghệ sĩ Nguyễn Trường chợt nghĩ sao mình không thử làm vĩ cầm bằng những gốc cà phê trông dáng hình xù xì nhưng rất uyển chuyển? So với chất liệu tre, gỗ cà phê rất cứng, nhiều mu, mắc và gân xoắn, không dễ chế tác.
Ông phải mài giũa, dùng máy móc khoét rỗng từng thớ gỗ rắn đanh như đá rồi khoan lỗ sao cho âm thanh phát ra chuẩn nhất. Mỗi chiếc vĩ cầm cà phê là một độc bản bởi chẳng có gốc cà phê nào giống gốc cà phê nào. Càng nhiều tuổi, gốc càng sần sùi, thớ gỗ càng xoắn chặt với đủ đường ngang dọc.
Nguyễn Trường đưa linh hồn của violin trú ngụ vào gốc cà phê, biến nó trở thành một nhạc cụ đẹp đẽ hoang sơ như dáng hình thiên nhiên ban tặng. So với violin tre, giai điệu của violin cà phê trầm và chắc hơn một bậc, đậm chất mộc của thớ gỗ dày gân guốc. Ông gọi bộ vĩ cầm bằng cà phê của mình là cofvio (viết tắt từ coffee và violin). Vĩ cầm cà phê là tiếng ca của núi non hùng vĩ, là đam mê không ngủ như chắt chiu thân gỗ gửi vào từng hạt cà phê thơm đắng.
Những cây đàn độc lạ ấy đã theo nghệ sĩ Nguyễn Trường chu du biểu diễn nhiều nơi. Đi đến đâu, ông đều khiến các vị khách nước ngoài ồ lên thích thú. Họ trầm trồ trước óc sáng tạo của người Việt, ngạc nhiên trước âm thanh vừa quen vừa lạ của những cây đàn phương Tây mang dáng hình và âm sắc phương Đông. Sau chương trình, họ vây quanh ông, không ngừng đặt câu hỏi về những nhạc cụ độc nhất vô nhị ấy. Để tiện giới thiệu, ông làm sẵn mã QR, du khách nào cần tìm hiểu chỉ cần cầm điện thoại quét mã là đọc được thông tin về cây đàn bằng tiếng Anh do ông dụng công biên soạn sẵn. Từ đó, những nét đặc sắc của âm nhạc dân gian Tây Nguyên được dịp lan tỏa và chinh phục bạn bè năm châu.
Căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Biểu, TP Buôn Ma Thuột lúc nào cũng ăm ắp nhạc cụ tre nứa. Một gian trưng bày nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc, một gian giới thiệu những cây đàn do chính nghệ sĩ Nguyễn Trường sáng tạo nên. Hiện đại nối tiếp truyền thống, như một cách gìn vàng giữ ngọc để âm vang muôn đời của đại ngàn trở nên sống động trong nhịp sống hôm nay. Vì thế, với nghệ sĩ Nguyễn Trường, hành trình sáng tạo nên những cây đàn độc đáo trên mảnh đất Ban Mê nắng gió này sẽ còn dài, còn dài phía trước…