Hát xoan nhìn từ truyền thuyết, nhìn từ hôm nay

Thứ Bảy, 28/03/2020, 08:07
Về nguồn gốc thì hầu hết các truyền thuyết được văn bản hoá gần như thống nhất cho rằng Hát Xoan ra đời từ thời Vua Hùng. Ý nghĩa của vấn đề thì cần nhiều hướng, nhiều cách tiếp cận khác nhau.


Truyền thuyết (1) phổ biến nhất (làng Phù Đức xã Kim Đức - Việt Trì) kể, từ thời Vua Hùng dựng nước, một ngày 13 tháng Chạp, ba anh em họ Hùng đi tìm nơi mở kinh đô qua thôn Phù Đức và An Thái thì dừng chân nghỉ trưa tại một khu rừng. Họ thấy một đám mục đồng chơi các trò đánh vật, kéo co và múa hát với lời ca và giai điệu vừa vui nhộn vừa tình tứ.

Ba người thấy thế bèn dạy thêm chúng một số lời và điệu mới. Từ đấy, hàng năm vào ngày này, dân làng làm bánh nẳng (cúng buổi trưa) và mổ bò làm thịt (cúng buổi chiều) để tưởng nhớ công lao các Vua Hùng. Vào ngày mùng 2 và 3 tháng giêng, dân làng mở hội cầu Đức Thánh Cả (Vua Hùng thứ Nhất) mong được "Dân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt". Trong hội chủ yếu là diễn lại cảnh hát xướng minh họa các điệu ca lời múa Vua Hùng đã dạy.

Truyền thuyết (2) kể (ở làng Cao Mại - Lâm Thao) vào cữ xuân, vợ Vua Hùng mang thai tới kỳ "mãn nguyệt khai hoa" mà chưa đẻ được. Một hầu nữ hiến kế: Mời nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi về "biểu diễn" có thể làm đỡ đau và dễ đẻ.

Hát múa điệu "Mời rượu".

Quả nhiên được xem/nghe những lời hát mới lạ, những điệu múa mê hoặc, vợ Vua Hùng như quên đau mà sinh hạ một lúc ba người con trai. Vua Hùng vui mừng khôn xiết hết lời khen ngợi Quế Hoa và truyền các mỵ nương (con gái) học các điệu múa hát ấy, vua gọi là Hát Xuân. Về sau kiêng tên huý của một người con gái Vua Hùng có tên Xuân Nương mà gọi chệch là Hát Xoan.

Một truyền thuyết khác (3) kể (cũng ở làng Cao Mại): Công chúa Nguyệt Cư (con Vua Hùng) từ lúc lọt lòng mẹ cứ khóc hoài mà không ai dỗ được. Đến năm ba tuổi, một hôm được nghe dân làng An Thái hát thì công chúa tự nhiên hết khóc. Đến khi lấy chồng có thai đã lâu nhưng khi đi nghe Hát Xoan thì chuyển dạ. Những người hầu phải chạy thật nhanh về cung để kịp sinh. Từ đó làng Cao Mại có tục "chạy kiệu" trong hội Hát Xoan...

Truyền thuyết (4) ở làng Hương Nộn (Tam Nông) kể nữ tướng Xuân Nương cùng Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đuổi quân nhà Hán. Một lần vào dịp xuân dẫn quân qua làng Hương Nộn thấy điệu múa lạ, lời hát hay Bà bèn cho quân lính học. Từ đó để tưởng nhớ người anh hùng có công với nước, làng tổ chức Hát Xuân. Vì tên bà là Xuân Nương nên đổi chệch là Hát Xoan.

Gần gũi với các truyền thuyết Hát Xoan trên là truyền thuyết về "Bách nghệ khôi hài" (một trăm trò vui) kể: Mỵ nương Ngọc Hoa lấy Sơn Tinh ở trên núi Tản một lần về thăm bố mẹ ở  Phong Châu. Nàng ở ba năm mà vẫn chưa muốn về. Tản Viên phải xuống đón. Vợ chồng về tới làng Trẹo thì nàng không chịu đi nữa. Tản Viên bèn vào trong thôn tìm người khuyên giải. Người làng thấy thế bèn bày các trò vui (có cả Hát Xoan). Công chúa múa hát theo, mọi người bèn rước Ngọc Hoa lên kiệu.

Có truyền thuyết nói người sáng tạo ra hát Xoan có tên Lê Thị Xuân Nương nên người đời sau kỵ tên huý mà gọi là Hát Xoan.

Có truyện kể có người vợ Vua Hùng tên Xuân Nương nên gọi chệch là Hát Xoan.

Từ những truyền thuyết trên có thể khẳng định thời điểm ra đời của Hát Xoan có từ thời Hùng Vương, gắn liền mảnh đất cổ Phong Châu (Phú Thọ). Các truyền thuyết đều xuất phát từ vùng đất cổ này (Việt Trì, Lâm Thao, Tam Nông, Tản Viên…).

Ở truyền thuyết (1) có chi tiết đáng chú ý là "dân làng làm bánh nẳng" và "cúng vào buổi trưa". Bánh nẳng còn gọi là bánh gio, bánh tro, bánh ú làm bằng cách ngâm gạo (nếp) vào nước tro (đốt lá cây tre, lá tranh, lá dược liệu… lấy tro ngâm vào nước, còn gọi là nước nẳng) rồi gói lá đem luộc chín. Có lẽ vì thiếu muối nên đây là cách lấy muối từ tự nhiên nhờ chất muối khoáng từ tro ngấm vào gạo. Thế nên làm bánh nẳng không được cho gia vị là có ý nghĩa ấy. Còn "cúng vào buổi trưa" là cũng rõ cái ý: giữa trưa, do hoạt động nhiều nên cơ thể cần muối hơn.

Căn cứ vào nhạc điệu và lối xen chữ (đang 5,7 chữ lại có 6 chữ) vào khổ hát mà có ý kiến cho rằng Hát Xoan ra đời từ thế kỷ XV vì giống với thơ thời Nguyễn Trãi và thơ trong "Hồng Đức quốc âm thi tập" của Lê Thánh Tông. 

Có lẽ nên nhìn nhận vấn đề coi văn hoá như một dòng chảy trong quá trình tiếp biến, trao truyền từ đời trước sang đời sau. Nếu vậy có thể hình dung dòng Hát Xoan có từ thời Hùng Vương chảy đến thế kỷ XV được nhận thêm phù sa văn hoá từ thơ ca nên mang một màu sắc khác, một dáng vẻ khác. Thậm chí chảy đến thế kỷ XVI, XVII… thì tạo ra các chi lưu mới như Hát nói, Hát Quan họ…!?

Tại sao nhiều truyền thuyết gắn liền với việc sinh đẻ?

Dân số thời Hùng Vương chỉ khoảng 40,50 vạn mà nước Văn Lang đã phải đối phó với nhiều kẻ thù, lắm thiên tai nên rất cần nhân lực. Do vậy việc sinh đẻ rất được coi trọng. Nhưng "người chửa cửa mả" (tức gần với cái chết) nên con người càng quý (câu tục ngữ "Người ta là hoa đất" chắc có từ rất sớm). Nếu người phụ nữ sinh ra một con người, một sinh mệnh mới thì Hát Xoan tái sinh con người, tạo ra một con người mới lớn lao, trưởng thành hơn về tâm hồn, về tình cảm, tinh thần. Chi tiết nhờ xem múa hát mà đẻ được vừa gắn Hát Xoan với niềm vui lớn nhất của con người nhưng cái chính là ca ngợi sức chinh phục, thu phục, thuyết phục của Hát Xoan. Hay đến nỗi quên cả đau đẻ, đến mức đứa trẻ đang khóc cũng nín!

Trước đây mỗi năm có 3 cuộc Hát Xoan được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng Giêng; mồng 10 tháng 3 (ngày giỗ Vua Hùng) và mồng 10 tháng 9 (lễ thờ Vua Hùng). Xoan cổ có 14 làn điệu (quả cách) mở đầu là "Mời vua" (hát tràng mai) rồi mới đến "rãy cách", "ngâm cách"… "cài huê cách". Mỗi làn điệu có kép (nam) và đào (nữ), chỉ với hai nhạc cụ chính là trống và phách.

Mở đầu là trống và phách rồi đến đào hát kết hợp với tay múa, chân nhón, mắt hướng vào Thượng cung. Tất cả đều được diễn xướng nhịp nhàng. Trang phục truyền thống là áo tứ thân màu sậm, váy đụp và chít khăn mỏ quạ…

Hát múa điệu "Mò cá".Hát múa điệu "Mò cá".

Vì là ca hát tập thể, người đông, không gian rộng nên hát phải vang. Phải mềm mai, uyển chuyển, âm phải liền nhau, trường hơi để ngâm nga trong lời mang tính ngâm ngợi nên phải rền. Phải giọng khoẻ, trong, nền nã… Các cụ ta vẫn khuôn vào công thức: vang, rền, nền, nẩy. Như vậy có thể xếp Hát Xoan vào loại hình tổng hợp gắn bó mật thiết thơ, nhạc, múa, hoạ (màu sắc trang phục). Theo Giáo sư âm nhạc dân tộc học Trần Quang Hải, trong các thể hát của Việt Nam thì Quan Họ, Cò Lả, Trống Quân, dựa trên thang âm ngũ cung. Còn Hát Xoan có cả thang âm tam cung, tứ cung và ngũ cung.

Điệu nhạc tam cung, rất cổ, có thể là âm nhạc thời các Vua Hùng. Hát Xoan có hát, múa, thơ và có tiết tấu. Ở trong các "điệu" khác thì không có đủ hết những cái đó. Như trong Nhạc cung đình, chỉ có nhạc và múa, không có hát, đối đáp. Trong Quan Họ, chỉ có hát đối, hát đáp mà không có tiết tấu. Trong Ca Trù, chỉ có hát, đờn mà không có múa. Nhận định của Giáo sư càng cho thấy Hát Xoan ra đời từ rất sớm, đa dạng về loại hình.

Tính chất nguyên thuỷ của Hát Xoan còn giữ lại khá nhiều. Có thể là vì thời Vua Hùng tầng lớp phong kiến chưa thể hiện rõ vai trò quyền uy với những luật lệ, tín điều hà khắc. Đặc tính của văn hoá là rất mềm dẻo và linh hoạt nên sau này các chế độ phong kiến rất khó thay đổi, chỉnh sửa. Nhờ thế mà nội dung và hình thức của Hát Xoan phóng khoáng, dân chủ, bình đẳng và bình dân hơn nhiều các loại hình nghệ thuật khác.

Kết lại bài viết xin chứng minh lời ca giống nhau về nội dung của dân ca Quan Họ Bắc Ninh và Hát Xoan Phú Thọ.

Một làn "Mời rượu" của Hát Xoan: "Tay nâng chén muối (ối a) ố mấy gừng (gừng đĩa gừng)/ ố mấy rằng gừng cay, gừng cay muối mặn/ (ối a) ố mấy đừng (đừng xin đừng) xin đừng quên nhau (ố mấy ru tình ru, ố mấy ta ru hời)…".

Một lời hát của Quan họ Bắc Ninh: "Tay nâng đĩa muối i ì í i i í đĩa í i gừng/ ố rằng gừng cay í i, gừng cay muối mặn i ì í i i í/ xin í i đừng, xin đừng quên nhau i ru i ì hời...".

Thời Vua Hùng có tục lấy nắm đất và gói muối làm vật tượng trưng cho hôn nhân. Rất có thể "Mời rượu" của Hát Xoan có trước lời hát Quan Họ. Quan Họ cũng chịu ảnh hưởng từ Hát Xoan?

Nguyễn Thanh Tú
.
.