Phim chiếu rạp chuyển thể từ truyện cổ tích:''Món ngon'' khó làm?

Chủ Nhật, 01/10/2017, 08:13
Thời gian gần đây, một số phim Việt chiếu rạp chuyển thế từ truyện cổ tích nhận được sự quan tâm của truyền thông cũng như người hâm mộ. Chuyển thể phim từ truyện cổ tích không phải việc làm mới của điện ảnh thế giới nhưng là hướng đi đáng chú ý trong bối cảnh điện ảnh Việt đang phát triển mạnh mẽ nhưng thiếu vắng tác phẩm thực sự "tới tầm". Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều vấn đề phải bàn luận trong trào lưu làm phim này.


Viết tiếp truyện cổ tích bằng phim chiếu rạp

Chiều 17/9 vừa qua, Hãng phim TNA Entertainments công bố dự án phim mang tên "Sơn Tinh, Thủy Tinh". Bộ phim lấy cảm hứng từ truyền thuyết "Sơn Tinh, Thủy Tinh" của Việt Nam, mang phong cách phiêu lưu giả tưởng, hứa hẹn sẽ gây được sự chú ý với công chúng yêu môn nghệ thuật thứ bảy. Dự án phim là sự hợp tác đầu tiên giữa nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh với đạo diễn Victor Vũ. Được biết, phim đang trong quá trình hoàn thiện kịch bản, chọn bối cảnh phim.

Theo đạo diễn Victor Vũ, cốt truyện phim bám sát truyền thuyết "Sơn Tinh, Thủy Tinh" nhưng không đơn giản là kể lại truyện một cách đơn thuần mà dựa trên chất liệu cũ để tìm ra hướng đi khác lạ. "Sơn Tinh, Thủy Tinh" chắc chắn sẽ phải là một bộ phim mới lạ, gây bất ngờ, có hiệu ứng hình ảnh xuất sắc. 

Chúng tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là một tác phẩm tốt để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khán giả", đạo diễn, diễn viên Trương Ngọc Ánh chia sẻ. Liệu "Sơn Tinh, Thủy Tinh" có làm nên chuyện hay không, câu trả lời phải chờ đến khi bộ phim ra mắt vào năm tới.

Phim “Sơn Tinh, Thủy Tinh” sẽ ra rạp vào năm 2018

Tính đến thời điểm này, xét về mặt doanh thu và truyền thông,"Tấm Cám - Chuyện chưa kể" (Đạo diễn Ngô Thanh Vân, ra rạp tháng 8/2016) là phim thành công nhất trong trào lưu chuyển thể phim từ truyện cổ tích. "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" có sự kế thừa, phát triển cốt truyện cổ tích "Tấm Cám", mang đến cho người xem những cung bậc cảm xúc mới. Hình ảnh, cảnh quay trong phim đẹp, kỹ xảo hấp dẫn. Dàn diễn viên trẻ, đẹp, đủ sức kéo khán giả đến rạp.

Âm nhạc trong phim là một điểm nhấn đáng chú ý. Sau hơn một tháng công chiếu, "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" thắng lớn về mặt doanh thu khi đạt đến con số đáng ngưỡng mộ là hơn 66 tỷ đồng (kinh phí đầu tư được công bố là 22 tỷ đồng). Ca khúc nhạc phim là "Bống bống bang bang" của nhóm 365 liên tiếp "càn quét" các bảng xếp hạng âm nhạc lớn, nhỏ trong nước.

Trước khi ra mắt vào năm 2014, "Cuộc chiến với chằn tinh" (Thạch Sanh 3D) của đạo diễn Hải Âu được kỳ vọng sẽ mang đến cho khán giả nhiều điều mới lạ với những trận đánh rung trời, chuyển đất với chằn tinh, hoành tráng và đậm chất sử thi. Tuy nhiên, khi ra rạp, "Cuộc chiến với chằn tinh" không tạo được dấu ấn, thậm chí là bị "ném đá" kịch liệt. Khán giả nhận xét rằng, kịch bản phim chắp vá, tạo hình nhân vật thiếu tinh tế, phần kỷ xảo (được kỳ vọng nhất) lại quá tệ.

Thực chất thì việc chuyển thể phim từ truyện cổ tích đã từng xuất hiện ở Việt Nam khá lâu. Phim "Dã Tràng xe cát Biển Đông" (Đạo diễn Khánh Dư, chuyển thể kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát) ra mắt cách đây hơn 20 năm được coi là tác phẩm điện ảnh đầu tiên chuyển thể từ truyện cổ tích của Việt Nam. Bộ phim từng đoạt giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1995. "Dã Tràng xe cát Biển Đông" được đánh giá là bám sát nội dung truyện cổ tích. Điểm khác biệt đáng chú ý là ở phần kết khi bộ phim xây dựng nhân vật biến thành con dã tràng là người vợ tham lam chứ không phải ông chồng như trong sự tích về con dã tràng được mọi người biết đến.

Thách thức lớn nằm ở khâu kịch bản

Thách thức lớn với các nhà làm phim chuyển thể từ truyện cổ tích là đòi hỏi phải có sự kế thừa, phát triển mới, không thể "bê nguyên" câu truyện cổ lên màn ảnh. Kịch bản phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" có nhiều sự khác biệt so với phiên bản gốc.

Những chi tiết trong phim như: Tấm bị mẹ con Cám giết chết rồi biến thành chim Vàng Anh bảo vệ Thái tử không bị Cám ám sát; biến thành cây xoan đào bảo vệ Thái tử trước âm mưu mưu hiểm độc của lão Thừa tướng có âm mưu tạo phản; biến thành cây thị đỡ Thái tử khi Thái tử bị xô xuống núi; bà lão người dân tộc đưa Thái tử về nhà chăm sóc, nàng Tấm từ quả thị hiện ra gặp Thái tử; Lão Thừa tướng là một con quái vật… không có trong truyện cổ tích "Tấm Cám".

Rất nhiều khán giả cho rằng, chi tiết cuối cùng trong "Tấm Cám - chuyện chưa kể" vô lý, "lạc" so với mạch chung của bộ phim. Ở cuối phim, một trận chiến ác liệt giữa Thái tử và lão Thừa tướng đã diễn ra. Khi lão Thừa tướng hiện nguyên hình là một con quái vật thì Thái tử cũng uống một viên thuốc thần kỳ, tự biến mình thành quái vật để đánh với lão Thừa tướng. Cuối cùng, Thái tử giết được Thừa tướng và nhờ giọt nước mắt của Tấm mới có thể trở lại hình dạng con người.

Tạo hình Thạch Sanh xuất hiện trong phim "Cuộc chiến với chằn tinh" gây tranh cãi.

Dẫu rằng, kết thúc phim vẫn "có hậu", cái thiện chiến thắng cái ác, người tốt sẽ được hạnh phúc nhưng chi tiết cuối phim khiến không ít người cảm thấy hụt hẫng. Có khán giả nói rằng, chi tiết Thái tử biến thành quái vật khiến họ liên tưởng đến câu chuyện "Người đẹp và quái vật". Vì sao Thái tử phải biến thành quái vật để tham gia cuộc chiến? Phải chăng để câu chuyện trở nên kịch tính và "có đất" để trưng trổ kỹ xảo điện ảnh? Chi tiết này bị coi là điểm trừ trong kịch bản phim "Tấm Cám - chuyện chưa kể".

"Cuộc chiến với chằn tinh" lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Thạch Sanh và kịch bản phim cũng có nhiều nét khác biệt so với truyện. Việc cho Thạch Sanh xuất hiện từ một hòn đá bị lên án khi làm liên tưởng đến câu chuyện Tây Du Ký của Trung Quốc. Nhân vật Thạch Sanh được cách tân về tạo hình và cá tính, là sự phối kết hợp từ nhiều yếu tố từ thần thoại, truyền thuyết, cổ tích và hiện đại.

"Cuộc chiến với chằn tinh" là bước đột phá của điện ảnh nước nhà khi ứng dụng công nghệ 3D nhưng tạo hình chằn tinh bị đánh giá là "không khác tảng đá di động", ngờ nghệch, ngô nghê chứ không hung bạo, nguy hiểm như trong truyện cổ tích. Những cảnh chiến đấu giữa Thạch Sanh với chằn tinh giả tạo như hình ảnh trong game online.

Có thể nói rằng, truyện cổ tích là kho tàng cung cấp tư liệu dồi dào, hấp dẫn cho sáng tác kịch bản phim điện ảnh. Phim lấy cảm hứng từ truyện cổ tích gây được sự chú ý do truyện cổ tích gắn liền với tuổi thơ của mọi người và ai cũng tò mò muốn xem nhân vật mình yêu thích được thể hiện thế nào trên màn ảnh.

Truyện cổ tích luôn hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống, cái tốt, cái thiện luôn được đề cao và chiến thắng nên luôn được đón nhận. Khi truyện cổ tích còn được yêu thích thì phim chuyển thể từ truyện cổ tích sẽ vẫn được được chào đón. Bên cạnh đó, các nhà làm phim cũng không phải lo đến chuyện trả tiền bản quyền cho tác giả truyện cổ tích cũng như "ký kết giới hạn" về việc cải biên tác phẩm.

Tuy nhiên, truyện cổ tích thường có cốt chuyện đơn giản, dễ hiểu, không có nhiều tình tiết gây cấn hay mâu thuẫn. Chính vì thế, để phim hấp dẫn, biên kịch phải có sự sáng tạo, xây dựng tình tiết mới hoặc diễn giải sâu sắc hơn tình tiết có sẵn. Điều này không hề dễ dàng, đòi hỏi sự hiểu biết, khả năng sáng tạo, tư duy logic của nhà làm phim. Nhà làm phim cần phải chắt lọc tình tiết dân gian để đưa vào tác phẩm phù hợp với khán giả và bối cảnh thời đại mới. Phim chuyển thể từ truyện cổ tích là "đất" để sử dụng kỹ xảo điện ảnh nhưng việc lạm dụng kỹ xảo, thiếu tính toán hợp lý có thể phản tác dụng.

Không ít phim được chuyển thể từ truyện cổ tích của hãng phim lừng danh Disney gây được tiếng vang và doanh thu "khủng" không thua kém bất kỳ một bộ phim khai thác mảng đề tài chính thống nào. Bộ phim "Alice ở xứ sở thần tiên", sản xuất năm 2010, chuyển thể từ phim hoạt hình cùng tên và cuốn sách của tác giả Lewis Caroll, đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu.

Lấy cảm hứng từ phim hoạt hình "Sleeping beauty", bộ phim "Maleficent" (Tiên hắc ám), sản xuất năm 2014 đạt doanh thu gần 800 triệu USD. Ngoài ra còn có phim "Cinderella" (Lọ Lem) ra mắt 2015, đạt doanh thu hơn 500 USD; "The Jungle Book" (Cậu bé rừng xanh) đạt doanh thu gần 1 tỷ USD. Gần đây nhất, "Beauty and The Beast" (Người đẹp và quái vật) ra mắt đầu năm 2017 đạt doanh thu "khủng" là gần 1,3 tỷ USD trên toàn cầu.

Tường Phạm
.
.