Duyệt phim chiếu rạp, phim chiếu mạng: Cần sự bình đẳng

Thứ Sáu, 03/06/2022, 14:27

Việc kiểm duyệt phim điện ảnh chặt chẽ bao nhiêu thì đối với phim chiếu mạng lại mới chỉ dừng ở việc hậu kiểm. Vấn đề cần bàn là làm sao để kiểm duyệt các phim trên Internet công bằng, bình đẳng như các phim điện ảnh, tránh tình trạng "được vạ thì má đã sưng".

Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, một bộ phim chiếu trên nền tảng OTT (Internet) dễ dàng tiếp cận được số lượng người xem lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn là phim chiếu rạp, phim truyền hình. Ngồi trong nhà, nằm trên giường, ở trong bếp cũng có thể xem được phim trên mạng.

Tuy nhiên, việc kiểm duyệt phim điện ảnh chặt chẽ bao nhiêu thì đối với phim chiếu mạng lại mới chỉ dừng ở việc hậu kiểm. Vấn đề cần bàn là làm sao để kiểm duyệt các phim trên Internet công bằng, bình đẳng như các phim điện ảnh, tránh tình trạng "được vạ thì má đã sưng".

Phim chiếu mạng liên tục vi phạm

Lâu nay, chúng ta mới chỉ tiền kiểm phim truyền hình và phim điện ảnh chứ chưa tiền kiểm phim chiếu mạng. Và vì thế, có không ít phim chiếu mạng có nội dung nhảm nhí, độc hại, vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước... đã từng xảy ra. Trước khi bị "đọc lệnh" xử phạt và yêu cầu gỡ bỏ, thì phim xấu đã được tải về máy tính cá nhân.

Trong khi các dịch vụ trực tuyến trong nước đều phải đăng ký và được cấp phép, chịu sự tác động của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh và các nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực phát thanh, truyền hình thì hầu hết các đơn vị nước ngoài không đăng ký cấp phép, có máy chủ đặt tại nước ngoài. Nội dung không qua kiểm duyệt, xuất hiện đầy rẫy hình ảnh kích động bạo lực, khiêu dâm, thậm chí xuyên tạc, phản động, chống phá, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Đơn cử như Netfix đã phổ biến ít nhất 3 phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước ta như "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta", "Bà Ngoại trưởng", "Bill Gates". OTT xuyên biên giới này hiện đứng thứ 2 trong top 5 OTT phổ biển nhất tại Việt Nam về người xem nhưng lại là đơn vị gây thất thu thuế nhiều nhất.

image_6483441.jpg -0
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Tiền kiểm cùng tiền kiểm, hậu kiểm cùng hậu kiểm.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, những phim hài nhảm, seri phim giang hồ (thực ra, những thể loại này không được gọi là phim, nhưng nó tồn tại trên không gian mạng và nếu hiểu theo một khái niệm mở thì nó cũng được tạm gọi là một loại phim mạng) thời gian qua đã làm mưa làm gió nhưng không phải chịu sự tiền kiểm từ cơ quan chức năng. "Chỉ cần có mạng là thành diễn viên" - Đó là lý do, cõi mạng đóng góp những gương mặt giang hồ lấn sân showbiz với nhiều nội dung nhảm nhí, khiêu dâm, bạo lực, cờ bạc...

Seri phim giang hồ có sự góp mặt của những giang hồ mạng như Phú Lê, Khá "Bảnh", Dũng "trọc", Dương Minh Tuyền, Đường "Nhuệ"… trở thành thần tượng của một bộ phận giới trẻ. Hầu hết các "diễn viên" này đều đã từng đi trại hoặc đang đi trại, có mối quan hệ phức tạp, liên quan đến các hoạt động mặt trái của xã hội. Nói thế để thấy rằng, sự ảnh hưởng của loạt phim này là rất xấu đối với giới trẻ, gây ra những hệ luỵ nhãn tiền.

Trên mạng Internet vẫn đang tồn tại các trang web, các ứng dụng cung cấp phim (gồm cả miễn phí và thu tiền người xem thông qua hình thức cho thuê phim, mua phim) nhưng không được cấp có thẩm quyền về điện ảnh cấp phép phổ biến phim. Hệ quả là có nhiều nội dung chưa phù hợp, thậm chí vi phạm pháp luật; cung cấp phim không có bản quyền…

Có thể thấy, thời gian qua, dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới tại Việt Nam đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, đăng tải thông tin tiêu cực, rất nguy hiểm đối với người tiếp nhận. Tuy vậy, hiện nay nước ta vẫn chưa có khung pháp lý liên quan đến việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phù hợp để điều tiết hài hòa; Hay bất cập về việc cấp phép, quản lý kiểm soát nội dung dẫn đến các đơn vị trong nước vẫn đang phải chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng do phải tuân thủ quy định pháp luật trong nước, trong khi các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên quốc gia lại không chấp hành… Vì thế, để quản lý được các loại hình này, cần sửa đổi Luật Điện ảnh một cách toàn diện.

Cần có quy chế phù hợp

Vấn đề đặt ra là phải kiểm soát phim trên nền tảng OTT thế nào cho hiệu quả, mà vẫn không bóp nghẹt sự sáng tạo của nghệ thuật, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp làm phim trong nước và OTT xuyên biên giới. Vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc trong phiên thảo luận mới đây của Quốc hội.

Nếu đặt ra vấn đề tiền kiểm các phim nền tảng OTT thì đối với một xã hội số, một không gian mạng mênh mông, không biên giới như hiện nay, thì việc quy định tiền kiểm phim trên không gian mạng là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay, một năm chúng ta mới kiểm duyệt 350 phim tồn đọng, thì với số lượng phim mạng (không đếm được) thì việc này là không thể thực hiện.

281469815_407386338198271_2884915993616240550_n.jpg -0
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân phát biểu: “Đề nghị cân nhắc kĩ việc hậu kiểm để giảm thiểu các tình trạng xuyên tạc sự thật lịch sử, đưa các thông tin xấu, độc”.

Hàng ngày, hàng giờ có hàng trăm hàng nghìn bộ phim ra mắt trên nền tảng OTT. Để tiền kiểm phải đòi hỏi một đội ngũ cán bộ rất lớn ngồi xem xét và thẩm định. Chúng ta lấy đâu ra kinh phí để trả lương cho những người ngồi duyệt phim mạng?

Nhưng nếu đặt ra vấn đề hậu kiểm thì càng không khả thi, vì gỡ bỏ các nội dung sai phạm là một việc làm không nhiều ý nghĩa khi người xem đã kịp tải xuống để đăng tải trên các nền tảng khác. Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng: Việc để các nền tảng này "tự do đi lại trên mặt trận văn hóa" đã gây nên những tổn thương không hề nhỏ đến đời sống tinh thần của xã hội trong thời gian qua và ông cũng đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Quốc hội cân nhắc kỹ việc hậu kiểm với việc phổ biến phim trên không gian mạng, để làm thế nào khi Luật Điện ảnh có hiệu lực thì các nền tảng xuyên biên giới không có bất kỳ cơ hội nào xâm lấn bờ cõi tư tưởng văn hóa người xem.

Thực tế hiện nay cho thấy, phim chiếu rạp và phim truyền hình chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ, nhưng phim trên mạng gần như không chịu sự kiểm soát nào. Vì thế đang có sự bất bình đẳng giữa phim trong nước và phim trên nền tảng OTT. "Tiền kiểm cùng tiền kiểm, hậu kiểm cùng hậu kiểm. Tất nhiên, đối với các nền tảng OTT xuyên biên giới thì cách thức kiểm soát cũng phải phù hợp với điều kiện công nghệ và khoảng cách địa lý, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng với điện ảnh trong nước nếu họ xâm nhập thị trường Việt Nam", Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nói.

Cũng theo ông Trương Trọng Nghĩa, các quốc gia phát triển đang sử dụng điện ảnh để "xuất khẩu văn hoá". Việc đưa điện ảnh thâm nhập thị trường nước khác nhằm quảng bá hình ảnh con người, văn hóa của nước đó cũng gây ra không ít tiêu cực và có thể gây ảnh hưởng lâu dài. Cách đây hơn 20 năm, Hàn Quốc là một trong những nước đi đầu trong việc "xuất khẩu văn hóa". Sự xâm lấn văn hóa thông qua điện ảnh, phim truyền hình Hàn rất rõ rệt khi một thời, các cô gái, chàng trai của Việt Nam ta trở thành những cô nàng Hàn Quốc, những chàng "oppa" nhan nhản trên đường phố với phong cách "tóc nâu môi trầm" giống hệt nhau. Một làn sóng đua nhau đi học tiếng Hàn, hát các bài hát tiếng Hàn và sử dụng mĩ phẩm, thời trang, công nghệ làm đẹp của Hàn đã trở nên quen thuộc đối với thị trường trong nước. Nếu không giật mình nhìn lại, sẽ rất khó để nhận ra được bản sắc của các chàng trai, cô gái Việt Nam.

Một sân chơi rõ ràng là chưa sòng phẳng, chưa công bằng giữa phim điện ảnh với phim phát mạng. Hiện nay điện ảnh Việt Nam bị cản trở rất nhiều và mất đi sức cạnh tranh đối với phim chiếu mạng. Vừa lo nội dung sao cho chuẩn chỉ, vừa phải bán được "hàng", không bị lỗ lại còn phải chạy đua trong cuộc cạnh tranh với OTT nước ngoài, nên chăng, bên cạnh việc kiểm duyệt phim thì cần phải nâng cao trách nhiệm của chính những nhà làm phim, những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh.

Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, chủ thể phổ biến phim phải tự phân loại phim theo tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim. Nếu vi phạm phải có những hình thức xử lý nghiêm minh. Thực tế cho thấy, nhiều bộ phim vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Chủ thể làm phim không ngại bỏ tiền vài chục triệu đồng ra nộp phạt khi bị "thổi còi" bởi lợi nhuận thu về đã gấp nhiều lần.

Đinh Hiền
.
.