Giải Cống hiến 2023: Kỳ vọng nào cho nhạc Việt
Cũng không mấy ngạc nhiên khi giải thưởng Cống hiến 2023 xướng tên ca sĩ Hoàng Thùy Linh, Tùng Dương, những gương mặt đã có nhiều đóng góp cho đời sống âm nhạc trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhạc Việt cần nhiều hơn nữa những gương mặt mới, những cá tính sáng tạo để đi đường dài.
Cú đúp giải thưởng của Hoàng Thùy Linh
Giải Cống hiến qua gần 20 năm đã trở thành một giải thưởng âm nhạc uy tín, được giới làm nghề chờ đợi. Năm nay, lần đầu tiên giải có thêm lĩnh vực thể thao, với logo, cúp và bộ nhận diện thương hiệu mới.
Giải thưởng Cống hiến - Âm nhạc gồm các hạng mục: Bài hát của năm, Music video của năm, Nghệ sĩ mới của năm, Nam ca sĩ của năm, Nữ ca sĩ của năm, Chương trình của năm, Album của năm, Nhà sản xuất của năm và Nhạc sĩ của năm.
Giải Cống hiến - Thể thao gồm các hạng mục: Gương mặt trẻ thể thao của năm, Gương mặt thể thao của năm và Chiến tích thể thao của năm.
Ngoài ra, năm nay cũng là mùa đầu tiên Ban tổ chức mở rộng bình chọn trực tuyến cho khán giả ở 5 hạng mục giải thưởng Âm nhạc gồm: Bài hát của năm, Music video của năm, Nghệ sĩ mới của năm, Nam ca sĩ của năm, Nữ ca sĩ của năm.
Ở lĩnh vực âm nhạc, vượt qua những đối thủ nặng ký như Mỹ Anh, Wren Evans, Madihu và Tăng Duy Tân, Mono giành giải Nghệ sĩ mới của năm. Là một ca sĩ trẻ, vừa mới ra mắt, nhưng ca khúc "Waiting for you" trong album "22" đầu tay của anh đã sớm lọt top Trending trên Youtube, đạt những thành tích đáng nể. Đáng chú ý, Mono còn tự sáng tác 11 ca khúc trong album này theo một mạch chuyện xuyên suốt.
Ở hạng mục Chương trình của năm, liveshow "Tri âm" của ca sĩ Mỹ Tâm được vinh danh. Đây là một liveshow được đầu tư công phu, diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình, thu hút hơn 30 ngàn khán giả tham gia. Có thể nói, lần đầu tiên, một nghệ sĩ Việt Nam tổ chức liveshow quy mô, bài bản và được đông đảo công chúng đón nhận như vậy. Điều đó một lần nữa cho thấy sức hút của Mỹ Tâm vẫn chưa bao giờ nguội dù bên cạnh chị đã có khá nhiều tên tuổi mới.
Hoàng Thùy Linh là ca sĩ thành công nhất tại giải thưởng Cống hiến 2023 khi giành tới 3 giải thưởng quan trọng. Album "Link", ca khúc "Gieo quẻ" được vinh danh ở hai hạng mục "Album của năm" và "Video âm nhạc của năm". Ban tổ chức chọn ca khúc "Gieo quẻ" chứ không phải "See tình"của Hoàng Thùy Linh dù "See tình" đã vượt ra ngoài biên giới đất nước, trở thành một hiện tượng âm nhạc. Họ đánh giá cao từ giai điệu đến hình thức ca khúc mang đậm chất âm nhạc dân gian, được triển khai khúc chiết, chặt chẽ.
Ngoài ra, Hoàng Thùy Linh được vinh danh Nữ ca sĩ của năm. Cô là một trong những ca sĩ luôn luôn biến hóa và sáng tạo, đưa yếu tố văn hóa dân gian vào các sản phẩm âm nhạc của mình và cũng được đông đảo khán giả yêu mến. Các ca khúc của Hoàng Thùy Linh đều có độ phủ sóng cao ở các nền tảng, mạng xã hội… Ca khúc "See tình" ra mắt cách đây hơn 1 năm, đến nay vẫn được đang được rất nhiều ca sĩ, ngôi sao thể thao châu Á cover lại hoặc nhảy theo vũ đạo trong MV.
Giải Cống hiến 2023 một lần nữa lại gọi tên Tùng Dương là Nam ca sĩ của năm. Tùng Dương cũng là người luôn luôn sáng tạo, tạo ra những thử thách để cho mình "vượt khó". Năm 2022, anh đã liên tục ra những sản phẩm mới, thử nghiệm nhiều dòng nhạc, chất liệu âm nhạc mới mẻ. Có thể nói, cái tên Tùng Dương chưa bao giờ ngừng hot khi anh biết dung hòa giữa đại chúng và tinh hoa để có được một lượng fan lớn. Anh cũng là nam ca sĩ giành nhiều giải Cống hiến nhất trong lịch sử giải thưởng, với tổng cộng 13 giải cho đến nay.
Nhạc sĩ Khắc Hưng được vinh danh Nhạc sĩ của năm. Anh là người đứng đằng sau thành công của rất nhiều ca sĩ. Các giải Cống hiến của Mỹ Tâm, Hoàng Thùy Linh đều có sự tham gia của anh với vai trò nhạc sĩ hoặc Giám đốc sản xuất. Ca khúc "Bên trên tầng lầu" của Tăng Duy Tân được trao giải Ca khúc của năm. Đây là ca khúc liên tục đứng đầu Bảng xếp hạng Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs và Hot 100 của Billboard Việt Nam, đồng thời xuất hiện trên một số bảng xếp hạng âm nhạc ngoài nước cũng như danh mục thịnh hành của YouTube toàn cầu. "Bên trên tầng lầu" cũng rất phổ biến trên các mạng xã hội, là một trong những ca khúc hot trong giới trẻ, đặc biệt là Gen Z.
Nhóm DTAP được trao giải Nhà sản xuất của năm, với vai trò sản xuất hàng loạt dự án tạo tiếng vang như "Người ơi người ở đừng về" (Đức Phúc), "See tình" (Hoàng Thùy Linh). Đây cũng là nhóm sản xuất thường lựa chọn chất liệu văn hóa truyền thống cho các sản phẩm âm nhạc, được đại chúng yêu thích. Ở lĩnh vực thể thao, giải Gương mặt thể thao của năm được trao cho vận động viên Nguyễn Thị Oanh, "cô gái vàng" của làng điền kinh Việt Nam. Giải Gương mặt trẻ của năm được trao cho cầu thủ trẻ Khuất Văn Khang, tuyển thủ U-20 Việt Nam. Chiến tích thể thao của năm được trao cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam khi lần đầu tiên họ giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup.
Và câu chuyện về đường dài của âm nhạc Việt
Giải thưởng Cống hiến phản ánh một phần đời sống sôi động của âm nhạc Việt với những cái tên mới và trẻ. Ngoài hai nghệ sĩ gạo cội là Mỹ Tâm và Tùng Dương, thì giải thưởng chú yếu nhắm vào những nghệ sĩ đang nắm giữ những vị trí đầu bảng trong top trending như Hoàng Thùy Linh, Tăng Duy Tân, Mono. Không thể phủ nhận thành công của những nghệ sĩ trẻ này, họ đã mang đến cho nhạc Việt đương đại một làn gió mới và dần dần bước ra khỏi ao làng của chính mình. Họ là những nghệ sĩ trẻ, tài năng, được đào tạo bài bản, có thể vừa sáng tác, vừa biểu diễn, hướng tới những chuẩn mực của các nghệ sĩ quốc tế.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần bề nổi của thị trường âm nhạc Việt Nam mà nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cảnh báo rằng: "Đừng vội nhìn vào những con số triệu view mà tự hào và ảo tưởng, nhạc Việt đã quá đẳng cấp rồi". Thực tế, nhạc Việt vẫn phát triển mất cân bằng và cần nhiều hơn nữa những nghệ sĩ sáng tạo, đi đường dài, cống hiến nhiều sắc màu cho đời sống âm nhạc đương đại.
Nhạc sĩ Quốc Trung, trong tham luận Hội thảo văn hóa năm 2023 chia sẻ: "Là người làm nghề và đứng trong đội ngũ sáng tạo chung của cả xã hội, tôi nhận thấy ngoài thói quen cơm áo gạo tiền lâu nay thì ngay đến lớp trẻ của chúng ta cũng đang lao theo một thói quen thiên về danh vọng và tiền bạc. Tuy nhiên, cũng cần có những đánh giá một cách khách quan về cái mà chúng ta cần tạo ra, đó chính là môi trường làm việc, môi trường sáng tạo, thị trường lành mạnh, cạnh tranh lành mạnh để có thể có một nền công nghiệp âm nhạc tiên tiến". Anh cũng cho rằng, thành công hay sự nổi tiếng, những con số triệu view của các nghệ sĩ trẻ chưa nói lên điều gì nhiều. Điều cần nhất là họ biết đi đường dài trên con đường sáng tạo chứ không phải đi theo trào lưu và xu hướng. Nghệ sĩ trẻ cần xác lập những cá tính của mình.
Theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, nhạc Việt đương đại đang "mất cân bằng về hệ sinh thái". Anh cho rằng: "Sự cân đối giữa những dòng nhạc, thể loại và phân khúc còn khá lỏng lẻo, rời rạc, manh mún. Chúng ta vui, vì nhạc Việt được lan tỏa, nhưng đừng lấy đó mà tự hào thái quá, và cũng đừng ảo tưởng là âm nhạc Việt Nam đã quá đẳng cấp rồi. Âm nhạc chuyên nghiệp không đơn giản vậy đâu! "Gangnam style" đình đám một thời, vượt ra khỏi châu Á đến khắp thế giới, mà giờ thì mất tăm, bởi chính giá trị thực của nó. Rồi Lambada cũng vậy".
Giải thưởng Cống hiến tôn vinh những đóng góp của các nghệ sĩ cho đời sống âm nhạc, nhưng đó cũng là một cơ hội để chúng ta nhìn lại đời sống âm nhạc Việt Nam. Muốn phát triển bền vững và lâu dài, để những ca khúc không chỉ hot trong một thời gian rồi biến mất, để âm nhạc Việt đi ra thế giới bằng những giá trị thực, bền vững, chúng ta cần nhiều hơn nữa những tiếng nói mới, giọng điệu mới, những nghệ sĩ đi đường dài trên con đường nghệ thuật khắc nghiệt.