Đưa di sản hát Xoan lan tỏa đến cộng đồng

Thứ Sáu, 29/03/2024, 09:28

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã dành 2 năm điền dã, nghiên cứu và thu âm những bài Xoan cổ với mong muốn lưu giữ lại những giá trị nguyên bản của nghệ thuật hát Xoan và lan tỏa đến cộng đồng. Lần này, một di sản của ông cha sẽ được số hóa và hiện diện trong đời sống một cách gần gụi, mộc mạc.

Nghệ nhân chật vật nuôi dưỡng đam mê

Theo chân nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long về Phường Xoan Thét (thuộc xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), nơi anh chọn để thu âm cho dự án của mình, chúng tôi cảm nhận rõ nét tình yêu với nghệ thuật hát Xoan của người dân nơi đây.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, Thét là một trong 4 phường Xoan gốc có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nguồn gốc hình thành và quá trình nuôi dưỡng, phát huy nghệ thuật hát Xoan của dân tộc. Ở đây có nhiều nghệ nhân uy tín, được sinh trưởng trong gia đình truyền thống nhiều đời gắn với hát Xoan, chẳng hạn Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga có bố mẹ đều là nghệ nhân uy tín thuộc phường Xoan An Thái, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngà có mẹ là cố nghệ nhân Lê Thị Tú.

432416168_1091796185378199_35665231832808356_n.jpg -0
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã có thâm niên 10 năm nghiên cứu về hát Xoan.

Ở phường Xoan Thét hiện nay có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 9 Nghệ nhân Ưu tú, nhiều nghệ nhân là đào hát chính như: Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga - trùm phường, Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Nhàn, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngà, Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuyết, kép Xoan - Nguyễn Minh Trí... Đặc biệt, có tới 30 "truyền nhân" dưới 18 tuổi vẫn đang học hỏi để tiếp nối và lưu truyền di sản hát Xoan của ông cha.

Hình thức và nội dung hát Xoan gắn với thiên nhiên, con người, đời sống nhân dân địa phương và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt. Qua lời hát và điệu bộ, người dân bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên, các vị vua Hùng và cầu mong hạnh phúc, thịnh vượng, thời tiết thuận lợi, vạn vật tốt tươi và mùa màng bội thu. Theo các nghệ nhân, trước khi được UNESCO ghi danh vào danh mục các Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, các phường Xoan đã tích cực cùng địa phương bảo vệ di sản cả về hình thức diễn xướng, các bài hát Xoan, không gian văn hóa và các yếu tố khác.

Điều khiến chúng tôi xúc động là tình yêu Xoan như ngấm vào máu của người dân nơi đây. Họ, mỗi người có một nghề để mưu sinh, người làm ruộng, người lái taxi, người làm spa, hay cán bộ, nhưng đều có chung một tình yêu với Xoan. Bất cứ lúc nào gọi đi biểu diễn, họ đều sẵn sàng. Bởi vì: "yêu Xoan, Xoan đã thành hơi thở của mình rồi", Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga - trùm phường Xoan Thét chia sẻ. Bà nói: "U70 nhớ nhớ quên quên nhưng riêng Xoan thì tôi không quên bất cứ câu nào".

Bà chia sẻ, 4 phường Xoan ở Phú Thọ nức tiếng, nên từ xa xưa đã được cộng đồng 30 làng, 18 xã của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc (Vĩnh Phú xưa) mời đến biểu diễn trong các ngày hội làng, hội tổng. Vì thế, hát Xoan mới ghi dấu tại nhiều làng quê và là niềm tự hào của mỗi người dân sinh ra và lớn lên ở đây. Ngày nay, hát Xoan vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể khi xuất hiện trong nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh, đặc biệt là Giỗ Tổ Hùng Vương.

Điều đáng tiếc là việc bảo tồn - gìn giữ - lưu truyền hát Xoan gặp nhiều khó khăn. "Hễ ở đâu mời đến hay làng có việc là chúng tôi sẵn sàng gác lại mọi việc để biểu diễn hát Xoan phục vụ mọi người. Mỗi buổi biểu diễn ở các sự kiện, người ta chỉ trả cho chúng tôi có 100.000 đồng/người, trẻ con không được trả mức đó. Có những buổi diễn không có thù lao.

Hiện nay, mỗi năm tỉnh cấp cho chúng tôi 30 triệu, thành phố cấp 25 triệu để duy trì hoạt động của phường Xoan nhưng cũng rất eo hẹp và khó khăn vì rất nhiều thứ phải chi. Đôi khi, chúng tôi phải bỏ tiền túi ra để đóng góp nhằm duy trì hoạt động của phường Xoan. Vì tình yêu đối với Xoan, vì trách nhiệm của nghệ nhân hát Xoan mà chúng tôi chấp nhận thiệt thòi và sẵn sàng làm mọi việc, miễn sao hát Xoan được "sống" và được lan tỏa đến mọi người", nghệ nhân Bùi Thị Kiều Nga bày tỏ.

Nghệ nhân Lê Thị Hoa (sinh năm 1983) làm nghề spa nhưng hễ có người gọi đi diễn Xoan là sẵn sàng đóng cửa tham gia. Hoa có thời gian sang Nhật học nghề nhưng vẫn nhớ Xoan, thỉnh thoảng ngồi hát một mình, theo dõi từng hoạt động của phường Xoan. 6 năm ở Nhật nhưng về nước được 3 ngày, Hoa đã nhập cuộc đi hát Xoan cùng các nghệ nhân, như Xoan chưa rời xa chị bao giờ. Con gái Hoa theo mẹ đi học Xoan từ bé nên cũng ngấm và yêu, giờ là lứa đào trẻ đầy triển vọng của phường Xoan Thét.

Kép Xoan Nguyễn Văn Tuấn làm nghề lái taxi nhưng đã có thâm niên tham gia phường Xoan Thét hơn 15 năm. Trước khi biểu diễn cho chúng tôi, anh đã kịp đi một “cuốc” taxi. "Tôi rất tự hào khi biết đến hát Xoan từ rất sớm. Tôi dành cho Xoan một tình yêu đặc biệt. Chúng tôi hy sinh nhiều thứ để gìn giữ hát Xoan. Tuy nhiên, vẫn rất mong hát Xoan và các nghệ nhân tham gia thực hành trình diễn hát Xoan được quan tâm hơn nữa. Hiện, đời sống của chúng tôi vẫn đang gặp nhiều khó khăn và nếu có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía tỉnh, thành phố thì chúng tôi sẽ toàn tâm toàn ý cho hát Xoan hơn", kép Xoan Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Số hóa di sản để đi ra thế giới

Với mong muốn đóng góp sức mình vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị hát Xoan, lan tỏa ra cộng đồng, đặc biệt là trên không gian mạng để nhiều người có thể tiếp cận các bài Xoan chuẩn mực, thưởng thức hoặc khai thác làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu hay các mục đích khác, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng các cộng sự đã thực hiện dự án "Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan".

Dự án được lên kế hoạch từ năm 2022, thực hiện trong năm 2023 và được ra mắt đúng dịp mùa xuân Giáp Thìn trên kênh YouTube "Dân ca & nhạc cổ truyền" do nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long sáng lập và vận hành nhằm tôn vinh những giá trị âm nhạc quý báu của dân tộc. Đây như một hoạt động hướng tới ngày Giỗ Tổ Vua Hùng mồng 10 tháng 3 âm lịch năm 2024.

Dự án mang đặc trưng của thời đại số, với mục đích giới thiệu và lan tỏa hát Xoan trên không gian mạng, ngay từ thời điểm đầu dự án đã được thực hiện với những tiêu chí phù hợp đặc điểm này. Cũng vì thế, dự án tập trung vào giá trị thực nhất có thể, cả trong âm nhạc cũng như phần hình ảnh. Trong khi, bên cạnh phần chính là âm nhạc với 16 bài Xoan bao gồm 3 bài thuộc Chặng hát thờ và 13 bài thuộc Chặng quả cách, phần nội dung còn có thêm một clip được gọi tên là "Về đất Tổ nghe Xoan" ghi lại cuộc trò chuyện giữa MC - biên tập viên Hoàng Chung với các nghệ nhân Phường Xoan Thét - đối tượng chính của dự án, đồng thời có sự tham gia của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long. Việc có thêm một clip ghi lại cuộc trò chuyện gần gũi và dân dã góp phần hé mở cánh cửa cho những ai yêu hát Xoan có thể tiếp cận dễ dàng hơn với Xoan, hiểu thêm về Xoan.

Tất nhiên, với tên gọi “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” thì trọng tâm của dự án chính là phần nội dung âm nhạc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long: "Hát Xoan chia thành 3 chặng hát chính là hát thờ, hát quả cách và hát hội. Trong đó, hát quả cách được coi là chặng hát trung tâm. Có tất cả 13 quả cách (cách gọi riêng của nghệ thuật này, tương ứng với 13 bài). Đây là những bài được hát ở không gian bên trong đình, miếu thuộc 4 phường Xoan gốc.

Ở dự án này giới thiệu toàn bộ 13 quả cách Hát Xoan cùng 3 bài hát thờ gồm: “Nhập tịch mời vua”, “Thơ nhang” và “Đóng đám”. Toàn bộ những bài này được nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường thực hiện phần thu âm theo cách dân dã nhất, gần gũi nhất. "Thu âm hát Xoan cần những âm thanh mộc nhất, tạo cho khán giả cảm giác như được nghe trực tiếp các nghệ nhân hát, đó là mong muốn của chúng tôi khi thực hiện dự án này", Phan Thanh Cường chia sẻ.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ, mối nhân duyên của anh với hát Xoan đã kéo dài hơn 10 năm. Trong suốt thời gian ấy, dù không thường xuyên nhưng anh vẫn lặng lẽ đồng hành cùng các phường Xoan tôn vinh và quảng bá di sản âm nhạc độc đáo này. Anh cũng từng thực hiện một số dự án đáng nhớ cho hát Xoan như thực hiện bộ 2 DVD "Hát Xoan Phú Thọ - 26 bài Xoan cổ".

Lần này, vì tình yêu với di sản âm nhạc cổ truyền, anh tiếp tục thực hiện dự án với mong muốn, một di sản quý giá của ông cha sẽ lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng thời đại số.

Việt Hà
.
.